"Đại học tỉnh" sẽ ra sao?

NGÔ MINH KHÔI 22/10/2007 22:10 GMT+7

TTCT - Chính phủ và Bộ GD-ĐT đang quyết tâm nâng cao chất lượng giáo dục đại học (GDĐH). Rất nhiều ý tưởng, dự án được nghiên cứu như xây dựng trường ĐH ngang tầm quốc tế, trường ĐH “hoa tiêu”, tăng tính tự chủ cho các trường ĐH, đổi mới chương trình giảng dạy...

Nhưng có một vấn đề đáng lo ngại hiện nay là tình trạng các trường “ĐH tỉnh” được thành lập một cách ồ ạt. Mỗi năm có hàng chục ĐH được thành lập. Ở miền Trung, ngoài hai trung tâm GDĐH lớn là Huế và Đà Nẵng, đến nay hầu như tỉnh nào cũng có “Trường ĐH của mình”: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị (chi nhánh của Đại học Huế), Quảng Nam, Phú Yên... Hiện có rất nhiều tỉnh “đang làm hồ sơ trình bộ” xây dựng trường ĐH của tỉnh. Có lẽ đây là một cái mốt của màu cờ sắc áo, như nhà máy bia, sân bay, cảng biển, khu công nghiệp... hình thành bất chấp hiệu quả, gây lãng phí rất lớn.

Điều đáng lo là các “ĐH tỉnh” này phần lớn được nâng cấp từ trường cao đẳng hoặc trung cấp sư phạm của tỉnh. Trường cao đẳng bây giờ đổi tên thành trường ĐH, chứ thực chất đó là trường THPT cấp III+I, hoặc cấp IV. Vẫn hiệu trưởng ấy, trưởng khoa ấy, giảng viên ấy, trang thiết bị ấy...

Theo báo cáo của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân tại kỳ họp Quốc hội tháng 11-2006, tình hình đội ngũ giáo viên ĐH của ta hiện nay vừa thiếu vừa yếu trầm trọng. Bình quân 28-30 sinh viên mới có một giảng viên, trong lúc đó các nước bình quân 15 sinh viên/1 giảng viên. Ở các nước tiên tiến, muốn đứng trên bục giảng ĐH phải có bằng tiến sĩ. Trong lúc đó ở nước ta hiện nay có tới 55% giảng viên ĐH mới chỉ trình độ ĐH. Đó là con số toàn ngành, riêng các ĐH tỉnh thì tỉ lệ này còn thấp hơn nhiều. Thậm chí có trường ĐH tỉnh chỉ có vài thạc sĩ, không có tiến sĩ nào. Đó là chưa nói đến “có tới 30% số tiến sĩ có trình độ yếu” như Bộ GD-ĐT có lần thừa nhận.

Tất nhiên chương trình học là do Bộ GD-ĐT qui định, nhưng với đội ngũ giáo viên “ĐH tỉnh” như vậy, chất lượng giảng dạy sẽ rất yếu, không đáp ứng được yêu cầu mà bộ đề ra.

Còn về sinh viên thì sao? Danh sách những người đỗ điểm cao của gần 600 thí sinh thi vào ĐH Quảng Bình, trong đó cao nhất 23 điểm (1 em) và gần mười em 20-22 điểm, còn hầu hết là 10-12 điểm. Ở ĐH Quảng Nam (gọi là Trường ĐH Phan Chu Trinh), điểm thi của thí sinh có cao hơn ĐH Quảng Bình, trong gần 200 em thi khối A, có em đạt 26 điểm, có 22 em đạt 20-25 điểm, còn lại đa số 12-15 điểm; khối C thì thấp hơn. Trong lúc đó điểm thi của thí sinh vào các trường ĐH ở Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Huế đều cao hơn hẳn, cao hơn một bậc. “Danh sách thí sinh đạt điểm thi cao” của ĐH Bách khoa TP.HCM đều từ 25-29 điểm, có em tới 30 điểm. Điểm thấp nhất trong danh dách “thí sinh đạt điểm cao” của ĐH Huế là 21-23 điểm, bằng điểm cao nhất của thí sinh thi vào ĐH Quảng Bình. Danh sách thí sinh đạt điểm cao của ĐH Kinh tế Đà Nẵng thấp nhất là 19 điểm, cao 27-28 điểm.

Qua mấy con số trên, ta dễ dàng nhận ra một điều là đa số các em học giỏi, có năng khiếu ở các địa phương đều thi vào những trường đại học lớn ở các trung tâm đất nước. Còn ĐH tỉnh phải chịu cảnh tiếp nhận những sinh viên học lực trung bình và yếu, thí sinh loại 3 loại 4. Với sinh viên như thế, giáo viên như thế, trang thiết bị “trung cấp, cao đẳng” như thế, rõ ràng trong thời gian năm năm tới đây các ĐH tỉnh không thể đào tạo được những cử nhân, kỹ sư có chất lượng cho đất nước.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận