Đợi khung pháp lí rõ ràng

NGUYỄN QUANG ĐỒNG 24/10/2016 19:10 GMT+7

TTCT- Giữa những ngày người dân miền Trung đang trải qua lũ dữ, làn sóng những lời kêu gọi quyên góp ủng hộ miền Trung thật sự đã làm ấm lòng chúng ta. Nhưng cứu trợ nhân đạo ở quy mô lớn cho người dân bị thiệt hại bởi thiên tai đang cần tới sự chuyên nghiệp trong điều phối, đặc biệt khi tính tới hậu lũ lụt.

Minh họa
Minh họa


Những hoạt động quyên góp đó khiến tôi nhớ lại thời điểm 10 năm trước, vào tháng 10-2009, khi cơn bão Ketsana tàn phá các tỉnh bắc Tây nguyên. Bão tan, tôi tham gia nhóm công tác của Tổ chức Oxfam vào đánh giá thiệt hại đời sống và sản xuất của người dân cũng như cứu trợ sau bão.

Những ngày ở đó, ngoài các tổ chức sẵn có của hệ thống nhà nước, chúng tôi gặp các đoàn phật tử len lỏi vào các buôn làng sâu nhất, phối hợp với chính quyền sở tại để hỗ trợ đồng bào.

10 năm sau, Facebook đã lan tỏa và kết nối nhanh chóng hơn các sẻ chia hướng về miền Trung. Chỉ trong vòng một ngày, MC Phan Anh đã vận động được gần 2 tỉ đồng cho mục đích cứu trợ. Và không chỉ riêng Phan Anh, hàng trăm, hàng ngàn nhóm khác, “online” và “off-line” đang chung tay vào cuộc.

Cứu trợ nhân đạo ở quy mô lớn cho người dân bị thiệt hại bởi thiên tai, sau 10 năm, không còn là việc riêng của các tổ chức phi chính phủ quốc tế, của nhà thờ hay nhà chùa.

Khó khăn “từ thiện nghiệp dư”

Nhưng xu thế lạc quan đó không khỏa lấp được những âu lo về các khó khăn mà các nhóm xã hội non trẻ và vẫn còn nghiệp dư phải đối mặt. Bởi làm cứu trợ không đơn giản là quyên tiền, mua các thứ hàng hóa và hăng hái tiến vào vùng thiên tai.

Nhu cầu thực tế của người dân có giống như hình dung của những người chưa một lần trải qua thảm họa? Rồi hàng chục các nhóm khác nhau vào, làm sao để điều phối các nỗ lực một cách hiệu quả nhất? Đi lại trong vùng bão lụt, địa bàn là vùng núi, giao thông khó khăn, an toàn của tình nguyện viên làm sao đảm bảo?

Hàng loạt vấn đề đều cần cân nhắc và có sự phối hợp giữa chính quyền, người dân địa phương và các nhóm bên ngoài.

Tình trạng dư thừa mì gói thực tế đã diễn ra ở nhiều nơi sau bão lũ. Bởi đa số những người làm cứu trợ không có kinh nghiệm đều nghĩ rằng mì gói và các thực phẩm tương tự là thứ bà con cần nhất. Thế là “cơn lũ mì gói” ồ ạt đổ về.

Trong khi trên thực tế, nhu cầu của người dân ở mỗi nơi, mỗi giai đoạn sau thiên tai là khác nhau. Trong vài ngày sau khi nước lũ rút, thực phẩm và đồ dùng sinh hoạt là cần thiết tức thì: gạo, củi, mắm muối, chăn màn, nước sạch và thuốc men.

Tiếp đó, những hỗ trợ lâu dài để khôi phục sản xuất và sinh kế thường ngày còn quý báu hơn nữa. Đáng tiếc, lúc các con sóng “thương về miền Trung” đã lắng xuống lại là lúc người dân cần hơn hết những hỗ trợ lâu dài, điều mà các nhóm làm việc “nghiệp dư” thiếu quan tâm, cũng như không có khả năng thực hiện.

Phân tích vậy để thấy ứng phó và cứu trợ với thảm họa là hoạt động phức tạp và cần có những tổ chức chuyên nghiệp. Trong khi trên thực tế, các nhóm tình nguyện ngắn hạn đang gia tăng nhanh, các tổ chức phi lợi nhuận làm cứu trợ thiên tai chuyên nghiệp ở Việt Nam lại hầu như vắng bóng.

Cách đây hơn 10 năm, ở thời điểm các tổ chức phi chính phủ quốc tế còn hoạt động rộng rãi ở Việt Nam, họ đã để lại những bài học kinh nghiệm quý giá. Các tổ chức này hợp thành một mạng lưới để điều phối và gia tăng hiệu quả hoạt động cứu trợ, có sự phối hợp tốt nhất với chính quyền sở tại.

Quy trình cứu trợ và nhóm các nhân viên được đào tạo thành thục, luôn luôn được đảm bảo sẵn sàng ở mọi thời điểm. Ngay khi thiên tai xảy ra, họ đã có sự phân công giữa các tổ chức để phân chia địa bàn hoạt động nhằm tránh chồng lấn các hoạt động của nhau.

Ngay sau thiên tai kết thúc, một nhóm đánh giá nhanh sẽ có mặt ở địa bàn, xác định sơ bộ thiệt hại và lên kế hoạch cứu trợ. Dựa trên đánh giá đó, hàng hóa cứu trợ sẽ được huy động và chuyển vào.

Sau khi kết thúc giai đoạn cứu trợ khẩn cấp (Emergency response), thông thường các tổ chức này tiếp tục thực hiện các dự án giúp người dân phục hồi sản xuất và sinh kế (Recovery response).

Tất cả các hoạt động này đều được thực hiện trong sự phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, có sự điều phối thống nhất để đảm bảo hiệu quả và tính bền vững về lâu dài của hoạt động. An toàn của những người làm cứu trợ cũng được coi trọng.

Hè năm ngoái, chúng ta từng chứng kiến sự việc đau lòng khi hai sinh viên tình nguyện Mùa hè xanh thiệt mạng vì bị nước lũ cuốn trôi. Điều kiện bình thường còn có rủi ro, hoạt động trong vùng thảm họa càng phức tạp hơn, càng cần yêu cầu giảm rủi ro và bảo đảm an toàn.

Sau tất cả, nhờ có những tổ chức chuyên nghiệp, đồng tiền quyên góp của những tấm lòng muốn chia sẻ có cơ hội sử dụng với hiệu quả cao nhất, minh bạch nhất, đến được những nơi cần nhất.

Cần một khuôn khổ pháp lý khích lệ

Câu chuyện về vai trò của các tổ chức phi lợi nhuận chuyên nghiệp không chỉ giới hạn trong trường hợp cứu trợ thiên tai. Các hoạt động hỗ trợ người dân như vậy trải rộng trong hầu hết các dịch vụ xã hội khác: từ bảo vệ và xử lý các sự cố môi trường; hỗ trợ các nhóm yếu thế và thiệt thòi trong xã hội (người khuyết tật, trẻ em đường phố, phụ nữ bị bạo hành)...

Nguồn lực từ xã hội, một các hoàn toàn tự nguyện, có thể chảy qua “kênh” các tổ chức phi lợi nhuận - những nhóm đồng hành cùng nhà nước để mang các dịch vụ xã hội tốt hơn đến những nhóm khó khăn, thiệt thòi nhất.

Nói cách khác, các tổ chức xã hội của người dân là một bệ đỡ, bên cạnh nhà nước, để giải quyết các vấn đề xã hội, giảm bớt hậu quả những cú sốc đối với các nhóm này.

Sau 30 năm đổi mới, nhu cầu về các tổ chức xã hội của dân tự nhiên và lành mạnh như vậy đã hình thành ở Việt Nam. Tăng trưởng kinh tế dù đưa đến một hệ quả khó tránh khỏi (sự phân tầng về xã hội và khoảng cách giàu nghèo giữa các nhóm dân cư và vùng miền đã giãn rộng), nhưng mặt khác, sự gia tăng của cải và tài sản đồng thời gia tăng cơ hội và nguồn lực cho đóng góp từ thiện.

Thiện nguyện, xét ở một góc độ nào đó, cũng là một kênh tự nhiên để “tái phân phối” của cải, điều hòa các khoảng cách và xung đột xã hội. Xu thế đó là tích cực và không nằm ngoài xu hướng vận động xã hội ở các quốc gia khác. Cái chúng ta còn thiếu là một khuôn khổ pháp luật rõ ràng và minh bạch để khuyến khích các xu thế này.

Khi Phan Anh có thể gây quỹ đến 2 tỉ đồng trong một ngày, tôi vừa mừng vừa thấy lo cho anh. Mừng bởi những người nổi tiếng đã sử dụng đúng lúc vị thế và ảnh hưởng của họ để cống hiến cho cộng đồng.

Nhưng đồng thời, tôi ý thức được những rủi ro mà những người như anh có thể đối mặt. Một mình Phan Anh không thể tự mình lên kế hoạch cứu trợ, mua sắm, rồi vận chuyển, phân phát lượng hàng hóa lớn vào vùng cứu trợ.

Anh cần sự trợ giúp của các cộng sự. Nhưng điều gì sẽ xảy ra khi bản thân anh hoặc cộng sự có thể sai sót: một khoản tiền nào đó không được ghi nhận, một món hàng nào đó được đưa đến không đúng địa chỉ...?

Hàng nghìn khoản tiền đưa vào tài khoản cá nhân của Phan Anh đã là một rủi ro hiện hữu mà nếu không được kiểm soát tốt, có thể ảnh hưởng đến uy tín cá nhân anh. Đó là chưa nói đến tính hiệu quả của công việc Phan Anh làm có thể giảm do thiếu kinh nghiệm và chuyên môn.

Vấn đề minh bạch tài chính và hiệu quả sử dụng các khoản tiền đóng góp ở chùa Bồ Đề cách nay chưa lâu là một ví dụ.

Nhìn rộng ra, Phan Anh, hay những tổ chức khác, cần đến những đối tác là các tổ chức chuyên nghiệp để giúp họ thực hiện những công việc như vậy.

Những người góp tiền cho các tổ chức, dù số tiền nhỏ đến đâu, có quyền được biết số tiền họ đóng góp đã được sử dụng như thế nào. Các tổ chức phi lợi nhuận chuyên nghiệp là một giải pháp để giảm thiểu rủi ro, tăng cường hiệu quả, và lâu dài, khuyến khích cách hoạt động thiện nguyện lành mạnh. Thiện nguyện chuyên nghiệp, đến lượt nó, san sẻ đáng kể các gánh nặng của nhà nước.

Tuy nhiên, việc quyên góp tiền bạc và sử dụng tiền bạc vì mục đích phi lợi nhuận hiện nay đang ở trong khoảng mờ về pháp luật.

Tiến trình đó, tóm tắt một cách đơn giản từ lúc một hay nhiều người bỏ ra một khoản tiền (tức chủ thể A) cho một “người cung cấp dịch vụ” (chủ thể B) nhưng người sử dụng dịch vụ cuối cùng là chủ thể C.

Làm thế nào để A biết là B cung cấp hàng hóa có chất lượng, đáp ứng nhu cầu của C, khi mà A không trực tiếp sử dụng và kiểm soát? Nói cách khác, hiệu quả, minh bạch và trách nhiệm giải trình của B (tổ chức phi lợi nhuận cung cấp dịch vụ) hiện ở trong khoảng mờ về luật pháp. Các vấn đề mà Luật dân sự không chế tài, và Luật về hội, theo cách tiếp cận và dự thảo hiện có, cũng không đề cập.

Vì thế, Luật về hội (dự kiến được thông qua vào kỳ họp thứ 2 sắp tới của Quốc hội) thay vì cách tiếp cận chung chung và gây chia rẽ các bên như hiện nay nên được cân nhắc để điều chỉnh. Quyền lập hội đã được Hiến pháp bảo vệ.

Các hội đoàn phi chính thức, tự nguyện và tự quản phần lớn vẫn đang vận hành trơn tru trên thực tế. Khoảng trống pháp luật cần lấp đầy hiện nay là các tổ chức phi lợi nhuận.

Thay vì ôm đồm, đòi hỏi một tấm áo vừa khít cho tất cả các loại hội đoàn (one size fits all), có thể chọn cách tiếp cận thực tế trước, tập trung một đối tượng điều chỉnh được xác định rõ là các tổ chức phi lợi nhuận. Luật khi đó sẽ bảo vệ quyền lợi của người góp tiền, ràng buộc trách nhiệm và nghĩa vụ của các tổ chức phi lợi nhuận và cơ quan nhà nước liên quan.

Vốn xã hội, gồm truyền thống tương thân tương ái, các mạng lưới xã hội bền chặt... là thứ tài sản đáng quý đã có từ lâu của dân tộc. Nhu cầu sẵn có đó được tiếp sức bởi khối lượng của cải vật chất xã hội tích lũy được qua 30 năm đổi mới. Nhưng hạt giống của hoạt động phi lợi nhuận còn đợi một khung pháp luật rõ ràng để nảy mầm. ■

Từ cuối thập niên 1980, báo Tuổi Trẻ bắt đầu đẩy mạnh các chương trình công tác xã hội, bao gồm việc trao học bổng, cứu trợ đồng bào vùng thiên tai... Cách làm của Tuổi Trẻ tạo được niềm tin cho bạn đọc khi huy động lực lượng phóng viên - nhân viên phối hợp với các tổ chức đoàn thể của địa phương như Đoàn TNCS, Mặt trận Tổ quốc để tìm đến tận nhà nạn nhân, trao tận tay những món quà, tiền của bạn đọc gửi gắm.

Bên cạnh đó, dựa vào kinh nghiệm của các phóng viên Tuổi Trẻ tại chỗ, việc trao quà cũng như vận động bạn đọc đóng góp một cách có định hướng. Ví dụ, với những đợt cứu trợ đồng bào bão lũ, những món quà khẩn cấp ban đầu thường là lương thực, nước uống, thuốc men...

Nhưng khi những khó khăn gay gắt ban đầu trôi qua thì tiền quà được chuyển sang những mục tiêu giúp người dân ổn định cuộc sống, như cung cấp giống, vật liệu xây dựng hay bàn ghế, sách vở giúp trẻ em sớm trở lại trường.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận