TTCT - Trên thế giới có những loài cây cô đơn theo nghĩa chỉ còn một hoặc vài cá thể sót lại, và chuyện cứu chúng khỏi bờ tuyệt chủng không hề đơn giản. "Cây cọ cô đơn" Hyophorbe amaricaulis ở Mauritius. Ảnh: iNaturalist UK"Cây cô đơn" với những người ưa chụp ảnh "check-in" trên đường du lịch chỉ là những cái cây mọc trơ trọi trên một đỉnh đồi hay vạt đất nào đó. Nhưng trên thế giới có những loài cây cô đơn theo nghĩa chỉ còn một hoặc vài cá thể sót lại, và chuyện cứu chúng khỏi bờ tuyệt chủng không hề đơn giản.Khắp địa cầu này, có bao nhiêu loài cây? Cho đến năm ngoái, đây vẫn là câu hỏi không lời đáp. Các nhà khoa học phải đợi kết quả của một cuộc rà soát được thực hiện từ năm 2016 đến năm 2021 với quy mô chưa từng thấy, và con số cuối cùng được công bố là 58.497 loài.Trong quá trình rà soát, các đơn vị thực hiện - gồm Hội Bảo tồn vườn bách thảo quốc tế (BGCI) và Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) - nhận thấy có đến 17.510 loài, tức 1/3 tổng số, đang bị đe dọa tuyệt chủng. Con số trên nhiều gấp đôi số lượng các loài động vật có vú, chim, lưỡng cư và bò sát bị đe dọa cộng lại. Cũng theo khảo sát này, 142 loài cây được cho là đã tuyệt chủng trong tự nhiên.Gian nan chuyện bảo tồnTheo Peter Bridgewater, một chuyên gia về quản trị đa dạng sinh học tại Đại học Canberra (Úc), tìm kiếm một ngôi nhà tự nhiên cho mọi loài cây là điều không thể vì biến đổi khí hậu đang làm thay đổi bản chất cơ bản của các hệ sinh thái.Cuộc rà soát của BGCI và IUCN cho thấy gần 2/3 số cây bị đe dọa được tìm thấy ở những khu vực đã được bảo vệ. Điều này cho thấy tầm quan trọng của việc củng cố và mở rộng những nơi trú ẩn này. Có thể đạt được mục tiêu này thông qua việc kiểm soát hoạt động chăn thả gia súc, cấm khai thác gỗ trên toàn quốc đối với một loài cây cụ thể và thiết lập các khu đất riêng biệt để trồng cây này lấy quả hoặc hoa mà không gây hại cho quần thể lớn hơn.Tuy nhiên, đôi khi chỉ còn lại quá ít cây thì việc bảo vệ một khu vực là không đủ mà phải tìm cách cứu lấy hoặc nhân giống những loài cây đang bị đe dọa, theo tạp chí Nature.Cây Karomia gigas. Ảnh: globaltrees.orgỞ Tanzania, loài cây cao chót vót Karomia gigas vốn được cho là đã tuyệt chủng vào những năm 1980. Song vào năm 2011, các nhà thực vật học từ Đại học Dar es Salaam đã phát hiện được sáu cây K. gigas, với những chiếc lá hình bầu dục lớn và quả có màu đặc biệt.Chuyên gia sinh học hạt giống Fandey Mashimba và các đồng nghiệp ở Cơ quan Dịch vụ lâm nghiệp Tanzania đã cố cứu lấy quần thể cây nhỏ nhoi này. Vì nấm phá hủy trái non của chúng, Mashimba cố gắng cạo sạch quả trước khi nấm lây nhiễm để khử khuẩn và nhân giống hạt để gieo trồng. Hàng trăm hạt được gieo, nhưng nhóm của Mashimba cuối cùng chỉ thu được ba cây có thể sinh trưởng.Năm 2018, cơ quan lâm nghiệp của Mashimba gửi 6.000 quả K. gigas đến Vườn Bách thảo Missouri (Mỹ). Trong số 24.000 hạt giống được gieo trồng tại đây, chỉ có 30 cây sinh sôi. Năm ngoái, một cây non nở ra một bông hoa nhỏ màu tím nhạt, nhưng nó nhanh chóng tàn đi trong vòng một ngày. Các nhà thực vật học dự định cố gắng thụ phấn chéo khi hai cây ra hoa đồng thời.Hoa của cây Karomia gigas. Ảnh: Vườn bách thảo MissouriTrường hợp của Mashimba được xem là may mắn vì ít nhất cây K. gigas vẫn tạo ra hạt giống. Một số cây không thể sinh sôi vì các tác nhân thụ phấn của chúng đã biến mất, và đôi khi chỉ còn một giống đực hoặc giống cái của cây tồn tại. Ví dụ, hầu hết các cá thể còn sót lại của loài dẻ tùng sọc trắng (Amentotaxus argotaenia) ở miền nam Trung Quốc là giống đực. Sau một cuộc tìm kiếm toàn cầu, cây cái duy nhất được phát hiện trong Vườn bách thảo Hoàng gia Edinburgh (Anh). Các nhà khoa học liền gửi cành giâm để trồng gần những cây đực còn sống. Khi chúng ra hoa, quá trình sinh sôi có thể bắt đầu. "Nhưng điều này có thể mất đến 30 năm" - Gunter Fischer, một nhà sinh thái học phục hồi tại Vườn Bách thảo Missouri, nói với Nature.Thất bại nối tiếpNhững nỗ lực bảo tồn các loài cây khác cũng lâm vào những tình huống trớ trêu không kém, chẳng hạn trường hợp "cây cọ cô đơn" Hyophorbe amaricaulis già nua, khẳng khiu và bị hư hại trong Vườn Bách thảo Curepipe ở Mauritius, một quốc đảo ở Đông Phi.Cây cọ này vẫn luôn chống lại nhiều phương pháp bảo tồn kể từ những năm 1980. Một trở ngại là cây ra hoa đực và hoa cái vào những thời điểm khác nhau, để tránh hiện tượng tự thụ phấn. Các nhà khoa học phải sử dụng thang và bàn chải để thu thập, lưu trữ và chuyển phấn hoa. Năm 2006, nhà thực vật học Viswambharan Sarasan đã mang về Vườn Bách thảo hoàng gia ở Kew (Anh) những quả cọ hình thành nhờ vào quá trình trên. Mỗi quả chỉ có một hạt duy nhất. Sarasan biết chắc rằng những hạt cọ đơn độc sẽ không phát triển nếu đem chúng đi trồng, vì vậy anh đã áp dụng biện pháp nuôi cấy phôi.Vì có quá ít hạt giống, anh không thể thử nghiệm với các môi trường nuôi cấy khác nhau mà chỉ lựa chọn một. Các cây con phát triển dài đến 25cm. Tuy nhiên, một ngày non, rễ trắng của chúng chuyển sang màu nâu rồi chúng bắt đầu chết. Sarasan nghĩ nguyên nhân là do một số chênh lệch nhỏ của môi trường nuôi cấy.Bốn năm sau, trong chuyến thăm Mauritius, nhà khoa học trồng trọt Carlos Magdalena xin phép thu thập một số trái cọ mới hái để mang về Kew. Do một sự hiểu lầm, hai trong số năm quả được cất trong tủ lạnh đã bị một người làm vườn vô ý ăn mất. Những hạt giống được mang về Kew thành công thì lại không thể nảy mầm. Sau đó, một loạt những thất bại dồn dập đến với Magdalena, khiến anh không khỏi cảm giác mình như chiếc cầu mỏng manh ngăn cách các loài cây với bờ vực tuyệt chủng.Người hiểu rõ nhất cảm giác cay đắng của Magdalena có lẽ không ai khác ngoài José Luis Marcelo Peña - một nhà phân loại học tại Đại học Quốc gia Jaén ở Peru. Năm 2018, khi đang đi bộ xuyên qua một khu rừng dốc, khô cằn ở thung lũng Marañón ở Peru, Peña phát hiện một loài cây có hoa màu xanh lục nhạt - Pradosia argentea, được cho là đã tuyệt chủng.Và rồi các đợt phong tỏa vì dịch COVID-19 diễn ra ngay khi anh cố gắng cứu loài cây này. Không có cơ sở vật chất của trường đại học, chỉ dựa vào sự giúp đỡ từ xa của BGCI, anh chiết được 400 hạt giống từ loại quả màu tím của cây này tại nhà. Hơn 60 hạt nảy mầm, nhưng chỉ 20 trong số đó sống sót. Năm sau đó, anh thử dùng hạt tươi thay vì hạt sấy khô, nhưng một loại nấm đã làm hư hết hạt. Kể lại chuyện này với Nature, anh không khỏi rơi nước mắt: "Đó là một trách nhiệm lớn".Với số 20 hạt nảy mầm thành công trong vườn ươm, Marcelo Peña tiếp tục lo lắng về bước tiếp theo - đưa chúng trở lại thiên nhiên hoang dã. Người dân địa phương không biết đến loài P. argentea này cho đến gần đây. Hiện họ hỗ trợ bảo vệ những cây còn lại. Tuy nhiên, họ cũng cần không gian để trồng trọt. Điều này có thể khiến những cây sống sót đó gặp rủi ro.Mong ước trở về nơi hoang dãDù tạm gọi là đã gieo trồng thành công cây K. gigas trong vườn bách thảo, phát triển nó trong thế giới hoang dã vẫn là một giấc mơ xa vời đối với các nhà thực vật học. Cơ quan lâm nghiệp của Tanzania và các đối tác đang phát triển các địa điểm nhân giống và vườn ươm cho loài cây này. Nhưng vẫn chưa ai có thể chắc chắn về tương lai của nó, chủ yếu là vì những cây mới có thể không chống chọi được với các loại nấm.Trở lại với "cây cọ cô đơn" ở Mauritius. Nhà thực vật học Stéphane Buord tại Viện Thực vật quốc gia Brest (Pháp) hy vọng rằng vấn đề quả chỉ ra một hạt có thể được khắc phục bằng cách khai thác số lượng lớn hạt Hyophorbe vaughanii, một họ hàng gần với nó. Buord và nhóm của mình đã dành nhiều năm nghiên cứu ra một quy trình kỹ thuật phức tạp giúp cấy phôi H. vaughanii thành những cây con có rễ tồn tại bên ngoài ống nghiệm. Hiện Buord đang chờ để thử cách này trên chính hạt của "cây cọ cô đơn". Nếu thành công, loài cọ này có thể được đưa trở lại công viên quốc gia hoặc về với tự nhiên.Tuy nhiên, một số nhà sinh thái học, trong đó có Bridgewater, cho rằng những nỗ lực bảo tồn sẽ chẳng thể đưa các loài cây bị đe dọa về nơi hoang dã, mà cùng lắm chỉ có thể là "vườn bách thảo, các khu bảo tồn lớn hơn" hoặc "được trồng ở nơi phù hợp để sinh tồn, chứ không phải nơi chúng hiện đang phát triển".Mặt khác, với những cây không còn có thể tồn tại trong tự nhiên, lựa chọn duy nhất khác là lưu trữ chúng thành bộ sưu tập sống hoặc cất giữ hạt trong ngân hàng hạt giống.■Một câu chuyện thành côngĐó là trường hợp của loài cây bách Widdringtonia whytei. Do hệ quả của việc chặt hạ trái phép, tính đến năm 2019, chỉ còn lại bảy cây trưởng thành trên núi Mulanje ở Malawi - ngôi nhà tự nhiên duy nhất của nó. Đến năm 2022, nhờ sự hợp tác với Viện Nghiên cứu lâm nghiệp Malawi và người dân địa phương, 500.000 cây giống Widdringtonia whytei được phủ khắp các sườn núi Mulanje. Nhiều người dân địa phương hiện cũng kiếm sống nhờ nhân giống loại cây này.Cây bách Widdringtonia whytei ở núi Mulanje (Malawi). Ảnh: Morgan Trimble/Alamy Tags: Thực vậtCây cô đơnNhà khoa họcBảo tồn thiên nhiênĐa dạng sinh họcHệ sinh tháiTuyệt chủngBảo tồnCây quý
Vì sao hàng ngàn người tập trung trước Nhà hát lớn Hà Nội khiến đường tắc từ sáng tới chiều? PHẠM TUẤN 24/11/2024 Từ sáng tới chiều 24-11, tại trước khu vực Nhà hát lớn Hà Nội hàng ngàn bạn trẻ tập trung gây ùn tắc giao thông nghiêm trọng, vì sao?
Sang nhượng suất đạp xích lô, chèo ghe ở Hội An giá 500-700 triệu đồng THÁI BÁ DŨNG 24/11/2024 Chủ tịch Nghiệp đoàn xích lô Hội An Phan Phước Tùng cho biết mỗi suất đạp xích lô ở Hội An có giá từ 500-700 triệu đồng nhưng đa phần bà con anh em họ hàng nhượng lại cho nhau để kiếm sống.
Cách đi xe buýt đến ga metro ở TP.HCM CHÂU TUẤN 24/11/2024 Bạn đọc Tuổi Trẻ tiếp tục đặt câu hỏi về các tuyến xe buýt đến metro, có loại xe nào khác để kết nối và đi metro có thể đi đâu tiếp.
Vợ chồng ca sĩ Bích Tuyền sẽ khởi kiện Đàm Vĩnh Hưng? HOÀI PHƯƠNG 24/11/2024 Trong nội dung livestream mới nhất của bầu sô Dũng Taylor vào trưa 24-11 (theo giờ Việt Nam) hé lộ thông tin vợ chồng ca sĩ Bích Tuyền sẽ khởi kiện ngược lại ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng.