Để văn học thành bạn đồng hành

HUỲNH NHƯ PHƯƠNG 22/04/2014 21:04 GMT+7

TTCT - Ngành giáo dục đang mở một cuộc thảo luận lớn chuẩn bị cho cuộc đổi mới căn bản và toàn diện trong nhà trường.



Riêng đối với môn ngữ văn ở trường phổ thông, trước đây từng được gọi là môn văn/ văn học/ văn - tiếng Việt, tính từ ngày thống nhất đất nước, đây là lần cải cách/đổi mới thứ tư.

Từ biên soạn...

Không thể phủ nhận rằng chương trình ngữ văn ở trường phổ thông hiện nay có một bước tiến rõ rệt về tư duy giáo dục lẫn quan niệm văn học, có sự cập nhật cả về lý thuyết lẫn văn liệu, với những tác gia và tác phẩm mang phong cách độc đáo. Dù vậy, bước tiến đó vẫn chưa đáp ứng khao khát và niềm hứng thú của học sinh về một môn học có thể đồng hành với họ trên đường đời, thay vì chỉ là một món nợ mà họ phải trả cho nhà trường.

Việc đầu tiên cần làm là xây dựng một tập thể những nhà sư phạm am hiểu nhất về văn học để thống nhất cấu trúc và nội dung chương trình tổng thể cho cả ba cấp lớp, chấm dứt cách làm chương trình “cắt khúc”: người làm chương trình cấp III không biết người làm chương trình cấp II, cấp I như thế nào; và ngược lại.

Cần xác định chương trình ngữ văn giải quyết những mục tiêu cụ thể gì ở từng cấp học, thể hiện qua mối quan hệ giữa văn học với đạo đức học, mỹ học, ngôn ngữ học... Một bài văn dù dạy cho lớp nào cũng phải chú ý đến những yếu tố tư tưởng, hình tượng, thẩm mỹ, ngôn ngữ. Theo thiển ý, phải chăng ở cấp I nên chú ý hơn đến yếu tố đạo đức, cấp II yếu tố tình cảm, thẩm mỹ và cấp III yếu tố tư tưởng?

Từ một cấu trúc chương trình thống nhất, hợp lý sẽ đưa vào nội dung chương trình những bài học và văn bản phù hợp. Nội dung văn học dạy ở phổ thông không nên quá ràng buộc vào cái khung tiến trình lịch sử văn học mà chủ yếu là dạy văn bản - văn bản hay và đẹp - và dạy quốc văn. Có thể nói xây dựng được một chương trình có cấu trúc hợp lý, hiệu quả thì việc cải cách môn ngữ văn đã thành công gần một nửa.

Lâu nay ta chưa đầu tư tương xứng cho xây dựng chương trình. Chọn một bài văn để đưa vào sách giáo khoa không đơn giản, phải có một bề dày cảm thụ và kinh nghiệm văn học, am hiểu tâm lý học sinh, có vốn liếng văn học sâu rộng và bản lĩnh khoa học thì mới tìm được một văn bản hay nhất để dạy cho một độ tuổi nhất định.

Bước vào thời kỳ đổi mới, Bộ GD-ĐT đã chủ trương tổ chức biên soạn hai bộ sách giáo khoa văn học trên cơ sở một chương trình thống nhất, với sự “thi đua” giữa hai nhóm soạn giả có uy tín ở hai đơn vị khác nhau.

Đáng tiếc là việc dư luận phê phán gay gắt một vài bài giảng trở thành áp lực khiến bộ hợp nhất hai bộ sách làm một, nhưng rồi chỉ ít năm sau lại thay bằng hai bộ sách giáo khoa khác, một cho chuyên ban, một cho đại trà, của hai nhóm soạn giả mà mâu thuẫn ngấm ngầm từng dẫn đến sự tranh chấp.

Cuối cùng, trong hai bộ sách đó, bộ viết theo “chương trình chuẩn” chiếm thị phần áp đảo vì được chọn làm sách giáo khoa cho ban cơ bản, còn bộ “nâng cao” dành cho chương trình chuyên ban thì có rất ít học sinh đăng ký theo học!

Trong khả năng và điều kiện hiện nay, cách làm hợp lý là khuyến khích một số nhóm soạn giả từ nhiều đơn vị liên kết với nhau, có đề cương biên soạn khả thi, được Nhà nước chọn lựa đầu tư bước đầu. Sau khi hoàn thành, các sản phẩm được hội đồng thẩm định đánh giá khách quan và khuyến cáo chọn hai, ba bộ sách giáo khoa có chất lượng nhất làm tài liệu học tập cho học sinh.

Sách giáo khoa bấy giờ sẽ không còn là “pháp lệnh” nữa mà là công cụ dạy học để các thầy cô giáo tham khảo khi soạn bài lên lớp.

...Đến dạy và học

Dù quan niệm giáo dục hiện đại lấy người học làm trung tâm, thực tế cho thấy thầy cô giáo vẫn là nhân tố quyết định thành công của sự nghiệp cải cách. Chúng tôi tán thành ý kiến nhấn mạnh tầm quan trọng của phương pháp dạy văn nhưng trong tình hình hiện nay, dù có phương pháp hay đến mấy mà dạy những bài văn mòn sáo, nhàm chán và không phù hợp với đối tượng tiếp nhận thì người thầy cũng không thể truyền được tình yêu văn học cho học sinh.

Hơn nữa, việc thay đổi phương pháp đòi hỏi thay đổi quan niệm đào tạo và tái đào tạo của các trường sư phạm, điều không thể xảy ra một sớm một chiều. Những phương pháp mới gắn liền những lý thuyết mới như phong cách học, thi pháp học, ngữ dụng học là để trang bị cho người giáo viên giảng hay hơn, sâu hơn văn bản, chứ không phải là để nạp thêm kiến thức cho học sinh.

Dạy văn ở phổ thông chủ yếu là nghệ thuật, là để dạy người, dạy văn ở đại học chủ yếu là khoa học và là để dạy nghề.

Việc học sinh hiện nay ít yêu thích môn ngữ văn không chỉ do chương trình, sách giáo khoa hay giáo viên mà còn do chính bản thân học sinh đã thay đổi rất nhiều về tâm sinh lý và quan niệm sống so với các thế hệ trước. Nhà trường không thể nào “sửa chữa” đặc điểm đó của thế hệ trẻ mà chỉ có thể điều chỉnh phần nào bằng sự thuyết phục của văn học.

Hiện nay trên sách báo, Internet, bên cạnh những tác phẩm tinh hoa xuất hiện đầy rẫy văn học thứ cấp. Nhiều học sinh mê đắm tiểu thuyết ngôn tình, sa lầy vào đó, dần dần mất cân bằng trong cảm thụ văn học và có thể tự hủy hoại cảm xúc và thị hiếu của mình. Những người làm chương trình, viết sách giáo khoa, các thầy cô giáo và nhà trường làm sao giành lại tâm hồn của những học sinh chỉ biết có tiểu thuyết ngôn tình?

Cần đưa vào chương trình cấp II những bài văn đẹp về tình yêu không thiếu trong văn học Việt Nam hiện đại, khơi gợi các em cấp III nghĩ đến những vấn đề về sự tồn vong của đất nước, về lý tưởng xã hội, về những bi kịch của số phận con người để họ đứng cao hơn văn chương thứ cấp.

Thi cử là khâu cuối cùng nhưng có thể là đòn bẩy của việc cải cách dạy và học môn ngữ văn. Lâu nay vẫn có chủ trương “học gì thi nấy”, thành ra có những khổ thơ đã được sử dụng không biết bao nhiêu lần để ra đề thi tú tài và tuyển sinh đại học, dẫn đến không chỉ tình trạng “văn mẫu” mà cả “tư duy mẫu”.

Nên thay đổi cách ra đề thi nặng nề với thang điểm chi li như hiện nay, chẳng hạn với một cấu trúc khác: phần trắc nghiệm gồm khoảng 30-50 câu về tiếng Việt để đánh giá năng lực sử dụng ngôn ngữ của học sinh; phần nghị luận văn học về những vấn đề văn hóa, xã hội và con người.

Với đề nghị luận, đáp án cần mềm dẻo để dành một khoảng không cảm thụ cho học sinh; ở đây đòi hỏi sự đánh giá vừa chuẩn xác vừa linh hoạt của thầy cô giáo. Không quá lời nếu nói rằng trình độ và tâm huyết của người thầy cũng thể hiện qua việc ra đề thi, chấm thi.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận