Thủy tổ của Bitcoin: Tiền đá bên đường

HOÀNG THI 22/03/2021 18:05 GMT+7

TTCT - Cơ chế hoạt động của Bitcoin, đồng tiền mã hóa đang khiến thế giới điên đảo, là một sổ cái điện tử siêu bảo mật để ghi chép và xác thực các giao dịch, nhưng đồng tiền dựa vào sổ cái đầu tiên trên thế giới lại nằm ở Yap, một hòn đảo nhỏ bé nay thuộc Liên bang Micronesia (Nam Thái Bình Dương).

 
 Một “gia tài” đồng Rai nằm chỏng chơ trên đảo Yap. Ảnh: ĐH Oregon

Cách đây 500 năm, dân Yap vượt sóng qua hàng trăm cây số, tìm đến quần đảo Palau khai thác đá vôi, vật liệu để đục đẽo thành các khối tiền khổng lồ, gọi là Rai. Hình thù mỗi khối Rai như những chiếc đĩa cực lớn (đường kính có thể lên đến 3,5m), ở giữa được khoét lỗ cho dễ di chuyển. Một khi được đưa về đảo Yap, những đồng tiền Rai thường được đặt cố định ở những nơi công cộng, như thể tác phẩm điêu khắc trang trí cho phố phường.

Tiền Rai của ai thì cứ để bất di bất dịch bên lề đường hoặc xó xỉnh nào đó, chả cần mang về vườn nhà, trói dây buộc xích, hay sắm rương hòm ngày đêm khóa kín. Thậm chí có khi một đồng Rai qua ba đời mua đi bán lại mà vẫn nằm ở nhà người chủ đầu tiên. Ấy vậy mà tiền đá Rai vẫn lưu thông trong nhiều hoạt động mua bán hàng hóa, dịch vụ của cư dân.

Mấu chốt nằm ở chỗ toàn bộ cư dân cùng thống nhất giá trị của đồng tiền, và mọi trao đổi, mua bán bằng Rai đều được ghi chú và công khai. Theo định kỳ, người đứng đầu đảo Yap sẽ thông báo về những thay đổi quyền sở hữu của từng đồng Rai cho người dân, để mọi người cùng biết ai đang nắm giữ, số lượng bao nhiêu, giá trị giao dịch ra sao và những hoạt động trao đổi hàng hóa thời gian qua như thế nào?

Vì vậy, Rai về bản chất chỉ mang ý nghĩa tượng trưng, nên chuyện cất giữ các khối đá to tướng này không được gì. Bởi vì giá trị của Rai đã được cả đảo đồng thuận, và lịch sử lưu thông của các đồng tiền cũng lưu hết trong “sổ cái”, có điều chẳng phải viết trên giấy, khắc trên cây, mà hoàn toàn là truyền miệng.

Hệ thống sổ cái truyền miệng của đồng Rai trên đảo Yap, và sự tương đồng đáng ngạc nhiên của nó với đồng tiền kỹ thuật số Bitcoin của thế kỷ 21, được trình bày trong một bài báo khoa học do Scott Fitzpatrick và Stephen Mckeon, hai nhà khảo cổ học tại ĐH Oregon (Mỹ), công bố trên tập san Journal of Economic Anthropology năm 2019.

 
 Đồng Rai trên đảo Yap. Ảnh: ĐH Orgegon

Theo hai nhà khoa học này, sổ cái truyền miệng ở Yap ghi chi tiết “quá khứ” của từng khối tiền đá, các giao dịch và người đang nắm giữ cuối cùng, tương tự như hệ thống blockchain trong Bitcoin. Các máy tính trong blockchain (gọi là node) giữ một bản sao của “sổ cái”, nhằm xác thực và chuyển tiếp các giao dịch mới của Bitcoin. 

Chiếu theo đó, mỗi cư dân đảo Yap cũng chính là một node trong hệ thống blockchain của đồng Rai, bởi chính họ là người xác nhận, lan truyền và lưu giữ thông tin về các giao dịch đá Rai, chỉ có điều không bằng thuật toán mà bằng… miệng.

Một điểm tương đồng khác là cả hai đồng tiền Rai và Bitcoin đều có tính phi chính thức, đồng nghĩa người dân tự tạo ra và tự trao đổi mà không cần bên trung gian nào can thiệp. Ngoài ra, để có những đồng Rai mới, dân đảo Yap buộc phải bỏ công sức, thời gian từ lúc khai thác đá đến khi chế tác thành công khối tiền.

Đồng Rai vì thế đính kèm ý nghĩa “lưu trữ sức lao động” của chủ sở hữu. Tương tự, cư dân hiện đại ngày nay không dùng sức mà dùng tiền bạc đổ vào máy móc, dùng sức mạnh điện toán máy tính “đào” Bitcoin. Cả Rai và Bitcon đều có số lượng hữu hạn. Với Rai, sự giới hạn phụ thuộc vào nguồn tài nguyên đá vôi ở Palau, trong khi trên lý thuyết số Bitcon tối đa có thể “đào” là 21 triệu.

Nhưng tất nhiên, giữa một thứ tiền tệ cổ xưa và hữu hình với đồng tiền ảo của thời hiện đại phải có ít nhiều khác biệt. Bitcon có thể được chia thành các đơn vị nhỏ đến 100 triệu lần nhưng Rai thì không, do chẳng thể chẻ nhỏ các khối đá khổng lồ.

Chơi Bitcoin, người nắm giữ tiền có thể ẩn danh, ngược lại ở mô hình đảo Yap, mọi giao dịch được công khai bằng tên thật của những người tham gia. 

Cuối cùng, giá Bitcoin dù nhảy múa thế nào thì số tiền sở hữu của mỗi người cũng dựa trên đúng giá trị đó, còn mỗi đồng Rai lại được cộng đồng định giá khác nhau, tùy vào kích thước và cả độ thẩm mỹ của chúng.

Theo Fitzpatrick, không rõ liệu nhân vật Nakamoto Soshati bí ẩn - người thường được xem là “cha đẻ” của Bitcoin - có từng dựa vào cách vận hành của các loại tiền cổ như Rai để thiết kế Bitcoin hay không, song kết quả mà nhóm thu được củng cố lập luận rằng quả thật Bitcoin có tính kế thừa từ đồng tiền cổ xưa ở một xứ sở xa xôi nhiều thế kỷ trước.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận