TTCT - Xét cho cùng, công nghiệp văn hóa phải làm được một điều cốt lõi: khiến công chúng hạnh phúc vì được thưởng thức sản phẩm văn hóa một cách bình thường và liên tục, thay vì trông chờ những lễ hội hay những sự kiện kỷ niệm năm chẵn. Văn hóa có thể trở thành một sản phẩm thương mại phổ biến mà không mất mát đi những giá trị cốt lõi của nó?Công nghiệp văn hóa - cụm từ thời thượng hiện nay thường được dùng để bàn thảo như một cụm từ khóa cho việc chấn hưng văn hóa nước nhà. Nhưng thường thì cái gì được dấy lên thành làn sóng cũng gợi ra nhiều suy tư, bên cạnh những lộ trình thênh thang được thiết kế trong sách lược văn hóa.Sự biến đổi của khái niệmTrong một hội thảo tổ chức ở Hạ Long đầu tháng 8, ít nhất hai diễn giả đã dẫn nguồn thuật ngữ "công nghiệp văn hóa" (culture industry) từ hai tác giả Theodor Adorno (1903-1969) và Max Horkheimer (1895-1973), hai đại biểu trường phái triết học Frankfurt (Đức), được đề cập trong chương "The Culture Industry: Enlightenment as Mass Deception" (Công nghiệp văn hóa: Khai sáng như sự lừa dối tập thể) trong cuốn Dialectic of Enlightenment (Phép biện chứng của khai sáng) xuất bản từ năm 1944.Hai ông được coi là những người đầu tiên phân tích có hệ thống về hiện tượng văn hóa đại chúng như một thế lực mạnh mẽ trong xã hội hiện đại, với lập luận rằng văn hóa, trước đây là lĩnh vực của tư duy phản biện và biểu đạt cá nhân, đã bị biến thành một mặt hàng sản xuất hàng loạt dưới thời thịnh trị của chủ nghĩa tư bản. Cội nguồn của diễn đạt này là từ những suy tư của họ trước sự lên ngôi của chủ nghĩa quốc xã, sự thao túng và dẫn dắt quần chúng vào tiêu dùng thụ động và gây ra những ảo tưởng về bản sắc và cá tính; các sản phẩm văn hóa (phim ảnh, âm nhạc, truyền hình…) được sản xuất theo kiểu dây chuyền lắp ráp chuẩn hóa, ưu tiên lợi nhuận hơn giá trị nghệ thuật.Về cơ bản, Adorno và Horkheimer coi ngành công nghiệp văn hóa là một công cụ mạnh mẽ để kiểm soát xã hội, định hình tâm trí và mong muốn vì lợi ích của chủ nghĩa tư bản. Đây là một hệ thống sản xuất ra các sản phẩm văn hóa được chuẩn hóa, phục vụ cho mục đích xoa dịu và thống trị quần chúng.Những nội hàm này đã tiếp tục được tranh luận, bị phản bác, được phát triển và biến đổi theo thời gian, ở từng khu vực kinh tế và thời điểm chính trị. Nhưng nhìn chung, càng về sau khái niệm này được cơ bản thống nhất trong mục tiêu phát triển các sản phẩm và dịch vụ văn hóa, lĩnh vực sáng tạo… với nhiều đề xuất về chiến lược và mô hình phát triển đa dạng.Năm 2007, UNESCO có đưa bản hướng dẫn Statistics on Cultural Industries: Framework for the Elaboration of National Data Capacity Building Projects (Thống kê về các ngành công nghiệp văn hóa: Khung xây dựng các dự án cho năng lực dữ liệu quốc gia). Tổ chức này nhấn mạnh tới những con số hàng trăm tỉ đô la định giá của thương mại toàn cầu về hàng hóa và dịch vụ văn hóa, nhận định văn hóa là một động lực mạnh mẽ cho cả phát triển kinh tế và xã hội. Hàng hóa và dịch vụ văn hóa không chỉ là hàng hóa thông thường tạo ra việc làm, thu nhập, đổi mới và tăng trưởng, mà còn đóng góp vào hòa nhập xã hội và công lý.Lễ hội Thiết kế sáng tạo 2023.Ở Việt Nam, việc áp dụng khái niệm công nghiệp văn hóa đã được đưa ra trong Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020, ban hành kèm theo quyết định số 581-QĐ/TTg ngày 6-5-2009 của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó: "Cơ chế thị trường huy động được sự tham gia của các thành phần kinh tế vào sản xuất, phổ biến các sản phẩm văn hóa, kích thích một số ngành sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực văn hóa xuất hiện, mở ra khả năng giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, tạo tiền đề cho việc phát triển "công nghiệp văn hóa" ở nước ta" và khẳng định: "Phát triển công nghiệp văn hóa đang là xu thế lớn và quan trọng trong chính sách văn hóa của các nước trên thế giới". Các viện dẫn được chiểu theo những điều chỉnh của các định chế toàn cầu, mà có sức nặng nhất là UNESCO.UNESCO định nghĩa các ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo là "các lĩnh vực hoạt động có tổ chức có mục đích chính là sản xuất hoặc tái sản xuất, quảng bá, phân phối và/hoặc thương mại hóa hàng hóa, dịch vụ và hoạt động có bản chất liên quan đến văn hóa, nghệ thuật hoặc di sản". Cách tiếp cận này không chỉ nhấn mạnh vào các sản phẩm sáng tạo của con người được sản xuất công nghiệp, mà còn làm cho toàn bộ chuỗi sản xuất trở nên có liên quan, cũng như các chức năng cụ thể của từng lĩnh vực tham gia vào việc đưa những sáng tạo này đến với công chúng.Dễ hiểu là Việt Nam với mối quan tâm về phát triển văn hóa đã mau chóng triển khai khung này ngay sau đó. Đáng chú ý, những nhận định hiện nay về công nghiệp văn hóa khi được dùng ở số nhiều trong tiếng Anh (industries thay vì industry) là một cơ hội cho nhiều phía tham gia, nhất là khi UNESCO nhấn mạnh vào vai trò các chủ thể thực hành văn hóa. Việt Nam xác định 12 lĩnh vực công nghiệp văn hóa gồm kiến trúc; quảng cáo; phần mềm và các trò chơi giải trí; thủ công mỹ nghệ; điện ảnh; thiết kế; thời trang; nghệ thuật biểu diễn; xuất bản; mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm; truyền hình và phát thanh; du lịch văn hóa.Cuộc thực hành trầy trậtTất nhiên, các khái niệm luôn được tái sinh dưới một ngữ nghĩa và bối cảnh khác, không nhất thiết chuyên chở những ý niệm chi phối bởi khung tri thức thời đại. Nhưng điều đáng bàn là sự thực hành được chỉ dẫn dưới những luận chứng khá trùm lớp trong rất nhiều hội thảo, cũng như trở thành ngành đào tạo và nghiên cứu ở bậc đại học cho đến tiến sĩ, lại đang lấn cấn ở chính ý niệm "công nghiệp".Các định hướng được đưa ra có tính phân luồng cao độ, đồng thời chú trọng nhiều đến các con số dự báo mà trong đó, con số ưa thích nhất là định giá thương mại về hàng hóa và dịch vụ văn hóa. Tuy nhiên, có vào thực tế mới thấy, không đơn giản khi muốn đạt được tiêu chí phấn đấu "giá trị gia tăng của các ngành công nghiệp văn hóa trong chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 đóng góp 7% GDP" (Nguyễn Hoa Cương, phó viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế trung ương, 2024).Lấy ví dụ, trong chiến lược này, có một mảng quan trọng là mạng lưới thành phố sáng tạo. Do UNESCO đề xướng từ 2004, đến năm 2023 đã có 350 thành phố sáng tạo ở hơn 100 quốc gia, trên 7 lĩnh vực sáng tạo (thủ công và nghệ thuật dân gian, truyền thông, điện ảnh, thiết kế, văn học, âm nhạc và ẩm thực). Việt Nam đã có ba thành phố tham gia: Hà Nội (thiết kế), Đà Lạt (âm nhạc) và Hội An (thủ công và nghệ thuật dân gian).Varaždin (Croatia), một trong những thành phố sáng tạo trong mạng lưới UNESCOTrong trường hợp Hà Nội, sau khi tham gia mạng lưới thành phố sáng tạo năm 2019, đã có các lễ hội thiết kế sáng tạo hằng năm, đã có nhiều địa điểm tổ chức khác nhau từ 2021-2023: hội quán 22 Hàng Buồm trong phố cổ, phố đi bộ quanh hồ Gươm, nhà máy xe lửa Gia Lâm và tháp nước Hàng Đậu. Một mong muốn của những người tổ chức là hình thành những tuyến tham quan và nội dung có tính thương mại hóa, tạo nên đầu ra cho "kinh tế sáng tạo".Tuy vậy, trừ hội quán 22 Hàng Buồm đóng vai trò một không gian trưng bày của Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ, tháp nước Hàng Đậu hay nhà máy xe lửa Gia Lâm sau lễ hội lại đóng cửa, để rồi ý tưởng khai thác không gian di sản công nghiệp cũng tắt ngấm. Lễ hội vẫn chưa thể thành hẳn một mục có thể đưa được vào những ấn phẩm du lịch như một mắt xích của các tour tham quan Hà Nội.Một vấn đề của lễ hội khi mở rộng quy mô là cần nhân lực làm công việc quản trị, điều hành và kết nối từ ban tổ chức đến các nghệ sĩ và người tham gia. Công việc vận hành vẫn mang tính kiêm nhiệm và phát huy năng lực xử lý tình huống từ các cá nhân hay đơn vị tham gia hơn là có một quy trình "công nghiệp lễ hội".Dường như đón trước vấn đề này, một số cơ sở đào tạo bắt đầu mở chương trình dạy, ví dụ ngành giải trí sự kiện hay một số môn về kỹ năng tổ chức triển lãm trong Trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật, ĐHQG Hà Nội. Bản thân cơ sở này cũng được định danh khoa "Công nghiệp văn hóa và di sản" mới gần đây, nên khung khổ lý thuyết và thực hành đương nhiên vẫn có tính dò đường.Xét cho cùng, công nghiệp văn hóa phải làm được một điều cốt lõi: khiến công chúng hạnh phúc vì được thưởng thức sản phẩm văn hóa một cách bình thường và liên tục, thay vì trông chờ những lễ hội hay những sự kiện kỷ niệm năm chẵn. Trong một tọa đàm gần đây có tên "Điện ảnh là di sản, rồi sao?" do đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp tổ chức, anh Viên Hồng Quang (sinh năm 1995), một người làm kỹ thuật nhưng say mê điện ảnh gây chú ý vì giới thiệu những bộ phim tài liệu cũ được phục chế hoặc tô màu (với những phim đen trắng), thu hút rất nhiều lượt xem. Chẳng hạn hai bộ phim Vĩ tuyến 17: Chiến tranh nhân dân của đạo diễn Hà Lan Joris Ivens và Hà Nội trong mắt ai của đạo diễn Trần Văn Thủy, hai sản phẩm dài hơi nhất.Tuy nhiên, chính tại tọa đàm, kết quả phục chế này vấp phải vấn đề: đây chỉ là một phiên bản phái sinh do Quang chỉ được tiếp cận các bản chiếu trên các kênh YouTube hay các kênh truyền hình, chẳng hạn truyền hình Quốc hội. Trong khi đó nguyên tắc phục chế, theo đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp dẫn từ các định nghĩa trên thế giới, là phải bắt đầu từ bản âm bản đầu tiên được lưu trữ, hoặc cùng lắm là dương bản thứ nhất, những bản được lưu tại Viện Phim Việt Nam hay những chủ sở hữu đang có. Các bản chiếu là những bản in tráng hoặc đã số hóa, chỉ được chiếu vào những dịp lễ lớn hay kỷ niệm năm chẵn các sự kiện lịch sử.Tình hình trở nên bế tắc khi chính Viện Phim cũng chỉ còn số ít những âm bản, rất nhiều phim điện ảnh trong quá khứ chỉ còn những bản đã in tráng có thể đã xuống cấp. Thêm vào đó, về nguyên tắc lưu trữ thì chưa có cơ chế nào cho phép tiếp cận các âm bản (nếu có) hay bản lưu để phục chế và tái phát hành. Đi kèm với vấn đề đó là sự nhập nhằng về chủ sở hữu của phim, dẫn đến các bản lưu trữ không có cách nào "tái sinh". Hơn nữa, việc phục chế cũng cần sự có mặt của tác giả các tác phẩm này, chính là các đạo diễn và nhà quay phim, điều mà càng để lâu càng khó có cơ hội khi họ qua đời.Đó mới chỉ là một phần nhỏ của vấn đề "kinh tế sáng tạo" mà chủ trương về công nghiệp văn hóa cần chạm tới được. Những bản phim phục chế lưu hành trên mạng của Viên Hồng Quang mặc dù không đạt tiêu chí của bảo tồn chuyên nghiệp song lại rất hấp dẫn công chúng. Người ta cảm thấy hạnh phúc khi thấy lại phố cổ Hà Nội năm 1983 cùng hình ảnh họa sĩ Bùi Xuân Phái vẽ trên góc phố, dưới ánh nắng trong trẻo được công nghệ AI lọc, thay vì một bản chiếu mờ đục ố vàng lâu nay. Tags: Văn hóaCông nghiệp văn hóaBảo tồn văn hóaChấn hưng văn hóa
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Bộ Chính trị kỷ luật cảnh cáo ông Vương Đình Huệ THEO WEBSITE ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM 21/11/2024 Ngày 20-11, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã xem xét, thi hành kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên có vi phạm, khuyết điểm.
Quy định 'gỡ vướng' đất công xen kẹt sẽ cứu được hàng trăm dự án ÁI NHÂN 21/11/2024 Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM được phân công chủ trì xây dựng quy định giao, cho thuê đất công xen kẹt sẽ gỡ cho hàng trăm dự án vướng đất này.
Metro số 1 chạy chính thức ngày 22-12 CHÂU TUẤN 21/11/2024 Những công việc còn lại của dự án đường sắt đô thị số 1 Bến Thành - Suối Tiên (metro số 1) đang được các bên liên quan tập trung hoàn thiện. Dự kiến ngày 22-12, tuyến tàu điện này sẽ 'lăn bánh' chạy thương mại.
Phát hiện gần 150 bộ hài cốt giữa trung tâm Hà Nội khi cải tạo hệ thống thoát nước PHẠM TUẤN 21/11/2024 Trong quá trình cải tạo hệ thống thoát nước trên phố Tây Sơn (Đống Đa, Hà Nội), các công nhân đã phát hiện gần 150 bộ hài cốt có độ sâu gần 1 mét so với mặt đường.