Đông Nam Á: Khu vực “ưu tiên ví di động”

TRÚC ANH 13/06/2022 17:05 GMT+7

TTCT - Sau khi buộc phải làm quen với thanh toán không tiền mặt trong những năm COVID-19, nhiều người tiêu dùng ở Đông Nam Á không còn muốn quay lại như trước nữa.

 
 Mã QR của nhiều ví di động khác nhau tại một quầy thanh toán ở Malaysia. -Ảnh: The Star

Báo cáo mới nhất của Visa khẳng định đại dịch COVID-19 đã làm tăng tốc quá trình chuyển dịch sang xã hội không tiền mặt ở Đông Nam Á, trong khi Hãng tư vấn McKinsey nhận định ví di động đã trở thành bí kíp cải thiện cuộc sống (life hack) mới của khu vực, nơi nhiều người tiêu dùng đang có xu hướng “ưu tiên ví di động” (wallet first).

Theo báo cáo “Thái độ thanh toán của người tiêu dùng” (1-6) của Visa, 93% người tiêu dùng khu vực đang sử dụng ít nhất một trong các hình thức thanh toán không tiền mặt gồm thẻ thanh toán, thanh toán không tiếp xúc bằng thẻ và thiết bị di động, thanh toán bằng ví di động và mã QR. Mức độ đón nhận các phương thức thanh toán kỹ thuật số của người tiêu dùng Việt Nam nằm trong nhóm cao nhất khu vực (95%), bằng Indonesia và chỉ sau Malaysia (96%), Singapore (97%). Cụ thể, gần 76% người tiêu dùng Việt Nam hiện tại sử dụng ví điện tử (82% dùng thẻ) và 32% cho biết họ sẽ ngưng sử dụng tiền mặt sau đại dịch.

Báo cáo được Visa thực hiện dựa trên khảo sát 6.520 người tiêu dùng từ 18 - 65 tuổi ở các nước Singapore, Malaysia, Thái Lan, Indonesia, Philippines, Campuchia và Việt Nam trong giai đoạn tháng 8 đến 9-2021. Tại thời điểm đó, cứ 5 người thì có gần 4 người có ý định sử dụng các phương thức thanh toán không tiền mặt thường xuyên hơn; xu hướng này đặc biệt cao ở Thái Lan (89%) và Việt Nam (83%). “Nguyên nhân có thể là do 75% người tiêu dùng Đông Nam Á xem thanh toán không tiền mặt là cách thanh toán an toàn hơn... Vì thế, gần 72% người tiêu dùng ủng hộ các kế hoạch của chính phủ để đưa đất nước họ tiến tới xã hội không tiền mặt” - báo cáo viết.

Với các phương thức thanh toán đa dạng, nhiều điểm chấp nhận thanh toán điện tử và tâm lý khách hàng chuộng thanh toán không tiền mặt (68% thích mua sắm ở các điểm có thanh toán không tiền mặt), nền kinh tế số Đông Nam Á được dự đoán sẽ đạt trị giá 1 ngàn tỉ USD đến năm 2030, theo Serene Gay - giám đốc khu vực của Visa.

Cuối tháng 5, McKinsey xuất bản bài viết “Ví di động: Bí quyết cải thiện cuộc sống mới của Đông Nam Á”, chỉ rõ vai trò ngày càng lớn của ví điện tử với người tiêu dùng trong khu vực bởi nó cho phép hàng triệu người tham gia các dịch vụ tài chính mà trước đây họ không thể tiếp cận. “Khi chi tiêu trực tuyến tăng trong đại dịch COVID-19, các ví di động đã chứng kiến số người dùng đăng ký mới tăng vọt. Việc đón nhận công nghệ thuận tiện này đã vượt xa thẻ tín dụng tại các thị trường mới nổi ở khu vực, hồi sinh hệ sinh thái thanh toán” - hãng tư vấn của Mỹ viết.

Martha Sazon, giám đốc điều hành Mynt, công ty vận hành ví điện tử GCash của Philippines, bày tỏ hào hứng khi người tiêu dùng đón nhận các tiến bộ mới trong thanh toán. “Những người bán hàng Philippines dùng chúng để nhận tiền của khách, chi trả các hóa đơn, tiếp cận các khoản vay, nhất là trong đại dịch” - bà nói với McKinsey.

Tất nhiên sau những hào hứng là những thực tế: mặc dù ngày càng được nhiều người tiêu dùng đón nhận, chưa có ví di động hay nền tảng thanh toán điện tử Đông Nam Á nào đạt được thành công như các người khổng lồ Trung Quốc, chẳng hạn như Ant Group (sở hữu Alipay với trên 1 tỉ người dùng).

Theo Chris Yeo, giám đốc điều hành phụ trách GrabPay tại Đông Nam Á của Grab Financial Group, một trong các vấn đề cơ bản là hạ tầng và khả năng tiếp cận các dịch vụ tài chính ở khu vực còn thấp; tại thị trường với trên 600 triệu dân này, “cứ 10 người thì có hơn 6 người chưa sử dụng dịch vụ ngân hàng và chỉ mới 17% các giao dịch thanh toán là không tiền mặt”. Yeo cho rằng thách thức này cũng là cơ hội tăng trưởng cho các ví di động: đáp ứng các nhu cầu đó chính là giải quyết được vấn đề. “Ví di động có lẽ là phương thức thanh toán duy nhất liên tục giành được thị phần trên hầu hết hoặc tất cả các thị trường ở Đông Nam Á, nhờ thương mại điện tử và COVID-19... Đông Nam Á là khu vực ưu tiên ví di động và chúng tôi nghĩ xu hướng này sẽ tiếp tục” - Yeo nói.

Trong khi đó, Anthony Thomas, chủ tịch nền tảng ví điện tử MoMo, nhận định rào càn lớn nhất là thông tin, nâng cao nhận thức về không tiền mặt, cùng một thách thức không thể tách rời là niềm tin của người tiêu dùng. Với chất xúc tác là COVID-19, vấn đề làm quen và tiếp cận bước đầu xem như đã được giải quyết phần nào. “Thanh toán có yếu tố địa phương rất cao. Các ví di động trước nay vẫn luôn hướng tới các đô thị, nhưng đã có nhiều sự mở rộng sang các thành phố nhỏ hơn, và đó là nơi sẽ tăng trưởng trong tương lai” - Thomas nói.■

Ngày không tiền mặt 2022: Nhiều hoạt động trải nghiệm thanh toán

Ngày không tiền mặt là chuỗi hoạt động thường niên do báo Tuổi Trẻ, Vụ Thanh toán, Vụ Truyền thông (Ngân hàng Nhà nước) tổ chức. Chương trình năm nay được khởi động từ đầu tháng 6 với sự phối hợp của Công ty cổ phần Thanh toán quốc gia Việt Nam (Napas) cùng các ngân hàng, tổ chức tài chính tín dụng, fintech trong nước và quốc tế như Sacombank, MBBank, ACB, VCB, MasterCard, Visa, HDBank, ShopeePay, Momo…

Chương trình sẽ có nhiều hoạt động như: “Chợ phiên không tiền mặt” dành cho công nhân tại Khu công nghiệp Linh Trung (Thủ Đức) vào ngày 12-6 và tại Khu chế xuất Tân Thuận (quận 7) vào ngày 10-7. Một chuyến xe không tiền mặt sẽ xuất phát từ Hà Nội ngày 19-6, đến TP.HCM ngày 3-7 với hành trình xuyên Việt, ghé nhiều địa phương và mang đến cho người dân các địa phương này nhiều trải nghiệm thanh toán hấp dẫn.

Ngày 17-6, tại Hà Nội sẽ diễn ra hội thảo "Sự hòa nhập của thanh toán không tiền mặt với đời sống xã hội" - đánh giá những gì mà các bộ ngành và cộng đồng đã làm được trong lộ trình chuyển đổi số quốc gia, ứng dụng thanh toán không dùng tiền mặt trong phát triển kinh tế - xã hội.

Thông tin về toàn bộ các hoạt động chương trình có tại: https://ngaykhongtienmat.tuoitre.vn.

THIÊN TƯỜNG

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận