Đi lễ đầu năm ở Nhật

THỦY PHẠM 25/02/2017 03:02 GMT+7

TTCT - Hóa ra người Nhật thích đi lễ hội chẳng thua gì người Việt. Và số lượng các lễ hội hằng năm ở nước Nhật chưa chắc đã ít hơn con số 8.000 ở Việt Nam từng làm bao người sửng sốt…

L.N.M.
Ngày đầu năm, cũng như người Việt, người Nhật đổ về các đền, chùa rất đông. ảnh: L.N.M.


Khi tôi tới Kanazawa, một thành phố miền trung nước Nhật, thì tết Nhật (tức Tết dương lịch) đã qua hơn hai tháng. Nhưng thật may mắn vì lúc này người Nhật mới mở hội đầu xuân.

Xem Geisha chuyên nghiệp diễn

Lễ hội Setsubun hay lễ hội ném đậu (vì những hạt đậu may mắn, phước lành sẽ được tung trong lễ hội, ai nhặt được đậu coi như may mắn) được tổ chức trên khắp đất nước Nhật, vào ngày lập xuân theo âm lịch, năm nay rơi trúng ngày 3-2.

Trước đó, trên trang hướng dẫn du lịch Experience-Kanazawa.com, thông tin về Setsubun chi tiết đến từng phút: 13h phục vụ rượu truyền thống, 14h nghi lễ Setsubun-Sai, 14h30 Geisha trình diễn, 14h40 nghi lễ ném đậu... Hấp dẫn nhất trong chương trình này đối với khách du lịch chính là màn trình diễn của các Geisha, mà không phải ở bất cứ lễ hội Setsubun nào bạn cũng có cơ hội thưởng thức.

Kanazawa là một nơi đặc biệt với Setsubun, Utasu-Jinja (đền Utasu), nơi diễn ra lễ hội, là một nơi linh thiêng đặc biệt với Setsubun.

Không chỉ là nơi sở hữu một trong ba khu vườn đẹp nhất Nhật Bản (Kenrokuen), thành phố Kanazawa còn sở hữu hai báu vật “kỳ bí” khác của nước Nhật là Samurai và Geisha, với quận Samurai cùng hai quận Geisha được bảo tồn gần như nguyên vẹn (Kanazawa cũng là thành phố hiếm hoi của Nhật không hề bị tàn phá bởi hai cuộc thế chiến).

Và ngôi đền thiêng Utasu nằm ở trung tâm quận Geisha nổi tiếng nhất của Kanazawa, quận Higashi Chaya bên bờ con sông Asanogawa, không thua kém gì khu Gion ở Kyoto, thậm chí còn “xịn” hơn.

Ở đây định kỳ có những show trình diễn của các Geisha, kéo dài 90 phút với giá vé (phải đăng ký trước) là 25.000 yen (hơn 5 triệu đồng). Bởi vậy, xem được Geisha biểu diễn ngay dưới mái cong ngôi đền cổ trong lễ trọng đầu năm, mà miễn phí, quả là vô cùng hấp dẫn!

Người Nhật quả là vô địch thế giới về đúng giờ. Tưởng tàu ngầm, xe buýt đúng phóc giờ tới từng giây đã kinh, đến cả chương trình lễ hội cũng không sai một phút!

Các Geisha trong trang phục truyền thống, trang điểm cầu kỳ, xuất hiện như một đàn bướm xuân lộng lẫy-Thủy Phạm
Các Geisha trong trang phục truyền thống, trang điểm cầu kỳ, xuất hiện như một đàn bướm xuân lộng lẫy-Thủy Phạm

 

Đúng một tiếng “dạo đầu” trước khi hành lễ là màn trình diễn trống, trình diễn bộ gõ, các màn múa và sắp hình dân gian kết hợp giữa các nghệ sĩ biểu diễn chuyên nghiệp và các nghệ sĩ dân gian. Đúng 14h hành lễ.

Lúc này các chức sắc trong thành phố cũng tham dự (họ tới sớm, trước cả màn “dạo đầu”) nhưng không thấy phát biểu gì, chỉ có vị chủ tế điều khiển các nghi lễ có phần khá giản dị và gọn gàng trong chưa đầy 30 phút.

Đám đông bên ngoài sân đền chỉ khẽ rộ lên một chút khi tiếng sáo cất lên mở đầu màn trình diễn của các Geisha ngay sau khi nghi lễ kết thúc. Hầu như không mấy ai nhìn được người Geisha thổi sáo vì cô ngồi khuất khá sâu trong đền.

Chỉ có tiếng sáo tự do bay lượn trong không gian, thứ âm thanh vừa quen thuộc vừa kỳ lạ, vừa du dương đấy lại gắt gỏng đầy kịch tính.

Tiếng sáo đơn độc vừa dứt, các Geisha trong trang phục truyền thống, trang điểm cầu kỳ xuất hiện như một đàn bướm xuân lộng lẫy.

Đã xem vũ điệu của Geisha trên phim ảnh, trong một show du lịch ở Gion, Kyoto (thực tế là màn trình diễn ngắn của các Maiko), đây là lần đầu tiên tôi được thưởng thức màn trình diễn của các Geisha “xịn”, đẳng cấp.

Một phát hiện thú vị là vị thế, đẳng cấp của Geisha không nằm ở tuổi trẻ hay sắc đẹp, mà ở tài năng và sự điêu luyện. Vì thế, trung tâm của màn trình diễn này, thật bất ngờ (với một khách du lịch như tôi) đều là những Geisha cứng tuổi, trong khi các nàng trẻ đẹp hơn lại chỉ làm “cánh trái”, “cánh phải”!

Không có “vỡ trận” hay “thất thủ” trong đám đông chật như nêm này-Thủy Phạm
Không có “vỡ trận” hay “thất thủ” trong đám đông chật như nêm này-Thủy Phạm

 

Không “vỡ trận” hay “thất thủ”

Nhưng điều này còn bất ngờ hơn nữa. Khi các Geisha vừa kết thúc màn múa ấn tượng của mình, theo đúng chương trình lễ hội là tới màn vui nhất - ném đậu. Mọi người sẽ cùng hô vang “Fuku wa uchi, oni wa soto” (có nghĩa rằng: Rước may mắn về, đuổi tà ma đi) và thi nhau nhặt đậu để lấy may.

Nhưng đấy cũng là lúc tôi phải quay về khách sạn cho kịp chuyến xe về Nagoya, chuyến duy nhất còn vé trong ngày. Vội vã len qua đám đông còn đứng chật trước đền thì tá hỏa khi thấy đám đông này lại đang ở giữa một đám đông gấp vài chục lần vòng trong vòng ngoài!

Như một biển người nêm chặt. Một hình ảnh tôi chưa từng thấy ở Nhật trong những chuyến đi trước đây. Nhưng vẫn rất Nhật Bản.

Nghĩa là một đám đông trật tự đến không ngờ. Ở khu vực này họ không thể thấy những gì tôi vừa thấy, từ màn hành lễ đến màn trình diễn của các Geisha.

Nhưng họ vẫn đứng trong sự thành kính tôn nghiêm đến khó tin. Đám đông ấy cũng vẫn sẵn sàng, nhẹ nhàng và nhanh chóng nhường cho tôi khe hở để thoát ra ngoài, hoàn toàn không xô đẩy, không một lời kêu ca.

Và đám đông ấy cũng được giới hạn trong khuôn viên sân đền, bên ngoài bức tường rào, những con đường của khu Higashi Chaya vẫn hoàn toàn thông thoáng như một ngày thường!

Nhân đây giải thích thêm về chuyến xe duy nhất còn vé mà vì nó tôi phải bỏ dở cuộc vui trong ngày lễ Setsubun. Do sự đặc biệt của lễ Setsubun ở Utasu Jinja nên ngày ngày Kanazawa đón lượng khách không nhỏ.

Chính vì vậy những chuyến xe cuối ngày đều được đặt vé từ sớm và đều hết vé. Không chỉ Kanazawa, làng di sản văn hóa thế giới Shirakawa-go với lễ hội thắp đèn (Light Up) mùa đông vào những ngày cuối tuần cũng vậy, du khách khắp nơi dồn về, vé xe hết rất nhanh.

Nhưng hết thì hết, không có chuyến xe nào tăng thêm chứ đừng nói tới việc thả xong người quay đầu xe tranh thủ kiếm thêm cuốc nữa. Bằng cách này, dù đông nhưng lượng du khách đổ về một điểm lễ hội vẫn được kiểm soát để không trở nên quá đột biến, để rồi “vỡ trận” hay “thất thủ”.

Nghệ sĩ dân gian-Thủy Phạm
Nghệ sĩ dân gian-Thủy Phạm

 

Nếu không may hết sạch vé, lỡ lễ hội này thì vẫn còn cơ hội ở nhiều lễ hội khác. Chỉ ngay sau lễ hội Setsubun, mùa xuân lại đến với lễ hội hoa mận, rồi tới lễ hội hoa anh đào… Chỉ cần “search” trang sự kiện trong tháng ở một thành phố, như Nagoya (kikuko-nagoya) sẽ thấy vô vàn kiểu, loại lễ hội, tuần nào cũng có. Có lịch sẵn, có chỉ dẫn cụ thể, cứ thế an tâm mà đi…■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận