Di sản văn hóa Ukraine đang được bảo tồn trực tuyến như thế nào?

THỦY TIÊN 03/04/2022 20:00 GMT+7

TTCT - Tổ chức Bảo tồn di sản văn hóa Ukraine trực tuyến đang ráo riết chạy đua với thời gian và bom đạn để bảo vệ các kho tàng văn hóa của Ukaine bằng kỹ thuật số, tạo ra những bản sao của các địa điểm văn hóa đang bị đe dọa phá hủy hoàn toàn.

 
 Thành phố Lviv của Ukraine nhìn qua hệ thống giám sát bird-eye. Hình ảnh này cũng sẽ được lưu trữ như một tư liệu lịch sử văn hóa quý giá.

Đạn bom không cần biết tới những xót xa, buồn tiếc của con người khi chứng kiến những di sản văn hóa tuyệt tác của nhân loại bị xé toạc, bị đốt cháy, bị đánh sập, bị hủy hoại. 

Sau 5 tuần chiến sự ở Ukraine, Nhà hát kịch khu vực Donnetsk ở Mariupol bị phá hủy. Một tu viện trong hang động ở Sviatohirsk, vùng Donetsk, miền đông Ukraine, có từ năm 1526 bị hư hại dưới những làn pháo kích. 

Nhưng một nhà sử học đau buồn khi chứng kiến điều ấy và hành động. Sebastian Maistorovic cùng các đồng nghiệp của anh lập Tổ chức Tình nguyện cứu di sản văn hóa Ukraine trực tuyến (SUCHO), trụ sở đặt tại Vienna, và khởi xướng một kế hoạch. 

“Tôi hiểu sâu sắc sự mong manh của văn hóa - ông nói với tờ DW - Lịch sử cá nhân của tôi khiến tôi đào luyện được sự nhạy bén ấy”. Khi còn là một sinh viên ở Cologne, ngày 3-3-2009, Maistorovic chứng kiến một kho lưu trữ lớn của thành phố - ngay cạnh trường ông học - sập xuống trước mắt mình. Vô số tài liệu bị phá hủy, bao gồm nhiều hồ sơ cực kỳ giá trị và những tác phẩm từ thời Trung cổ, những kho ảnh tư liệu có một không hai.

Nhưng đó không phải trải nghiệm duy nhất khiến ông nhận ra sự mong manh của văn hóa. Cha ông, người đã trốn khỏi Bosnia-Herxegovina sang Đức trước chiến tranh, thường kể cho con trai mình nghe về những mất mát bi thảm của di sản quốc gia trong thời gian đất nước ông điêu tàn vì xung đột. 

Năm 1992, tòa nhà Vijecnica - nơi đặt thư viện quốc gia ở Sarajevo - đã trở thành mục tiêu pháo kích của người Serbia. 80% thư viện bị phá hủy, khoảng 3 triệu cuốn sách và tài liệu cổ ghi lại lịch sử của đất nước bị thiêu rụi. 

“Đấy là một kho báu với những tài liệu quý giá về một Bosnia đa sắc tộc và nền văn hóa phong phú của nó. Có nhiều tài liệu mà ngày nay giới sử học vô cùng khao khát có được, chẳng hạn các tài liệu về cộng đồng Do Thái ở đây”. 

 
 Sơ tán những bảo vật khỏi Bảo tàng Quốc gia Andrey Sheptytsky Lviv - một trong những bảo tàng lớn nhất của Ukraine. Ảnh từ clip của DW

Những cảnh báo của giới chuyên gia và công chúng đang vang lên ngày càng nhiều: loại bỏ những thiết chế văn hóa là bước đầu tiên phá hủy bản sắc của một dân tộc.

Ba tuần trước, họ bắt đầu với một mục tiêu thực tế: lưu trữ lại những gì đã được đưa lên Internet. “Chúng tôi dùng một chương trình tìm kiếm các trang web của các tổ chức văn hóa và các cơ quan lưu trữ để tìm liên kết, tải xuống các thông tin, tài liệu, ảnh chụp các tác phẩm nghệ thuật, các ứng dụng tham quan ảo đối với các di tích lịch sử được phục dựng, các bộ phim, tác phẩm âm nhạc dân gian, các mẫu trang phục truyền thống…”.

Họ tất nhiên không làm xuể. Maistorovic kêu gọi trợ giúp và nhiều tình nguyện viên đã tới giúp anh tải dữ liệu thủ công, một số lập trình viên đang giúp họ viết các ứng dụng đặc biệt để lưu trữ những thông tin này. Ba tuần, họ đã tải và lưu trữ được 10 terabyte dữ liệu. Ông nhanh chóng cạn tiền riêng bỏ ra cho việc này, nhưng tới lượt các hãng công nghệ và nhà cung ứng dịch vụ Internet chìa tay giúp, họ cho ông lưu trữ miễn phí trên các máy chủ. 

“Các quốc gia nghèo cũng rất ý thức về việc số hóa các di sản văn hóa, nhưng họ chưa nghĩ tới việc tăng cường bảo mật dữ liệu và cũng không đủ nguồn lực cho việc này, tôi lo lắng về điều đó - ông nói - Chúng ta cần tới một sự hợp tác quốc tế để tạo ra một hạ tầng kỹ thuật số, giúp các bảo tàng nhỏ không đủ nguồn lực có thể bảo tồn và bảo mật dữ liệu của họ mà không phải tốn nhiều công sức và chi phí”. Sucho đang cùng Viện Nghiên cứu Ukraine của Harvard và Đại học Alberta tạo ra một hạ tầng công nghệ như vậy để giúp các bảo tàng bảo vệ những báu vật của họ.

Maistorovic hiểu quá rõ những tổn thất của việc mất đi các di sản vật thể này - điều khiến công việc của các nhà sử học như ông trở nên khó khăn bội phần. Khi làm luận án tiến sĩ về cuộc cách mạng trong dạy nghề thế kỷ 19, nhiều tài liệu ông cần đã không còn. 

“Các khu lưu trữ chính có ích cho nghiên cứu của tôi nằm ở Vienna và Milan, kho ở Milan đã bị quân Đức phá hủy trong Thế chiến 2, các tài liệu ở Vienna nằm trong Cung điện Công lý - nơi bị thiêu rụi trong các cuộc bạo loạn những năm 1920”, ông nói. Nhiều nhà sử học đối mặt khó khăn tương tự. Và đó là lý do tại sao các bản sao được gìn giữ bằng kỹ thuật số lại quan trọng đến thế.

 Ảnh: Tượng công tước de Richelieu ở TP Odessa được gia cố với bao cát. Ảnh: Reuters

Cộng đồng quốc tế đang tham gia cuộc cứu nạn các di sản văn hóa của Ukraine một cách nhiệt thành. Ba Lan - nơi thấm thía hơn hết về những di sản văn hóa và tư liệu lịch sử của quốc gia bị cướp bóc và phá hủy khủng khiếp trong Thế chiến 2 - đã lập một ủy ban trợ giúp các bảo tàng của Ukraine, hỗ trợ số hóa và kiểm kê các bộ sưu tập.

Cuối tháng 2 vừa qua, một nhóm nghệ sĩ ở Trung tâm Nghệ thuật đương đại Ivano-Frankivsk, miền tây Ukraine, đã cố gắng di tản và bảo quản các tác phẩm từ các không gian nghệ thuật nhỏ của địa phương với kinh phí ít ỏi. Họ cùng nhau tạo ra những điểm cất giấu kiên cố bí mật và nhận được nhiều yêu cầu hỗ trợ sơ tán từ các phòng trưng bày ở Kyiv, Mariupol, Odesa, Zaporizhzhya… Hơn 20 bộ sưu tập đã được đưa tới những điểm cất giấu này trong vòng 10 ngày đầu tiên của cuộc xung đột.

Quỹ Khẩn cấp vì nghệ thuật là một ví dụ khác về những nỗ lực bảo vệ gia tài văn hóa lịch sử của người Ukraine, với những khoản tài trợ khẩn cấp để các nghệ sĩ Ukraine có thể tiếp tục công việc của họ. Một cuộc di tản các tác phẩm nghệ thuật xuyên biên giới cũng được tổ chức. Một nhóm giám tuyển về Ukraine cho Venice Biennale Pavilion (siêu sự kiện nghệ thuật và văn hóa quốc tế hơn 100 năm tuổi) đã đưa các tác phẩm nghệ thuật từ Kyiv đến Áo để cuộc trưng bày có thể được tiến hành tại Ý vào tháng tới.

Bảo vệ những sắc màu rực rỡ của Maria Prymachenko

Maria Prymachenko không chỉ là một trong số những nghệ sĩ tự học vĩ đại của thế kỷ 20, bà là một biểu tượng của bản sắc dân tộc Ukraine. Những bức tranh kỳ ảo của bà, được Pablo Picasso ca ngợi, đang được treo trong những bảo tàng quan trọng nhất của Ukraine, in trên tem bưu chính và những đồng tiền kỷ niệm. 

 
Tác phẩm của Prymachenko
 

Đầu tháng 3, Bảo tàng vùng Ivankiv, quê hương bà, cách thủ đô Kyiv khoảng 80km về phía tây bắc, bị cháy trong một cuộc tấn công của quân Nga. Ngọn lửa nhấn chìm ngôi nhà một tầng - nơi treo nhiều bức tranh màu sắc rực rõ của Prymachenko với những nét vẽ gần như trẻ thơ về cây cỏ hoa lá, những nông phu cày ruộng và người làm vườn, những đường nét mang đậm dấu ấn văn hóa dân gian với hình ảnh thú hoang dã, những môtíp truyền thống, hình tượng tôn giáo và những họa tiết truyền thống rực rỡ.

Các bức tranh của Prymachenko là ví dụ nổi bật của "nghệ thuật ngây thơ" (Naïve art) - một thuật ngữ để nói về tác phẩm của những nghệ sĩ không được đào tạo chính thức. Bà sinh ra trong nghèo khó và trở thành nghệ sĩ nhân dân Ukraine năm 1970.

Các tác phẩm trong sự nghiệp kéo dài gần 6 thập niên của bà trưng bày trên khắp châu Âu. Khoảng 1/3 trong số 3.000 bức tranh mà Prymachenko vẽ suốt đời bà đang được treo trong các bảo tàng Ukraine, phần còn lại được giữ trong các bộ sưu tập tư nhân trong nước. 

 
Tác phẩm của Prymachenko

Bảo tàng Quốc gia về nghệ thuật trang trí dân gian Ukraine ở Kyiv có hơn 600 tác phẩm của bà trong bộ sưu tập 80.000 món của nó. Khi tin tức về vụ tấn công Bảo tàng Ivankiv lan khắp thế giới, các nhà hoạt động và tổ chức nghệ thuật ở nước ngoài đã tìm cách tái thể hiện tác phẩm của Prymachenko trên tường, trên mặt đất, chiếu lên các tòa nhà… như một cách tỏ bày sự ủng hộ. 

Bức tranh vẽ năm 1982 của bà mang tên Một con chim bồ câu dang rộng đôi cánh và cầu xin hòa bình đang trở thành một biểu tượng hy vọng cho Ukraine.

 
 

(*) Tổng hợp và lược dịch từ DW, CNN, The econonist, SLATE, Gazeta Wyborcza)

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận