TTCT - Khóa họp thứ 78 của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc (UNGA), như mọi năm, thể hiện những tiếng nói khác nhau, bất đồng chính kiến. Giữa khung cảnh của những đôi co chiến tranh, cũng đã có những tiếng nói "con đường thứ ba". Ông Lula lãnh đạo đất nước Brazil nhấn mạnh vào các chính sách bình đẳng. Ảnh: NPRTính nhân bản là điều mà diễn giả đầu tiên của buổi sáng khai mạc khóa họp, Tổng thống Brazil Luiz Inácio Lula nhấn mạnh trong bài phát biểu của ông. Ông thuật lại rằng 20 năm trước, lần đầu tiên tham gia diễn đàn này (nhiệm kỳ đầu làm tổng thống), ông đã nói rõ rằng mình "tin nơi khả năng của con người trong việc vượt qua các thách thức và phát triển theo hướng tồn tại một cách ưu việt". Ông nói tiếp rằng hôm nay trở lại diễn đàn này, ông vẫn tin một cách không lay chuyển nơi nhân loại.Đạo đức của người cầm quyềnThoạt đầu có thể nghĩ rằng, do là diễn giả đầu tiên, nên ông tổng thống Brazil tránh đề cập tới chiến tranh, mà tập trung vào những tai ương chung mà nhân loại đang gánh chịu. Bắt đầu là cuộc khủng hoảng khí hậu đang gõ cửa và phá hủy nhà nhà, gây ra chết chóc, mất mát và đau khổ, nhất là cho những người nghèo nhất. Rồi nạn đói đang ảnh hưởng đến 735 triệu người mà "buổi tối đi ngủ không biết liệu ngày mai có gì ăn không, liệu có được ăn đủ bữa không".Kế đến là "thế giới ngày càng bất bình đẳng khi 10 tỉ phú giàu nhất có khối tài sản nhiều hơn 40% người nghèo nhất nhân loại". Bất bình đẳng này xảy ra ngay từ khi đứa trẻ còn trong bụng mẹ, không chắc có được chăm sóc sức khỏe không, được đi học và có một việc làm ra hồn không, hay lại phải gia nhập đám đông thất nghiệp, tái thất nghiệp, chán sống... Vấn đề đặt ra cho các chính phủ, theo ông, là "phải vượt qua sự cam chịu, điều khiến chúng ta chấp nhận sự bất công như một hiện tượng tự nhiên".Dựa vào đâu ông Lula "lên lớp" giới lãnh đạo thế giới ngay tại UNGA? Báo Ấn Độ The Times of India đã có bài điểm lại thành tích của ông Lula ở nhiệm kỳ tổng thống thứ nhất (2003-2010) của Brazil, sau khi thắng cử lần nữa trước đối thủ Jair Bolsonaro vào tháng 10-2022. Theo đó, ông đã không chỉ tiếp tục thành công với chương trình giải cứu nền kinh tế Brazil do Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) khởi xướng, mà còn đưa ra nhiều dự án mới giúp hàng triệu người dân nước mình thoát nghèo.Một trong những chương trình được quốc tế ca ngợi là Chương trình Túi tiền gia đình (Programa Bolsa Família, PBF), theo đó các gia đình sẽ được cấp tiền mặt khi có con em đi học, cần tiêm chủng, phụ nữ có thai và chấm dứt dần tình trạng trẻ em phải lao động. Nhờ PBF này, tỉ lệ trẻ em đến trường lên đến 91% trong giai đoạn 2004-2014. Sở dĩ báo chí Ấn Độ đào sâu thành tích của ông Lula, đặc biệt là giảm đến 41% tỉ lệ bất bình đẳng (theo Ngân hàng Thế giới, WB), do lẽ hai nước hầu như cùng cảnh ngộ xã hội. Còn trong cuộc tranh cử năm ngoái, ông Lula đã hứa với cử tri sẽ ưu tiên giải quyết tình trạng tăng trưởng thấp, bất bình đẳng và khủng hoảng đói nghèo; tăng cường PBF, mở rộng chương trình nhà ở, tăng thuế đánh vào người giàu và tăng lương tối thiểu, đặc biệt là bãi bỏ các chính sách của ông Bolsonaro mở rừng nhiệt đới Amazon để khai thác gỗ...Chi tiết sau cùng, đóng cửa rừng Amazon, là thực tế nóng bỏng ở Brazil dưới trào Bolsonaro. Theo Vox 3-10-2022, dưới thời ông này, nạn phá rừng ở Amazon của Brazil đã gia tăng. Trong khi đó Lula đã hứa sẽ trấn áp hoạt động khai thác trái phép và giúp kiểm soát tình trạng mất rừng, như ông từng làm cách đây một thập niên khi còn là tổng thống. Một phân tích của trang web khí hậu Carbon Brief trước bầu cử cho thấy nếu ông Bolsonaro thất cử và ông Lula thắng, thì nạn phá rừng hằng năm ở Amazon của Brazil có thể giảm gần 90% vào cuối thập niên này.Lấy của người giàu, chia cho người nghèo?Vậy ứng cử viên Lula đắc cử rồi, có giữ lời hứa không? The Guardian 2-8 cho biết nạn phá rừng ở Amazon của Brazil đã giảm ít nhất 60% trong tháng 7 so với cùng tháng năm ngoái. Con số có thể kiểm chứng dựa trên hệ thống vệ tinh cảnh báo Deter - một kỹ thuật ngày nay đã quá phổ biến.Đã phần nào yên bề đối nội, ông Lula "kiểm điểm" các nhà lãnh đạo thế giới: "Hầu hết các mục tiêu phát triển bền vững đang tiến triển với tốc độ chậm. Tầm quan trọng về mặt đạo đức và chính trị của việc xóa đói giảm nghèo và chấm dứt nạn đói dường như đã tê liệt". Ông không ngớt đòi "tính sổ" vấn nạn bất bình đẳng: "Giảm bất bình đẳng ở các quốc gia đòi hỏi phải đưa người nghèo vào ngân sách chính phủ và bắt người giàu đóng thuế theo tỉ lệ tài sản của họ".Có thể thấy ông đang "bơi" trong ý tưởng đánh thuế người giàu đang được thể hiện ở châu Âu, tỉ như ở Pháp với thuế trên tài sản nhà đất (IFI) đánh trên chủ sở hữu bất động sản trị giá trên 1,3 triệu euro, sau khi trừ các sắc thuế khác. Ông Lula càng "dấn thân" hơn khi cảnh cáo: "Hành động tập thể chung và tham vọng nhất của LHQ nhằm mục đích phát triển - Nghị trình 2030 - có thể trở thành thất bại lớn nhất của tổ chức này". Tại sao vậy? Ông "chấm điểm": "Chúng ta đã đi được nửa khoảng thời hạn thực hiện, song đích đến còn xa vời".Thành ra, nếu xóa đói giảm nghèo xong, rồi xoa tay, ngoảnh mặt, sẽ lại tái nghèo, tăng bất công. ■ Tiếng vọng chiến tranhCho tới giờ, khi nói tới Hungary là nói tới ông Thủ tướng Viktor Orban với lập trường bất thân thiện với Ukraine. Tháng 5 vừa rồi, ông đã tỏ rõ lập trường "phi-Ukraine": "Là một quốc gia, Ukraine tất nhiên rất quan trọng, nhưng về lâu dài, chiến lược mà nói, an ninh tương lai của châu Âu đang bị đe dọa". Ông đã cụ thể quan điểm đó bằng việc không cho ngân hàng lớn nhất nước này, OTP Bank, trở thành "nhà tài trợ quốc tế cho chiến tranh", khiến các ngoại trưởng EU không đạt được thỏa thuận về quỹ mới tài trợ vũ khí cho Ukraine (Euro News 23-5).Nhưng trong khi ông thủ tướng tỏ ra phi-Ukraine, thì nữ Tổng thống Hungary Katalin Novák lại ra trước UNGA phát biểu: "Chống lại áp bức nào đã trở thành bản năng của chúng tôi. Đó là lý do tại sao chúng tôi lên án một cách rõ ràng và dứt khoát hành vi vi phạm luật pháp quốc tế..., lý do tại sao chúng tôi cung cấp viện trợ nhân đạo cho Ukraine".Bà Novák nhấn mạnh: "Cuộc chiến này ảnh hưởng trực tiếp đến người Hungary chúng tôi. Chúng tôi có 150.000 người Hungary đang sống tại Ukraine, ở Transcarpathia, đang chia sẻ mọi khó khăn, đấu tranh, hy sinh và thắng lợi. Nhiều người Hungary cả cha và con, sống ở Ukraine cũng đang hy sinh mạng sống trong chiến hào, bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ và độc lập của Ukraine". Ở Hungary, thủ tướng nắm quyền hành pháp, còn tổng thống, do quốc hội bầu, chỉ có vai trò đại diện.Những tiếng nói mang tính bè phái phân bua hay răn đe chiến tranh cũng đã trở thành một tông chủ đạo ở UNGA năm nay. Có thể tạm nêu nhóm ba nước Baltic Estonia, Latvia, và Lithuania, vốn đều là thành viên NATO và EU.Tổng thống Gitanas Nauseda của Lithuania đặt vấn đề: "Không thể có phát triển bền vững trong bối cảnh chiến tranh", rồi yêu cầu: "Cộng đồng quốc tế không thể tiếp tục cho phép Nga thao túng và lạm dụng các quy tắc toàn cầu nữa, (khi mà) Nga vẫn là thành viên thường trực với quyền phủ quyết".Tổng thống Latvia Edgars Rinkevics: "Sự bất lực của Hội đồng Bảo an do việc lạm dụng quyền phủ quyết là một vấn đề đáng lo ngại. Đó là lý do tại sao Latvia ủng hộ các nỗ lực nhằm làm cho Hội đồng Bảo an trở nên minh bạch hơn".Tổng thống Estonia Alar Karis cũng cùng mạch văn: "Hiến chương LHQ nói rằng mục đích của LHQ là ngăn chặn và loại bỏ các mối đe dọa với hòa bình và trấn áp các hành vi xâm lược. Nga đã liên tục vi phạm nguyên tắc cốt lõi này. Việc Nga là thành viên Hội đồng Bảo an không hợp pháp hóa hành động của họ".Tới phiên Nga, Bộ trưởng Ngoại giao Sergey V. Lavrov phản bác: "Như Tổng thống Putin đã chỉ ra, phương Tây thực sự là một "đế chế dối trá", bằng cớ là những đảm bảo chính trị cụ thể dành cho Matxcơva về việc không mở rộng NATO". Ông tố cáo phương Tây tiếp tục quân sự hóa chế độ Kiev bài Nga, vốn là kết quả của một cuộc đảo chính đẫm máu và được sử dụng để tiến hành cuộc chiến tranh lai chống lại Nga. Ông giải thích: "Năm 2021, đề xuất của chúng tôi về ký kết các hiệp ước đảm bảo an ninh chung ở châu Âu mà không thay đổi tình trạng không theo khối nào của Ukraine đã bị từ chối một cách thô bạo". Ông lưu ý thêm rằng một loạt cuộc tập trận chung gần đây giữa Hoa Kỳ và các đồng minh châu Âu, bao gồm cả kịch bản thử nghiệm sử dụng vũ khí hạt nhân ở Nga. Ông nhắc rằng hiện các tổ chức như BRICS và Tổ chức Hợp tác Thượng Hải đang trên đà phát triển. Tags: Đại hội đồng Liên Hiệp QuốcLãnh đạo đất nướcĐất nước BrazilTổng thống BrazilBất bình đẳngLiên Hiệp QuốcĐại hội đồngXóa đói giảm nghèoLula Da Silva
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Quân đội Mỹ tuyên bố sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân TRẦN PHƯƠNG 21/11/2024 Bộ tư lệnh chiến lược Mỹ (STRATCOM) nói Washington sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân nếu cần nhưng chỉ trong tình hình 'có thể chấp nhận được'.
Chi tiết sáp nhập phường của TP.HCM áp dụng từ ngày 1-1-2025 THÀNH CHUNG 21/11/2024 Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã ký ban hành nghị quyết về việc sáp nhập đơn vị cấp xã của TP.HCM giai đoạn 2023 - 2025.
Chi tiết sáp nhập xã, phường của Hà Nội: Giảm 53 xã, phường THÀNH CHUNG 21/11/2024 Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã ký nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sáp nhập phường, xã của Hà Nội giai đoạn 2023 - 2025.
Bộ Chính trị kỷ luật cảnh cáo ông Vương Đình Huệ THEO WEBSITE ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM 21/11/2024 Ngày 20-11, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã xem xét, thi hành kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên có vi phạm, khuyết điểm.