TTCT - “Việt Nam sẽ chỉ có một cơ hội duy nhất để đô thị hóa đúng đắn. Nếu thất bại trong đô thị hóa, chúng ta cũng sẽ thất bại trong công nghiệp hóa và hiện đại hóa”. Lời Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng phát biểu tháng 11-2009 đã được Báo cáo đánh giá đô thị hóa ở Việt Nam của Ngân hàng Thế giới (WB) 2012 trích để minh chứng cho tầm quan trọng của quá trình đô thị hóa ở Việt Nam. TTCT đã trao đổi với ông Dean Cira, chuyên gia cao cấp của WB, về đô thị. ông Dean Cira - Ảnh: H.Giang - Ông Dean Cira: Hiện Việt Nam đang ở giai đoạn đầu tiên của đô thị hóa và chuyển dần sang giai đoạn giữa. Tỉ lệ dân đô thị trên toàn quốc tăng 3,4%/năm với 34% dân số Việt Nam sống ở đô thị. Khoảng 20-30 năm nữa, một nửa dân số Việt Nam sẽ sống ở thành thị. Tốc độ tăng dân số khá nhanh, đặc biệt là ở hai khu vực đô thị hóa lớn nhất là Hà Nội và TP.HCM, khiến nảy sinh nhiều mâu thuẫn mới trong sử dụng đất. Chi phí giao dịch và vận chuyển ở cả Hà Nội lẫn TP.HCM còn rất cao... Chuyển hướng nhập cư sẽ không hiệu quả * Ông nói rất nhiều về Hà Nội và TP.HCM. Nhưng có nhiều ý kiến ở Việt Nam cho rằng nên "nắn ngược" dòng chảy di cư, làm sao để đưa người dân đã di cư ra thành phố quay lại quê mình. Ông là người không tán thành biện pháp này. Vì sao?- Một số người cho rằng các thành phố như Hà Nội và TP.HCM đang trở nên quá lớn nên không quản lý được, cần hạn chế dòng di cư và có chính sách phát triển cân bằng trên cả nước. Tôi không tán thành điều đó. Người dân đang tràn ra các thành phố ở Việt Nam không phải vì họ bị đẩy ra đó, mà vì họ bị hấp dẫn bởi những cơ hội kiếm sống chủ yếu có ở trong và xung quanh Hà Nội, TP.HCM - nơi có triển vọng tìm được việc làm cho cả khu vực chính thức và không chính thức. Đánh giá đô thị hóa Việt Nam nhấn mạnh việc hai thành phố này đóng vai trò lấn át là động lực tăng trưởng kinh tế không chỉ là một điều tích cực mà chính sự phát triển kinh tế tích tụ ở những vùng đô thị như hai thành phố đó còn có vai trò quan trọng trong tiến trình phát triển kinh tế nói chung của cả nước. Những nước đang hoặc đã trải qua quá trình đô thị hóa ban đầu này đều như vậy và việc phân tán đầu tư ra ngoài hai khu vực này nhằm chuyển hướng nhập cư có vẻ không hiệu quả lắm. Lịch sử đã chứng minh tất cả các nước phải quản lý được sự tăng trưởng nhanh chóng ở các thành phố khi họ vẫn còn ở mức thu nhập thấp và các thể chế mới đang hình thành; còn việc chuyển đổi theo địa lý như một số người mong muốn sẽ chỉ có khả năng hoàn tất khi thu nhập đạt mức 3.500 USD/người/năm. Bởi vậy, thay vì cố gắng đảo ngược xu thế này, tôi nghĩ các nhà làm chính sách nên chuẩn bị đón nhận và đầu tư cho nó, bao gồm việc đầu tư vào vốn con người (ví dụ như giáo dục) để đảm bảo sự chuyển đổi diễn ra suôn sẻ thông qua khả năng di chuyển của lao động. * Quan ngại của ông về quá trình đô thị hóa ở Việt Nam là gì?- Dường như các đô thị ở Việt Nam đang phát triển theo chiều rộng thay vì theo chiều sâu. Chẳng hạn Hà Nội đã trở thành một trong những thành phố rộng nhất thế giới. So với thủ đô Seoul của Hàn Quốc chẳng hạn, dân số ở Hà Nội (hơn 6,5 triệu người) đang sống trên diện tích lớn gấp bốn lần dân Seoul (hơn 10,5 triệu người). Tức là Hà Nội chưa sử dụng tối ưu hóa đất đai. Khi mở rộng như vậy, chính quyền sẽ phải đầu tư rất nhiều vào các đô thị vệ tinh trong khi nhu cầu chính nằm ở Hà Nội. Như vậy, về khía cạnh bền vững tài chính, điều đó gây ra chi phí khổng lồ cho người nộp thuế.Về quản lý hành chính, tôi nghĩ rằng việc phân loại thành phố như hiện nay tạo ra nhiều động lực méo mó: một thành phố được tăng hạng (về xếp loại đô thị - PV) sẽ được rót nhiều nguồn lực hơn nhưng hiện có nhiều đô thị mới mọc lên rất xa thành phố, nơi không tập trung nhiều nhu cầu thật sự của dân chúng. Mối nguy hiểm của những đô thị mới này là chúng ngốn nhiều tiền của để xây dựng và kết nối với các đô thị có sẵn. Tôi cho rằng nên tập trung cải thiện các trung tâm đô thị sẵn có trước khi mở rộng đô thị. Thay đổi thói quen còn Quan trọng hơn thay đổi điều luật * Như báo cáo đã đề cập, Việt Nam có thể rút ra nhiều bài học từ các nước trong khu vực. Theo ông, Việt Nam nên rút kinh nghiệm gì từ trận lụt kỷ lục hồi năm ngoái ở Bangkok, khi Bangkok cũng trở nên quá lớn và người ta chỉ có thể quan tâm chống lũ ở vùng trung tâm?- Đây là vấn đề quan trọng cho Việt Nam vì phần lớn dân số sống ở hai khu vực đồng bằng châu thổ hay dọc theo bờ biển dài, thấp và dễ bị bão. Ngoài ra, với sự gia tăng dân số thành thị và tăng trưởng kinh tế thì ngày càng có nhiều người cũng như nhiều tài sản kinh tế đứng trước rủi ro lụt lội nếu như không có các biện pháp kiểm soát lũ lụt hợp lý. WB gợi ý cách tiếp cận tổng hợp trong quản lý lũ lụt đô thị, có nghĩa không chỉ thực hiện các biện pháp cơ cấu như phòng lũ, xây kênh thoát nước, duy trì các vùng đất ngập nước tự nhiên, mà còn phải thực hiện các biện pháp phi cơ cấu để tiến hành được các biện pháp cơ cấu nói trên. Lấy ví dụ như Philippines có các hệ thống cảnh báo sớm và quản lý khẩn cấp rất tốt, giúp giảm thiệt hại về người và của ở những vùng lũ lụt đô thị. Các biện pháp có thể kể tên là tránh lũ bằng quy hoạch sử dụng đất đai hợp lý. Điều này các thành phố Việt Nam làm chưa tốt lắm vì việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất dường như đang diễn ra nhanh hơn cả tốc độ tăng dân số đòi hỏi. Và vì mở rộng nhanh chóng ra ngoài các thành phố lớn nên nhiều khu ngập nước tự nhiên thường bị sử dụng cho các nhu cầu phát triển. Ở TP.HCM chẳng hạn, các điểm nóng về ngập lụt có vẻ như đang di dời xa từ trung tâm ra các đô thị mở rộng ngoại ô. Đạo luật lụt của Đức và quy định về quy hoạch ở Anh và Xứ Wales là những ví dụ quốc tế rất tốt về việc tránh ngập lụt nhờ quy hoạch và kiểm soát tốt việc sử dụng đất. WB vừa xuất bản cuốn sách hướng dẫn về quản lý tổng hợp rủi ro ngập cho thế kỷ 21, giúp các nhà hoạch định chính sách có những lời khuyên thực tế để giảm thiểu rủi ro liên quan đến ngập lụt ở đô thị. * Một cán bộ của Viện Kiến trúc - quy hoạch đô thị và nông thôn (Bộ Xây dựng) cho rằng tư duy quy hoạch đô thị của Việt Nam từ 50 năm nay vẫn chưa thay đổi được một phần vì nền tảng pháp lý cho lĩnh vực này chậm thay đổi. Quan điểm của ông về điều này thế nào?- Tôi không nhìn nhận như vậy. Trên thực tế, Luật quy hoạch đô thị Việt Nam đã có hiệu lực từ tháng 1-2010. Vấn đề là nhiều năm nay các chuyên gia quốc tế đã nói rằng hệ thống quy hoạch ở Việt Nam quá nặng về "từ trên xuống", tản mác giữa các thể chế liên quan và quá chú trọng vào các nguyên tắc thiết kế tĩnh. Ví dụ: quy hoạch chiến lược, quy hoạch đất đai, quy hoạch không gian, các kế hoạch cơ sở hạ tầng thường không được kết hợp với nhau và đôi khi còn không tương thích nhau. Thay đổi những thói quen như vậy có lẽ còn quan trọng hơn thay đổi các điều luật. Nhưng đây không phải là vấn đề của riêng Việt Nam. Tại một vài thành phố ở Đông Nam Á, việc cung cấp nhà ở chạy quá nhanh so với cơ sở hạ tầng giao thông, dẫn đến kết quả là có nhà giá tương đối thấp nhưng khó đi lại (như Bangkok và Jakarta), hay những nơi khác như Mumbai, Delhi thì các chính sách hạn chế cung cấp đất đai và nhà ở để ngăn phát triển đất đai không đi quá xa so với cơ sở hạ tầng lại dẫn đến giá nhà đắt đỏ, tiêu thụ nhà ở thấp và tính cơ động kém. Bắc Kinh cũng là một ví dụ thú vị khác về sự thất bại trong dự đoán chuyển đổi phương tiện giao thông chủ yếu từ xe đạp thành ôtô, nên bị tắc nghẽn nghiêm trọng, dẫn đến hạn chế khả năng di chuyển của lực lượng lao động. Hai vấn đề chủ yếu về quy hoạch mà Hà Nội và TP.HCM sẽ phải đối mặt là khả năng cơ động giảm xuống và chi phí nhà ở gia tăng. Làm thế nào để duy trì sự cơ động của lực lượng lao động ở một thành phố mà thu nhập tăng nhanh, mật độ dân cao và không gian đường sá quá nhỏ cho xe cá nhân sẽ là thách thức cơ bản. Ngoài ra còn có thách thức làm sao đảm bảo được hỗn hợp đang có giữa nhà ở chi phí thấp và nhà ở phân khúc thị trường cao. Hong Kong và Singapore có thể là hai ví dụ tuyệt vời trong khu vực để Việt Nam xem xét việc hợp nhất các khía cạnh nhà ở, đất đai và giao thông trong quá trình quy hoạch, nhất là Singapore - nơi dùng quy hoạch nhà ở làm dẫn dắt cho quá trình quy hoạch đô thị nói chung. * Xin cảm ơn ông. “Năng lực chính quyền chưa theo kịp tốc độ đô thị hóa” Sự phát triển của thị trường bất động sản có vẻ vượt qua sự phát triển của đô thị hóa, đặc biệt thị trường thứ cấp (chuyển đổi từ đất nông nghiệp thành đất ở) diễn ra quá mạnh, đáng ra phải đi sau đô thị hóa nhưng việc chuyển đổi đất trong một số trường hợp đi trước cả quy hoạch. Tương tự, quá trình công nghiệp hóa, nhất là sự phát triển của các khu công nghiệp - khu chế xuất - khu kinh tế còn nhiều điểm đi trước quá trình đô thị hóa. Nhiều khu hình thành thu hút lực lượng lớn lao động, dẫn tới quá trình đô thị hóa tự phát xung quanh mà không kèm theo sự nâng cấp của chính quyền địa phương - vẫn là chính quyền nông thôn, ngân sách nông thôn. Vấn đề đô thị nảy sinh hằng ngày nhưng chính quyền địa phương không được trang bị nguồn lực tài chính, con người... để xử lý. Tags: Việt NamĐô thị hóaDean CiraChuyển hướng nhập cư
Nguy cơ lãng phí vì sân bay Long Thành phải chờ... đường A LỘC 24/11/2024 Trong khi sân bay Long Thành và các đơn vị cung cấp hậu cần đang tăng tốc về đích, các tuyến cao tốc kết nối với sân bay lại ì ạch.
Trình Chính phủ dự án vành đai 4 TP.HCM, mở kỷ nguyên mới từ con đường lớn nhất Đông Nam Bộ ĐỨC PHÚ 24/11/2024 Ngày 23-11, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đã ký tờ trình gửi Thủ tướng và Bộ Kế hoạch và Đầu tư về báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 4 TP.HCM.
Thông điệp '4 không' từ tên lửa Oreshnik của Nga LỤC MINH TUẤN 24/11/2024 Cuộc tấn công bằng tên lửa Oreshnik của Nga đã truyền tải chuỗi thông điệp răn đe mới đến toàn thể Liên minh châu Âu (EU).
Lãi suất huy động bắt đầu 'nóng' ÁNH HỒNG 24/11/2024 Tính từ đầu tháng 11 tới nay có hơn 10 ngân hàng tăng lãi suất tiền gửi, trong đó có cả những ngân hàng trong nhóm Big4.