Dortmund: Anh hùng không luận thành bại

HUY ĐĂNG 04/06/2023 15:14 GMT+7

TTCT - Những giọt nước mắt, những tiếng thở dài, những cơn uất nghẹn đến tuyệt vọng… vẫn không thể ngăn hơn 80.000 CĐV Dortmund nán lại để chia sẻ nỗi đau thất bại kiêu hùng cùng các cầu thủ đội nhà.

Sau tất cả, Borussia Dortmund đã chứng tỏ cho cả thế giới bóng đá thấy vì sao họ được gọi là Borussia.

Bất chấp nỗi đau, các CĐV Dortmund nán lại đến hơn nửa giờ sau trận đấu để chia sẻ với đội bóng. Ảnh: REUTERS

Bất chấp nỗi đau, các CĐV Dortmund nán lại đến hơn nửa giờ sau trận đấu để chia sẻ với đội bóng. Ảnh: REUTERS

Chỉ CĐV là kiên định

Tối 27-5, người hâm mộ được chứng kiến một trong những kết thúc mùa giải kịch tính nhất của làng bóng đá châu Âu mùa này, khi Dortmund lỡ cơ hội vô địch vì bị Mainz cầm hòa 2-2 ở vòng đấu cuối cùng của Bundesliga. 

Từng có nhiều đội bóng sẩy chân, mất danh hiệu ở những vòng đấu cuối như thế, nhưng đông đảo người hâm mộ túc cầu thế giới chia sẻ nỗi ngậm ngùi với Dortmund vì họ đều muốn chấm dứt chuỗi thống trị của Bayern Munich ở Đức. Trước đó, "Hùm xám" đã vô địch Bundesliga 10 năm liên tiếp; và trong 10 năm đó, đến 6 lần Dortmund về nhì.

Cũng chính Dortmund là đội gần nhất giành đĩa bạc trước chuỗi thống trị nhàm chán của Bayern. Từng có thời điểm đội bóng vùng Ruhr làm điên đảo cầu trường nước Đức bằng lối đá gegenpressing mạnh mẽ, sôi động của HLV Jurgen Klopp. Nhưng rồi đến mùa hè năm 2015, chiến lược gia nổi tiếng này cũng phải ra đi khi bất lực trước thế thống trị của Bayern.

Hơn ai hết, Dortmund là đội cảm nhận rõ nhất sức mạnh của "Hùm xám". Truyền thông châu Âu từng nhiều lần gọi đội bóng áo vàng đen là Robin Hood của Bundesliga: Dortmund dù chơi thứ bóng đá đẹp đẽ và tràn đầy lý tưởng, vẫn không cách nào thu hẹp được khoảng cách. 

Họ thậm chí còn phải lần lượt bán đi những ngôi sao lớn nhất cho kình địch, từ Mario Gotze, Robert Lewandowski, tới Mats Hummels. 10 năm qua, trong khi Bayern chi thuần gần nửa tỉ USD mua sắm cầu thủ thì Dortmund lại thu về hơn 100 triệu USD nhờ bán nhiều hơn mua.

Nỗi đau càng nhói lòng khi bước vào vòng cuối mùa này, Dortmund chỉ còn cách cuộc phế truất Bayern đúng 1 trận thắng. Nhiều người buồn cho thầy trò ông Edin Terzic, một số khác lại mỉa mai cười nhạo, duy chỉ 80.000 CĐV sắc vàng - đen đổ đến sân Signal Iduna Park là vững vàng kiên định.

Nửa giờ đồng hồ sau trận hòa Mainz, hơn 80.000 chỗ ngồi ở Signal Iduna Park vẫn chật cứng. Sắc vàng - đen vẫn rợp trời, giữa những tràng vỗ tay vang dội không ngớt và lời bài ca truyền thống: "Và chúng tôi sẽ luôn là Borussia, không bao giờ, không bao giờ, một câu lạc bộ khác..." vang vọng đầy cảm xúc.

Đặc sản của Signal Iduna Park

Từ lâu, người hâm mộ đã là một thế mạnh đặc biệt của Dortmund. Khó đội bóng nào ở châu Âu sánh được với họ về lượng khán giả đến sân. 

Mùa này chẳng hạn, lượng khán giả trung bình của Signal Iduna Park lên đến 81.074 người/trận, bỏ xa con số tương ứng của Bayern (75.001), hay trung bình của Bundesliga là 42.996. 

Khắp châu Âu, chỉ mình Barca là có lượng khán giả đến sân nhiều hơn Dortmund mùa này, 83.498. (Nhưng sức chứa của sân Camp Nou là gần 100.000 chỗ ngồi, trong khi sức chứa của Signal Iduna Park chỉ là 81.365 chỗ).

Trung bình mỗi trận, khán giả lấp đầy khoảng 83% chỗ ngồi ở Camp Nou, còn Signal Iduna Park luôn kín hơn 99,6%. Số ghế còn thừa ra đôi lúc chỉ vì CĐV đội khách không đến sân. Tại sao người hâm mộ Dortmund lại cuồng nhiệt đến như vậy? 

Trước hết có lẽ phải nói tới lịch sử. BVB thành lập từ năm 1909, với tinh thần của những hội nhóm thanh niên trẻ. Tên đầy đủ của họ là Borussia Dortmund, với Dortmund là tên thành phố, còn Borussia là tiếng Latin chỉ đế quốc Phổ (Prussia, tiền thân của nước Đức ngày nay). Cũng vì cái tên này, những người Dortmund thế hệ đầu tiên luôn ý thức mạnh về lòng tự hào truyền thống.

Giống như những đội bóng Đức khác, Dortmund được duy trì theo công thức 50+1, tức 51% cổ đông là người hâm mộ, gồm tổng cộng khoảng 145.000 người. Những CĐV này có tiếng nói rất lớn trong việc quyết định giá vé, hoạt động cộng đồng lẫn thương mại. 

"Bức tường vàng" - chỉ khu khán đài đứng có sức chứa 25.000 người của sân Signal Iduna Park - là một đặc sản khiến tất cả các đội bóng châu Âu đều phải ngưỡng mộ. Nơi đây luôn chật kín những CĐV sôi động và nhiệt tình nhất.

Với chất truyền thống của mình, Dortmund trở thành lá cờ đầu khi bóng đá Đức chuyển đổi trạng thái chiến thuật từ đầu thế kỷ 21. Các trận đấu của Bundesliga ngày càng diễn ra nhanh hơn, mạnh mẽ hơn, nhiều bàn thắng hơn, và Dortmund là biểu tượng của lối chơi đó. 

HLV Klopp góp công rất lớn trong việc tạo nên thương hiệu gegenpressing, nhưng kể cả khi ông rời đi, ban lãnh đạo Dortmund vẫn duy trì được phong cách này nhờ việc lựa chọn HLV hợp lý.

Một khảo sát của Statista năm 2018 cho thấy có đến 52% CĐV Đức nói chung ủng hộ Dortmund, cao hơn hẳn so với 41% của Bayern, dù "Hùm xám" là niềm tự hào nước Đức mỗi khi bước ra đấu trường châu lục.

Ngoài ra còn phải kể tới truyền thống hiếu khách của hội CĐV Dortmund duy trì. Signal Iduna Park luôn sôi động và kín chỗ, nhưng hiếm khi nào xảy ra tình trạng lộn xộn hay "bắt nạt" CĐV khách. 

Trang chủ Bundesliga đánh giá CĐV Dortmund là những người có tinh thần hiếu khách nhất, như lần người dân bản địa của thành phố chủ động mời các CĐV Monaco đến ở nhà họ khi trận đấu giữa hai đội ở tứ kết Champions League năm 2017 bị hoãn vào phút chót.

"CĐV Dortmund ở Signal Iduna Park luôn sẵn sàng dành cái ôm cho mọi vị khách. Nơi đây hoàn toàn được xây dựng cho bóng đá. Tất cả các trận chung kết đấu trường châu lục đều nên được tổ chức ở Signal Iduna Park", tạp chí The Times bình luận.

Trong quá khứ, Dortmund từng nhiều lần đối mặt với tình cảnh phá sản. Nhưng rồi sức sống luôn được họ thể hiện trong những thời điểm ngặt nghèo nhất. Và như ở trận đấu cuối cùng của mùa giải 2022-2023, tám vạn người trên các khán đài Signal Iduna Park là minh chứng cho sức sống đó.■

Ai cũng có thể trở thành HLV

Đặc điểm của Dortmund là sức trẻ, nhưng không chỉ là sức trẻ trên sân bóng, mà còn ở cả băng ghế huấn luyện. Trong quá khứ, ban lãnh đạo Die Schwarzgelben từng nhiều lần đặt niềm tin vào các chiến lược gia trẻ trung, với tư duy bóng đá mới mẻ. Điển hình có Matthias Sammer - cựu danh thủ từng ngồi ghế HLV trưởng Dortmund khi mới 33 tuổi, hay Klopp với thứ bóng đá làm điên đảo nước Đức khi mới ngoài 40… HLV Dortmund hiện tại Edin Terzic là ví dụ tiêu biểu cho sự cởi mở của CLB. Dưới thời Klopp, Terzic chỉ làm công tác tuyển trạch viên - công việc xếp chót trong ban huấn luyện một đội bóng đá chuyên nghiệp. Nhưng Terzic từng bước chứng tỏ được bản thân. Ông trải qua mọi công việc ở ban huấn luyện, từ HLV đội trẻ, trợ lý HLV, đến giám đốc kỹ thuật, trước khi được bổ nhiệm vào đầu mùa giải năm nay, lúc mới 39 tuổi.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận