Đi chợ

HỮU PHAN 12/05/2010 19:05 GMT+7

TTCT - Sáng cuối tuần, bạn thích đi chợ. Gần nhà bạn - chỗ giáp ranh giữa quận 8 và huyện Bình Chánh - có một cái chợ chồm hổm. Chợ cũng có mấy bà, mấy cô từ trong miệt ngoại thành nào đó chịu khó lặn lội ra bán - lam lũ, khắc khổ... Mấy xề rau cải, mấy thau đựng cá, sạp bán thịt, xe đẩy trái cây, gánh chè, tiệm bán đồ khô, tạp hóa... vậy là thành cái chợ. Đơn giản vậy nhưng mà vui à nghen!

Chợ nhỏ làm bạn nhớ cái chợ hồi đó dưới quê mà bà nội hay dẫn bạn đi. Bạn nhớ cái bộ đồ bà ba màu mỡ gà của bà nội, cái giỏ lác, cái dáng bà nội thong thả ghé vào sạp này sạp kia, thong thả hỏi thăm bà bán hàng vài câu rồi mới thong thả lựa hàng... Bạn nhớ bà nội hay “gửi” bạn ở cái gánh sương sa hột lựu gần đầu chợ, dặn là ngồi đây đợi nội, chứ vô trong kia bùn sình hôi hám lắm... Và bạn ngồi đó, ngóng chợ!

Giờ thì thứ bảy nào bạn cũng đi chợ, không phải chỉ để nhớ về cái chợ quê mùa, nhớ bà nội, nhớ sương sa hột lựu... mà còn là để bạn tận hưởng cái “văn minh miệt vườn” le lói ở một rìa đô thành này. Cái văn minh ấy không cần sách vở nào chỉ bảo, mà mấy bà bán rau vẫn cứ biết để áp dụng triệt để nguyên tắc “first come, first served”(1), ai đến trước, trả được giá trước thì bán trước. Khỏi chen lấn, giành giật, người bán hàng nhớ hết và rất công bằng.

Trong cái văn minh ấy, người ta làm marketing bằng bản năng, những lời chào mời đon đả, thịt ngon, rau tươi, trái cây rẻ cô chú ơi... vang lên từ đầu đến cuối chợ. Cả nguyên tắc “world of mouth” (2) cũng được nhét vào trong cái chợ chồm hổm này. Ví như mấy người hàng xóm gặp nhau giữa chợ, thể nào cũng khoe bữa nay cá rô béo ụ, tươi roi rói luôn nghen, mua về chiên mặn ăn ngon lắm, ghé mua vài con mần cho ổng ăn... Rồi không cần phải có thẻ khách hàng thân thiết, nhưng khách nào quen cũng đều được nhớ mặt, để khi ghé vào sạp bán rau sẽ được cho thêm mấy cọng hành, ngò; tạt qua chị bán thịt sẽ được cho thêm miếng da heo nấu canh...

Bạn từng sống ở Tây, cũng từng chen chúc trong mấy cái chợ trời cuối tuần ở xứ người! Rồi bạn cũng đã qua Nhật, cũng thích thú cuốc bộ dọc theo cái chợ Ueno nổi tiếng, nghe mấy người bán hàng “ca rao” có vần có điệu... Để rồi bạn thấy chợ trời Tây, chợ cá Nhật cũng y sì cái chợ quê xứ bạn. Ở những chốn đó, bạn đích thực là thượng đế, và người ta tranh nhau chỉ cho bạn cái chức danh thượng đế đó.

Chà, sự tương đồng văn hóa - bắt đầu từ cái chợ ấy - tự nhiên làm bạn thoáng chút vui...

***

Và bỗng dưng bạn chán siêu thị.

Giờ thì bất khả kháng lắm, bạn bè rủ rê lắm bạn mới đi siêu thị. Bởi bạn ngại cái cảnh chen chúc gửi xe, gửi giỏ, gửi nón bảo hiểm. Bởi bạn phát oải khi nhìn thấy mấy bà mấy cô mặc đồ bộ đến siêu thị, chen lấn, hú gọi nhau lớn tiếng như ở nhà... Bạn cũng mệt mỏi với những câu trả lời trống không hay những cái chỉ tay, hất hàm không một tiếng động của mấy anh, mấy chị nhân viên trong siêu thị. Bạn ngán ngẩm cảnh những mớ “rau sạch”, ban đầu tươi ngon là bao, chỉ trong phút chốc bị người ta lật lên, quăng xuống đã trở nên héo rũ, tàn tạ...

Và đến cái màn tính tiền thì ôi thôi, khỏi phải nói, đã không biết bao lần bạn đành ngậm ngùi bỏ lại mớ hàng vừa chọn vì không đủ kiên nhẫn xếp hàng chờ... Và vì hết hơi rồi, nên thôi, ra chợ mua cho nó khỏe...

***

Ra chợ mua cho nó khỏe! Nói thiệt tình đó chứ, đi chợ tưởng cực vậy chứ khỏe re hà, mà vui nữa, nhất là mấy cái chợ nhỏ, chợ chồm hổm đó. Thử ra chợ đi cho biết, nhưng mà rồi về đừng có đặt câu hỏi: “Tận hưởng văn minh chốn chợ, hay chợ trời hóa cái chỗ văn minh?”. Không phải tại đó là một câu hỏi lớn, mà tại lời đáp của nó ắt đã có sẵn trong bạn rồi...

__________

(1) Đến trước được phục vụ trước.
(2) Nguyên tắc “truyền miệng” trong marketing.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận