Để sống tốt, sống lâu

BS VÕ XUÂN QUANG 26/11/2015 03:11 GMT+7

Trên TTCT số 44 có bài viết bàn về chuyện cải thiện tầm vóc người Việt. Tác giả rất đúng khi phân tích hai yếu tố chính ảnh hưởng đến chuyện này là chế độ dinh dưỡng và vận động. Nhưng có lẽ để đạt mục tiêu nâng cao tầm vóc, còn phải làm nhiều việc khác nữa…

Trẻ em không chỉ cần được vận động để phát triển thể chất mà còn để giảm bớt áp lực học tập -L.N.M.
Trẻ em không chỉ cần được vận động để phát triển thể chất mà còn để giảm bớt áp lực học tập -L.N.M.

Từ năm 2011, Việt Nam đã có đề án 641 định hướng nâng cao tầm vóc, sức khỏe người Việt trong 20 năm tới. Đề án đặt ra những con số về chiều cao, sức mạnh rõ ràng và khá thuyết phục. Nhưng chiều cao, sức mạnh chỉ là những mục tiêu đo lường được để đánh giá thể chất của một thế hệ. Những chỉ tiêu này thường được đo ở thanh niên 20-25 tuổi, chỉ là một phần trong dân số, trong khi mục tiêu sau cùng của đề án thật ra là nhằm cải thiện thể chất của toàn bộ người dân Việt, bao gồm cả chất lượng sống.

Chưa bàn về vấn đề chẩn đoán - điều trị, mà chú ý vào mục tiêu sống lâu - sống tốt, rõ ràng hệ thống của ta đang còn rất yếu.

Hệ thống y tế gia đình

Vấn đề này đã được nhiều người đề cập và chuyên khoa y tế gia đình cũng đã được xây dựng ở các trường đại học y, nhưng việc áp dụng vào thực tế hiện nay như muối bỏ biển. Y tế gia đình cũng là tuyến đầu trong việc phòng chống và phát hiện sớm các bệnh lý. Nếu người Việt còn giữ tư tưởng đợi bệnh rồi mới đi trị thì mãi mãi chúng ta sẽ không đạt được mục tiêu sống lâu, sống tốt. Sẽ ngày càng có nhiều người già sống lay lắt vì di chứng trầm trọng của những căn bệnh nặng.

Xin nêu một ví dụ: công tác phục hồi chức năng ít được coi trọng. Vấn đề sức khỏe của người trưởng thành không phải là phát triển mà là duy trì. Tất cả những bệnh dù là nội (nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não...) hay ngoại khoa (chấn thương sọ não, ung thư...) sau khi được điều trị tại bệnh viện đều có những di chứng nhất định và cần thời gian hồi phục.

Quan điểm của thế giới là tổng hợp nhiều biện pháp để nhanh chóng đưa người bệnh trở lại cuộc sống bình thường, kể cả trong sinh hoạt và làm việc. Trong khi ở nước ta xem những người bệnh như thế ở trong trạng thái suy giảm sức khỏe và, trực tiếp hay gián tiếp, điều chỉnh các mối quan hệ theo nhận thức mới.

Một người bị tai biến mạch máu não sau khi qua giai đoạn cấp tính ở bệnh viện, bệnh nhân sẽ phải qua một chương trình phục hồi chức năng với ba chuyên viên khác nhau: chuyên viên ngôn ngữ (speech therapist) giúp bệnh nhân tập nói lại bình thường; chuyên viên vật lý trị liệu (physical therapist) giúp bệnh nhân có thể đi đứng, vận động bình thường; chuyên viên hội nhập (occupational therapist) giúp lấy lại năng lực cần thiết trong sinh hoạt và công việc hằng ngày.

Các chuyên viên này cùng làm việc với bệnh nhân để trả lại cho xã hội một con người bình thường trong một thời gian ngắn nhất. Tùy theo nặng nhẹ, thời gian có thể hồi phục nhanh hay chậm và mức độ hồi phục có thể hoàn toàn hay không hoàn toàn.

Chương trình phục hồi chức năng có liên quan hai chiều đến bác sĩ điều trị để nhận y lệnh và hướng dẫn, cũng như nơi công tác để xác nhận khả năng làm việc và điều chỉnh nếu cần. Nhờ đó, bệnh nhân sẽ có chất lượng sống tốt hơn và xã hội không bị lãng phí sức lao động.

Ở nước ta, trong phần lớn trường hợp, bác sĩ chỉ gửi bệnh nhân đến khoa vật lý trị liệu/phục hồi chức năng là xong trách nhiệm và bệnh nhân chủ yếu chỉ được tập về thể chất.

Điều trị những căn bệnh xã hội

Chúng tôi không nói đến các bệnh xã hội/lây truyền qua đường tình dục mà là những căn bệnh mà người bệnh là cả xã hội Việt Nam hiện tại. Đó là những bệnh thâm căn cố đế, khó điều trị vì cần sự thay đổi nhận thức của một số đông kèm với nhiều vấn đề khác về đạo đức, kinh tế.

Bệnh nhậu: ngay từ bây giờ, muốn dân ta sống lâu, sống tốt là thay đổi ngay “văn hóa nhậu”. Ai cũng biết nhậu là nguồn gốc của các bệnh về dạ dày - đại tràng, bệnh gan và nhiều bệnh truyền nhiễm. Nhậu là tác nhân góp phần gây bệnh tim mạch (thiếu máu cơ tim, tăng huyết áp, tai biến mạch máu não) và bệnh chuyển hóa (tăng cholesterol, tăng acid uric).

Nhậu là tiền đề của tai nạn giao thông, là nguồn gốc của các di chứng sau chấn thương. Chuyện taxi đưa về... lại đang khuyến khích các bạn nhậu thừa thắng xông lên thay vì hạn chế? Quán nhậu ở khắp nơi, thời gian nhậu bất kể sáng trưa chiều tối thâu đêm, liệu đề án 641 có thể nâng cao sức khỏe toàn dân?

Bệnh ăn bẩn: chuyện ngộ độc thức ăn xảy ra như cơm bữa. Những chất độc hại ăn vào hôm nay không thấy được vào ngày mai, mà chỉ thể hiện qua đời con đời cháu ta, thậm chí qua nhiều thế hệ. Điều đáng sợ hơn cả là chúng ta đã trở nên quen và chấp nhận nó một cách vô ý thức. Người bán dùng chất độc hại một cách vô tư vì không biết có hại. Người mua ăn chất độc một cách ngậm ngùi vì ăn gì cũng vậy, hoặc chặc lưỡi ăn bẩn sống lâu? Luật pháp không đủ hiệu lực để ngăn cản những hành vi này và sự suy đồi đạo đức theo kiểu sống chết mặc bây, tiền thầy bỏ túi ngày càng lên ngôi.

Bệnh ở bẩn: không cần đến các nghiên cứu cao siêu cũng thấy môi trường sống đang ngày càng bị hủy hoại. Người dân các thành phố lớn than phiền vì ô nhiễm khói xăng, tác nhân vi sinh, bụi bặm, rác và tiếng ồn. Trên thực tế, những lo âu về sinh kế làm cho đa số người dân quên đi những vấn đề về môi trường. Tuy nhiên, không sớm thì muộn điều này cũng sẽ trở thành một tiêu chí quan trọng trong yêu cầu về chất lượng sống.

Tóm lại, vấn đề sống lâu, sống tốt không phải là chuyện của một ngành y tế mà đó là kết quả của sự phát triển kinh tế, nâng cao văn hóa, trau dồi đạo đức và thực thi pháp luật nghiêm minh. ■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận