Đầu tư cho "giao diện", đừng quên...

HỮU ĐĂNG 17/03/2012 19:03 GMT+7

TTCT - Làm đẹp, tại sao không? Càng ngày người ta càng tìm mọi cách để nâng cái đẹp lên thành một giá trị. Nhà sáng lập công nghệ máy tính Apple - Steven Jobs - lúc còn sống cũng là một tín đồ của cái đẹp.

Luôn bị ám ảnh bởi cái đẹp, ông thường dùng phần lớn thời gian chọn lựa những mẫu mã tối ưu nhất, đơn giản nhất, thẩm mỹ nhất để chứa đựng bộ vi xử lý tinh tế nhất, tiện dụng nhất, sáng tạo nhất của ông.

Phóng to

Thật sửng sốt khi nhìn quanh ta hiện nay: đi đâu cũng thấy bảng quảng cáo với những người mẫu xinh như mộng, các cao ốc phô bày hết sự lung linh và hoành tráng, từ ly giấy uống nước tới đôi giày dường như cũng thể hiện sự bắt mắt. Và con người - kẻ sử dụng toàn bộ các sản phẩm đó - trở thành... một cây “trưng bày” sự sành điệu, biểu tỏ quan niệm về óc thẩm mỹ của mình.

Đẹp để cứu rỗi số phận

Cái đẹp góp phần biến đổi thế giới, nhờ làm đẹp, phụ nữ khiến ngành mỹ phẩm, thời trang, giải phẫu thẩm mỹ phát triển, giúp tạo ra việc làm cho nhiều nhân công. Cái đẹp giúp các nhà sáng tạo thăng hoa với hàng loạt thiết kế sản phẩm vừa tiện ích, vừa đẹp mắt phục vụ không chỉ nhu cầu sử dụng mà còn để tạo vẻ mỹ quan cho gia đình và nơi làm việc.

Cái đẹp cũng đem lại những hiệu ứng tích cực nhất định, ví như ta đi máy bay cách mặt đất cả chục cây số, gặp các cô tiếp viên hàng không xinh đẹp ăn nói nhẹ nhàng cũng cảm thấy phấn chấn và vơi bớt nỗi sợ độ cao (sao lạ nhỉ, cứ như càng nguy hiểm thì càng phải xinh đẹp vậy!).

Giao diện đẹp cũng có giá trị của nó, một thời người ta than phiền ầm ầm về các cô mậu dịch viên bán hàng mà mặt sưng vù như ong chích đó thôi, vì thế không phải ngẫu nhiên mà những công việc có tính tương tác như thư ký, nhân viên bán hàng, phục vụ dịch vụ đều có yêu cầu nhất định về ngoại hình bởi vì chúng ta ai cũng muốn tiếp xúc với người có vẻ ngoài thân thiện đáng tin cậy.

Làm đẹp cũng đem lại... sự cứu rỗi cho số phận, một số người nhờ chăm chút ngoại hình mà trở nên tự tin hơn khi giao tiếp và nhờ đó họ có nhiều cơ hội làm việc hơn.

Người được đánh giá có ngoại hình đẹp cũng có ý thức giữ gìn vẻ ngoài của mình, cụ thể họ quan tâm đến chế độ ăn uống, nghỉ ngơi, giải trí hợp lý hơn.

Vậy sao ta lại dị ứng chuyện chăm chút ngoại hình?

Đẹp nhưng đừng rỗng

Có vẻ như một số bạn trẻ hiện nay đã bị “đầu độc” hoặc “bội thực” trước mật độ phủ sóng của cái đẹp nên vô tình - thay vì là người sử dụng - lại trở thành nạn nhân của hàng núi áo quần mỹ phẩm và cả phong cách nữa. Liệu phản ứng của thế giới xung quanh có là một phần nguyên nhân của thói sùng bái “giao diện đẹp” hiện nay?

Nếu những người xung quanh ít hỏi han về các chấm đỏ trên mặt, hẳn các cô gái mới lớn sẽ ít bị stress, nếu người ta bớt chế nhạo những nốt mụn dậy thì, các nam thiếu niên sẽ giảm thời gian đau khổ soi gương, nếu ít ai bình luận chuyện vóc dáng hay chân ngắn chân dài thì các cô nàng sẽ bớt tập trung nghiến răng làm đẹp với đôi giày cao gót trên mọi địa hình. Điều này phải chăng là chính giới trẻ không hề được chuẩn bị bất kỳ một ứng xử nào khác mang tính độc lập và đúng đắn hơn trước sự tác động của đám đông?

Rõ ràng giới trẻ chúng ta ít nhận được sự hướng dẫn cần thiết, đây là một sự đầu tư dài hơi ngay từ thuở bé trong gia đình và được bồi đắp thêm từ nhà trường và xã hội. Nếu được giáo dục tốt về âm nhạc, hội họa, thẩm mỹ và các giá trị tinh thần thì ít nhiều các bạn trẻ cũng có một nền tảng để định hướng nhận thức của mình. Những yếu tố tâm lý lứa tuổi như sự bốc đồng hay a dua, nếu có, cũng sẽ chịu tác động bởi nhận thức này và sẽ có sự điều chỉnh thích hợp theo sự trưởng thành của bản thân.

Cái đẹp bên ngoài hoàn toàn không có tính chất thay thế hay che lấp các khiếm khuyết của nhận thức bên trong. Sự suy tôn quá mức cái đẹp bên ngoài mà quên mất tư duy tình cảm cá nhân sẽ khiến bạn trẻ dễ trở nên rỗng tuếch và có khuynh hướng tìm kiếm những giao diện mới để lấp đầy khoảng trống đó. Đầu tư cho “giao diện đẹp” (ngoại hình) là một nỗ lực đáng khích lệ, nhưng chuẩn bị “phần cứng” (tư duy tình cảm) thật tốt thì sự đầu tư mới thật sự hiệu quả.

__________

1. Bạn tôi là một giáo viên. Nỗi khổ lớn nhất của chị là đứa con gái 18 tuổi học kiến trúc năm 1 luôn làm trái những gì mẹ dạy và chưng diện y chang như “một minh tinh” nào đó. Chị bạn tôi đã “gầm lên” với con gái khi nó đi nhuộm tóc màu tím đỏ, ra đường với một cái áo hai dây và quần soọc “ngắn không thể ngắn hơn”.

Chị phát sốt vì con vẽ những móng tay màu đen, mang mặt dây chuyền hình đầu lâu bằng kim loại. Chị cho đó là lai căng, là hư hỏng và biến thái... Còn con chị thì cãi lại là “bạn con ai cũng như thế”. Tôi cố trấn an chị rằng qua cái tuổi “nổi loạn” con gái chị sẽ trở lại bình thường.

Phóng to
Minh họa: Bích Khoa

Khi người ta trẻ, hay trẻ đang ở giai đoạn mới tập làm người lớn, ai cũng muốn thử nghiệm những cái mới trong cách sống, ăn mặc. Và những thử nghiệm ấy thường là kết quả của một cơn hứng khởi bất chợt mà họ không cần nhớ điều đó làm cha mẹ giận dữ như thế nào.

Sau một cơn buồn chán không căn nguyên, một đứa con trai “hiền như đất” có thể đi cạo trọc đầu hoặc xăm lên tay một con đại bàng dang cánh kèm hai chữ “hận đời”. Sau một cú sốc tình cảm, một cô gái nhu mì có thể đi nhuộm tóc “hai ba lai” và mua cho mình một tấm áo cực mát là chuyện bình thường.

Những người trẻ đôi khi thích chạy theo những trào lưu thời trang du nhập từ nước ngoài. Năm nào đó giới trẻ ăn mặc kiểu truyện tranh Nhật Bản, tóc tai xõa xượi, quần soọc, vớ dài đủ màu xanh đỏ. Năm sau nữa, mốt Hàn Quốc lên ngôi, giới trẻ thích son môi nâu trầm, mắt tô xanh lá, phụ trang lủng lẳng. Sự giống nhau của các bạn trẻ vì tâm lý đám đông, ai cũng ăn mặc như vậy thì mình cũng bắt chước bởi giới trẻ thiếu chút bản lĩnh luôn sợ mình khác với cộng đồng và xa lạ với cộng đồng.

2. Vậy chạy theo mốt không có nghĩa con bạn không biết làm đẹp mà chỉ là chưa có “chính kiến” riêng khi làm đẹp. Để con có sự tinh tế và gu thẩm mỹ riêng, chúng ta cần bồi dưỡng kiến thức cho con ngay từ nhỏ. Ở độ tuổi mẫu giáo, cha mẹ cứ để con ra đường với bất cứ áo quần nào con chọn, miễn con biết tự chọn và tự mặc lấy. Nhưng khi con vào lớp 1 ba mẹ cần cùng con chọn trang phục khi ra đường.

Ta cần cho con những lời khuyên bổ ích khi phối hợp màu sắc của áo, quần, giày, nón, rồi trang phục nào thích hợp cho đi du lịch biển, du lịch vùng rừng núi, đi picnic, đi dự tiệc đêm, chơi thể thao... Dần dần lớn lên con sẽ biết cách lựa chọn và quyết định phong cách ăn mặc của bản thân cho phù hợp ngữ cảnh, tuổi tác, vóc dáng, làn da...

Sự bồi dưỡng kiến thức về văn chương, âm nhạc, mỹ thuật của cha mẹ đối với con cái cũng ảnh hưởng đến xu hướng thẩm mỹ trong cách ăn mặc của con khi lớn lên. Một cách vô hình trung, cha mẹ đã trang bị cho con nhận định riêng về cái đẹp và ít bị chi phối bởi tâm lý đám đông.

3. Làm đẹp và ăn mặc đẹp không có nghĩa là phải tốn kém và xa hoa. Sự giản dị, tự tin và yêu đời trong mỗi con người cũng khiến người đó trở nên đáng yêu và xinh đẹp trong mắt người khác, bạn hãy nói với con về điều đó. Chân con to quá hay vòng một quá nhỏ cũng không sao. Áo quần, trang phục của con không là hàng hiệu cũng không sao.

Có thể con có một vài khuyết điểm về hình thể, có thể con mặc áo hàng Việt Nam nhưng con luôn khiến người khác phải bật cười khi đang buồn phiền hay khiến người khác cảm thấy nhẹ nhõm, bình an khi con có mặt. Đó mới là điều quan trọng khi con tồn tại trong mắt mọi người.

Dạy con sống giản dị và tự tin không gì khác hơn là vai trò làm gương của cha mẹ. Cha mẹ không thể vừa tiêu xài xa xỉ, xem trọng vật chất bên ngoài mà vừa khuyên răn con sống tiết kiệm, giản dị được.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận