Đời lực sĩ

NGUYỄN VŨ 29/08/2009 21:08 GMT+7

TTCT - Các lực sĩ nhiều khi đùa “Đây là môn... cực hình chứ thể hình gì” khi nói về môn thể thao gian khổ mà mình đang theo đuổi...

Phóng to
Nguyễn Văn Lâm với niềm vui chiến thăng - Ảnh: N.K.

Họ phải bận bịu mưu sinh nhằm có thể kiếm thêm tiền ăn cho đủ chất để tập luyện chuẩn bị cho giải, do tiền lương hằng tháng chỉ đủ ăn trong khoảng mười ngày. Giai đoạn ăn kiêng kéo dài khoảng ba tháng trước giải, họ chỉ ăn các món được nấu nhạt thếch, không chất béo, muối hay đường nhằm giúp nổi rõ các nhóm cơ. Ngán nhưng nó cứ như cái vòng luẩn quẩn quanh họ vì đã “lỡ yêu”!

Mưu sinh

Đầu năm nay, nhiều VĐV các đội tuyển quốc gia hết sức vui mừng khi tiền ăn được cải thiện tăng gấp đôi lên 120.000 đồng/ngày. Nhưng với các lực sĩ thể hình, khoản tiền đó vẫn không bõ bèn gì với khẩu phần ăn đòi hỏi dinh dưỡng ghê gớm của họ mỗi khi chuẩn bị vào giải. Bởi cộng thêm tiền công tập luyện 70.000 đồng/ngày (nhưng trừ 4-5 ngày chủ nhật tùy tháng), các lực sĩ nhận tổng cộng khoảng 5 triệu đồng/tháng - số tiền chỉ đủ để ăn và uống thuốc bổ trong khoảng mười ngày mà thôi. Với các lực sĩ thi đấu ở hạng cân lớn (80kg trở lên) đòi hỏi tốn nhiều dinh dưỡng hơn thì số tiền đó thậm chí chỉ đủ cho một tuần.

Nhìn đồng nghiệp Thái Lan mà mơ!

Không như nhiều lực sĩ VN phải vừa tập vừa mưu sinh, các lực sĩ Thái Lan chỉ chú tâm vào tập luyện. Chế độ ăn uống thì khỏi phải bàn với khoảng 1.000 USD/tháng, bên cạnh tiền thuốc bổ khoảng 500 USD mà họ được nhận. Nghe các lực sĩ VN chỉ có tiêu chuẩn vào khoảng 5 triệu đồng/tháng và phải vừa tập vừa mưu sinh, lực sĩ Pala Meechai (85kg) ngạc nhiên hỏi lại: “Có thật không? Vậy các bạn làm sao đủ dinh dưỡng và có thể chú tâm hoàn toàn vào tập luyện để đạt thành tích tốt như thế?”.

Vậy các lực sĩ phải làm gì để kiếm tiền ăn cho khoảng 20 ngày còn lại? Nhiều người chọn việc đi dạy tại các CLB thể hình, dạy kèm riêng cho khách hàng có nhu cầu như Nguyễn Hải Âu (70kg), Nguyễn Anh Tài (85kg), Nguyễn Thị Mỹ Linh (52kg nữ)... Người có điều kiện hơn thì kinh doanh phòng tập như lực sĩ năm lần vô địch châu Á Phạm Văn Mách (55kg). Người mày mò, tìm tòi sản xuất đồ dùng tập luyện môn thể hình như bao tay, đai lưng, dây kéo, kem làm bóng da khi thi đấu... như tân vô địch châu Á Nguyễn Văn Lâm (65kg).

Nhưng không phải ai cũng may mắn có điều kiện mưu sinh phụ thêm tiền ăn hăng ngày. Nhiều lực sĩ chỉ biết ăn nhín lại khẩu phần chính (thịt bò, gà, cá, trứng) để chỉ bỏ tiền túi thêm không nhiều, và lao đầu vào tập luyện với hi vọng đạt thành tích - có tiền thưởng -phần nào bù lỗ khoản tiền đã bỏ ra. Chẳng hạn như nghĩ đến việc chỉ lấy lòng trắng trứng gà hấp lên ăn và bỏ lòng đỏ phí quá, nhiều lực sĩ chọn cách ra tiệm bán phở mua lòng trắng trứng gà được tiệm lọc ra về ăn với giá 5.000-10.000 đồng/kg.

Cuộc sống của những lực sĩ thuộc đội tuyển quốc gia còn chạy vạy là thế nói gì đến những lực sĩ chỉ mới tập tễnh vào nghề 1-2 năm. Lực sĩ kỳ cựu Nguyễn Văn Tài kể: “Có lực sĩ trẻ thậm chí phải vay mượn bạn bè hay bán luôn chiếc xe máy là phương tiện đi lại để có tiền ăn, tập luyện và theo đuổi niềm đam mê của mình”.

Tượng đài của thể hình VN Lý Đức khi còn thi đấu thường được ông chủ phòng tập ở đường Hàm Nghi (TP.HCM) vận động anh em tập ở đó ủng hộ tiền giúp anh. Nhờ thế mà Đức được chuẩn bị đầy đủ hơn trong nhiều lần “mang chuông đi đánh xứ người”. Hay ngôi sao thể hình hiện nay Phạm Văn Mách cũng trải qua những tháng ngày cực khổ trước khi có cuộc sống đầy đủ hơn nhờ tiền thưởng từ những thành tích ở các giải Đông Nam Á, châu Á hay thế giới. Khi mới từ An Giang đến TP.HCM năm 1997, Mách hằng ngày đạp xe cọc cạch từ nơi ở đến nơi tập luyện và làm người hướng dẫn tại CLB Bàu Cát (quận Tân Bình). Chàng lực sĩ trẻ 21 tuổi khi đó cũng từng chạy vạy tiền ăn khắp nơi để có sức tập luyện trước khi có tiền trả vào cuối tháng khi nhận lương hoặc có tiền thưởng từ huy chương.

Phóng to
Trong thời gian dự giải châu Á, mỗi bữa ăn của lực sĩ Nguyễn Văn Tài (phải) chỉ là một chút rau củ quả - Ảnh: N.K.

Thể hình hay cực hình?

Đổ mồ hôi đánh vật với các quả tạ ba giờ/buổi/ngày ­và nâng lên sáu giờ/hai buổi/ngày trước khi bước vào giải là điều quá bình thường với các lực sĩ. Nhưng cuộc hành xác chỉ thật sự bắt đầu trong khoảng thời gian 2-3 tháng trước một giải đấu khi họ phải ăn kiêng, tập nặng và phơi mình dưới cái nắng gay gắt vào giữa trưa cho sạm da hay xông hơi liên tục trước ngày thi đấu cho xuống ký. Cũng do cái nghèo, mỗi ngày các lực sĩ VN thường tự leo lên sân thượng nơi mình đang ở hay bên ngoài nơi tập luyện nằm phơi nắng lúc 12g-14g trong vòng nửa tháng trời trước khi thi đấu nhằm làm sạm da. Do da ít đen sẽ tốn kem làm bóng da nhiều hơn (thi đấu bôi hai lọ/người), trong khi mỗi lọ kem của Mỹ có giá 40 USD chỉ bôi được hai lần là hết, nên dù nắng có rát người nhưng nhiều lực sĩ vẫn cắn răng nằm phơi trong sự xót xa của người thân.

Cực hình hơn cả với các lực sĩ là khi hai giải đấu diễn ra sát nhau. Cụ thể như khi vừa thi đấu xong giải châu Á 2009 hồi giữa tháng 8 tại Pattaya (Thái Lan) trở về, các lực sĩ chỉ ăn uống tạm gọi là thoải mái với gia đình vài bữa là lại phải ăn kiêng nhằm chuẩn bị cho giải VĐTG 2009 vào tháng 11 tới tại Dubai (UAE). Phát ngán đến tận cổ mỗi khi ngồi bên bàn ăn sau giờ tập luyện mệt nhoài nhưng do cơn đói cũng như khi nghĩ đến thành tích đã giúp họ có thể ăn trọn bữa. Ăn kiêng khiến các bắp thịt không còn mỡ nên sức chịu đựng của các lực sĩ cũng kém đi lúc xông hơi khi cần giảm ký cấp tốc trước ngày cân. Lực sĩ Nguyễn Văn Lâm kể: “Nhiều khi anh em chúng tôi vào xông hơi một mình phải nhờ người canh chừng do có trường hợp mệt xỉu luôn trong đó mà không thể ra nổi”.

Phóng to
Đằng sau nụ cười chiến thắng của tân vô địch châu Á Nguyễn Văn Lâm là cuộc sống đầy vất vả, khi mỗi sáng trên đường đi tập anh tranh thủ giao hàng cho vợ - Ảnh: N.K.
Chuyện của tân vô địch châu Á Nguyễn Văn Lâm

Trong số các lực sĩ thể hình TP.HCM khoác áo đội tuyển VN, không ai có số lần chuyển nhà nhiều như Nguyễn Văn Lâm. Kể từ khi rời Đồng Nai đến TP.HCM vào năm 1998 làm nghề cơ khí rồi chơi thể hình vào năm 2000, Lâm chuyển nhà không biết bao nhiêu lần do không kham nổi tiền nhà cứ tăng dần cũng như cuộc sống bấp bênh không ổn định. Gần nhất là năm ngoái, Lâm phải chuyển nhà đến ba lần trước khi có một chỗ ở tạm ổn khoảng 40m2 hiện nay ở quận 12. Chuyển nhà nhiều như vậy nên dù đã ở TP.HCM 11 năm anh vẫn chưa có được hộ khẩu KT3, khiến nỗi lo càng thêm đầy với chuyện làm sao kiếm ra trường học cho đứa con trai chuẩn bị vào lớp 1 năm nay!

Lâm đoạt HCV toàn quốc năm 2003 rồi khoác áo đội tuyển quốc gia hai năm sau đó. Thành tích quốc tế của anh cũng đáng nể với chiếc HCĐ thế giới năm 2007, HCV Đại hội thể thao bãi biển châu Á 2008 và mới đây là HCV châu Á 2009 đầu tiên trong sự nghiệp. Nhưng cuộc mưu sinh của anh thì lại trầm nhiều hơn thăng. Cưới vợ cuối năm 2003, giữa năm sau Lâm sang lại phòng tập thể hình của người bạn để kinh doanh kiếm tiền lo cho cuộc sống. Gia tài chỉ có chiếc xe máy, anh đưa cho vợ đi lại lo công việc, còn mình đạp xe hằng ngày từ quận 12 sang Cung văn hóa Lao động (buổi sáng) mất hơn một giờ để tập luyện.

Nhưng phòng tập cũng chỉ duy trì đến năm ngoái khi Lâm không có thời gian trông coi. Anh chuyển sang mở quán cà phê nhỏ có bán thêm điểm tâm sáng gần nhà hồi đầu năm nhưng thất bại vì không có khách, có ngày chỉ bán được 2.000 đồng thuốc lá. Điều đó khiến Lâm cứ dằn vặt và nghĩ đến lời chia tay với thể hình vì cuộc sống gia đình còn lo chưa được thì kiếm đâu ra tiền để tính chuyện ăn đủ dinh dưỡng cho môn thể thao khắc nghiệt này.

Nhưng lo quá rồi nghĩ quẩn vậy, chứ Lâm cũng không đủ can đảm chia tay thể hình. Bởi một điều đơn giản: đã lỡ yêu rồi...

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận