​Định dạng kế hoạch mới của Mỹ

TS LÊ THANH HẢI 13/06/2015 00:06 GMT+7

TTCT - Tuần này thủy thủ đoàn tuần duyên hạm USS Fort Worth chuẩn bị thay quân theo quy trình làm việc bốn tháng một lần trong chuyến công tác thuộc loại xa nhất, và nếu không có gì thay đổi thì sẽ là lâu nhất trong lịch sử hải quân Mỹ.

Tàu Trung Quốc Yancheng (phía sau) đang bám theo tuần duyên hạm USS Fort Worth - Ảnh: CNN

USS Fort Worth thuộc thế hệ tàu chiến mới nhất của Hoa Kỳ, theo thiết kế của lớp Freedom, mà riêng con tàu này với số hiệu LCS 3 đã được gia cố thêm để vượt trội hơn về tốc độ lẫn thời gian tác chiến, và chỉ riêng chi phí cho một lần bảo trì đã đem lại cho Tập đoàn Lockheed Martin 10 triệu USD, chưa kể các điểm sửa chữa và tiếp tế chỉ dùng riêng cho tàu này ở Singapore và Nhật Bản.

Vài ngày trước, trang mạng của Viện Hải quân Mỹ (USNI) đưa ra báo cáo sơ bộ với những lời khen ưu ái nhất dành cho chuyến tuần tra vừa qua của USS Fort Worth ở khu vực biển Đông của Việt Nam, còn CNN thì đăng tải bức ảnh chụp tàu chiến Trung Quốc Yancheng bị bỏ lại đằng sau trong một cuộc chạy đua được coi là tập dượt để đưa ra quy chế mới cho hải quân Mỹ trong khu vực.

CHỦ BÀI LCS TRONG CHIẾN LƯỢC 5 ĐIỂM

Đáng chú ý nhất là báo cáo chiến lược của GS James Holmes mới đăng trên trang mạng quốc phòng Real Clear Defense, coi việc sử dụng tuần duyên hạm - LCS (Littoral Combat Ship) là chủ bài trong chiến lược năm điểm để cản phá mưu đồ bành trướng của Trung Quốc ở biển Đông. Báo cáo được James Holmes thực hiện cùng với GS gốc Nhật Toshi Yoshihara, giảng viên tại Học viện Hải quân Newport, và cũng là tác giả của nhiều công trình nghiên cứu hải quân Trung Quốc suốt hơn 10 năm qua.

Mặc dù chiến lược của Mỹ thật sự nằm trong các báo cáo tuyệt mật, nhưng cho đến thời điểm này khá nhiều đề nghị của hai tác giả trên đang được áp dụng. Các biện pháp này là một phần những gì được cụ thể hóa từ chính sách mà hai chuyên gia này từng đề nghị từ năm 2012 trên tạp chí Lợi ích quốc gia (National Interest), gọi là ngoại giao roi nhỏ (small-stick diplomacy), sử dụng gậy nhỏ để chọc hỏng ý đồ của Trung Quốc.

Cả hai ông đều làm nghiên cứu sinh ngành ngoại giao và công pháp quốc tế, rồi về dạy trong trường hải quân, cho nên giải pháp của họ kết hợp cả luật lẫn ngoại giao và sức mạnh hải quân, được đúc kết lại trong một quyển sách xuất bản từ năm 2010, mô tả các nguy cơ mà Trung Quốc tạo ra cho chiến lược hàng hải của Hoa Kỳ trên thế giới. Trước đó, quá trình nghiên cứu hàng chục ngàn tài liệu nguồn từ Trung Quốc cho phép họ hệ thống hóa tư tưởng hải quân của nước này, dự đoán chính xác các nước đi cũng như là mục tiêu của Trung Quốc từ thời Đặng Tiểu Bình cho đến nay.

 Một trong những vấn đề quan trọng nhất trong thế kỷ 21 này chính là ván cờ chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc.

Các học giả Trung Quốc thường xuyên nhắc đến việc làm chủ vùng biển và kiểm soát các tuyến đường giao thông trên biển. Theo GS Yoshihara và GS Holmes thì đây chính là điểm mấu chốt trong học thuyết của đô đốc hải quân Mỹ Alfred Thayer Mahan. 

Các nghiên cứu của ông mà đặc biệt là quyển sách về ảnh hưởng của sức mạnh trên biển vào lịch sử quốc gia và thế giới (The influence of sea power upon history 1660-1783) từng được dịch sang tiếng Nhật và trở thành giáo trình bắt buộc cho hải quân Nhật vào đầu thế kỷ 20, phần nào tạo ra chiến thắng vang dội cho Nhật trong cuộc chiến với Nga vào năm 1905.

Cho rằng sức mạnh trên biển (sea power) sẽ quyết định vị trí của cường quốc trong mọi lĩnh vực khác, học thuyết của Mahan cũng là chiến lược chung cho hải quân Anh, Đức và nhiều nước khác trên thế giới. 

Kế hoạch gần đây của Trung Quốc về việc xây dựng kênh đào nối vịnh Thái Lan với Ấn Độ Dương cũng giống như tầm quan trọng chiến lược của kênh đào Panama với Hoa Kỳ, hay là kênh đào Suez với Anh và Israel hay trước đó là đế quốc Pháp.

Nếu cách đây 10 năm khi nhắc đến tình hình địa lý chính trị ở Đông Nam Á, người ta vẫn ví Trung Quốc như con voi trên cạn còn Hoa Kỳ như là cá voi dưới biển, hai bên gườm nhau nhưng không có nhu cầu tranh giành lãnh địa, thì nay Trung Quốc bắt đầu trở thành nguy cơ khiến Hoa Kỳ phải chú ý đề phòng.

Thật vậy, khi Trung Quốc mở rộng các khu vực đã chiếm trái phép ở Trường Sa thì hải quân Hoa Kỳ không có ý kiến gì, nhưng khi họ bắt đầu trang bị vũ khí và thiết bị để kiểm soát đường biển thì ngay lập tức tạo ra dư luận phản đối. 

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry bay sang Trung Quốc và trước đó vài ngày, tuần duyên hạm USS Fort Worth được điều từ Singapore sang và trực diện tiếp cận với tất cả mọi loại tàu chiến Trung Quốc mà họ gặp trên đường đi sang Philippines.

Một trong số những chuyên gia về an ninh biển hàng đầu thế giới là GS Geoffrey Till từ King’s College ở London nhận định rằng một trong những vấn đề quan trọng nhất trong thế kỷ 21 này chính là ván cờ chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc.

ĐỐI ĐẦU VỚI SỨC MẠNH SẮT THÉP

Quay trở lại công trình nghiên cứu của hai giáo sư từ Học viện Hải quân Mỹ, Trung Quốc đang tạo thế thượng phong trên biển không phải bằng đại bác hay tên lửa, mà lấn chiếm dần bằng sức mạnh của sắt thép. 

Đó chính là những công trình đồ sộ như giàn khoan di động hay số lượng tàu sắt, và mới đây nhất là nhà bêtông cốt thép và đèn biển như chúng ta đang chứng kiến qua những bản tin thời sự hằng ngày. Không chỉ các nước trong khu vực không đủ tiềm lực để chạy đua bằng sắt thép mà nếu sử dụng vũ lực thì sẽ thua ngay từ đầu vì trở thành kẻ khiêu khích trong con mắt của dư luận quốc tế, và tạo cớ cho Trung Quốc sử dụng kho vũ khí đang chờ sẵn ở đằng xa.

 Nếu cách đây 10 năm khi nhắc đến tình hình địa lý chính trị ở Đông Nam Á, người ta vẫn ví Trung Quốc như con voi trên cạn còn Hoa Kỳ như là cá voi dưới biển, hai bên gườm nhau nhưng không có nhu cầu tranh giành lãnh địa, thì nay Trung Quốc bắt đầu trở thành nguy cơ khiến Hoa Kỳ phải chú ý đề phòng... 

Hoa Kỳ khi can thiệp vào vùng biển này cũng ở vào thế tương tự, cho nên chỉ có thể đặt vũ khí hạng nặng, tức là chiếc roi lớn, vào vị trí sẵn sàng mà thôi. Đó là điểm cuối cùng trong chiến lược năm điểm mà hai vị giáo sư vẽ ra cho hải quân và ngoại giao Mỹ. Điểm thứ tư là Hoa Kỳ cần phải nhanh chóng huấn luyện về luật biển cho hải quân và giới ngoại giao trong khu vực, để đối trọng lại cơ chế phản ứng nhanh mà Trung Quốc đã thành thục.

Mỗi khi có chuyện gì xảy ra thì Bộ Ngoại giao Trung Quốc luôn có sẵn câu trả lời để minh họa cho quan điểm rằng Trung Quốc luôn đúng và các nước khác luôn sai. Trong khi đó giới chức Hoa Kỳ còn phải mất thời gian nghiên cứu thực địa rồi nghiên cứu tiếp sang công pháp quốc tế, để rồi vài ngày sau mới có câu trả lời, khi người ta không còn quan tâm đến chuyện đó nữa. Yếu kém này từng thể hiện rõ nhất trong vụ máy bay do thám Mỹ bị tiêm kích của Trung Quốc đâm hỏng và phải hạ cánh khẩn cấp xuống đảo Hải Nam.

Nhưng có vẻ như hải quân Hoa Kỳ đang nhanh chóng khắc phục bằng cách đưa một thế hệ lãnh đạo mới vào biển Đông như người Mỹ gốc Việt làm hạm trưởng, và người Mỹ gốc Nhật làm chỉ huy khu vực. Khá nhiều học viên gốc Đông Nam Á đang chuẩn bị ra trường ở các học viện hải quân Hoa Kỳ.

Điểm thứ ba trong nước cờ chiến lược của GS James Holmes và GS Toshi Yoshihara cũng mới vừa được thực hiện gần đây, là quay phim thực địa trong các vụ gặp mặt tàu Trung Quốc và sử dụng báo chí để dư luận được biết sự thật. Một loạt phóng sự truyền hình của CNN thật sự đã tạo ra mối quan tâm đặc biệt trong chính giới ở Hoa Kỳ, kéo theo là bình luận trên các tờ báo hàng đầu như Wall Street Journal và The New York Times.

Tuy nhiên, đi kèm với điểm thứ nhất về việc sử dụng kỹ thuật quốc phòng mới là tuần duyên hạm, hai chuyên gia này không muốn đặt chủ bài này trong cơ cấu của hải quân, tức là Hạm đội 7 như hiện nay. Họ cho rằng lực lượng phòng vệ bờ biển (Coast Guard), tức là tổ chức giống như cảnh sát biển của Việt Nam, mới là tổ chức phù hợp nhất, khi nhiệm vụ của tuần duyên hạm trong khu vực không phải là tác chiến mà là nhanh chóng tiếp cận đối phương rồi phát huy hết lợi thế kỹ thuật để tàu Trung Quốc không có cách nào đuổi kịp hay tấn công, đồng thời di chuyển đúng luật lệ và tạo cơ sở thực hiện tất cả các điểm còn lại của chiến lược sức mạnh biển trong tình hình hiện tại và bối cảnh khu vực.

Có thể Chính phủ Mỹ đã quyết định hơi khác về điều này, khi các nguồn tin từ Bộ Ngoại giao Mỹ được tiết lộ trên báo chí nói rằng họ đang có ý định tặng cảnh sát biển của Việt Nam sáu chiếc tàu tuần tiễu cao tốc Metal Shark. Tuy nhiên, loại tàu Defiant này chủ yếu là để tuần tra tự vệ và khả năng tác chiến thua xa tuần duyên hạm LCS-3 USS Fort Worth của Mỹ trong khu vực.

Những ngày vừa qua cũng là thời điểm mà Trung Quốc công bố Sách trắng về chiến lược quốc phòng, nhấn mạnh đến việc xây dựng lực lượng hải quân hiện đại để bảo vệ quyền lợi, và ngay lập tức bị Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter coi là quá lố.

Cho đến thời điểm hiện tại chưa có nhiều phân tích về hoạt động của máy bay không người lái, mà theo nhận định của tuần báo Economist ở Anh, thì có thể tạo ra các tình huống vượt quá tầm kiểm soát. 

Các thế hệ máy bay không người lái hiện nay không chỉ làm nhiệm vụ do thám mà còn có thể lắp bom để tấn công đối phương, và trong bối cảnh Hoa Kỳ đang cân nhắc về chu vi 12 dặm quanh các điểm mà Trung Quốc đã chiếm ở Trường Sa, cố gắng kiềm chế thì nguy cơ xung đột có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Tuy nhiên, có vẻ như Hoa Kỳ chưa có chuẩn bị gì để tránh giao chiến cả. 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận