Để không còn là “Cuộc chiến”

NGỌC ĐÔNG 22/09/2017 02:09 GMT+7

Trên TTCT số 33 có bài viết thú vị về “đàn ông đích thực” và “ngày của chị em” nêu những tiến bộ trong việc chăm sóc phụ nữ. Tuy nhiên, cho đến tận bây giờ, ở nhiều nơi đây vẫn là “cuộc chiến” chống kỳ thị phụ nữ trong những ngày ấy...

Minh hoa: Đăng  Khoa
Minh hoa: Đăng Khoa

 

Trong khi một số nước đã trang bị băng vệ sinh miễn phí trong trường học thì tại một số nơi khác, vẫn còn tình trạng nữ sinh phải nghỉ học vì xấu hổ và sợ hãi với kỳ kinh nguyệt của mình.

Thậm chí, còn có những cái chết tức tưởi xuất phát từ việc bị kỳ thị do hành kinh. Tuy nhiên, theo tuần san Newsweek của Mỹ, một điều may mắn là phong trào chống kỳ thị nữ giới khi hành kinh đang ngày càng phát triển và ngày càng có nhiều nam giới tham gia vào “cuộc chiến” này.

Chính phủ phải vào cuộc

Ông Ganga - thành viên chương trình Echidna Global Scholar của Viện Nghiên cứu Brookings của Mỹ, một chương trình xây dựng kỹ năng dành cho lãnh đạo của các tổ chức phi chính phủ và các viện nghiên cứu ở các nước đang phát triển - đang tích cực hoạt động để thay đổi tình hình.

Năm 2015, ông cùng êkip của mình gồm một y tá, một bác sĩ và một nhà hoạt động vì giới tính - đến thăm 15 ngôi trường ở ba khu vực hẻo lánh, và dạy cho 75 bé gái cách làm thế nào để giặt sạch và lưu giữ băng vệ sinh cotton đúng cách. Nhóm chuyên gia tổ chức đối thoại với phụ huynh và thầy cô.

Kết quả là nhiều bé gái cảm thấy mình được chuẩn bị và có khả năng xử lý chu kỳ kinh của mình, chuyện học hành cũng tốt lên và các em cũng chủ động hơn trong cộng đồng, theo báo cáo mà ông Ganga - cựu giáo viên tiếng Anh ở Nepan, trình bày với Viện Brookings năm 2016.

Sau một năm thí điểm chương trình, ông Ganga và êkip của mình đã thực hiện nhiều cuộc phỏng vấn tiếp sau đó với một số bé gái tham gia chương trình.

Một giáo viên ở Baglung, quê nhà của ông Ganga, kể rằng từng có một phụ huynh muốn cho con nghỉ học, và năm bé gái từng tham gia chương trình đã đi gặp người đó, thuyết phục ông không cho con mình nghỉ học. Và hiện tại thì cô bé ấy vẫn đi học đều đặn.

“Trong câu chuyện kinh nguyệt, nam giới luôn đóng vai ác nhân. Trong khi đó, họ là người có thể tạo nên sự thay đổi trong việc phá vỡ những điều kiêng kỵ xung quanh chuyện kinh nguyệt.

Khuyến khích và giáo dục nam giới là rất quan trọng để đạt được sự thay đổi mà chúng ta cần trong gia đình, trường học và xã hội nói chung” - Brooke Yamakoshi, một chuyên viên nước sạch và vệ sinh khác của UNICEF, nhận định.

Ở nhiều quốc gia, người cha và người chồng là người nắm giữ quyền kiểm soát nguồn tài chính gia đình. Họ là người quyết định là có xây nhà vệ sinh ở nhà hay không, hay quyết định có chi tiền cho việc mua băng vệ sinh hay không.

Nam giới cũng là người kinh doanh các cửa hàng tạp hóa, khiến các bé gái càng ngại ngần hơn khi đến mua băng vệ sinh. Đàn ông cũng đảm nhận các công việc như kỹ sư thiết kế và xây dựng cơ sở hạ tầng công cộng như trường học và công viên, và thợ bảo trì.

“Chúng tôi từng nghe kể thợ ống nước đã phàn nàn rằng hố xí nhà vệ sinh bị tắc nghẽn vì băng vệ sinh được thả xuống đó.

Cần phải có biện pháp giúp nữ giới “giải quyết” kỳ kinh của họ mà vẫn bảo toàn được phẩm giá của mình, đồng thời đảm bảo được chức năng của hệ thống vệ sinh công cộng” - chuyên viên UNICEF Brooke Yamakoshi nói.

UNICEF đã khởi xướng nhiều chương trình trong trường học tại 45 quốc gia, từ chiến dịch quảng bá bằng poster nhằm chống nạn bắt nạt ở Burkina Faso, giáo dục các chàng trai không chế giễu các cô gái về chuyện kinh nguyệt, cho tới chiến dịch sử dụng truyện tranh và video để tuyên truyền vấn đề này ở Indonesia.

Để giải quyết mối quan tâm của phụ nữ Indonesia về cách xử lý kinh nguyệt như thế nào được xem là đúng mực trong đạo Hồi, UNICEF đã đề nghị chính phủ và hội đồng các học giả Hồi giáo Indonesia xem xét và ủng hộ các tài liệu giáo dục kinh nguyệt mới.

“Đó là một ví dụ điển hình cho thấy những người đàn ông có quyền lực trong các tín ngưỡng khác nhau có thể là đồng minh thực sự cho trẻ em gái và phụ nữ, xóa tan những lời đồn đại, đảm bảo các em được giáo dục về vệ sinh và cho bé trai hiểu được trêu chọc là sai, cả về văn hóa và trong tôn giáo” - chuyên viên Brooke Yamakoshi nói.

Những chiếc cốc nguyệt san

Tại Kibera, khu ổ chuột lớn nhất ở châu Phi, Joshua Omanya, 34 tuổi, dành nhiều thời gian để dạy các chàng trai về kinh nguyệt và cốc nguyệt san.

“Tôi nói với họ, khi các em nhìn thấy các cô gái với chiếc cốc này, đừng cười cô ấy”. Joshua lớn lên ở Kibera, vùng Nairobi, Kenya, nơi có dân số khoảng 500.000-700.000 người.

Ở đó, cái nghèo tràn lan, tỉ lệ thất nghiệp và tội phạm cao, người dân sống thiếu nhà vệ sinh, thiếu hệ thống thu dọn rác và nước sạch.

Sau khi bỏ học phổ thông, Joshua bắt đầu giao du với các băng nhóm và từng phải đi tù. Nhưng hiện tại, anh quay lại khu ổ chuột này để giúp các chàng trai tránh mắc phải sai lầm của mình và hiểu được những khó khăn mà các cô gái phải chịu trong kỳ kinh nguyệt.

Anh làm việc với The Cup, tổ chức phi lợi nhuận chuyên phát cốc nguyệt san miễn phí cho các cô gái có hoàn cảnh khó khăn. Đồng thời tổ chức này cũng giáo dục trẻ em, phụ huynh và giáo viên về an toàn tình dục, quyền sinh sản và được tôn trọng.

“Tôi nói với các chàng trai rằng: Chúng ta là người khiến các cô gái có thai, khiến họ nhiễm bệnh. Chúng ta phải chăm sóc chị em gái mình, cô dì mình và mẹ của mình” - Joshua kể.

Trong số tất cả các sản phẩm mà các tổ chức phi lợi nhuận đang cố gắng mang đến cho những người nghèo nhất trên thế giới, cốc nguyệt san là một giải pháp đơn giản và đầy hứa hẹn.

Được làm từ silicone y tế, cốc nguyệt san được đặt vào phần dưới của âm đạo và có thể đựng máu trong thời gian từ 8-12 giờ.

Nếu được làm sạch và chăm sóc đúng cách, nó có thể sử dụng được đến 10 năm. Giá của chiếc cốc này là 30 USD, trong khi một phụ nữ trung bình sử dụng 12.000 băng vệ sinh loại miếng dán và tampon trong đời và chi phí có thể lên đến vài ngàn USD.

“Chúng tôi muốn các cô gái ở đây được sử dụng những chiếc cốc nguyệt san giống như loại mà những cô gái ở New York đang sử dụng.

Chúng tôi không bao giờ tìm loại rẻ hơn. Những cô gái này thực sự cần sản phẩm có chất lượng tốt nhất. Nếu bạn bị mất cốc nguyệt san ở New York, bạn có thể mua lại cái khác, còn những cô gái này thì không thể” - Richard Ulfvengren, đồng sáng lập của The Cup, chia sẻ.

Richard Ulfvengren, người Thụy Điển, có lẽ là người đàn ông duy nhất ở Los Angeles đi lòng vòng trên đường phố với vài chiếc cốc nguyệt san chưa sử dụng trong cặp táp của mình.

Cách đây vài năm, khi biết được tình trạng nhiều cô gái bỏ học vì kinh nguyệt ở các nước đang phát triển, anh đã biết mình phải làm gì.

Richard gọi cho một người bạn cũ, cô Camilla Wirseen - người sáng lập loại toilet di động tự phân hủy có tên PeePoople, để bàn xem mình có thể làm gì.

Camilla cũng từng ở Kibera và biết rằng một số cô gái phải quan hệ tình dục để có thể có tiền mua băng vệ sinh. “Điều đó còn nguy hiểm hơn là không được đi học. Nó mang lại quá nhiều nguy cơ nhiễm HIV và mang thai” - cô nói.

Camilla và Ulfvengren sau đó lên kế hoạch mang cốc nguyệt san đến cho các cô gái ở Nairobi, và vào tháng 1-2015, họ thành lập tổ chức The Cup.

Ngoài ra, việc phát cốc nguyệt san chỉ là một phần trong sứ mệnh của The Cup. Nhân viên tổ chức này cũng phải nói chuyện với thanh thiếu niên địa phương về tình dục an toàn, chuyện mang thai, hãm hiếp và các vấn đề khác thường bị lờ đi ở Kibera.

“Nhiều cô gái nghĩ rằng nếu đi tiểu sau khi quan hệ tình dục sẽ không bị nhiễm HIV. Hoặc nếu bạn uống Coca-Cola sau khi quan hệ thì sẽ không có thai” - Camilla cho biết.

Cô cũng từng gặp những cô gái tin rằng đàn ông lớn tuổi không thể làm mình có thai vì... tinh trùng của họ di chuyển chậm. Một số người lại cho rằng cách bình thường để phá thai là uống chất tẩy rửa, thuốc giảm đau và đưa vật sắc nhọn vào bên trong âm đạo.

Kể từ khi thành lập vào năm 2015, The Cup đã tiếp cận gần 10.000 cô gái, bà mẹ tuổi vị thành niên và những người bỏ học ở Kenya.

Năm ngoái, các phiên giáo dục của họ đã thu hút 2.000 chàng trai tham gia. “Chẳng có gì đặc biệt khi nam giới nói về kinh nguyệt cả. Rất nhiều người trong chúng ta là cha.

Chúng ta có những cô con gái tuổi vị thành niên. Tất cả chúng ta phải đối mặt với kinh nguyệt, dù là cách này hay cách khác. Nam giới là nhân tố cần thiết trong phong trào này, để hiểu rằng không có gì xấu hổ khi nói về kinh nguyệt và góp phần tạo ra những giải pháp tốt hơn” - Richard Ulfvengren nhấn mạnh.■

Tại Việt Nam, dù người phụ nữ khi hành kinh không bị kỳ thị hay đối xử bất công một cách phổ biến, nhưng chuyện kinh nguyệt của phụ nữ cũng không phải là chuyện đáng quan tâm, theo quan điểm của một số người.

Thậm chí, ở một số nơi, đặc biệt là các vùng quê, người phụ nữ đang trong chu kỳ kinh vẫn còn bị xem là “không sạch sẽ” và không được phép làm một số việc như thắp nhang bàn thờ hay cúng tổ tiên.

Ngoài ra, xuất phát từ quan niệm xem trọng trinh tiết, nhiều cô gái vẫn phân vân giữa việc sử dụng băng vệ sinh loại miếng dán, cốc nguyệt san và tampon. Nguyên nhân là vì cốc nguyệt san và tampon là hai loại phải nhét vào bên trong âm đạo, nên có khả năng gây rách màng trinh, điều tối kỵ cho nhiều cô gái chưa có gia đình.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận