Để corona tránh xa tâm trí

ĐỖ TRÍ VƯƠNG 09/02/2020 23:02 GMT+7

TTCT - Giữa những tin tức sục sôi về coronavirus chủng mới (2019-nCoV) hay cháy rừng ở Úc, ta cần tìm cho mình một tư thế phù hợp để đối phó với không chỉ những sự kiện này, mà còn với mọi thảm họa và tin xấu khách quan khác trên đời.


Ảnh: NPR

Hoàng đế La Mã cổ đại Marcus Aurelius có một câu nói tôi rất tâm đắc là: “Cái chết cười với tất cả chúng ta. Tất cả những gì một người có thể làm là cười lại với nó”. Câu nói này miêu tả cú chạm trán giữa con người với tử thần. Khi đối diện với cái chết, vị hoàng đế vô cùng thông thái cho rằng một người còn có thể làm gì ngoài mỉm cười và chấp nhận cái chết? Vì suy cho cùng, ai mà chẳng phải chết.

Một trường phái triết học mà tôi thực hành mỗi ngày, trường phái khắc kỷ (Stoic), phân chia rất minh định và rạch ròi mọi thứ xảy ra trong cuộc đời của tất cả chúng ta thành hai “vòng tròn”: vòng tròn thứ nhất là tất cả những gì ta có thể kiểm soát, như quần áo ta mặc hôm nay và có đánh răng trước khi đi ngủ hay không.

Còn vòng tròn thứ hai là tất cả những gì còn lại - những gì ta không thể kiểm soát, như thái độ của người đối diện với ta, thời tiết hôm nay nắng hay mưa, và liệu ngày mai thế giới có bùng phát một dịch cúm mới hay không.

Theo đó, ta chỉ cần tập trung thời gian, sự chú ý và năng lượng của mình cho vòng tròn thứ nhất và “chấp nhận” vòng tròn thứ hai. Nói cách khác, khi đối diện với một vấn đề nằm ngoài phạm vi kiểm soát của bạn, bạn không cần lo lắng về nó. Một vấn đề như corona chẳng hạn.

Nếu những tác vụ như rửa tay (như thể bình thường bạn không bao giờ rửa tay), đeo khẩu trang (như thể khẩu trang thật sự ngăn được kích cỡ của một con virus), hạn chế có mặt nơi đông người (như thể bạn có thể ở trong nhà của mình 24/24 giờ), dùng thêm vitamin và tập thể thao để duy trì sức đề kháng tốt (như thể bạn chưa bao giờ dùng thêm vitamin bổ sung và chưa bao giờ ý thức được tầm quan trọng của thể thao) là những gì nằm trong “vòng tròn của những điều bạn có thể kiểm soát” thì có ích gì nếu - ngay cả khi đã làm tất cả những gạch đầu dòng này - ta tiếp tục để bản thân mình sống trong lo sợ, tới mức giảm sút chất lượng cuộc sống hằng ngày?

Ấy vậy mà tôi biết ít nhất vài người, trong vòng tròn thân cận của mình, đang lo sốt vó lên vì corona, sau khi họ đã sốt vó lên vì cháy rừng ở Úc (nhưng lại không hề sốt vó vì cháy rừng Amazon ở Nam Mỹ, chỉ vì chênh lệch trong mức độ đưa tin về hai sự kiện trên truyền thông). Điều này, như tôi vừa trình bày, là không cần thiết.

Suy cho cùng, là vì ta không được dạy cách “cười” với cái chết. Nỗi sợ chết vượt lên tất cả những nỗi sợ mãn tính khác của kiếp người như sợ nghèo, sợ thừa cân, sợ yếu sinh lý, sợ ngu, sợ cô đơn hay sợ ma. Sợ chết gây stress lên hệ thần kinh con người và bóp nghẹt hệ miễn dịch của ta hơn bất cứ điều gì khác.

Trong lịch sử loài người, cúm nói riêng và những dịch bệnh nói chung luôn xuất hiện như những đám cháy rừng, hoàn toàn độc lập với ý chí con người. Ngày 30-1, CNN cho biết đang có 15 triệu người Mỹ mắc cúm mùa (không phải corona) và trong mùa cúm gần nhất, quốc gia này đã có hơn 8.200 người tử vong, chủ yếu là người bệnh tật, già cả và trẻ em, những đối tượng có sức đề kháng yếu sẵn. Đây là tin tức ta cần đọc như liều thuốc giải độc hàng loạt tin bài về corona trên truyền thông những ngày qua.

Tôi không cổ vũ cho lối sống độc hại “YOLO”, trong đó ta bàng quan với mọi thứ và sống như thể ngày mai không bao giờ đến, nhưng tôi chỉ muốn nói rằng nếu bạn đã và đang làm MỌI THỨ có thể cho mình và gia đình, thì việc lo lắng về một thứ hoàn toàn nằm ngoài vòng kiểm soát của bạn như corona hay cháy rừng ở Úc liệu có phải hành vi khôn ngoan? Bạn có thể ở lì trong nhà một tuần. Nhưng sau đó thì sao, bạn định ở trong nhà suốt vài tháng?

Thay vào đó, tôi đề xuất một giải pháp khác là: nếu muốn dẫn con bạn ra nhà sách hay ra chợ mua nguyên liệu về nấu một nồi xúp ngon tẩm bổ cho cha mẹ, hãy cứ làm. Đằng nào thì không cần đến corona, tôi tin bạn cũng đã có cho mình thói quen rửa tay và đeo khẩu trang khi ra đường.

Suy cho cùng, chỉ cần phân biệt được giữa những gì mình có thể và không thể làm, và điều chỉnh thái độ đón nhận tương ứng, cũng đủ để giúp cuộc sống bé mọn của chúng ta hạnh phúc hơn rất nhiều.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận