Wikipedian: những người hùng vô vụ lợi

HOA KIM 06/05/2020 06:05 GMT+7

TTCT - Những người hùng của Wikipedia không phải là những cây đại thụ trong làng học thuật mà là vô số “Wikipedian” thầm lặng - những thành viên tham gia chỉnh sửa bài viết, dò lỗi chính tả, sắp xếp các bài viết theo chủ đề, và loại bỏ các chỉnh sửa nhằm mục đích phá hoại.

Ảnh: WIRED

Các “biên tập viên” này, theo cách gọi của Wikipedia, làm việc hoàn toàn tự nguyện và không được trả công bằng vật chất, nhưng họ xem niềm vui và ý nghĩa của việc mình làm như một sự tưởng thưởng xứng đáng cho công sức bỏ ra.

Góp gió thành bão

Biên tập Wikipedia không nhất thiết phải là một công việc đao to búa lớn. Phần lớn Wikipedian chấp nhận dừng lại ở vai trò đóng góp nhỏ nhoi: theo một bài báo đăng trên tạp chí khoa học Management Science năm 2016, độ dài trung vị của một phiên chỉnh sửa trên Wikipedia chỉ là 37 ký tự, tức chỉ tốn vài giây để thực hiện.

Từ bước khởi đầu này, nhiều tình nguyện viên dần bị cuốn vào văn hóa của Wikipedia. Họ thảo luận sôi nổi về các chỉnh sửa trên “Trang thảo luận”, phô bày sở thích và năng lực cá nhân tại “Trang cá nhân”, và phấn đấu để vào top những thành viên có nhiều chỉnh sửa nhất. Một số rất ít trở thành quản trị viên Wikipedia: trong số khoảng 250.000 người biên tập Wikipedia mỗi ngày, chỉ có khoảng 1.100 tài khoản có quyền quản trị.

Bản thân Wikipedia là một trang web với những quy tắc phức tạp với các chính sách, quy định và khuyến cáo dài đến hơn 150.000 từ. Các thành viên gắn bó nhất với nó vì lẽ đó cũng gần như trở thành những luật sư biết vận dụng tiền lệ và dẫn chứng để bảo vệ quan điểm khi tranh luận về một chỉnh sửa. Và cũng như trong ngành luật, các Wikipedian được chia làm nhiều trường phái khác nhau trong việc diễn giải tôn chỉ của trang web: người thì chú trọng chất lượng hơn số lượng và phản đối những bài viết họ cho là vặt vãnh, người thì tin rằng mọi kiến thức của nhân loại dù nhỏ bé đến đâu đều xứng đáng được nhắc đến.

Dù theo trường phái nào, hầu hết các Wikipedian rơi vào đâu đó giữa chuyên gia và người nghiệp dư: họ là những người có đam mê với một lĩnh vực nhất định. Tạp chí Wired lấy những người say mê xe lửa làm ví dụ. Kiến thức của họ về tàu hỏa khác với kiến thức của một kỹ sư hay nhà nghiên cứu lịch sử ngành đường sắt. Không có ngành học nào dạy cách chiêm ngưỡng xe lửa hay cấp chứng nhận “fan cứng” cho đam mê nhìn ngắm những cỗ máy nặng hàng nghìn tấn mỗi ngày, nhưng xét về độ am hiểu lĩnh vực, có thể xem họ là những “chuyên gia” thứ thiệt. Nếu như trước đây những người này chỉ có thể chia sẻ đam mê trên các diễn đàn, chương trình phát thanh radio hoặc các tạp chí đặc thù thì giờ đây Wikipedia là đất diễn của họ. Wikipedia phiên bản tiếng Anh dành hẳn một bài viết dài 4.000 từ về Flying Scotsman, một đầu máy xe lửa chạy bằng hơi nước do Anh sản xuất có tuổi đời gần một thế kỷ.

Những người ưa thích đào sâu vào tiểu tiết thường được gắn với tính cách khô khan và ít hài hước, nhưng đối với các Wikipedian thì khiếu hài hước là một trong những chất keo kết dính các thành viên và tạo nên sự thành công của dự án phi lợi nhuận. Bài viết về chú dê Giáng sinh của xứ Gävle là một ví dụ. Cứ mỗi dịp Giáng sinh hằng năm, thị trấn Slottstorget ở thành phố Gävle miền nam Thụy Điển lại dựng một chú dê khổng lồ bằng rơm theo một truyền thống đã tồn tại từ năm 1966. Thế nhưng kết cục của đa số các chú dê này (chính xác là 37/54 chú dê) là bị ai đó phóng hỏa đốt rụi dù đối diện mức án tù 3 tháng cho hành vi hủy hoại tài sản. Bài viết về “Chú dê xứ Gävle” (Gävle Goat) trên Wikipedia hệ thống hóa chi tiết tất cả những lần chú dê được dựng lên, ngày bị phá hoại, phương thức phá hoại, và các biện pháp an ninh được áp dụng để bảo vệ “linh vật” Giáng sinh từ năm 1966 đến nay. 

Nụ cười không biên giới

Tại sao các Wikipedian lại chấp nhận dành tổng cộng hàng triệu giờ đồng hồ để đóng góp nội dung cho bách khoa toàn thư mở mà không cần được trả tiền? Câu trả lời là họ không xem đó là công việc, mà không khác gì hơn là một hình thức giải khuây. “Mọi người tưởng lầm rằng họ làm không công, nhưng thật ra là họ đang giải trí miễn phí” - nhà đồng sáng lập Wikipedia Jimmy Wales nói với trang Hacker Noon trong bài phỏng vấn năm 2018. Một cuộc khảo sát năm 2011 trên hơn 5.000 Wikipedian cho thấy “vui” là một trong những lý do chính khiến họ tham gia chỉnh sửa các bài viết trên trang web.

Đó là lý do tại sao không khó để bắt gặp yếu tố hài hước trong các bài viết phi nội dung của Wikipedia. Nếu đã quen mặc định những gì có tính chất quan trọng thì phải nghiêm túc, bạn sẽ bất ngờ khi thấy trong các quy tắc dành cho người biên tập Wikipedia có cả phương châm “Đừng làm một tên khốn”. Hay việc trang này dành hẳn một bài viết để tổng hợp “những cuộc bút chiến tào lao nhất” giữa các Wikipedian, ví dụ như tranh cãi cách phát âm đúng họ của nữ văn sĩ J.K. Rowling - tác giả bộ tiểu thuyết Harry Potter nổi tiếng - là “rôn-linh” hay “rao-linh”, hay phần chú thích một bức ảnh chụp con mèo đang cười “có đúng thật là nó đang cười hay không?”.

Tại Wikipedia, những câu chuyện đùa không chỉ là thứ để cười: chúng giúp hạ nhiệt căng thẳng, thúc đẩy hợp tác vui vẻ, khuyến khích sự khiêm nhường, và thôi thúc các thành viên tiếp tục đọc và thực hiện các chỉnh sửa.

Ảnh: The Conversation

Thuốc giải cho trận dịch tin giả

Wikipedia tiếng Anh hiện có hơn 280 bài viết liên quan đến COVID-19, trong đó bài viết đồ sộ nhất cung cấp thông tin về “dịch bệnh do virus corona 2019-2020” đã đạt tổng cộng hơn 20 triệu lượt xem cũng như thu hút hơn 17.000 lượt chỉnh sửa vào cuối tháng 4. Mọi kỷ lục về lượt truy cập trang web đã bị xô đổ từ khi mùa dịch bắt đầu, và ưu tiên hàng đầu của đội ngũ đứng sau Wikipedia hiện nay là duy trì trang web ổn định trước lượt truy cập khổng lồ.

Câu hỏi đặt ra là liệu Wikipedia - một trang web mà bất cứ ai cũng có thể chỉnh sửa, không có một đội ngũ các quản trị viên được trả công để làm việc hay công nghệ trí tuệ nhân tạo tiên tiến như Facebook hay YouTube - có thể làm tốt đến mức nào trong việc phát hiện và ngăn chặn tin giả? Câu trả lời, theo cây bút công nghệ Laurence Dodds của báo Telegraph, là “khá tốt”.

“Wikipedia đang cực kỳ thành công với mô hình vận dụng nguồn lực cộng đồng để đóng góp cho sự thật” - Laurence dẫn lời Dipayan Ghosh, một cựu trợ lý cho cựu tổng thống Mỹ Barack Obama hiện đang theo học ngành dân chủ số (digital democracy) tại Đại học Harvard. Theo Dipayan, tại một thời điểm ngắn ngủi nào đó tin giả có thể lọt qua kẽ hở và xuất hiện trong một bài viết, nhưng nhìn chung Wikipedia “kìm hãm sự phát tán tin giả hiệu quả hơn nhiều so với các trang mạng xã hội”.

Katherine Maher, CEO của Wikimedia Foundation, tin rằng Wikipedia là liều thuốc giải cho trận dịch tin giả đang hoành hành trong đại dịch COVID-19, và là nguồn tài nguyên cấp bách cho hàng trăm triệu người đang tìm kiếm thông tin về dịch bệnh có liên quan trực tiếp đến sức khỏe và sinh mệnh của bản thân và gia đình. “Thật là kỳ lạ, phải không? Có người nói thế này: Wikipedia thành công thì thật là tuyệt, vì trên lý thuyết thì đáng lẽ mô hình đó không bao giờ có thể thành công” - Katherine nói với Telegraph. Nhưng sự thật là Wikipedia đã thành công, mà lý do, theo Katherine, chính là: không có thông tin sai sự thật nào có thể tồn tại đủ lâu khi bị hàng triệu cặp mắt soi mói. “Chính tính mở và “vô trật tự” là công thức cho sự thành công của Wikipedia” - Katherine nói.■

Chuyện một Wikipedian ở Sài Gòn

Khi thử tìm một mục chưa có trên Wikipedia, người dùng sẽ nhận được thông báo rất “mời gọi”: “Không tìm thấy bài viết với tên này. Bạn có thể bắt đầu viết nó ngay bây giờ!”. Quá trình cũng đơn giản vô cùng: có sẵn khung soạn thảo, viết xong chỉ cầm bấm lưu là “các sửa đổi của bạn sẽ được hiện ra ngay”.

Khánh Trần (31 tuổi, TP.HCM) cho biết chỉ một lần làm theo hướng dẫn đó mà “nghiện” luôn chuyện viết, chỉnh sửa bài cho Wikipedia và trở thành Wikipedian. “Mình muốn tìm thông tin về một bộ truyện tranh trên Wikipedia tiếng Việt nhưng không có, nên “tức mình” viết luôn” - Khánh Trần kể với TTCT. Theo Khánh Trần, hầu hết Wikipedian đều bắt đầu từ việc thấy một lỗi sai gì đó trong bài viết có sẵn nên bấm sửa, hoặc muốn tìm một bài gì đó mà không có thì tự tạo. “Tham gia Wikipedia là một hoạt động ban đầu không có chủ đích, chỉ để cho vui thôi, nhưng sau đó dần lún sâu vào lúc nào không hay, kiểu như người thích tham gia diễn đàn hay Facebook vậy, nhưng ở cấp độ “nặng” hơn” - Wikipedian có nhiều năm kinh nghiệm này chia sẻ.

Khánh Trần cũng nói thêm về câu chuyện thông tin sai sự thật khó có thể tồn tại đủ lâu trên Wikipedia mà Katherine chia sẻ với tờ Telegraph. Wikipedia có một trang cập nhật theo thời gian thật mọi chỉnh sửa trên trang, và các “biên tập viên” kỳ cựu lúc nào cũng theo dõi sát sao, nên có vấn đề gì là chỉnh sửa, khắc phục ngay. Cộng đồng Wikipedian cũng có gặp nhau ngoài đời thay vì chỉ trao đổi trên mạng. Tuy tất cả đều làm việc vô vụ lợi, song theo Khánh Trần, tính đào thải của “nghề” đóng góp cho Wikipedia rất cao vì “thảo luận kiểu học thuật rất căng thẳng, lại thêm đấu tranh giữa nhiều hệ tư tưởng làm cho ít ai ở lại trên 1 năm”. TỊNH ANH

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận