Đại dịch và năng lực tự cường

TƯỜNG ANH 24/04/2020 21:04 GMT+7

TTCT - “Các doanh nghiệp đóng cửa. Hàng triệu công nhân nghỉ việc. Thương mại bị gián đoạn. Chuỗi cung ứng bị cắt giảm. Các xã hội bị phong tỏa nhằm làm chậm sự lây lan của virus corona cùng lúc cũng đang nhấn phanh nền kinh tế toàn cầu…”.

Matxcơva vắng vẻ mùa dịch. Ảnh: meduza.io
Matxcơva vắng vẻ mùa dịch. Ảnh: meduza.io

Nhà báo Chris Miller trên tờ The New York Times số đề ngày 9-4 mô tả bức tranh ảm đạm của thế giới hiện nay trong đại dịch và chỉ ra điều trái khoáy: “Đây không phải là một cuộc khủng hoảng kinh tế bình thường, mà là một cuộc chiến. 

Cuộc chiến không phải chống lại một quốc gia thù địch, mà là những chủng loài thù địch… Trong chiến tranh, các quốc gia phải huy động nền kinh tế của mình để sản xuất nhiều quân nhu hơn. Nay chúng ta phải đóng cửa nền kinh tế để sản xuất ít hơn”.

Đóng băng kinh tế

Cụ thể, nền kinh tế Mỹ, theo ước tính của Godman Sachs được The New York Times trích dẫn, sẽ sản xuất hàng hóa và dịch vụ trong giai đoạn từ tháng 4 đến tháng 6 năm nay ít hơn cùng kỳ năm 2019 tới 34%, một “cú lặn” khá sâu trong hoạt động kinh tế mà thế giới ít có tiền lệ. Dịch cúm 1918-1919 cũng dẫn tới việc phong tỏa, cách ly, nhưng cái giá không quá cao như ta đang chứng kiến hiện nay.

Tuy nhiên, theo tờ báo này, có một ví dụ về việc đóng băng chớp nhoáng nền kinh tế từng thấy trên thế giới: đó là việc “đóng băng” nền kinh tế Liên Xô năm 1990, khi Matxcơva không còn kiểm soát được nền kinh tế và Đảng Cộng sản Liên Xô từ bỏ độc quyền quyền lực.

Thiếu sự lãnh đạo của trung ương, hàng loạt ngành công nghiệp mất phương hướng, các nhà máy ngừng làm việc, sản xuất đình đốn. Hàng tiêu dùng biến mất khỏi kệ. Liên Xô tan rã, với 15 quốc gia độc lập mọc lên ở nơi trước đây là một nhà nước thống nhất.

Các nhà lãnh đạo đưa ra các rào cản thương mại. Dòng lao động và các liên kết giao thông gián đoạn. Đồng rúp thống nhất bị chia thành 15 loại tiền tệ khác nhau. Nền kinh tế “toàn cầu hóa” tan rã thành từng mảng.

Dĩ nhiên, có những khác biệt giữa sự giải thể Liên Xô và tình trạng đóng băng kinh tế hiện nay do virus corona. Nhưng những điểm tương đồng có thể nêu là các mối liên kết thương mại bị phá hủy bởi suy thoái kinh tế.

Khi nền kinh tế Liên Xô bất ngờ bị chia cắt, các doanh nghiệp đột ngột phải đóng cửa và công nhân mất việc, kinh tế Nga đã sụt giảm 14% trong năm 1992 - sự sụt giảm mà Hoa Kỳ và châu Âu có thể phải trải qua trong năm nay. (Để so sánh, trong năm 2008, cao điểm của cuộc khủng hoảng tài chính, GDP của Mỹ chỉ giảm 3%).

Với người Xô viết, tổn thất con người của cuộc khủng hoảng thật nặng nề, tuổi thọ kỳ vọng tuột nhanh đến độ tưởng như một cơn dịch bệnh vừa quét qua tàn phá dân số.

Những người Nga từng sống qua thập niên 1990 không thể quên việc đồng rúp mất giá và chỉ sau một đêm thức dậy, họ mất hết đồng tiền dành dụm của mình và phải sống bằng tem phiếu. Sau khi Liên Xô tan rã và Matxcơva, theo lời cố vấn của các nhà tài chính phương Tây, tiến hành “liệu pháp sốc” để tư hữu hóa nền kinh tế mà không hề chuẩn bị gì cho giai đoạn quá độ, đã chịu đựng những hậu quả thảm khốc: các công ty quốc doanh bị bán cho tư nhân với giá rẻ mạt, các trùm tài phiệt nhanh chóng thâu tóm nền kinh tế và lũng đoạn chính trường Nga.

Từ năm 1991 đến cuối thế kỷ 20, tổng giá trị sản xuất trong nước (GDP) của Nga giảm 52% so với năm 1990 (trong khi đó, vào thời kỳ chiến tranh từ năm 1941 đến năm 1945 chỉ giảm 22%). Sản xuất công nghiệp giảm 64,5%, sản xuất nông nghiệp giảm 60,4%. Vật giá tăng cao hơn 5.000 lần. 25% dân số sống dưới ngưỡng nghèo khổ, tuổi thọ sụt giảm, tỉ lệ sinh thấp, mức tử vong tăng.

Sống qua hai thời kỳ, cựu giám đốc cơ quan tình báo đối ngoại, cựu thủ tướng Nga Yevgeni Primakov (1929-2015) gọi cái giá của sự kiện Liên Xô sụp đổ là “khủng khiếp”, và nhận định kinh tế Nga hậu Liên Xô “tổn thất còn nhiều hơn trong Thế chiến II”.

Kịch bản sáng sủa nhất

Bức tranh đau buồn của Liên Xô khi bất ngờ bị “đóng băng” kinh tế là thế. Còn thế giới thời virus corona hoành hành thì sao? Chris Miller thừa nhận nhân loại hiện không có cách nào khác ngoài việc đóng băng nền kinh tế nếu muốn sống sót.

Nga phải chấp nhận sụt giảm GDP hai chữ số thập niên 1990, còn Mỹ, trong đại dịch 2020 này, chỉ trong một tuần đã có 6,6 triệu người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp. Dựng nên những rào cản thương mại và kinh doanh là một liều thuốc đắng mà không phải lúc nào cũng dã tật.

Các chuyên gia kinh tế, ngân hàng, đầu tư, trong đó có Hãng tư vấn McKinsey, tạm thời đã đưa ra hai kịch bản của hậu COVID-19. Trong một “chiến thắng nhanh” - dịch bệnh bị đánh bại ở hầu hết các quốc gia trên thế giới nhờ sự giãn cách nghiêm ngặt trong 2-3 tháng, tức đến cuối quý 2-2020 - các kịch bản khả dĩ là:

Trung Quốc mất 3,3% GDP trong quý 1 và 2, nhưng sau đó sẽ nhanh chóng phục hồi và đến mùa thu sẽ trở lại mức sản xuất cuối năm 2019. Nhìn chung, cả năm Trung Quốc sẽ chỉ giảm tăng trưởng chưa tới 1 điểm %.

Hoa Kỳ sẽ phải chịu suy thoái kinh tế sâu hơn, âm 8% GDP trong quý 2 do dịch bệnh lan rộng, và do nền kinh tế quá tập trung vào tiêu dùng. Đây sẽ là sự sụt giảm lớn nhất kể từ sau Thế chiến II. Sau đại dịch, Hoa Kỳ sẽ nhanh chóng phục hồi và đến cuối năm nay sẽ đạt được mức sản xuất của năm 2019. Nhưng nhìn chung, tăng trưởng suốt năm của Hoa Kỳ sẽ bằng 0.

EU, kể cả trong kịch bản lạc quan, cũng sẽ khó khăn hơn: kinh tế giảm gần 10% trong quý 2 và sẽ chỉ trở về mức trước khủng hoảng vào đầu năm 2021.

Nhìn chung, trong kịch bản lạc quan, kinh tế thế giới suy giảm gần 5% trong quý 2 và sẽ trở lại bình thường vào cuối năm nay. Tốc độ phục hồi phụ thuộc vào mức độ nhanh chóng của việc tập hợp lại các chuỗi sản xuất quốc tế mà dịch bệnh đã cắt đứt.

Đặc biệt, các chuyên gia dự báo một số thay đổi trong các lĩnh vực khác nhau của cuộc sống sẽ sâu sắc và không thể đảo ngược. Các ngành công nghiệp khác nhau sẽ phục hồi không đồng đều. Có thể thấy được từ thí dụ Trung Quốc, nước vừa vượt qua đợt dịch đầu tiên.

Du lịch, hàng không, các ngành công nghiệp định hướng xuất khẩu, ngành sản xuất phụ thuộc vào chuỗi cung ứng quốc tế, các lĩnh vực dịch vụ và giải trí truyền thống, những ngành phải tụ tập đông người… sẽ hồi phục chậm hơn.

Trong một kịch bản u ám hơn (và nhiều khả năng hơn), đợt dịch thứ hai sẽ tiếp tục cản trở kinh tế phục hồi. Theo kịch bản này, Trung Quốc sẽ lại đi trước, dù chỉ phục hồi vào giữa năm 2021. Còn Hoa Kỳ sẽ mất hơn 8% GDP, và EU là 10%. Cả hai sẽ chỉ trở lại được mức sản xuất của năm 2019 vào cuối năm 2023.

Năng lực tự cường

Khi đưa ra dự báo, các chuyên gia đều nhất trí rằng đại dịch sẽ là một cú sốc điếng người cho dân chúng phương Tây, vốn không trải qua những cơn chấn động lớn thế này suốt từ Thế chiến II, trong khi đó dân chúng ở các nước đang phát triển, vốn đã chịu đựng không ít khủng hoảng, dạn dày hơn.

Một xu hướng nữa là chiều hướng “giải toàn cầu hóa” - đã tăng tốc do chiến tranh thương mại Mỹ - Trung - sẽ càng mạnh mẽ vì đại dịch. Các công ty bắt đầu địa phương hóa sản xuất, hoặc ít ra là không còn bỏ trứng vào một giỏ là công xưởng Trung Quốc như trước.

Thậm chí các công ty quyền lực như Apple, đứng đầu trong việc thiết lập chuỗi cung ứng xuyên quốc gia, giờ cũng phải cân nhắc lại việc phụ thuộc vào sản xuất tại Trung Quốc. Còn nếu các công ty không thay đổi cách thức kinh doanh quá lệ thuộc vào toàn cầu hóa, các chính phủ có thể buộc họ phải thay đổi.

Trước mắt chúng ta đã thấy nhiều quốc gia hạn chế việc xuất khẩu khẩu trang và vật tư y tế. Sắp tới, khi một quốc gia tạo ra được vaccine chống virus corona, sẽ không có gì ngạc nhiên nếu quốc gia đó cấm xuất khẩu vaccine cho đến khi các công dân của họ được tiêm chủng trước.

Trở lại với so sánh của nhà báo Chris Miller về nền kinh tế Liên Xô đã lâm vào khổ nạn vào thập niên 1990, đó cũng là một quá trình “giải Liên bang Xô viết” ồ ạt. Nền kinh tế mất đi “chuỗi cung ứng” là mạng lưới các nước cộng hòa trong liên bang, mất luôn đầu não kiểm soát, các khoản trợ cấp cho các nông trang và các ngành công nghiệp bị bãi bỏ, các biện pháp kiểm soát giá cả không còn…

Các định chế vốn đang tồn tại bị xóa bỏ trước khi các cơ cấu mới của một nền kinh tế thị trường hình thành đã gây ra tai họa thật sự. Khi ông Vladimir Putin nhận chức tổng thống lần đầu năm 1999, “hơn 40% dân số sống chưa tới 4 đôla/ngày, công nghiệp Nga sản xuất ít hơn 60% sản phẩm so với 10 năm trước, số đầu gia súc cũng giảm một nửa”, theo kinh tế gia được giải Nobel Joseph Stiglitz.

Nga sau đó đã phải khơi gợi năng lực tự cường nhằm vượt qua khó khăn, điều tương đồng với cuộc “địa phương hóa” sản xuất, giảm lệ thuộc vào chuỗi toàn cầu hóa của thế giới thời đại dịch này. The Economist trong một bài viết cuối năm 2018 thừa nhận, bất chấp bị cấm vận, Nga đã vươn lên thành “cường quốc nông nghiệp”, với sản xuất nông nghiệp tăng hơn 20% trong 5 năm kể từ năm 2013. Và không chỉ có nông nghiệp.

Câu chuyện gần nhất là… máy trợ thở. RIA Novosti dẫn lời quan chức Bộ Công thương Nga Oleg Boncharov cho biết hiện có 30 quốc gia đang đặt mua máy trợ thở của Nga để điều trị bệnh nhân COVID-19 và Nga đang muốn nhân cơ hội này tham gia thị trường thế giới không chỉ với máy trợ thở, mà cả các thiết bị y tế khác!■

Tỉ phú Bill Gates trong một phát biểu từ năm 2017 từng tiên đoán về nguy cơ đại dịch mà ông gọi là một loại “khủng bố mới”, có thể cướp đi mạng sống hơn 30 triệu người trong một năm. Nay thì ông Gates nhận định những dịch bệnh tương tự COVID-19 sẽ xuất hiện trở lại mỗi 20 năm!

Ông còn cảnh báo, các chính phủ có thể phải tiêu tốn thêm hàng nghìn tỉ đôla nếu không chuẩn bị sẵn sàng. Tương tự một cơ thể khỏe mạnh, không có bệnh nền, có cơ hội “lướt”qua virus corona, mỗi nền kinh tế trong chuỗi toàn cầu hóa đang gặp khó khăn hiện nay chỉ có thể “dọn mình” cho các đại dịch bằng một nền kinh tế linh hoạt, ít phụ thuộc, có năng lực tự cường.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận