Đón năm mới với chó, mèo và... tổng thống

DUY VĂN (TRÍCH DỊCH) 27/12/2016 19:12 GMT+7

TTCT - Đã 16 năm qua, ông Maksimych - Mikhail Maksimovich Baburin - cư dân duy nhất của ngôi làng hẻo lánh Mikhailovka, nằm cách trung tâm Krasnoyarsk (Siberia) 300km, đón năm mới như thế. TTCT giới thiệu bài viết của tờ Sự Thật Komsomol kể về chuyến thăm “Robinson vùng Siberia” khi những tờ lịch cuối của năm 2016 đang rơi xuống.

"Robinson" sống cuộc đời bình dị

Để đến được với “Robinson vùng Siberia” vào những ngày ngập tuyết này, các nhà báo phải nhờ đến chính quyền địa phương: họ cho dọn tuyết suốt 10km đường để ôtô có thể vào được làng Mikhailovka.

Cư dân duy nhất của làng Mikhailovka trong rừng taiga, Maksimych -Ilya Naimushin
Cư dân duy nhất của làng Mikhailovka trong rừng taiga, Maksimych -Ilya Naimushin

Gà và cừu nhà, dê và gấu Taiga

Và rồi trước mắt chúng tôi hiện ra như trong cổ tích: những căn nhà gỗ cũ nát chìm trong tuyết. Một sự thinh lặng đến độ ong ong trong tai. Khó thể tin là nơi đây từng có một nông trang - triệu phú, nơi người ta từng sống, lao động, sinh con đẻ cái. Giờ thay vào đó là sự tĩnh lặng. Chỉ có một cột khói bốc lên từ ống khói và tiếng chó sủa đơn độc.

Căn nhà của ông Maksimych nằm tận rìa làng trong một khu rừng taiga. Trong nhà chỉ có ông với con mèo Markiz và con chó phương Bắc. Theo lời “Robinson”, ngôi làng Mikhailovka đã hơn 100 tuổi, trước đây có khoảng 90 hộ gia đình. Khi ông còn nhỏ, mẹ ông làm việc ngoài đồng, bố ông chăn gia súc.

“Sau đó người ta lên kế hoạch hợp nhất các nông trang. Người ta thu hết những gì chúng tôi tích cóp được. Những người trẻ tản đi. Chỉ còn lại người già” - “Robinson Siberia” kể.

Sau khi phục vụ quân đội, Maksimych lập gia đình và sống ở thành phố Krasnoyarsk với vợ và hai con trai, làm việc suốt 1/4 thế kỷ ở một nhà máy. Nhưng rồi ông và vợ ly dị. Với đúng một túi xách, ông trở về làng. 

“Mẹ tôi khi đó đã già, tôi về sống trông chừng bà, và khi bà qua đời, chôn cất bà xong, tôi còn lại một mình. Con trai út tôi, Denis, thỉnh thoảng có tới thăm, anh trai tôi ở ngôi làng kế bên. Nhưng thường tôi chỉ có một mình.

Ông Maksimych chăm sóc đàn cừu của mình -Ilya Naimushin
Ông Maksimych chăm sóc đàn cừu của mình -Ilya Naimushin

Trước đây như thế nào à? Tôi làm việc 25 năm trong nhà máy, giống như ngồi tù 25 năm: cũng những con chó đó, dây thép gai đó, “vùng chết” sau hàng rào. Vào nhà ăn cũng phải trình giấy phép, đi vệ sinh cũng cần giấy phép. Họ chỉ cho về nhà để ăn uống. Còn ở đây tôi là chủ. Tất cả mọi thứ là của tôi!

Có buồn không à? Còn phải nói… Nhưng khi buồn chán thì tôi tìm việc mà làm: gà, cừu. Chỉ ai không làm gì hết mới buồn thôi. Tôi nuôi gà, cừu ở đó để làm gì? Để vận động, vận động. Vậy thôi”.

Sống một mình giữa thiên nhiên, đôi khi Maksimych cũng được những vị khách không mời tới thăm. “Năm ngoái đàn gà của tôi bị lũ chồn giẫm chết, những con chồn màu hung đỏ. Tôi bắt được ba con, bằng bẫy. Linh miêu cũng mò tới đây. Với bọn này phải cẩn thận, chân nó to bằng chân tôi đây này. Đây, tôi được tặng chiếc mũ từ lông linh miêu đấy. Còn thì năm nào bọn gấu cũng xuất hiện. Tôi nghe thấy bằng cách nào đó, khi lũ cừu nhốn nháo. Đó là hồi tháng năm, tôi nhảy ra chỉ trong chiếc quần cộc. Mà nó khỏe làm sao - bò bốn chân, cao tới ngực tôi - đang tha đi một con cừu. Tôi hét lên: “Ê, để con cừu lại, con cừu là của tao”. Nó chạy nhanh hơn. Tôi lại rống lên. Thế là nó ném con cừu và phóng lên mái nhà. Chạy mất. Hai năm trước một con gấu cũng đến, đi khắp hết làng. Thậm chí nó còn ghé vào nhà tôi thăm lợn, hỏi đường (cười). Dịp ấy là mùa thu, nó không đói.

Còn có một lần, một con dê cái lạc vào tận đây. Ngay dưới cửa sổ. Nhưng tôi không phải thợ săn, tôi thậm chí không nhúc nhích. Tôi không có súng săn. Mà có thì sao? Tôi phải giết nó à? Nó đẹp làm sao. Không, tôi tiếc cho thiên nhiên.

Dê, gấu, linh miêu, việc đồng áng - đúng là tốt rồi. Nhưng đón năm mới không có ai, chỉ một mình thì sao?


"Robinson" sống thoải mái, 66 năm chưa từng đến thăm bác sĩ

Tôi tắm trong nhà tắm hơi xong, đi nằm, mệt mỏi và ngủ thiếp đi. Sáng sớm thức dậy đã là năm mới. Thế thôi. Tôi đợi gì ở năm mới à? Tăng giá. Không phải sao? Đúng thế. Còn nói về việc tốt, tôi muốn sao cho lũ cừu cái đẻ, và tất cả đều sống sót”.

Maksimych cũng không bày bàn tiệc tống tiễn năm cũ, không xem chương trình ca nhạc đón năm mới. Ông bảo cũng chỉ có bấy nhiêu đó thôi, chán ngấy. Nhưng nghe phát biểu của tổng thống lại là chuyện khác. 

“Tôi luôn đón xem. Và tôi cũng theo dõi tình hình thế giới. Tôi biết chuyện đối ngoại lẫn đối nội. Đấy, ở Mỹ đã bầu tổng thống, tôi ủng hộ Trump. Bà Clinton có xu hướng chống Nga, tôi nghĩ thế. Và tôi cho rằng nếu bà ấy đắc cử, chúng ta sẽ không thương lượng được. Với Trump đỡ hơn: đàn ông, lại giống Zhirinovsky.

Còn chuyện đối nội thì tôi chẳng thích. Cứ mở tivi lên là nghe ai đó biển thủ gì đó. Cứ có công trình là có trộm cắp. Người ta cần bao nhiêu thì đủ? Những chiếc Bentley ấy, những cậu ấm vàng ấy… Vô tình tôi nhớ lại thời Stalin. Có cần hay không bàn tay sắt? Tôi cũng nghe Fidel đã được an táng. Ông ta đã chiến thắng người Mỹ không để họ can thiệp vào Cuba. Dù họ sống nghèo khó, nhưng họ uốn theo chính sách của mình. Ông ấy rất cừ!

Hãy giữ gìn đất đai của mình

Mỗi tháng được một lần “Robinson Siberia” nói tiếng người với ai đó, khi người đưa thư Nina Koldorkina cưỡi ngựa tới. Nếu đường ngập tuyết, bà đi bằng ván trượt. Bà làm việc tại trạm bưu điện của làng lân cận Georgiyevka cách đó hàng chục cây số. Mỗi tháng, Nina Koldorkina mang tới cho ông lương hưu (13.000 rúp, khoảng 5 triệu đồng VN), bánh mì, sữa, báo chí... Biết ông sống chỉ một mình nên trạm thường điện thoại trước để biết ông cần gì. “Robinson” ít khi được nhận thư, nhưng thỉnh thoảng vẫn có ai đó viết thư cho ông, và có khi là cả bưu kiện. Khi đó thì không chỉ “Robinson” mà cả trạm bưu điện cùng vui.

Cơ ngơi của Maksimych mùa đông. Ảnh: Ilya Naimushin
Cơ ngơi của Maksimych mùa đông. Ảnh: Ilya Naimushin

Maksimych cho biết có vẻ như cơ thể ông đã thích nghi tốt với điều kiện sống này, ông không ốm đau gì và 66 năm qua chưa lần nào phải tìm đến bác sĩ. 

“Mọi người đều ngạc nhiên: Tại sao tôi lại đến đây? Tôi từng phục vụ trong hải quân, từng có mặt ở bên kia địa cầu. Tôi từng thấy Southern Cross ở Cape Town, từng làm nhân viên đường thủy đi dọc sông Yenisei… Nhưng đây là quê nhà của tôi. Kia là cây thông tôi trồng, đây là nơi tôi từng chơi đùa, chạy nhảy hồi nhỏ. Lúc đó chẳng có giày dép gì, toàn đi chân trần. Có một cái ao, chúng tôi từng tắm ở đó. Quả dại thì hái hàng xô. Nay thì rừng bị người ta, hàng chục đội, đốn hết. Tiếc lắm, mà cần từ 80 đến 100 năm để rừng lớn được như thế. Nếu không có tôi ở đây thì người ta đã trộm cắp hết chẳng còn gì. Chỉ cần thấy ai đốn chặt gì là tôi lao ra: Ông làm gì đấy? Ở đây có người, có chủ nhé!

Tôi chúc gì năm mới à? Chúc mừng năm mới sắp đến, mọi người! Hãy bảo vệ đất đai của mình, ngôi nhà của mình, hãy làm chủ nó. Chỉ khi đó, chúng ta mới có thể sống sót!”.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận