Đơn giản là vì kiếm tiền được!

LÊ NGUYÊN MINH THỰC HIỆN 14/05/2016 16:05 GMT+7

TTCT- Các vụ mua bán - sáp nhập gần đây đang làm náo động thị trường bán lẻ và được tiếp nhận dưới nhiều góc nhìn, phản ứng khác nhau. Cùng với nỗi sợ bị thâu tóm là tâm lý lo ngại hàng Việt bị đẩy ra khỏi quầy kệ trong siêu thị.

Người tiêu dùng sẽ quyết định chọn sản phẩm nào tùy thuộc vào chất lượng, độ an toàn và giá cả hợp lý  -Thuận Thắng
Người tiêu dùng sẽ quyết định chọn sản phẩm nào tùy thuộc vào chất lượng, độ an toàn và giá cả hợp lý -Thuận Thắng


Trao đổi với TTCT, TS Trần Vinh Dự, phó tổng giám đốc Ernst & Young Vietnam phụ trách tư vấn tài chính, cho rằng không nên nhìn vấn đề dưới góc độ “thuyết âm mưu” mà hãy xem đó là một tín hiệu tốt của thị trường.

Mua bán, sáp nhập (M&A) là con đường nhanh nhất để một doanh nghiệp tiến vào một thị trường. Ở các lĩnh vực khác, M&A vẫn diễn ra bình thường. Theo ông, vì sao gần đây trong lĩnh vực bán lẻ M&A lại sôi động?

- Thật ra M&A trong thời gian 3-4 năm trở lại đây diễn ra sôi động ở hầu hết lĩnh vực liên quan đến hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng. Bán lẻ là một mảng của bức tranh này nhưng không phải duy nhất. Bên cạnh bán lẻ còn có giáo dục, y tế, dược phẩm, hàng tiêu dùng nhanh, đồ ăn và nước uống, hệ thống nhà hàng, khách sạn... Nói chung là tất cả các loại hàng hóa và dịch vụ liên quan đến cuộc sống thường ngày của chúng ta.

Ở Việt Nam, nhiều người hay nhìn vấn đề theo kiểu “thuyết âm mưu”. Khi nói đến M&A, chúng ta hay thích vẽ ra bức tranh, ở khía cạnh kinh tế, nước này tìm cách thôn tính nước kia. Rồi vấn đề thương hiệu quốc gia, lòng tự trọng dân tộc… Những câu chuyện kiểu thuyết âm mưu như vậy kể ra thì hấp dẫn, nhưng nó phản ánh sai lệch nghiêm trọng bản chất của sự việc.

Tại sao M&A trong lĩnh vực hàng tiêu dùng ở Việt Nam thời gian gần đây lại sôi động như vậy, thật ra rất dễ hiểu. Nó là vấn đề thị trường. Dòng tiền luôn đổ vào chỗ nào mà người ta nghĩ khả năng làm ra tiền là cao nhất.

Mấy năm gần đây, kinh tế Trung Quốc có vẻ chững lại và trong nhiều ngành đang bị dư thừa công suất. Thế nên dòng tiền trước đây vốn đổ nhiều vào Trung Quốc giờ rẽ nhiều sang ASEAN. ASEAN cũng không có nhiều cơ hội lắm.

Singapore chỉ là cái hub về tài chính. Thái Lan, Malaysia, Indonesia vẫn khá tốt nhưng cũng không ở giai đoạn phát triển nhanh nữa. Philippines không thuận lợi vì nhiều yếu tố, cả về tự nhiên, văn hóa và môi trường chính trị. Lào, Campuchia, Myanmar là những thị trường mới, chỉ thích hợp với những doanh nghiệp FDI thích khai phá chứ không có nhiều công ty địa phương để thực hiện các thương vụ M&A. Vậy nên nhà đầu tư tập trung nhiều vào Việt Nam.

Ở Việt Nam cái gì tăng trưởng nhanh nhất? Cái gì đầu tư ít mà lại dễ phất lên nhất? Đó là các ngành liên quan đến tiêu dùng.

Các nhà đầu tư quốc tế đến đây chỉ đơn giản là để kiếm tiền. Nếu không thấy còn cơ hội kiếm tiền nữa thì họ sẽ đi chỗ khác. Điều đó không có gì xấu và cũng không có gì tốt. Bản chất của sự việc nó là như vậy, trần trụi như chính nó.

Mình cần họ để phát triển, còn họ thấy có cửa để kiếm tiền thì họ đến. Mọi thứ khác đều chỉ là rhetoric, tức là những lời hay ý đẹp nhưng trống rỗng và không thật lòng.

TS Trần Vinh Dự
TS Trần Vinh Dự

 

Vì sao các công ty châu Âu (Metro, Casino) lại nhường chỗ cho châu Á (Thái Lan) trong lĩnh vực bán lẻ tại Việt Nam? Phải chăng là do khác biệt văn hóa kinh doanh?

- Không đúng. Cách đặt câu hỏi của bạn lại mang tính khái quát hóa vấn đề thành những cái to tát rồi. Không thể kết luận là châu lục này đi, châu lục kia thế chỗ chỉ bằng vài trường hợp.

Thật ra thị trường bán lẻ của Việt Nam còn rất manh mún dù đang trong giai đoạn phát triển nhanh. Phần lớn các tập đoàn bán lẻ tầm cỡ thế giới đều chưa muốn vào Việt Nam ngay. Với Metro hay Casino, thật ra mười mấy năm đầu tư phát triển ở Việt Nam như vậy là rất chậm xét về doanh thu và độ phủ thị trường.

Big C sau 18 năm mới đạt được doanh số 586 triệu euro/năm trên toàn bộ lãnh thổ Việt Nam, như vậy là kém chứ thật ra không có gì ấn tượng cả. Và Big C hay Metro là những công ty bán lẻ lớn nhất ở Việt Nam rồi. Đối với những tập đoàn bán lẻ khổng lồ, thị trường Việt Nam còn rất nhỏ để họ tham gia.

Chưa phải là sân chơi của các ông lớn toàn cầu, nhưng Việt Nam vẫn là chỗ tốt cho các ông lớn trong khu vực đầu tư. Thế nên chúng ta mới thấy người Thái đang ở đây, người Singapore đang ở đây, người Hàn Quốc đang ở đây và dĩ nhiên cả người Nhật Bản cũng đang tìm cách mở rộng. Đây là một cuộc đua thật sự của các ông lớn khu vực.

Và những “người đến sau” nhưng muốn lấy thị trường nhanh đang phải trả giá cao đến mức gần như hoang tưởng. Ví dụ Casino khi bán Big C lên tới những 34,4 lần EBIT (lợi nhuận trước thuế và lãi suất) là cực kỳ cao theo bất cứ tiêu chuẩn nào.

Cuộc đua này có lẽ sẽ không kết thúc sớm. Sự hào hứng vẫn còn. Nhào theo cuộc đua này là rất nhiều “tay chơi” của Việt Nam. Mục đích của phần lớn các “tay chơi” địa phương này là đẩy doanh thu lên càng cao càng tốt, càng nhanh càng tốt. Và một ngày nào đó bán lại cho các đại gia khu vực hoặc đại gia toàn cầu để kiếm lợi nhanh. Dĩ nhiên để làm được điều đó là rất khó vì ngành này đầu tư rất lớn và khả năng thua lỗ đặc biệt cao.

Có nhiều quan điểm lo ngại “người Thái” sẽ chiếm chỗ trên các quầy kệ trong siêu thị. Sao lại phải lo sợ? Trong bối cảnh hội nhập sâu kinh tế thế giới như hiện nay, tâm thế lo sợ đó liệu có phù hợp?

- Tôi có thấy truyền thông nói về vấn đề này và thật sự tôi thấy đó là lo ngại không đúng. Đừng nói là người Thái làm bán lẻ, mà người Việt làm bán lẻ cũng sẽ chất đầy hàng Thái trong siêu thị nếu họ bán các hàng này tốt hơn và có lãi hơn hàng Việt Nam sản xuất.

Trong lãnh địa của kinh doanh, đó là chuyện thật phải chấp nhận. Nó không riêng gì ở Việt Nam mà ở đâu cũng vậy. Người Mỹ chẳng thích Trung Quốc lắm, nhưng đi đâu ở đất Mỹ cũng thấy hàng Trung Quốc. Thương lái Việt Nam vẫn ngày ngày chăm chỉ nhập hàng Trung Quốc, kể cả hàng nhái, hàng giả, hàng độc hại về bán. Là vì sao? Vì họ vẫn bán được hàng.

Còn các nhà sản xuất Việt Nam thì sao? Theo tôi, nếu mình làm chưa tốt thì không nên kêu gọi người dân của chính mình dùng, vì như thế là làm hại họ.

Thay vì lo sợ, nên làm gì lúc này?

- Chúng ta phải học hỏi và lớn lên thôi. Làm cái gì mà người mua, dù là người Việt hay nước nào, họ bỏ tiền ra (thứ mà họ đổ mồ hôi sôi nước mắt mới có) họ cảm thấy xứng đáng. Nếu chưa làm được thì tìm cách mà làm, đi học, đi làm thuê, nghiên cứu, tìm tòi, thử nghiệm rồi sẽ ra. Đứng đó mà run sợ chỉ có chết.

Ông đánh giá thế nào về việc Cục Quản lý cạnh tranh ra văn bản yêu cầu doanh nghiệp giải trình sau việc thâu tóm Metro Cash&Carry theo Luật cạnh tranh VN?

- Cục Quản lý cạnh tranh làm đúng chức năng thôi, mặc dù tôi nghĩ họ sẽ khó làm được gì. Đây là cơ quan có chức năng thì lớn nhưng quyền lực thì không có, ngân sách không đáng kể và nguồn lực con người cũng quá yếu. Quản lý cạnh tranh là đảm bảo việc cạnh tranh giữa các doanh nghiệp diễn ra bình đẳng, đúng luật.

Để làm được việc đó phải là cơ quan thường xuyên điều tra, theo dõi và phát hiện dấu hiệu sai phạm phải khởi tố vụ án, đưa ra tòa xét xử. Nó phải giống như cơ quan điều tra của bên Bộ Công an. Nó không có chức năng quyết định đúng sai, nhưng phải được quyền đưa bên vi phạm ra tòa với các khung hình phạt rất nặng, cả về tài chính lẫn hình sự.

Nhưng cách mà cơ quan này đang được giao làm vừa sai nguyên tắc lại vừa không có tác dụng mạnh. Sai ở chỗ họ thường là cơ quan đưa ra quyết định xử phạt (tức là quyết định đúng hay sai thay tòa án), nhưng xử phạt lại chỉ là xử phạt hành chính và lại nhỏ tới mức hoàn toàn không có tác dụng gì.

Đối với vụ yêu cầu Metro giải trình, cần phải hiểu là chức năng quản lý cạnh tranh bao gồm việc điều tra các vụ M&A xem có ảnh hưởng bất lợi đến người tiêu dùng hay không. Vì những cơ quan quản lý cạnh tranh là cơ quan của nhà nước, nó có chức năng bảo vệ người tiêu dùng.

Một vụ M&A có thể có lợi mà cũng có thể có hại cho xã hội. Có lợi ở chỗ thỉnh thoảng các vụ sáp nhập này giúp tiết kiệm chi phí vì có thể quản lý nguồn lực kinh doanh tối ưu hơn. Nhưng có hại ở chỗ các công ty có thị phần lớn sáp nhập với nhau sẽ tạo ra các công ty có thị phần quá lớn.

Khi có thị phần quá lớn, họ có thể điều khiển được cuộc chơi cạnh tranh, có thể tăng giá bán trên thị trường.

Thế nên các cơ quan cạnh tranh thường phải vào cuộc mỗi khi có những vụ M&A như vậy. Nếu các cơ quan này muốn can thiệp, họ phải điều tra, phải đưa các công ty kia ra tòa và chứng minh được việc sáp nhập sẽ gây hại cho xã hội trước tòa. Việc chứng minh này không dễ dàng và nhiều khi các cơ quan quản lý cạnh tranh bị thua cuộc. Đó là cách làm của các nước phát triển. Còn ở Việt Nam chưa có vụ nào như vậy.

Cảm ơn ông.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận