Đầu năm mua muối…

HÀ QUANG MINH 15/02/2017 21:02 GMT+7

TTCT- “Đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi”, câu nói ấy chắc quen với nhiều người. Vôi là để rắc trừ tà, vẽ một vòng quanh cây nêu và muối thì được coi là mang lại vận may, sự sung túc.

Đôi dép đơn sơ do diêm dân tự chế để làm việc trên đồng. -Huyền Trang
Đôi dép đơn sơ do diêm dân tự chế để làm việc trên đồng. -Huyền Trang


 Thế nên, đầu năm mua muối cũng là để cầu được cái may mắn sung túc ấy. Tết cổ truyền của người Việt khác với người Hoa cũng ở cái tục vôi với muối ấy. Dựng cây nêu thì giờ cái tục ấy không còn nữa (tôi đang tính tết năm sau, tôi phát động bạn bè phong trào dựng cây nêu trở lại) nhưng mua muối thì vẫn còn.

Sáng sớm mùng một, vẫn còn nghe vẳng tiếng rao bán muối dưới ngõ và vẫn không quên chạy vội xuống mua một chút lấy may.

Nói chuyện đầu năm mua muối để nhớ đến mấy món quà quý mà tôi có xuân này. Toàn muối cả. Những người yêu quý mình mong cho mình được may mắn, sung túc nên đầu năm toàn tặng muối.

Một người chị tặng cả bộ muối, dầu olive, mù tạt từ Pháp nhập về. Tất cả đều có trộn vàng cả, dù chẳng biết ăn vàng vào người có bổ béo gì không. Một người bạn thân làm nhà hàng thì tặng cho loại muối tuyết, cũng nhập từ Pháp, nhắn nhủ rằng “cái này ướp steak ăn ngon lắm”.

Rồi cậu em chuyên vịt biển thì tặng muối Nhật Bản, trong khi đó có cậu đồng nghiệp, nhà thơ tặng cho bịch muối hồng Himalaya. Chỉ duy nhất bà chị vợ là tặng muối Việt, loại muối thường ngày mà chúng ta vẫn dùng. Chị khệ nệ mang gạo, muối, nước, dầu ăn tới tặng đúng ngày mùng 3 tết, bảo là “như thế cho gia đình chú luôn được ấm no”.

Nhận quà mang ý nghĩa, lòng thấy thư thái, hưng phấn lạ thường. Biết người ta thương quý mình và mình cũng thương quý họ, có còn gì hạnh phúc hơn.

Nhưng ngồi bên tách cà phê đầu xuân, tự dưng nhớ đến chuyện mấy hạt muối, bỗng thấy cái thư thái, hưng phấn kia tan biến hết, bỗng thấy mình, và nhiều bằng hữu của mình, đang nợ người dân cần lao một món nợ quá lớn, một món nợ của những kẻ miệng nói biết lo chuyện thiên hạ mà thực tình chưa làm được nên trò trống gì.

Chắc có người sẽ đặt câu hỏi rằng “tại sao tự dưng người đâu lẩn thẩn, đầu năm đầu tháng đang uống cà phê mà lại đi lo chuyện hạt muối?”. Không phải lẩn thẩn mới sinh ra cái lo lắng ấy.

Tôi quen uống cà phê một “gout”, loại hạt cà phê do chính người bạn mình đi thu mua trên Tây nguyên, mang về rang xay không tẩm ướp bất kỳ một thứ gì thêm, mộc mạc hoàn toàn, ba năm nay chỉ dùng một loại hạt này, uống tới đâu thì tự xay, tự pha tới đó. Anh bạn làm cà phê ấy cũng mơ mộng lắm, muốn tạo ra một thương hiệu cà phê sạch, thuần chất, mang toàn bộ đam mê cà phê của mình đổ vào việc nghiên cứu ra cách rang xay làm sao cho ngon nhất.

Tôi đã từng kỳ vọng vào thương hiệu của anh ấy lắm. Nhưng sau vài năm, cứ gặp anh ấy ở đâu là tôi nổi giận, nổi giận vì anh ấy mải chơi, làm không tới nơi tới chốn khi mà tiềm năng của thương hiệu cà phê ấy không nhỏ. Mấy người quen của tôi ở Pháp về, được cho uống thử đều đòi mua giùm để mang về Pháp giới thiệu.

Nghĩ đến cái sự giậm chân tại chỗ của thương hiệu kia chỉ vì cái mải chơi của anh bạn thị dân tiểu tư sản, tôi lại ức chế. Lần tới gặp, kiểu gì tôi cũng sẽ càm ràm tiếp, cho đến bao giờ anh ta làm cho ra trò thì thôi.

Từ chuyện thương hiệu hạt cà phê kia, tôi quay lại nghĩ về muối. Năm rồi, chúng ta ồn ào (và còn ồn ào nữa) về một dự án khu công nghiệp dự kiến được xây dựng ở một tỉnh ven biển Nam Trung bộ vì chúng ta lo sợ cái họa như Formosa sẽ lại tái diễn ở hình thức khác.

Và trong cơn ồn ào quanh cái dự án đang trên đường thành hình kia, tôi nhớ đến những tuyên bố “âu lo” của một quan chức rằng Việt Nam không lẽ sẽ tiếp tục chỉ phát triển bằng hạt muối của Cà Ná, bằng hạt thóc của Tây Nam bộ không thôi hay sao, ta phải làm thép chứ.

Cả trăm năm nay diêm dân đâu có chết đói vì họ mải làm muối đâu. Họ vẫn sống, lúc sung túc, lúc vất vả, tùy theo thời, nhưng bám vào nghề muối. Vùng làm muối ở Việt Nam nhiều và đa dạng cách làm, từ Bắc chí Nam, tùy theo thổ nhưỡng từng miền.

Nhưng nếu mang chính hạt muối bé nhỏ nay bán ế, mai thất mùa ra để làm nguyên do cho nỗi khổ, nỗi khó khăn của bà con diêm dân thì khiên cưỡng lắm. Và câu hỏi nó cứ tự bật ra: “Tại sao chúng ta hồn nhiên bỏ rất nhiều tiền nhập muối Pháp, muối Nhật, muối Himalaya... mà lại không nhận lấy trách nhiệm về mình trong chuyện diêm dân còn khổ?”.

Câu hỏi đó tôi cũng hỏi cả chính mình luôn, không chỉ ở lãnh địa của hạt muối hay nỗi khổ của riêng diêm dân.

Vẫn biết thứ muối quý mà bạn bè, họ hàng tặng tôi là “đặc sản” quốc tế, đã thành thương hiệu nên mới đắt, mới được săn lùng và so sánh muối thường với muối đặc sản là khập khiễng.

Song, để diêm dân sống khỏe, tại sao chúng ta không đảm lãnh lấy trách nhiệm khơi gợi cho họ con đường tạo ra một hạt muối đặc sản có thương hiệu do người Việt làm, của người Việt làm, rồi tìm đường cho hạt muối biển ấy đi ra ngoài biên giới, đánh thức những vùng muối ngàn đời cho một đời sống mới của thị trường và tiêu thụ.

Chúng ta rất biết quan tâm bằng lời nói tới những người dân cần lao, đặc biệt là những người làm nông, lâm, thủy, hải sản, nhưng khi ta khoác trên mình tấm áo của trí thức thời đại và hiện đại, ta cần bên cạnh và cùng họ, mang những tri thức mới và hiểu biết mới về thị trường khơi gợi cho đồng bào mình một lối đi, đặc biệt là khi đồng bào chẳng có gì ngoài sức lao động cùng kinh nghiệm ở duy nhất một lĩnh vực truyền đời của họ.

Hơn 300 ngày nữa là lại tết. Và tôi muốn làm gì đó để năm sau tôi cầm một gói muối đẹp, của Ninh Thuận chẳng hạn, với một thương hiệu đẹp, mới toanh, giá bán đắt hơn muối bình thường, đến tặng những người bạn tôi trân quý. Tôi muốn làm điều đó, và tôi cần rất nhiều người cùng tôi làm điều đó...■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận