​Vào vườn tràm cứu hộ chim

TẤN ĐỨC 16/11/2014 21:11 GMT+7

TTCT - Từ nhiều năm qua, bên cạnh việc phòng chống cháy, bảo vệ rừng tràm, thì việc bảo vệ đàn chim - những “cư dân” đặc trưng của Vườn quốc gia Tràm Chim - cũng được quan tâm đặc biệt.

Chim điêng điểng non tại bãi sinh sản đang ngóng cổ chờ chim mẹ mang thức ăn về - Ảnh: Tấn Đức
Chim điêng điểng non tại bãi sinh sản đang ngóng cổ chờ chim mẹ mang thức ăn về - Ảnh: Tấn Đức

Vườn quốc gia (VQG) Tràm Chim có diện tích tự nhiên trên 7.300ha, thuộc địa phận năm xã: Tân Công Sính, Phú Đức, Phú Thọ, Phú Thành, Phú Hiệp và thị trấn Tràm Chim, huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp.

Trên những vạt rừng tràm bạt ngàn là nơi cư ngụ của 233 loài chim nước, chiếm 1/4 tổng số các loài chim được tìm thấy ở Việt Nam, với số lượng lên tới cả trăm ngàn cá thể.

Trong số này có nhiều loài quý hiếm, có tên trong Sách đỏ động vật Việt Nam hoặc thế giới như ngan cánh trắng, cốc đế, giang sen, bồ nông chân xám, già đẫy Java và đặc biệt là sếu đầu đỏ - loài chim lớn nhất trong họ hạc, có nguy cơ tuyệt chủng trên thế giới.

Duyên nợ với chim

“Mấy năm trước, chim non bị hao hụt khoảng 10% do rơi từ trên ngọn cây xuống nước khi gặp mưa dông. Từ khi lực lượng cứu hộ chim ra đời, chị Nguyễn Thị Nga cùng các anh em trong tổ, các cộng tác viên giữ rừng, với tấm lòng yêu thiên nhiên đã không quản ngại khó khăn, làm việc với tinh thần tự nguyện, tích cực tham gia các hoạt động cứu hộ, chăm sóc và đưa chim trở lại môi trường tự nhiên, góp phần giảm thiểu đáng kể tỉ lệ hao hụt đó” - ông Nguyễn Văn Hùng, giám đốc VQG Tràm Chim, nói.

Tảng sáng, lẫn trong sắc áo xanh của những kiểm lâm viên VQG Tràm Chim đang ngồi xuồng máy vào địa bàn làm nhiệm vụ, người ta thấy một phụ nữ còn khá trẻ, đầu đội chiếc nón rộng vành, lưng đeo balô, đượm vẻ phong trần. Sau gần nửa giờ tịch tang băng qua những vùng nước giăng đầy năn, lác, bông súng ma, cỏ xước..., xuồng bắt đầu chui dưới tán tràm xanh um, tiến sâu vô “ruột rừng”.

Bất chợt người phụ nữ giơ tay ra hiệu cho anh tài công tắt máy. Rất nhanh, chị với tay lấy chiếc dầm, nhẹ nhàng “móc” cho xuồng tiến sát lại đài quan sát được dựng lên bằng những ống sắt xanh màu lá cây cao dễ đến hai chục thước.

“Tới bãi chim sinh sản rồi đó. Mọi người nói chuyện nhỏ thôi, không thì lũ chim giật mình” - nói đoạn, chị bám vào chiếc thang thoăn thoắt leo lên đài quan sát. 

Chị là Nguyễn Thị Nga, 34 tuổi, kỹ sư chăn nuôi, cũng là người phụ nữ duy nhất trong nhóm cứu hộ chim tại VQG Tràm Chim. Sinh ra và lớn lên tại vùng đất bạt ngàn tràm, tới mùa nở hoa thơm ngát, cô nữ sinh Nguyễn Thị Nga đã nuôi ước mơ sau này sẽ trở thành bà chủ trại ong lớn nhất vùng.

Để biến ước mơ thành hiện thực, Nga nộp đơn thi vào chuyên ngành chăn nuôi - thú y Trường ĐH Cần Thơ. Thế nhưng khi ra trường, sau thời gian làm việc tại phòng bảo tồn VQG Tràm Chim, chị từ bỏ con ong và trở thành “bác sĩ” kiêm “điều dưỡng” của các loài chim tự lúc nào không hay.

Đôi khi, chị là “bảo mẫu” cho các chú chim non vừa chập chững tập bay, gặp mưa dông rơi từ tổ ấm trên ngọn cây xuống mặt nước, ướt ngoi ngóp. 

“Bãi chim sinh sản này rộng hơn 3ha, thuộc khu A2, dù mới hình thành cách đây hơn hai năm nhưng đã phát triển rất nhanh, hiện có hơn 10.000 tổ, trong đó khoảng 60% chim cồng cộc, còn lại là điêng điểng và một số loài khác” - chị Nga cho biết. 

Đứng trên đài quan sát, tưởng như với tay ra là chạm vào những chiếc tổ và những cái cổ ngẩng cao, vươn dài ngóng chim mẹ đem mồi về của lũ chim non điêng điểng, cồng cộc, chị Nga rành rọt kể: Từ tháng 8 đến tháng 11 hằng năm là mùa sinh sản của hai loài chim này. Đây cũng là cao điểm của mùa mưa, mùa lũ.

Đã vậy, loài cồng cộc lại có tính qua loa, bạ đâu làm tổ đó, rất sơ sài chứ không lựa mấy chảng ba chắc chắn như loài điêng điểng, nên gặp lúc mưa dông, lũ cồng cộc con hay rớt ùm xuống nước.

“Lúc đó, những anh em đang đóng chốt tại bãi chim cùng với chúng tôi lại len lỏi vô vớt chim, chăm sóc cho mạnh khỏe lại rồi thả lên cây cho chúng tự chuyền cành tìm về tổ. Gặp con nào yếu quá thì chúng tôi mang về, thay nhau làm “bảo mẫu” cho chim, tới khi chúng cứng cáp thì thả lại rừng” - nữ “bác sĩ kiêm điều dưỡng chim” nói. 

Rồi chị Nga điểm danh từng loài chim thuộc loại quý hiếm nhất, cũng như số lượng, thời gian chúng xuất hiện ở VQG Tràm Chim: bồ nông chân xám, diệc lửa, ưng xám, già đẫy Java, già đẫy lớn, choi choi lưng đen, ô tác, cú lợn lưng trâu, diều đầu trắng, diều mướp, le khoang cổ, đại bàng đen...

“Riêng loài giang sen (còn gọi là cò lạo Ấn Độ), một loài có tên trong Sách đỏ Việt Nam, năm nay đã tăng đột biến, ước số lượng hiện có trên dưới 10.000 cá thể” - chị Nga hồ hởi khoe. 

Bơi xuồng đi tìm chim non rơi khỏi tổ - Ảnh: Tấn Đức
Bơi xuồng đi tìm chim non rơi khỏi tổ - Ảnh: Tấn Đức

Chung tay, góp sức

Thành lập cách nay ba năm, tổ cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật VQG Tràm Chim có sáu thành viên, chia thành các nhóm phụ trách việc bảo tồn chim nước, thủy sản, thủy sinh vật, lớp thú và các loài lưỡng cư - bò sát.

Nhóm bảo tồn chim nước (với 233 loài, thuộc 23 chi, 49 họ) do chị Nga phụ trách, với sự hỗ trợ của lực lượng kiểm lâm địa bàn và các nhân viên giữ rừng tại các chốt bảo vệ trong khu A2. 

Tại bãi sinh sản của chim, bên cạnh đài quan sát, những người làm công việc cứu hộ chim đã dựng lên một lán trại, lúc nào cũng có hai nhân viên thay nhau túc trực ngày đêm.

“Hiệu quả của công tác cứu hộ chim là nhờ lực lượng tại chỗ này. Các anh sẽ làm nhiệm vụ sơ cấp cứu ban đầu, chăm sóc tại chỗ, chú chim nào khỏe thì thả lên các cành cây để chúng tự tìm về tổ, con nào non nớt, yếu ớt không thể sinh tồn thì chúng tôi mang về chăm sóc tới khi chúng có thể hòa nhập môi trường tự nhiên” - anh Nguyễn Văn Nghĩa, nhân viên giữ rừng đang túc trực tại lán bảo vệ bãi sinh sản của chim, cũng là một trong những cộng tác viên đắc lực của chị Nga, cho biết. 

Không chỉ cứu hộ chim non, nhóm của chị Nga còn chia nhau đi tuần, tìm những loài chim quý hiếm bị bệnh hoặc mắc câu, dính lưới của những người dân xung quanh VQG Tràm Chim để mang về chăm sóc. Việc làm đầy ý nghĩa này đã có tác động dây chuyền đến nhiều người dân địa phương.

Mới đây, một cặp vợ chồng nông dân ở xã Phú Đức, sát bên VQG phát hiện một con bồ nông chân xám nặng khoảng 3kg bị xù lông, ủ rũ sau vườn nhà đã mang tới cho nhóm cứu hộ.

“Qua thăm khám, chúng tôi biết con bồ nông này bị bệnh về đường tiêu hóa, bỏ ăn đã nhiều ngày. Sau khi được cho uống thuốc, vệ sinh cơ thể, ủ ấm, chim đã dần bình phục, đến ngày thứ tư đã có thể tự đi lại, bắt cá sống trong thau để ăn. Nhìn cảnh ấy, chúng tôi mừng muốn trào nước mắt” - chị Nga nhớ lại. 

Trước đó không lâu, nhóm cứu hộ chim cũng tiếp nhận từ người dân trong vùng một chú già đẫy Java trưởng thành, sải cánh hơn 1m, nặng hơn 4kg bị thương ở ống chân, không bay được. Sau gần mười ngày được chăm sóc đặc biệt, chú chim đã hoàn toàn bình phục, được thả ra đã cất cánh tung bay tìm đàn.

“Đây là việc làm rất có ý nghĩa trong việc bảo tồn và phát triển các loài chim quý hiếm. Sắp tới chúng tôi sẽ đề xuất tỉnh cho nâng cấp tổ cứu hộ - bảo tồn và phát triển sinh vật lên thành trung tâm, trực thuộc VQG Tràm Chim nhằm phát huy hiệu quả mô hình này” - ông Nguyễn Hoàng Minh Hải, trưởng phòng khoa học và hợp tác quốc tế VQG Tràm Chim, cho biết. 

Trên đường về, ngang qua chốt bảo vệ A2, Thanh Danh - một cộng tác viên trong nhóm bảo tồn chim - nói với theo: “Cô Nga đó à, chúng tôi vừa vớt được hai chú cồng cộc non bị rớt xướng nước, đã thả nó lên cây cho nó về nhà rồi đó hen...”! 

Một điểm bán chim di động tại ngã ba Cái Tắc, huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang - Ảnh: Tấn Đức
Một điểm bán chim di động tại ngã ba Cái Tắc, huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang - Ảnh: Tấn Đức

Trong khi hoạt động cứu hộ, chăm sóc, bảo vệ các loài chim ở VQG Tràm Chim đang phát huy hiệu quả, thì tình trạng mua bán chim mà nhiều loài trong số đó có tên trong Sách đỏ vẫn diễn ra.

Tại một số tuyến đường như quốc lộ 91, đoạn Q.Ô Môn - Thốt Nốt, TP Cần Thơ; quốc lộ 91B đoạn qua Q.Bình Thủy, TP Cần Thơ; đường tỉnh 943, đoạn từ TP Long Xuyên - huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang... thường xuyên có người bày bán các loài chim đã bị nhổ trụi lông và cả chim còn “tươi sống”.

Xôm tụ và lâu năm nhất là những điểm bán chim di động trên quốc lộ 1, đoạn gần ngã ba Cái Tắc, huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang, bán đủ loại từ cồng cộc, ốc cao, bìm bịp cho tới le le.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận