Trẻ con ngồi trước màn hình: Bao lâu thì đáng giật mình?

YÊN LAM 12/05/2019 04:05 GMT+7

TTCT - Một thế hệ trẻ con đang lớn lên với TV chỉ là một trong những màn hình mà chúng tiếp xúc, vì còn có smartphone và máy tính bảng. Screen time - thời gian trẻ tiếp xúc với màn hình - bao nhiêu thì không ảnh hưởng sức khỏe là mối quan tâm hàng đầu của phụ huynh thời đại số.

Trẻ em ngày nay rất dễ dán mắt vào màn hình thiết bị di động mọi lúc mọi nơi. Nguồn: NPR
Trẻ em ngày nay rất dễ dán mắt vào màn hình thiết bị di động mọi lúc mọi nơi. Nguồn: NPR

Trong bối cảnh nhiều nghiên cứu đã đưa ra cảnh báo về tác động của việc tiếp xúc với màn hình điện tử quá thường xuyên lên sự phát triển của trẻ, đặc biệt là não bộ, hôm 24-4, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) lần đầu tiên đưa ra các khuyến nghị về hoạt động thể chất, hành vi thụ động và chất lượng giấc ngủ cho trẻ em, trong đó vấn đề thời gian tiếp xúc với màn hình là một trong những trọng tâm.

Càng ít càng tốt

Theo WHO, trẻ em dưới 5 tuổi cần “ngồi ít lại, chơi nhiều hơn”, tức phải dành ít thời gian ngồi một chỗ trước màn hình, phải được ngủ tốt hơn và có nhiều thời gian chơi đùa, vận động - nếu muốn lớn lên khỏe mạnh.

Cụ thể, trẻ sơ sinh dưới 1 tuổi và trẻ 1 tuổi không nên tiếp xúc với bất kỳ màn hình nào, trong khi đó trẻ 2, 3, và 4 tuổi chỉ được tiếp xúc với màn hình không quá một tiếng/ngày, ít hơn càng tốt. Với trẻ dưới 5 tuổi nói chung, WHO khuyên thời gian các bé buộc phải “thụ động” (nằm hoặc ngồi xe nôi, xe đẩy), cha mẹ hay người chăm sóc có thể đọc sách hoặc kể chuyện cho bé nghe thay vì cho xem điện thoại hay TV.

Con số không quá một giờ xem màn hình mỗi ngày do WHO khuyến nghị không khác so với đề nghị của một số tổ chức hay nhóm nghiên cứu khác. Chẳng hạn, Viện hàn lâm Nhi khoa Hoa Kỳ (AAP) trước đây khuyến cáo trẻ em và tuổi vị thành niên không nên xem TV quá 2 giờ mỗi ngày.

Khi smartphone và iPad bắt đầu phổ biến, AAP hiện đã cập nhật lại khuyến nghị: trẻ dưới 18 tháng không nên tiếp xúc với màn hình, trẻ từ 2-5 tuổi không xem quá một tiếng mỗi ngày, và đặc biệt, tất cả các hoạt động ngồi trước màn hình đều nên có người lớn cùng tham gia.

Trong khi đó, Hiệp hội Nhi khoa Canada năm 2017 đưa ra khuyến cáo trẻ dưới 2 tuổi không nên tiếp xúc với màn hình, còn trẻ từ 2-5 tuổi chỉ nên xem một giờ mỗi ngày. Tổ chức này cũng khuyến khích trẻ tránh tiếp xúc màn hình ít nhất một tiếng trước khi đi ngủ.

Không phải ngẫu nhiên mà các tổ chức khác nhau lại có cùng chung khuyến cáo như vậy. Một nghiên cứu đăng trên tập san JAMA Pediatrics hồi tháng 1-2019 cho thấy thời gian tiếp xúc với màn hình càng cao thì các chỉ số phát triển quan trọng của trẻ (gồm kỹ năng giao tiếp và giải quyết vấn đề, tương tác xã hội) càng kém đi.

Tác giả nghiên cứu Sheri Madigan và đồng sự đã khảo sát 2.441 bà mẹ và trẻ em từ 2-5 tuổi. Những người mẹ sẽ cung cấp thông tin về thời lượng tiếp xúc với màn hình TV và máy tính của con mình, cũng như sự phát triển các kỹ năng nói trên. Dữ liệu được thu thập khi các bé 2 tuổi, và tiếp tục khi các bé lên 3 và 5 để so sánh.

Nhóm của Madigan, hiện là phó giáo sư tâm lý học ĐH Calgary (Canada), nhận thấy trung bình các em tham gia nghiên cứu dành từ 2-3 giờ trước màn hình mỗi ngày, tức gấp 2-3 thời lượng khuyến nghị, từ đó dẫn đến việc giảm sút các chỉ số phát triển quan trọng.

Kết quả nghiên cứu này một lần nữa củng cố cảnh báo của chuyên gia về tác hại của việc tiếp xúc với màn hình quá nhiều lên trẻ em, khi não các em vẫn trong giai đoạn phát triển và xây dựng các liên kết về thông tin.

“Ngồi trước màn hình quá nhiều sẽ tước mất cơ hội học điều mới và phát triển của các em - Madigan nhận xét - Khi mải mê xem TV nghĩa là trẻ mất đi một dịp đi dạo, trò chuyện hay tương tác với người khác”.

Một nghiên cứu công bố vào tháng 12 năm ngoái của Viện Y tế quốc gia Hoa Kỳ (NIH) cho thấy thời gian tiếp xúc với màn hình thực sự có tác động lên phát triển não của trẻ em. Chẳng hạn, trẻ em tiếp xúc với màn hình hơn 2 giờ mỗi ngày thường đạt điểm thấp hơn trong các bài kiểm tra tư duy và ngôn ngữ so với trẻ xem TV hay điện thoại ít hơn.

WHO khuyến cáo trẻ em nên tránh tiếp xúc với màn hình càng nhiều càng tốt. Nguồn: VOX
WHO khuyến cáo trẻ em nên tránh tiếp xúc với màn hình càng nhiều càng tốt. Nguồn: VOX

Ảnh hưởng khi trưởng thành

“Tăng vận động, giảm thời gian thụ động và đảm bảo chất lượng giấc ngủ ở trẻ nhỏ sẽ tăng cường sức khỏe thể chất lẫn tinh thần cho trẻ, ngăn các bệnh béo phì lúc nhỏ và các bệnh liên quan khi trẻ lớn lên” - TS Fiona Bull, giám đốc chương trình giám sát và phòng ngừa các bệnh không truyền nhiễm của WHO, nhận xét.

Cảnh báo này không thừa. Theo nghiên cứu của ĐH Montréal (Canada) công bố trên tập san khoa học Pediatric Research hồi tháng 12-2018, trẻ em “dính chặt” vào màn hình khi còn rất nhỏ sẽ có nguy cơ gặp các vấn đề về cảm xúc, tâm lý và thể chất khi bước vào tuổi teen (từ 13 tuổi).

Các nhà nghiên cứu đã theo dõi gần 2.000 bé trai và bé gái từ khi 4 tuổi cho đến khi đối tượng nghiên cứu lên 12-13, và nhận thấy lúc bé xem TV càng nhiều thì nguy cơ trầm cảm, kỹ năng giao tiếp kém, chế độ ăn uống không tốt cho sức khỏe và bị thừa cân sẽ cao hơn các bé ít dính chặt vào màn hình hơn.

Điều đáng chú ý là nghiên cứu chỉ thực hiện với một màn hình duy nhất là chiếc TV, trong khi thời nay còn có nhiều loại màn hình khác. Nguy cơ có thể sẽ lớn hơn, vì trẻ chỉ có thể xem TV khi ở nhà, còn với các thiết bị di động ngày nay, có thể xem mọi lúc mọi nơi, và vì thế thời gian “dán mắt” vào màn hình cũng tăng.

Nghiên cứu của ĐH Montréal cho rằng khi trẻ mải mê xem TV, chúng sẽ thụ động hơn, ít để ý đến việc ăn uống và không còn thời gian để tham gia các hoạt động tốt cho phát triển tư duy, nhận thức, cảm xúc, và các kỹ năng giao tiếp, xã hội.

Tuy nhiên, tất cả các nghiên cứu về tác động của việc tiếp xúc với màn hình lên sức khỏe và sự phát triển của trẻ em đều nhấn mạnh các phát hiện ghi nhận được chỉ là kết quả tương quan (correlation) chứ không phải là nguyên nhân - hệ quả.

Trẻ em tiếp xúc với màn hình nhiều thường có nguy cơ gặp các vấn đề về sức khỏe, nhưng chưa có bằng chứng cho thấy xem điện thoại hay TV nhiều là nguyên nhân chính gây ra các vấn đề đó, hay còn các yếu tố khác. Vì thế, các nhà nghiên cứu nhấn mạnh vẫn cần có thêm nhiều nghiên cứu trong lĩnh vực này, nhưng trước mắt có thể làm theo khuyến cáo của WHO: trẻ nhỏ càng ít tiếp xúc với màn hình chừng nào càng hay chừng ấy.■

Mỗi nhà mỗi cảnh

Tại Anh, hướng dẫn kiểm soát thời gian tiếp xúc màn hình của trẻ em do Hội Nhi khoa và sức khỏe trẻ em hoàng gia công bố hồi đầu năm 2019 không đưa ra giới hạn cụ thể, khuyến khích áp dụng chung cho tất cả trẻ em, mà chỉ khuyên phụ huynh nên dựa vào hoàn cảnh, độ tuổi của con mình mà tự quyết định cho chúng.

Không phải mọi “màn hình” đều xấu

Theo tạp chí Slate, các khuyến cáo về thời gian trẻ tiếp xúc với màn hình cần được đánh giá cùng với các yếu tố khác, chẳng hạn nội dung mà trẻ xem. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra các nội dung video được thiết kế cho mục đích giáo dục có thể giúp trẻ em, đặc biệt ở tuổi rất nhỏ, học được điều mới và tập giao tiếp.

Chẳng hạn, các nhà tâm lý học cho biết trẻ em có thể học được từ vựng mới nhờ việc xem các trò chơi video có tính tương tác, chẳng hạn bấm vào chiếc hộp bí mật xem có gì bên trong, thay vì hình thức thụ động như ngồi yên một chỗ và xem phim hoạt hình trên YouTube.

Tương tự, nếu trẻ dùng smartphone để gọi điện video cho cha mẹ, ông bà, thì thời gian tiếp xúc với màn hình điện thoại khi đó có thể xem là hoạt động hữu ích. Ngoài ra, chính WHO cũng nhấn mạnh khuyến cáo về việc hạn chế cho trẻ tiếp xúc với màn hình của tổ chức này không phải xét về yếu tố như bức xạ từ màn hình hay ảnh hưởng đến não bộ, mà là yếu tố vận động: trẻ không nên ngồi một chỗ mà cần phải chơi đùa, vận động tay chân.

Theo Juana Willumsen, cố vấn của WHO về béo phì ở trẻ em, tổ chức này không khuyến khích trẻ ngồi hay nằm xem TV, nhưng nếu trẻ xem ca nhạc và nhảy theo thì lại không có vấn đề gì. Tương tự, xem YouTube trên máy tính bảng cả ngày là trái với khuyến cáo của WHO, song trẻ có thể cùng đọc sách với bố mẹ trên máy đọc sách hoặc gọi video cho người thân.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận