Đi tìm sự thống nhất

NGUYỄN VIỆT LONG 12/09/2016 21:09 GMT+7

TTCT - Trong một bài báo gần đây trên TTCT, tác giả Nguyễn Vạn Phú đã đặt vấn đề: ngữ liệu tiếng Việt không chuẩn thì làm sao việc học ngoại ngữ nói chung và tiếng Anh nói riêng đạt chuẩn cho được. Ông nêu hiện trạng “một khái niệm tiếng Anh lại có hàng chục cách dịch, cách diễn đạt, không ai chịu thua ai”, thế nhưng “trong nhiều năm rồi, không có ai, không có cơ quan nào đứng ra làm công việc chuẩn hóa tiếng Việt”.

Trình tự phát triển của các rạn san hô, từ rạn viền lúc đầu (bên trái) đến rạn chắn (giữa) và cuối cùng là rạn san hô vòng (bên phải), tức đảo san hô vòng -jbpub.com

Nhiều người cho rằng chuyện thuật ngữ tiếng Việt lộn xộn, không nhất quán và “đá nhau” chỉ là chuyện hàn lâm trong tháp ngà của mấy ông đeo kính cận dài lưng tốn vải, trong khi cuộc sống còn bao nhiêu việc đáng ưu tiên hơn nhiều.

Nghĩ như thế là lầm to. Khoa học kỹ thuật có phát triển hay không, một phần cũng từ hệ thống tiêu chuẩn quốc gia trong các ngành khoa học và công nghệ, mà hệ thống đó phải nhờ cậy vào hệ thống thuật ngữ chuẩn.

Thế rồi chuyện quốc gia đại sự là đấu tranh pháp lý về biển đảo cũng không thể thiếu được việc có một hệ thống thuật ngữ nhất quán, mà một khái niệm tiếng Anh (khác với một từ đa nghĩa tiếng Anh) phải tương ứng với một khái niệm tiếng Việt, không bị lẫn với các khái niệm khác.

Bây giờ, nếu có hai học giả Việt Nam nghiên cứu biển đảo mà chỉ dùng tiếng Việt thì bảo đảm sẽ xảy ra tình trạng “ông nói gà, bà hiểu vịt” liền cho mà xem.

Vì vậy có thể bắt đầu câu chuyện “đại thống nhất” thuật ngữ tiếng Việt cho chủ đề biển đảo bằng một đối thoại giả định như sau giữa một bạn trẻ với một nhà nghiên cứu:

Nhà nghiên cứu (NNC): Cậu đã biết báo chí đưa tin Tòa trọng tài quốc tế phán quyết rằng mấy thực thể địa lý trên quần đảo Trường Sa mà Trung Quốc chiếm đóng như đá Chữ Thập, đá Ga Ven, đá Gạc Ma đều là “đá”, không cái nào đạt chuẩn đảo cả chưa? Riêng đảo Ba Bình lớn nhất quần đảo giờ cũng thành “đá”.

Anh bạn trẻ (BT): Mấy cái thực thể ấy trên bản đồ ta vẫn gọi là đá cả mà.

NNC: Cậu hiểu thế thì chết thật. Đá mà Tòa trọng tài phán quyết tiếng Anh là rock, tức là đá nổi, đá lộ thiên, còn đá đi với tên riêng trong bản đồ tiếng Việt lại là reef, thường là đá lúc nổi lúc chìm, thậm chí là đá ngầm trước khi được tôn tạo.

Rock trong bản dịch Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) của Bộ Ngoại giao được gọi là hòn đảo đá (điều 121, khoản 3).

BT: Gì chứ reef thì em biết, các từ điển thường dịch nó là rạn san hô, rạn, ám tiêu hay đá ngầm. Còn rock mà gọi là đảo đá thì khi áp dụng vào câu này cũng hơi buồn cười nhỉ: Tòa trọng tài phán quyết mấy thực thể địa lý ấy không phải là đảo (island), mà chỉ là đảo đá (rock).

NNC: Rạn san hô (coral reef) được chia thành ba loại chính. Rạn [san hô] viền (fringing reef) ôm lấy bờ hoặc một hòn đảo (đảo này không phải là san hô mà thường có nguồn gốc núi lửa). Rạn [san hô] chắn (barrier reef) cũng bao quanh bờ hoặc một hòn đảo nhưng bị ngăn cách bởi một khoảng nước (gọi là phá hoặc đầm).

Cuối cùng là rạn san hô vòng (atoll) hình tròn hoặc bầu dục bao quanh một phá và không có khối đất đá nổi ở chính giữa phá.

Trong bản dịch UNCLOS thì reef được dịch là mỏm đá đấy (điều 6), nhưng trong các cụm từ thì có chỗ lại dịch là bãi đá (trong drying reefs ở điều 47, khoản 1). Cụm từ fringing reefs xuất hiện hai lần trong UNCLOS thì được dịch khác nhau: đá ngầm ven bờ bao quanh (điều 6) và các bãi đá ngầm bao quanh (điều 47, khoản 7). Trong tiếng Việt, mỏm đá khác bãi đá chứ nhỉ?

BT: Tất nhiên rồi. Thế atoll có được nhắc đến trong UNCLOS không và nếu có thì nó được gọi là gì?

NNC: Trong UNCLOS, atoll xuất hiện ba lần, nhưng hai lần (điều 47, khoản 1 và khoản 7) được dịch là vành đai san hô, còn một lần khác ở điều 6 lại không dịch hoàn toàn: cụm từ islands situated on atolls được dịch là đảo cấu tạo bằng san hô.

Các từ điển Anh Việt thường dịch atollđảo san hô vòng hoặc rạn san hô vòng, không thấy từ điển nào dịch là vành đai san hô nên người đọc sẽ rất lúng túng khi muốn biết từ này là gì trong tiếng Anh. Thật ra tùy theo mức độ chìm nổi của atoll mà nó có thể hình thành một đảo san hô vòng duy nhất hoặc nhiều đảo san hô.

BT: Em đọc thấy trong bài “Những câu hỏi còn bỏ ngỏ tại hội thảo về Biển Đông ở Nha Trang” trên mạng Giáo dục Việt Nam, TS Trần Công Trục đã đề cập đến sai sót của biên tập viên đài truyền hình quốc gia khi biên tập viên này nói: “Hai là các thực thể địa lý không phải là đảo. Nếu chúng lúc nổi lúc chìm hay chìm hoàn toàn dưới mực nước biển khi thủy triều lên hay xuống, nhiều nhất các cấu trúc này chỉ có lãnh hải 12 hải lý, không có vùng đặc quyền kinh tế”.

Không rõ biên tập viên nhầm thế nào?

NNC: Cậu chịu khó theo dõi thời sự về biển đảo nhỉ. Có thể biên tập viên này nhầm vì thuật ngữ “đá” của tiếng Việt đấy. UNCLOS quy định chỉ có rock (đá nổi, đá lộ thiên) mới có lãnh hải tối đa là 12 hải lý, còn những thực thể lúc nổi lúc chìm hay chìm hoàn toàn dưới mực nước biển thì không có lãnh hải 12 hải lý.

Rock là thuật ngữ pháp lý chứ không phải thuật ngữ địa lý, vì trong các bản đồ người ta hầu như không dùng từ này để gọi hòn đảo nào. Trong cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa chỉ có duy nhất một thực thể địa lý được gọi là rock (nên coi là một ngoại lệ), đó là Pyramid Rock (hòn Tháp hay đá Tháp) trong quần đảo Hoàng Sa.

Còn một đảo nữa trong quần đảo Hoàng Sa có tên riêng là Đá, chứ không phải nó là “đá”: đảo Đá hay đảo Hòn Đá (Rocky Island).

BT: Lại có cái loại bãi nửa nổi nửa chìm hay bãi cạn lúc chìm lúc nổi được sách báo nhắc tới nữa là loại gì thế hả anh?

NNC: Trong bản dịch UNCLOS có hai loại bãi lúc chìm lúc nổi rất dễ lẫn với nhau. Đó là bãi đá lúc chìm lúc nổi (drying reef ở điều 47, khoản 1) và bãi cạn lúc chìm lúc nổi (low-tide elevation, viết tắt là LTE).

Thật ra LTE (và elevation nói riêng) là những thuật ngữ pháp lý chứ không phải thuật ngữ địa lý, vì chúng không xuất hiện trong các bản đồ mà được đặt ra và định nghĩa trong điều 13 của UNCLOS, còn drying reefs là thuật ngữ địa lý và địa chất.

Trong cuốn 100 câu hỏi - đáp về biển, đảo dành cho tuổi trẻ Việt Nam (NXB Thông Tin và Truyền Thông, 2013) thì khái niệm LTE được gọi là bãi cạn nửa nổi nửa chìm. Gọi như thế là không chuẩn vì nửa nổi nửa chìm (có phần nổi và có phần chìm) khác với lúc chìm lúc nổi theo đúng định nghĩa.

Theo tôi, nên dịch drying reef là rạn [đá] lúc chìm lúc nổi, còn elevation nên dịch là nền/khối [đất] cao, và low-tide elevation là nền [đất] cao lúc chìm lúc nổi, hoặc nền cao lộ thiên khi nước ròng. Trung Quốc họ dịch LTE là đê triều cao địa (đất cao [nổi lên] khi triều thấp).

BT: Thấy anh nói đến nền và đất, em lại nhớ trong điều 47 về Đường cơ sở quần đảo cũng có nhắc đến “nền đại dương” và “đất” đấy.

NNC: Chà, chỗ ấy thì bản dịch UNCLOS hiểu sai nghĩa rồi. Thuật ngữ oceanic plateau và sau đó được nói tắt thành plateau ở khoản 7, điều 47 lần lượt được dịch là nền đại dươngđất! Nền đại dương phải là seabed hoặc ocean floor, còn oceanic plateau nghĩa là cao nguyên dưới biển, gọi tắt trong ngữ cảnh là cao nguyên chứ không phải hiểu theo nghĩa đất.

Các nhà khoa học thấy dưới biển cũng nhấp nhô, lồi lõm, có vực sâu và có núi non nên họ đã đặt ra những khái niệm như đồng bằng biển thẳm (abyssal plain) và cao nguyên ngầm dưới biển hay cao nguyên đại dương (oceanic plateau hoặc submarine plateau).

BT: Hôm nay được bác chỉ giáo thật là sáng ra nhiều thứ, chứ không thì đọc sách báo hay nghe đài mà em vẫn lẫn lộn. Tóm lại là nên vạch rõ “đường cơ sở” cho các thuật ngữ, đặt tên sao cho chúng không chồng lấn lên nhau, bác nhỉ?

NNC: Phải. Còn bây giờ, tạm thời cậu hãy nhớ hệ thống thuật ngữ pháp lý cơ bản của UNCLOS về phân loại các thực thể địa lý cho tôi. Có tất cả ba loại thực thể địa lý cần phân định theo pháp lý:

- đảo (island): được hưởng quy chế lãnh hải 12 hải lý, vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý và thềm lục địa. Đảo ở đây là thuật ngữ pháp lý của UNCLOS, khác với khái niệm đảo theo cách hiểu thông thường hoặc trong địa lý, ở chỗ nó phải thỏa mãn điều kiện thích hợp cho con người sinh sống lâu dài, tức là tự đảm bảo được đời sống kinh tế riêng mà không cần nhận tiếp tế từ bên ngoài.

- “đá nổi” (rock): được hưởng quy chế lãnh hải 12 hải lý nhưng không có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa.

- “nền đất cao lúc chìm lúc nổi” (low-tide elevation): chỉ nổi khi triều thấp (nước ròng) và chìm khi triều cao. Không được hưởng quy chế lãnh hải riêng, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa riêng.

BT: Vâng, cảm ơn bác nhiều.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận