Tiền ảo, tốn điện thật

LÊ MY 02/04/2021 06:05 GMT+7

TTCT - Cái đáng lo hơn về tiền mã hóa (cryptocurrency) nói chung và cryptoart nói riêng không phải là nó có phải là bong bóng đầu cơ chờ vỡ hay sự phi lý của việc tiêu tiền hay không, mà là một vấn đề hiển hiện trước mắt: sự lãng phí năng lượng, mà cụ thể là điện năng, của các hệ thống xương sống cho công nghệ bán mua này.

 
 Minh họa: Shutterstock

Chẳng thể ngờ những đồng tiền hay tác phẩm mỹ thuật chỉ tồn tại ở dạng kỹ thuật số lại có dây mơ rễ má đến sức sống của cả một hành tinh. Tranh cãi đang nổ ra về tác động của công nghệ mã hóa - liên quan đến dùng năng lực điện toán để “đào” tiền ảo - lên môi trường.

Phe phản đối lo rằng tiền ảo đến cuối cùng sẽ đảo ngược tất cả nỗ lực của chúng ta nhằm giảm thiểu biến đổi khí hậu. Trong khi đó, phe ủng hộ cũng đang làm việc chăm chỉ để “lấy điểm”, dựng lên những kịch bản xanh được tiếp sức bởi chính các đồng tiền như Bitcoin hay Ethereum.

Hiện đại mà hại điện

Cách đây 2 năm, Joanie Lemercier - nghệ sĩ người Pháp nổi danh với những tác phẩm đánh đố nhận thức của con người về ánh sáng - quyết định trở thành một nhà hoạt động môi trường. Lemercier tham gia biểu tình phản đối việc khai thác than đá, chiếu tia laser lên các máy xúc đất và các văn phòng chính phủ nhằm biến nghệ thuật thành công cụ vận động.

Anh cũng khắt khe hơn với chính mình và đã giảm được 10% năng lượng sử dụng mỗi năm, liên quan đến hệ thống sưởi ấm ở studio, máy vi tính và hàng chục chuyến bay đến các triển lãm trên khắp thế giới.

Thế nhưng cách đây vài tháng, chỉ bằng một sự kiện kéo dài vài phút ngắn ngủi, mọi nỗ lực của anh đã bị xóa bỏ. Đó là lần đầu tiên Lemercier bán tác phẩm của mình theo hình thức NFT. Buổi đấu giá trên trang web Nifty Gateway trong tích tắc đã mang về cho Lemercier hàng ngàn đôla, tiêu tốn 8,7 megawatt giờ (MWh) năng lượng để toàn bộ hệ thống blockchain vận hành và có được giao dịch trên. Tạp chí Wired bình luận rằng con số đó tương đương hai năm sử dụng điện trong studio của Lemercier. Chưa kể các tác phẩm còn được bán đi bán lại “ngốn” thêm lượng điện của một năm nữa.

Nhiều nghệ sĩ kỹ thuật số, nhờ sự bùng nổ của NFT, đã trở thành triệu phú (tiền mã hóa) chỉ sau một đêm và dấu chân carbon (lượng khí nhà kính phát sinh bởi từng hành động của chúng ta) cũng ngày càng phình to. Các nghệ sĩ, trong đó có Lemercier, dường như không lường được hệ quả này và các nền tảng để giao dịch NFT có vẻ không buồn cảnh báo họ.

Hiện nay, các thị trường chủ đạo trong buôn bán NFT giao dịch thông qua Ethereum, một loại tiền mã hóa như Bitcoin, nghĩa là cũng được “đào” bằng cách sử dụng các hệ thống máy tính cấu hình khủng, ngốn điện, để giành chiến thắng trong cuộc chạy đua mã hóa để được “thưởng” thêm tiền mới.

Nếu ta xem Bitcoin là một đất nước thì tổng lượng điện nó tiêu thụ trong một năm xếp hạng 27 trên thế giới, vượt qua quốc gia 10 triệu dân Thụy Điển, theo số liệu ngày 22-3 của công cụ Chỉ số tiêu thụ điện Bitcoin của ĐH Cambridge (Anh).

Cũng theo trang này, nếu xét về lượng khí thải CO2, một giao dịch Bitcoin duy nhất cũng gây ô nhiễm tương đương với 680.000 giao dịch Visa hoặc 51.210 giờ xem YouTube.

Tạo đà cho năng lượng sạch?

Dân ủng hộ tiền kỹ thuật số lại nghĩ khác. Một số chỉ ra rằng hệ thống tài chính hiện tại với hàng triệu nhân viên và máy tính trong các văn phòng máy lạnh cũng hại điện chẳng kém, chớ đổ vấy cho Bitcoin.

Yves Bennaim, người sáng lập 2B4CH - một tổ chức tư vấn về tiền điện tử tại Thụy Sĩ, tin rằng khi Bitcoin nở rộ, sẽ có nhiều động lực hơn để đầu tư vào các nguồn năng lượng tái tạo. Trên thực tế, từ Tây đến Đông, nhiều ý tưởng đang được triển khai nhằm cố gắng tách việc “đào tiền” khỏi nhiên liệu hóa thạch (dùng để phát điện), hoặc ít nhất là “bù qua sớt lại” để lượng CO2 thải ra nhìn chung thấp hơn… nhờ ơn tiền ảo. Trong đó, thủy điện đang được ưa chuộng.

SJ Oh, một cựu nhà buôn Bitcoin hoạt động tại Hồng Kông và (tự nhận là) một “người ôm cây” - tức yêu môi trường, nhận thức được rằng tình yêu cây cối và môi trường của mình có phần mâu thuẫn với công việc. Vì vậy, SJ Oh đã đồng sáng lập Pow.re, một công ty điều hành các hoạt động khai thác Bitcoin thân thiện môi trường ở vùng cận Bắc Cực của Canada. Máy móc của Pow.re chạy bằng thủy điện, song song là kế hoạch sử dụng lượng nhiệt năng tỏa ra các “máy đào” để phục vụ nông nghiệp địa phương, sưởi ấm và các nhu cầu khác, theo Reuters.

Tại Vườn quốc gia Virunga của Cộng hòa Dân chủ Congo, những người “đào tiền” đang được chào mời giá điện “rẻ hơn 80% địa bàn khai thác Bitcoin còn lại trên thế giới” và 100% năng lượng sạch được sản xuất bởi một nhà máy thủy điện do Liên minh châu Âu tài trợ. Ban đầu, nhà máy này mang sứ mệnh giúp người dân địa phương có kế sinh nhai, từ bỏ việc săn bắn và vào rừng lấy gỗ.

 
 Dàn máy đào bitcoin ở Bắc cực. Ảnh: Andrey Rudakov/Bloomberg

Khó có “tiền ảo xanh”

Hồi đầu tháng 2, Hãng xe điện Tesla tiết lộ rằng họ đã mua vào 1,5 tỉ đôla Mỹ giá trị Bitcoin và sẽ sớm chấp nhận loại tiền này trong các giao dịch mua bán ôtô. Cùng thời gian đó, ông chủ Tesla là Elon Musk - tên tuổi gắn với công nghệ phát thải carbon thấp - đã treo thưởng 100 triệu USD cho các phát minh có thể thu hồi khí CO2 từ bầu khí quyển hoặc đại dương. Hai nước đi đầy mâu thuẫn này khiến không ít người yêu môi trường vừa giận vừa thương tỉ phú công nghệ.

Một số chuyên gia về phát triển bền vững lý giải chuyện các tập đoàn lớn tham gia thị trường tiền điện tử theo hướng tích cực: dù ban đầu sẽ tốn tài nguyên nhưng cuối cùng sẽ tạo ra các động lực để sản xuất “Bitcoin xanh”, theo nghĩa tiền kỹ thuật số được đào bằng phương pháp xanh sạch. Ngoài ra, các hãng nhà giàu này cũng có thể mua tín dụng carbon để bù đắp cho môi trường.

Peter Howson, giảng viên cao cấp tại ĐH Northumbria, Newcastle (Anh) thì không mấy lạc quan. Viết trên The Conversation, Howson chỉ ra rằng các thợ đào tiền ảo sẽ luôn sử dụng phương án rẻ nhất để tối đa hóa lợi nhuận. Ngoài ra, cũng không thể trao thưởng cho những cá nhân “đào tiền” bằng năng lượng tái tạo vì rất khó xác định ai đã dùng năng lượng nào. Một Bitcoin dù được đào kiểu gì thì vẫn sẽ là một Bitcoin, khó mà có chuyện đồng tiền “xanh sạch” cao giá hơn đồng tiền… “bẩn”. Quan trọng hơn cả, các loại tiền ảo như Bitcoin hay Ethereum thành công một phần vì tính chất phi tập trung, không bị chính phủ hay ngân hàng trung ương quản lý. Sự phân quyền đó đồng nghĩa với việc không có nhà lãnh đạo hoặc cơ quan nào có thể buộc tất cả những ai đang sử dụng Ethereum chuyển sang một hệ thống mới dù hiệu quả hơn.

Với việc Bitcoin vẫn ngự trị “ngai vàng” trong thế giới tiền ảo, có vẻ tác động môi trường của loại tiền tệ này chỉ có khả năng tăng lên trong tương lai gần. Trong lúc chờ đợi tin tốt lành, Lemercier đã tự thỏa hiệp: hệ thống sưởi tiêu tốn nhiều năng lượng nhất trong studio, vì vậy một phần tiền thu được từ thương vụ NFT sẽ được đầu tư để cách nhiệt căn phòng tốt hơn.■

Dữ liệu từ Trung tâm Tài chính thay thế của ĐH Cambridge cho thấy Trung Quốc chịu trách nhiệm cho khoảng 70% hoạt động “đào” Bitcoin. Tuy nhiên, nước này có xu hướng sử dụng năng lượng tái tạo (chủ yếu là thủy điện) trong những tháng hè có mưa và phụ thuộc nhiên liệu hóa thạch (chủ yếu là than) trong thời gian còn lại của năm.

Alex De Vries, người sáng lập trang nghiên cứu và thông tin kinh tế Digiconomist nói với Reuters: “Sản xuất năng lượng tái tạo cực kỳ biến động, nó không phải là lựa chọn lý tưởng để trở thành nguồn năng lượng ổn định. Vấn đề là những người “đào tiền” trụ lâu nhất sẽ là những người sử dụng nhiên liệu hóa thạch rẻ tiền, đơn giản vì nó là nguồn rẻ nhất và ổn định hơn cả”.

Dự án phục vụ 50.000 dàn máy “đào” Bitcoin ở Kazakhstan là một ví dụ rõ ràng về thực tế sử dụng nhiên liệu hóa thạch được châm ngòi bởi hoạt động tiền ảo. Một quốc gia sẵn có nhiên liệu hóa thạch sẽ tìm cách sử dụng các nguồn tài nguyên đó nhiều hơn nữa chứ không phải ít hơn.

Phát thải carbon không phải là vấn đề duy nhất của việc “đào” tiền mã hóa. Nếu năm 2011, các “thợ đào” chỉ cần một máy tính xách tay trung bình là tham gia được, thì ngày nay họ phải đầu tư vào các siêu máy tính với phần cứng chuyên dụng có tên gọi tắt là ASIC.

Chỉ có những ASIC mạnh nhất mới có thể giúp chủ nhân của nó giành chiến thắng trong cuộc đua “đào tiền”. Nhưng vấn đề là cứ 18 tháng thì lại có các phiên bản ASIC mạnh hơn và những thiết bị hiện có sẽ lỗi thời và ngay lập tức trở thành rác thải điện tử vì không được thiết kế cho mục đích nào khác.

Theo trang Digiconomist, Bitcoin tạo ra khoảng 10.650 tấn chất thải điện tử mỗi năm, tương đương với lượng rác điện tử của Luxembourg. Con số đó thậm chí chưa tính đến các thiết bị khác như hệ thống tản nhiệt. Trên toàn cầu, chỉ có 20% tổng số rác thải điện tử được tái chế, phần còn lại được đưa đến các bãi chôn lấp.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận