Đao kiếm không đùa với nữ nhi

KHƯƠNG XUÂN 30/03/2021 05:00 GMT+7

TTCT - Là con gái theo đuổi sự nghiệp thể thao đã gian nan, lại chơi môn phải sử dụng đủ loại binh khí từ gậy, dao, liềm… là điều không đơn giản với nhiều vận động viên (VĐV). Từ đồng ruộng đến với thể thao, đôi tay vốn chai sần làm lụng lại thêm sứt sẹo vì những vết chém…

Một ngày của các nữ VĐV pencak silat bắt đầu từ khi trời mới hửng sáng và kết thúc lúc đã tối muộn. Tất cả đều nỗ lực tập luyện để có thành tích và cải thiện đời sống gia đình. Thế nhưng tuổi đời VĐV thì ngắn ngủi, phải làm gì để kiếm sống sau khi chia tay nghiệp thể thao là điều khiến các cô gái vô cùng trăn trở.

Nguyễn Thị Thu Hà (phải) và đồng đội trong bài tập với dao. Ảnh: Hoàng Quân

 

Một chút sơ sẩy, dao chém lòi xương 

Khuôn mặt đẹp như hoa của VĐV Nguyễn Thị Thu Hà ngay lập tức thu hút sự chú ý của người đối diện. Ở môn silat tại Trung tâm Đào tạo VĐV cấp cao Hà Nội, Thu Hà là một trong những VĐV kỳ cựu khi đã bước sang tuổi 27 và có đến 12 năm theo đuổi nghiệp võ. Từ năm 2012 đến nay, năm nào cô cũng được triệu tập lên đội tuyển quốc gia và từng giành được HCV SEA Games 2017.

Thu Hà chia sẻ: “Tôi quê ở Bắc Giang, khi 15 tuổi gia đình đưa tôi về Hà Nội thi tuyển vào ngành thể thao. Khi đó các thầy hỏi muốn vào đội nào, đua thuyền hay võ thuật, tôi chọn silat vì nghĩ đua thuyền ngoài trời thì nắng nôi vất vả. 

Ở silat có hai nội dung: đối kháng (tanding) và biểu diễn (tunggal), năm đầu tiên tôi tập luyện đối kháng. Sau đó, tôi lại chuyển sang biểu diễn và mất thêm một năm nữa để rèn kỹ thuật. Mất tổng cộng 3 năm tập luyện, tôi mới bắt đầu làm quen với các loại binh khí: gậy, dao dài, dao ngắn, liềm. 

Khi tập luyện binh khí thì việc đập, chém vào đồng đội hay ngược lại là chuyện khá thường xuyên. Trong một lần tập luyện trước giải đấu, tôi đã sơ sẩy chém lòi xương bàn tay của đồng đội mình là Nguyễn Thị Huyền.

Rất may dao chỉ chạm đến xương và không bị gãy. Những lần làm đồng đội bị thương, tôi thật sự rất lo lắng. Và ngược lại, bản thân cũng không ít lần ăn thẹo bởi đồng đội sơ sẩy. Đúng là đao kiếm không đùa được, nhất là với nữ nhi”.

Thu Hà mới lập gia đình vào tháng 11-2020, với một VĐV của Hà Nội là Giáp Ngọc Thoan (môn vật). Hai vợ chồng cùng tập một khu, nhưng từ khi lấy nhau đến giờ, chồng ở đội nam, vợ ở đội nữ, không có cơ hội được sống bên nhau.

Không hề buồn chuyện đó, Hà còn tếu táo bảo rằng nếu ở cùng chồng thì làm sao cô chuyên tâm tập luyện được.

“Hai đứa mỗi ngày chỉ nói chuyện vào buổi tối, sau giờ ăn cơm, vì cùng đi ăn một chỗ, sau đó ai lại về phòng nấy. Muốn ở cùng chồng thì khi nào được nghỉ, vợ chồng tôi mới chở nhau về quê ở Bắc Giang. 

Tôi cố gắng thi đấu với mục tiêu giành HCV SEA Games 31 và Đại hội TDTT toàn quốc 2022. Tôi cũng lớn tuổi rồi, sau đó phải nghỉ sinh con và tìm kế sinh nhai. 

Cơ hội ở lại Hà Nội làm HLV khó lắm, nên vợ chồng tôi định về quê buôn bán hoặc mở phòng dạy thể thao, tôi dạy silat còn chồng dạy vật” - Hà kể.

Dân đỉnh cao phải tập binh khí thật

Triệu Thị Hoài (22 tuổi), người Tuyên Quang, là cô gái nhút nhát ở đội silat Hà Nội. Nhìn Hoài cầm dao, gậy biểu diễn điêu luyện trên sàn đấu thế nhưng ngoài đời hết sức dịu dàng, chẳng giống con gái luyện võ chút nào. 

16 tuổi, khi đang học phổ thông, Hoài được các thầy cô về trường tuyển làm VĐV silat, dù lúc đó cô chẳng biết silat là gì. Hoài bảo cô là người dân tộc Dao, chỉ biết đến trường học và lên nương làm rẫy thôi.

Sau 6 năm gắn bó với silat, cô gái Dao đã giành 1 HCV giải trẻ thế giới 2015 và HCB SEA Games 2019. Dù đạt thành tích tốt, Triệu Thị Hoài không đi học đại học TDTT như các đồng đội. 

Cô tâm sự: “Nhiều HLV của em huấn luyện nhiều năm còn chưa vào được biên chế thì làm sao đến lượt em. Khi nào thi đấu không còn thành tích nữa, em sẽ về quê Tuyên Quang cùng gia đình. Em muốn học nghề cắt tóc gội đầu để sau này về phụ mẹ em ở cửa tiệm nhỏ trên quê”.

Cùng là đồng hương Tuyên Quang ở đội silat Hà Nội còn có VĐV Vương Thị Bình (24 tuổi). Bình là người dân tộc thiểu số Cao Lan và đã có 7 năm theo nghiệp thể thao. Đưa đôi bàn tay với nhiều vết sẹo vì bị liềm, dao chém trúng trong những lần tập luyện, Bình bảo cô đã quá quen với những vết thương.

Hỏi tại sao không cho tập luyện với binh khí gỗ để hạn chế chuyện đao kiếm vô tình, ông Nguyễn Ngọc Anh - vụ trưởng Vụ thể thao quần chúng (Tổng cục TDTT) và trước đây từng là VĐV, HLV, trưởng bộ môn silat - cho biết VĐV đỉnh cao thường tập luyện bằng binh khí thật chứ không dùng đồ giả.

Với những em mới tập thì có thể cho tập bằng binh khí giả để làm quen, nhưng đã là VĐV đỉnh cao của quốc gia thì phải tập với binh khí thật. Sự cố chém vào nhau thường chỉ xảy ra với các VĐV mới tập.

Nỗi lo tương lai…

Đầu tháng 3-2021, khi đến thăm Trung tâm Đào tạo VĐV cấp cao Hà Nội, ông Vương Đình Huệ, bí thư Hà Nội, không khỏi bất ngờ về đời sống khó khăn, thiếu thốn của các VĐV thể thao đỉnh cao. 

Trong cuộc họp với Sở VH-TT Hà Nội sau đó, ông Huệ đề nghị sở phải có tham mưu, đề xuất cụ thể với thành phố để cải thiện chế độ đãi ngộ cho VĐV thể thao cũng như tạo cơ hội học hành, công ăn việc làm sau khi giải nghệ cho họ yên tâm tập luyện.

Là địa phương có VĐV đông nhất và nhiều VĐV tài năng nhất cả nước, Hà Nội cũng chưa giải được bài toán chăm lo tốt cho VĐV. 

Với hơn 2.000 VĐV ở tất cả các tuyến, mỗi năm thể thao Hà Nội mới có vài chục VĐV có thể gia nhập đội ngũ công chức thể thao thành phố. Phần lớn VĐV sau khi giải nghệ sẽ phải bươn chải với một cuộc đời khác ngoài thể thao.

Trao đổi với Tuổi Trẻ Cuối Tuần, ông Đào Quốc Thắng - giám đốc Trung tâm huấn luyện và thi đấu TDTT Hà Nội - nói: “Những năm qua thành phố Hà Nội đã rất quan tâm đến việc thực hiện chế độ thu hút nhân tài thể thao. Chính vì vậy mới có một số VĐV đặc biệt xuất sắc được xem xét đưa vào biên chế của ngành thể thao: năm 2018 có 16 VĐV, năm 2019 có 55 VĐV, năm 2020 có 27 VĐV được vào biên chế”.

Những năm gần đây, Tổng cục TDTT đã ký thỏa thuận hợp tác với Trường đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) về việc đào tạo cử nhân kinh tế cho các tài năng thể thao. 

Tổng cục TDTT cũng ký thỏa thuận với Hiệp hội Doanh nhân trẻ VN về việc tạo điều kiện việc làm cho VĐV sau giải nghệ. Một số doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, làm đẹp… hứa sẽ tuyển VĐV đi làm nhân viên kinh doanh, bán xăng với số lượng hạn chế. 

Nhưng bấy nhiêu là chưa đủ với hàng ngàn VĐV ở nhiều địa phương trên cả nước chưa biết tương lai ra sao sau khi vắt sức giành thành tích cho thể thao đỉnh cao. ■

Càng ngày càng khó tuyển VĐV thể thao

Đó là tình cảnh ở hầu hết các bộ môn của thể thao VN hiện nay, trừ bóng đá. Các gia đình ở thành phố chỉ cho con em tập thể thao để duy trì sức khỏe, chứ nhất quyết không theo thể thao chuyên nghiệp. Vì thế để tuyển chọn VĐV trẻ, các HLV phải đi đến nhiều tỉnh thành, vùng miền xa xôi trên khắp cả nước.

HLV Trần Thu Hương - trưởng bộ môn silat Hà Nội - cho biết chị và các đồng nghiệp phải đi Hà Nam, Hòa Bình, Tuyên Quang… để tuyển quân cho đội. Tuyển đã khó vô cùng nhưng có VĐV đi tập được vài năm lại bỏ, tốn không biết bao công sức và tiền bạc.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận