"Đã có đầu tư đón đầu TPP ở Việt Nam"

THANH TUẤN 10/01/2015 02:01 GMT+7

TTCT - Ngày càng có nhiều tín hiệu Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ sớm được hoàn tất trong năm 2015 và hiện đã có những tác động cụ thể tại Việt Nam. Ông Frederick Burke, giám đốc điều hành Hãng luật Baker & McKenzie, cho biết đã thấy nhiều động thái của nhà đầu tư dịch chuyển sang Việt Nam để đón đầu TPP.

Ông Frederick Burke

Gần tới đích

Những thông tin mới nhất cho thấy có vẻ như TPP đang gần sát đích hơn bao giờ hết?

- Tôi nghĩ việc Thủ tướng Shinzo Abe thắng lớn ở Nhật là thông tin rất thuận lợi cho TPP. Một trong những trở ngại lớn nhất gần đây của TPP là việc Nhật muốn giữ bảo hộ với gạo, thị trường ôtô và các hàng hóa khác từ Mỹ (thuế với mặt hàng gạo khoảng 700% chẳng hạn). Nếu Nhật có thể cam kết giảm thuế đối với những mặt hàng đó chắc chắn sẽ giúp TPP hoàn tất, nếu không thì Quốc hội Mỹ sẽ khó mà chấp nhận. Khi thuế đối với gạo của Nhật hạ xuống thì cũng rất có lợi cho Việt Nam.

Mấu chốt là ông Abe đã đủ ổn định về chính trường để ông có thể nhượng bộ. Và giờ thì quả bóng nằm trên sân Washington, liệu Tổng thống Obama có thể gây sức ép để quốc hội hợp tác trong vấn đề này hay không.

Một số nhà đàm phán nói khả năng rất cao là TPP sẽ kết thúc vào nửa đầu năm 2015. Ông nghĩ sao về thời điểm?

- Tôi cũng nghĩ vậy. Đại diện thương mại Mỹ Michael Froman có mặt ở Hà Nội cách đây vài tuần và tôi có cuộc trao đổi sâu với ông và Froman nói là “rất sớm thôi” (cười).

Nhưng “rất sớm thôi” là cụm từ chúng ta đã nghe rất nhiều lần?

- Tôi nghĩ là các nhà đàm phán đã rất quyết liệt trong thời gian qua, muốn kết thúc cho xong để có thể làm những việc khác. Tổng thống Obama chắc chắn muốn kết thúc hiệp định này trước khi kết thúc nhiệm kỳ, vì vậy tôi nghĩ hiệp định sẽ được ký vào mùa xuân 2015, thậm chí là không đến mùa hè.

Thanh long Việt Nam được nhập khẩu vào thị trường Mỹ (ảnh chụp tại 99 Ranch Market, Mỹ) (Mai Xuân Thin)

Đầu tư đang diễn ra

Thông tin thì rất tốt nhưng ảnh hưởng với Việt Nam từ TPP sẽ như thế nào? Một số nhà phân tích đã coi đây như cú hích lớn về niềm tin cho giới phân tích trong năm tới.

- Tôi nghĩ hiệu ứng tinh thần của hiệp định này là rất lớn - quan trọng không kém gì nội dung của hiệp định. Mọi người thấy Việt Nam tiếp tục với chiến lược hội nhập một cách hiệu quả, chắc chắn sẽ thu hút nguồn đầu tư lớn. Chúng ta đã bắt đầu thấy đầu tư tăng ở lĩnh vực bất động sản, vốn nước ngoài đã đổ vào để xây dựng các dự án lớn mới..., tất cả đều là tín hiệu tốt.

Hiệu ứng của nó như vậy thực tế đã bắt đầu ngay từ giờ. Về mặt nội dung của hiệp định, chúng ta sẽ phải chờ coi chi tiết cuối cùng. Những phiên bản được tiết lộ đến giờ vẫn còn nhiều điều khoản gây tranh cãi. Các nhà đàm phán cũng đang gây sức ép để phía Mỹ phải nới lỏng quy định bảo vệ ngành dệt may và những nhượng bộ này rất quan trọng nhằm thu hút nhà đầu tư. Những gì tôi nghe tới giờ thì các nhượng bộ vẫn chưa thật sự có lợi cho Việt Nam. Khi CAFTA (Hiệp định thương mại tự do Trung Mỹ) có hiệu lực, thuế đối với ngành dệt ngay lập tức hạ xuống 0 với mọi mặt hàng có nguồn gốc CAFTA. Nhưng với Việt Nam, kể cả khi nguyên liệu có trong TPP, vẫn phải có một giai đoạn giảm thuế dần thì hàng mới được hưởng miễn thuế hoàn toàn. Và như vậy thì không hợp lý.

Sẽ rất bất công với phía Việt Nam nếu như kết quả cuối cùng là vậy?

- Đã có một số nhà đầu tư tiến hành đầu tư vào lĩnh vực dệt, sản xuất nguyên liệu và đó là những khoản đầu tư rất lớn, đầu tư rất nhiều vào công nghệ chứ không phải chỉ là một vài máy may: công nghệ nhuộm, dệt, sợi. Vì chỉ khi có nguyên liệu từ Việt Nam mới có thể được hưởng mức thuế ưu đãi hoàn toàn. Tôi biết bà Virginia Foote, người đại diện cho Hiệp hội buôn bán lẻ Mỹ, đã vận động hành lang rất mạnh cho điều khoản này (theo hướng thuận lợi hơn cho Việt Nam) và có vẻ như đã có một số tiến bộ nhất định. Bất kể kết quả như thế nào, điều tốt nhất là chúng ta bỏ được thuế hoàn toàn trong lĩnh vực đó.

Một chuyên gia từ Washington nói với chúng tôi rằng điều kiện khó khăn của quy định “tính từ sợi” trong TPP như là liều thuốc đắng mà công nghiệp Việt Nam cần có để tiến hành các thay đổi cho dài hạn.

- Tôi biết là Phòng Thương mại châu Âu (EuroCham) rất cổ động cho việc các nhà đầu tư nguyên liệu đến Việt Nam đầu tư trực tiếp và tôi biết điều đó đang diễn ra. Anh đã thấy một số nhà đầu tư Nhật, Hàn Quốc và thậm chí là một số nhà đầu tư từ Trung Quốc cũng đã tới đây. Ngay Vinatex cũng đã đầu tư thêm vào sản xuất vải sợi. Ban đầu tôi khá nghi ngờ về khả năng điều này diễn ra nhưng giờ có vẻ như nó đang diễn ra.

Về chuyện phải cạnh tranh hơn, tôi nghĩ Việt Nam cần phải chú ý đến các dịch vụ hỗ trợ thương mại. Đây là lĩnh vực có thể giúp cả xuất khẩu và nhập khẩu của Việt Nam hiệu quả hơn như các thủ tục xuất nhập khẩu đơn giản, nhanh chóng hơn. Thủ tục hải quan nhanh chóng, rõ ràng, thủ tục nộp thuế đơn giản...

Ở Việt Nam, chúng ta đã nghĩ về “kế hoạch B” trong trường hợp không vào TPP thì Việt Nam sẽ làm gì để kinh tế tiếp tục tăng trưởng. Và “kế hoạch B” đó chính là chú trọng vào các dịch vụ hỗ trợ thương mại. Chúng ta tạo điều kiện thuận lợi để hàng hóa có thể ra vào Việt Nam dễ dàng hơn, lượng hàng hóa trung chuyển tăng thêm và đem lại lợi ích cho kinh tế Việt Nam.

Trao đổi tại các diễn đàn thương mại, các hội nghị, tôi thấy Chính phủ Việt Nam nhận thức được điều này và đang bắt tay làm. Thủ tướng Chính phủ đã vài lần nói về việc các cơ quan nhà nước phải cạnh tranh cao hơn trong thị trường kinh tế toàn cầu. Mới tuần trước chúng tôi cho ra mắt liên minh về hỗ trợ thương mại Việt Nam (VTFA) giữa AmCham, Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) và một loạt hiệp hội xuất khẩu của Việt Nam, đó là điều đáng khích lệ.

Ông Mike Petersen (đặc phái viên thương mại nông nghiệp của New Zealand, là người trực tiếp tham gia quá trình đàm phán của TPP):

VIỆT NAM SẼ LÀM ĐƯỢC

Nông dân ở Việt Nam rất lo ngại hàng hóa từ các nước khác sẽ tràn ngập. Nông dân các ông thường làm thế nào để có khả năng cạnh tranh cao hơn?

- Vào khoảng năm 1985 chúng tôi quyết định cải cách. Đơn giản vì chính quyền lúc đó đã gần phá sản rồi. Quyết định khi đó là chúng tôi bỏ hoàn toàn trợ cấp cho nông nghiệp chỉ sau một đêm.

Nông dân buộc phải vật lộn kiếm lời đơn thuần từ những gì bán được ra thị trường chứ không phải là từ trợ cấp của chính phủ nữa. Họ phải sản xuất những mặt hàng mà thị trường cần, vì nếu không bán được thì họ phá sản. Rất nhanh chóng họ buộc phải trở thành những trang trại cực kỳ hiệu quả để tồn tại. Chúng tôi tiến hành rất nhiều thay đổi để có thể trở thành thị trường hiệu quả nhất cả về sản xuất, chế biến và xuất khẩu nông sản. Nông nghiệp ở New Zealand giờ hoàn toàn là một ngành kinh doanh. Chúng tôi đảm bảo đất đai được sử dụng hiệu quả nhất và có lời nhất. Chúng tôi chuyển từ đất trống sang nuôi cừu, từ nuôi cừu sang trồng nho, từ trồng nho sang chăn bò sữa... Chúng tôi cố đảm bảo là bất kể làm gì thì đất cũng phải được sử dụng một cách tối ưu.

Một trong những vấn đề chúng tôi gặp phải tại Việt Nam là kiểm soát chất lượng đối với hàng hóa nông nghiệp. New Zealand có kinh nghiệm gì về vấn đề này?

- Chúng tôi cần rất nhiều thị trường khác nhau cho sản phẩm của mình để có thể bán được hết những gì sản xuất ra. Để làm vậy, chúng tôi phải đảm bảo nông sản sản xuất ra an toàn, chất lượng cao, có hệ thống để chứng tỏ các nông sản đó là an toàn. Việt Nam cũng hoàn toàn có thể làm được như vậy. Chúng ta đã thấy trái thanh long được xuất đi New Zealand với chất lượng rất cao. Tôi không nên khuyên Việt Nam là làm thế nào, nhưng rõ ràng khi bước chân vào thế giới xuất khẩu thì các bạn nhận ra rằng uy tín, độ an toàn của sản phẩm là tất cả. Và chúng ta phải cố hết sức để đảm bảo uy tín đó. 

Ngoài những yếu tố tích cực đó thì ông có quan ngại gì không đối với TPP?

- Đó luôn là nền kinh tế toàn cầu hóa. Những gì đang diễn ra ở Nga (đồng rúp sụt giá không phanh), kinh tế Trung Quốc đang phát triển chậm lại và những diễn biến này có hiệu ứng đối với toàn cầu, không ai hoàn toàn thoát được ảnh hưởng này trong nền kinh tế toàn cầu. Đó là một nguy cơ. Giá dầu rớt quá mạnh, quá nhanh sẽ có ảnh hưởng nghiêm trọng. Ví dụ như ở Mỹ, thị trường điều chỉnh rất nhanh, khi giá xăng giảm thì chi phí sản xuất cũng sẽ giảm theo ngay. Ở Việt Nam, giá dầu chủ yếu là nhập qua các công ty xăng dầu nên giá không giảm ngay (như thị trường) và đó sẽ là một thách thức đối với sản xuất. Đấy là những yếu tố bất ngờ đối với chúng ta.

Một vấn đề nữa là khối doanh nghiệp nhà nước vẫn ngốn lượng vốn quá lớn của nền kinh tế mà không hiệu quả. Sẽ tốt hơn nếu nguồn vốn đó được đầu tư một cách hiệu quả hơn. Để tăng cạnh tranh, tôi nghĩ Nhà nước nên bán các công ty bia và du lịch.

Mới đây tờ Economist có bài rất hay về cổ phần hóa trên thế giới và nói cách thức chính quyền như Việt Nam có thể bán các công ty không phải là chủ chốt để gây thêm rất nhiều nguồn vốn đầu tư cho hạ tầng, giáo dục... Đó là bước đầu tiên. Tiếp theo là cổ phần hóa những công ty như Vietnam Airlines. Tôi nghĩ việc Nhà nước nắm cổ phần chi phối ở các tập đoàn lớn là bình thường, nhưng bán chỉ 3% thì quá ít.

Đó là những điều rủi ro nhưng đương nhiên điều tốt là hiện kinh tế vĩ mô ở Việt Nam đã tốt hơn. Có rất nhiều diễn biến đang diễn ra và chúng ta hi vọng nó đều đi đúng hướng.

Trong TPP thì điều khoản về bản quyền khiến nhiều người quan ngại, đặc biệt sẽ có ảnh hưởng tới giá thuốc.

- Đó là điều khoản về evergreening (kéo dài thời hạn bản quyền đặc biệt trong lĩnh vực dược và thường được các tập đoàn dược sử dụng để tối đa hóa lợi nhuận) trong TPP. Đó là điều luật gây tranh cãi, kể cả ở Mỹ.

Theo bản dự thảo được WikiLeaks tiết lộ, là điều khoản còn trong ngoặc (còn tranh cãi) nên giờ không rõ điều khoản còn đó hay không - tôi nghi ngờ điều đó. Tôi có nghe một số thông tin là Việt Nam đang rơi vào giữa trong vấn đề bản quyền liên quan tới địa danh. Ví dụ nước mắm Phú Quốc, Chardonay... Các sản phẩm đến từ một địa danh nhất định và địa danh đó sở hữu cái tên đó theo luật. Ở Mỹ thường họ hiểu luật thoáng hơn liên quan tới địa danh, ví dụ như họ có rượu Chardonay ở California dù đó là địa danh từ Burgundy, Pháp. Hay như cái tên champagne từng thắng vụ kiện ở WTO nên giờ rượu cùng loại đó ở California phải gọi là sparkling wine (rượu có gas). Phía châu Âu thì muốn có luật rất chặt về quy định địa danh này ở Mỹ và Úc thì lại có hệ thống thoáng hơn.

Tôi nghĩ một trong những vấn đề về TPP mà chúng ta vẫn đang vật lộn lúc này là chương về thương mại điện tử. Giống như rất nhiều nước trên thế giới, Việt Nam đang loay hoay tìm cách để quản lý và đánh thuế các hoạt động thương mại điện tử, các hoạt động trên mạng.

Ví dụ trường hợp taxi Uber hoạt động tại Việt Nam nhưng có server tại Singapore hay Mỹ. Vấn đề là làm thế nào để họ đánh thuế được ở đây? Làm sao quản lý được để đảm bảo an toàn và có kiểm soát? Các vấn đề đó sẽ cần rất nhiều tính toán và lường trước cẩn thận được các tình huống. Lúc này chính quyền ra quy định yêu cầu là phải để server ở Việt Nam, phải lấy giấy phép tại Việt Nam. Đến giờ chúng ta vẫn chưa rõ cuối cùng nội dung của chương thương mại điện tử đó sẽ như thế nào.

Với công việc của mình, ông có thấy thêm nhiều hoạt động chuẩn bị cho TPP?

- Quả là có tăng lên nhiều. Khối lượng công việc giai đoạn này trên góc độ số dự án, giá trị dự án đã tăng ít nhất gấp đôi so với năm ngoái. Tôi nghĩ điều này không phải chỉ với Baker & McKenzie mà còn với rất nhiều hãng luật khác đang thấy có nhiều dự án về đầu tư, kinh doanh vào Việt Nam. Khó xác định ngay khối lượng việc tăng là do để đón TPP hay do tình hình kinh tế vĩ mô đã tốt trở lại, chính trị ổn định. Có rất nhiều yếu tố cùng diễn ra.

Ngoài ra, có rất nhiều người Hàn và người Nhật đang chuyển hướng đầu tư sang Việt Nam vì những căng thẳng với Trung Quốc - họ không còn muốn quá phụ thuộc vào thị trường đó nữa nên chuyển dần cơ sở sản xuất của họ tới đây. Đó là một trong những động lực lớn, đặc biệt với người Nhật.

Một điều tốt là Việt Nam là nền kinh tế phức hợp. Dù dầu mỏ vẫn chiếm tới 20% xuất khẩu nhưng Việt Nam còn có nhiều lĩnh vực khác như may mặc, hải sản, đồ gỗ, đồ điện tử, du lịch... Đó là nền kinh tế rất đa dạng. Điều đó khiến Việt Nam mang tính ổn định cao hơn. Nếu so sánh với các nước Đông Nam Á khác thì Việt Nam rõ ràng đa dạng hơn.

Ngoài ra, những gì đang diễn ra ở ASEAN cũng rất đáng chú ý. Thái Lan thì đang hơi bất ổn một chút. Myanmar đã trở lại nên ASEAN cả khối đang là nhóm thân thiện với toàn thế giới. Mọi người đều ủng hộ kế hoạch cộng đồng ASEAN vào năm 2015 - đó là bước đi đúng hướng và Việt Nam cũng tận dụng điều đó tốt.

Có lẽ vào đầu năm 2014 chúng ta cũng không nghĩ bức tranh sẽ sáng sủa vậy. Khi đó chúng ta vẫn tự hỏi liệu nền kinh tế đã thật sự chạm đáy hay chưa?

- Tôi hoàn toàn đồng ý. Chúng ta đang trên đà hồi phục từ đáy. Điều quan trọng là chúng ta có thể hồi phục được nhanh thế nào.

“Về dự đoán tác động tăng 7-10% GDP cho Việt Nam, cần “danh sách ngắn” (danh sách các sản phẩm/công ty được hưởng thuế ưu đãi ngay) khoảng 40%, nếu chỉ là 5% thì tác động sẽ nhỏ. Về tổng thể, TPP đang trong tầm với hơn bao giờ hết. Nền kinh tế Mỹ đang trở lại với giá nhiên liệu rẻ, tỉ lệ thất nghiệp thấp và có thể có một số chính sách tốt. Một đồng USD mạnh, giá dầu thấp sẽ giúp hàng hóa Việt Nam có lợi. Và việc cạnh tranh với Trung Quốc không còn quá khó như vài năm trước nữa. Nếu Việt Nam có chính sách trong nước tốt, việc xuất khẩu sẽ tiến hành rất thuận lợi”.

Giáo sư Peter A. Petri

(nguyên hiệu trưởng sáng lập Trường kinh tế quốc tế ĐH Brandeis, Boston, Mỹ)

 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận