Đợt thực hành quý giá của sinh viên ngành y

TRỌNG NHÂN 18/09/2021 08:05 GMT+7

TTCT - Những ngày này, không ít sinh viên y khoa tham gia các hoạt động cùng tuyến đầu chống dịch. Với các sinh viên Trường ĐH Y dược TP.HCM trong dự án theo dõi sức khỏe từ xa cho F0 tại TP.HCM, họ cũng nhận nhiều bài học vô giá cho hành trang của mình sau này.

Nguyễn Hoàng Dung gọi điện thăm khám các bệnh nhân F0 tại nhà. Ảnh: NVCC

 Đồng hồ gần điểm nửa đêm, Nguyễn Hoàng Dung (23 tuổi), sinh viên năm cuối Trường ĐH Y dược TP.HCM, mới có chút thời gian rảnh để chia sẻ về những ngày tất bật theo dõi sức khỏe từ xa cho F0 tại TP.HCM. Đây là hoạt động do Trường ĐH Y dược TP.HCM cùng một số địa phương như Q.8, Q.10, Q.Bình Tân tổ chức.

Tư vấn từ bệnh mãn tính tới chuyện đời tư

Mỗi nhóm tư vấn từ 5 - 7 người, trong đó luôn có 1 - 2 giảng viên, bác sĩ có kinh nghiệm của Trường ĐH Y dược TP.HCM, để theo dõi tình hình của các F0 đang điều trị tại nhà. Mỗi sáng sớm và chiều tối, Dung gọi điện thoại video tới các gia đình mà cô được phân công, thăm hỏi bệnh nhân xem có biểu hiện gì khác lạ hay có biến chuyển gì chưa.

Phần đông trong số đó là những người mắc COVID-19 nhẹ, vẫn lạc quan, nhưng cũng không ít người vì quá lo lắng mà nhắn tin, gọi điện liên tục để cập nhật cho Dung tình hình mới nhất.

Trong số các bệnh nhân này, nhiều người mang bệnh mãn tính về tiêu hóa, hô hấp, xương khớp... rất cần được tư vấn chuyên sâu. Gặp phải những vấn đề vượt quá chuyên môn, các thành viên trong nhóm sẽ hội chẩn để đưa ra hướng giải quyết tốt nhất: có thể sẽ đến tận nhà khám, cấp thuốc hoặc chuyển đến các bệnh viện tuyến trên. 

Cũng có những bệnh nhân rất khỏe mạnh nhưng lại “thèm” nghe một tiếng nói. Dung kể, nhiều bệnh nhân đã chia sẻ tất tần tật những chuyện trong nhà, từ chuyện người thân mới mắc COVID-19, chuyện nhu yếu phẩm sắp hết, tới việc làm ăn, những dự tính dang dở...

Đó là trải nghiệm lần đầu của một sinh viên y khoa năm cuối như Dung. Hồi đầu cô cũng có chút đắn đo: liệu những gì mình đã được học có giúp được cho bệnh nhân hay không, liệu họ có thấy an tâm khi người ở đầu dây bên kia chỉ là sinh viên...

Nhưng đến lúc này, Dung tự hào mình chưa bị “bí” khi tư vấn cho bệnh nhân. Vả lại, các bác sĩ trong mỗi nhóm sẽ tư vấn thêm cho những ca khó, hằng tuần luôn có những buổi cung cấp kiến thức cho các tình nguyện viên nâng cao kỹ năng thăm khám online.

Dù vậy, vẫn có những giây phút đau lòng mà họ lần đầu chứng kiến. Nguyễn Ngọc Mai (24 tuổi), vừa tốt nghiệp Trường ĐH Y dược TP.HCM, kể nhóm của cô phụ trách có 5 người thuộc 3 thế hệ đều là F0. 

Đến một ngày, người bà chuyển biến nặng, không may qua đời tại bệnh viện dã chiến. Vài ngày sau, tình hình của người ông cũng chuyển xấu. Gia đình chấp nhận cả tình huống xấu nhất, kiên quyết không chuyển bệnh. Ông mất ngay trước màn hình điện thoại mà nhóm đang tư vấn online.

 
 Phạm Thị Mỹ Hoa sau ca làm việc tại Bệnh viện dã chiến Q.8. Ảnh: NVCC

 Bệnh viện là trường học

Vất vả hơn những người trong đội tư vấn từ xa (đội 1) là những sinh viên đầu quân cho đội trực chiến cấp cứu (đội 2). Thông thường, bộ phận này sẽ phối hợp với các trung tâm y tế huyện, các bệnh viện dã chiến để vận hành các giường bệnh.

 Phạm Thị Mỹ Hoa (24 tuổi), đang là một tình nguyện viên tại Bệnh viện dã chiến Q.8. Hoa cho biết cô vừa thi tốt nghiệp ngày 20-8 thì ngày 21-8 xách balô vào viện. Suốt thời gian ôn thi, lòng Hoa như lửa đốt khi thấy đồng đội góp sức vào “trận chiến” chung, còn mình vẫn phải ôn tập cho kỳ thi quan trọng. 

Nóng lòng ra “mặt trận”, cô tranh thủ gia nhập những đội tình nguyện ngắn ngày giúp lấy mẫu và tiêm vaccine, trước khi chính thức đăng ký tiếp sức cho đội cấp cứu.

Những ngày đầu, mọi chuyện không dễ dàng. Hôm đầu tiên nhận ca, phải khoác bộ đồ dày cộm kín từ đầu tới chân, tưởng chừng thở không ra hơi. 5 phút đầu người rã hết mồ hôi, môi khô lại. Ngồi trên xe chuyển bệnh, đường giằng xóc, muốn nôn ói. 2h chiều, Hoa mệt lả và vô cùng lo lắng không biết mình có tiếp tục nổi không. 

Cô tự nhủ: đây là cơ hội để va chạm với nghề tốt nhất. Nên những khi rảnh, Hoa coi lại các bài giảng, phương pháp hỗ trợ bệnh nhân trong điều kiện dịch bệnh... Cuối cùng, cô trụ lại. 

Dự án hỗ trợ cho các F0 nhận được sự hưởng ứng từ các sinh viên đang theo học tại nhiều trường khác như khoa y ĐH Quốc gia TP.HCM, Trường ĐH Y dược Huế... Nguyễn Quốc Thịnh (24 tuổi, Đà Nẵng), vừa tốt nghiệp Trường ĐH Kỹ thuật y - dược Đà Nẵng, đang liên lạc với hơn 10 bệnh nhân tại TP.HCM mỗi ngày. 

Khoảng cách địa lý không còn là trở ngại, Thịnh và các gia đình ở TP.HCM hiện khá thân thiết, liên tục trao đổi thông tin để nắm bắt tình hình sức khỏe của bệnh nhân. Thịnh tư vấn cả chế độ ăn cho một số trường hợp để đảm bảo dinh dưỡng với nguồn thực phẩm sẵn có. “Tôi đã học được rất nhiều điều qua những dự án như thế này. Tôi buộc phải nghiên cứu nhiều hơn và sâu hơn, để những lời tư vấn gửi đến từng gia đình đạt hiệu quả cao nhất” - Thịnh nói.

Võ Châu Hoàng Long (24 tuổi, Quảng Nam), sinh viên Trường ĐH Y dược TP.HCM, đang hỗ trợ khu điều trị tại khu cách ly phường Bình Trị Đông A (Q.Bình Tân), cũng cho biết nhờ tham gia chống dịch mà anh đã linh hoạt hơn trong việc xử lý các tình huống. 

“Bộ áo giáp” phòng hộ khiến những lý thuyết lâm sàng đã học có đôi chút khác biệt, chẳng hạn khó áp tai nghe tim và phổi bệnh nhân như được học, thay vào đó phải nhạy bén hơn khi quan sát các dấu hiệu của bệnh nhân.

Ngoài chuyên môn, theo Long, một điều quan trọng khác mà các sinh viên y khoa như anh thu được chính là cảm xúc - điều thật sự cần thiết với mỗi bác sĩ. Được trực tiếp thăm khám, tiếp cận những bệnh nhân, chứng kiến những hoàn cảnh mà trong điều kiện bình thường không thể nào có được, Long thương người bệnh hơn lúc nào hết. 

Trong khu điều trị, Long chú ý đến một bà cụ 80 tuổi dáng khắc khổ. Hỏi ra mới biết bà không có người thân nào ở Sài Gòn, một mình bươn chải để sống trước khi mắc COVID-19. “Mong rằng bà sẽ sớm khỏe”, Long nói.

Suốt gần 3 tháng thăm khám F0 từ xa, Hoàng Dung nhớ hoài hình ảnh của một người chị sống tại Q.10 được nhóm của cô hỗ trợ. Chị phát hiện mình dương tính không lâu sau khi biết mình có thai - đứa con mà cả gia đình đã mong chờ rất lâu. Qua liên hệ, nhóm nhận thấy chị có dấu hiệu xuất huyết và báo ngay, hỗ trợ đưa chị đi khám thai. 

Không may, chị bị sẩy thai. Một tuần sau người chồng cũng mắc COVID-19. Không chỉ thiếu nhu yếu phẩm, thuốc men mà băng vệ sinh, đồ cá nhân cho người vừa sẩy thai cũng thiếu. Nhóm đã liên hệ nhiều nơi để gửi đến các loại thuốc, vật phẩm cần thiết và động viên sức khỏe tinh thần cho chị. Hai tuần sau, cả hai vợ chồng đều âm tính, cả người bệnh lẫn người hỗ trợ đều rất vui mừng.

Lời cảm ơn từ các bệnh nhân là món quà vô giá với Hoa. Lễ 2-9 vừa qua là lần đầu tiên cô phải trực cả ngày trong bệnh viện. Hôm ấy, không ít bệnh nhân được xuất viện. Trên đường ra cổng bệnh viện, gặp bất kỳ bác sĩ hay nhân viên y tế nào, họ đều ríu rít nói lời cảm ơn và Hoa biết, ngay sau chiếc khẩu trang kín mít, họ đang cười rạng rỡ.

Thường thức đến 3h sáng

TS.BS Phạm Lê Duy, giảng viên Trường ĐH Y dược TP.HCM, cho biết trong số người mắc COVID-19 hiện tại ở TP.HCM có khoảng 80% là ca nhẹ, không triệu chứng. Dự án thăm khám sức khỏe cho các F0 tại nhà được Trường ĐH Y dược TP.HCM phối hợp với các địa phương tổ chức để tư vấn tốt hơn cho các bệnh nhân này, đặc biệt để nhận biết sớm dấu hiệu chuyển nặng và trợ giúp thêm để điều trị những căn bệnh khác mà họ đang gặp phải.

Hiện có khoảng 800 sinh viên và 200 bác sĩ, giảng viên đang hỗ trợ cho Q.8 và Q.10, trong khi ở Q.Bình Tân có trên 1.000 giảng viên, sinh viên. Do số lượng đông nên đội ngũ điều phối chịu áp lực tương đối lớn. Hằng ngày, nhóm sinh viên điều phối tiếp nhận các ca mới từ các phường, phân loại theo độ tuổi, mức độ, bệnh nền và chia cho các nhóm đảm nhiệm. 

Họ phải tìm cách không để các nhóm quá tải, giữ ở mức 40 bệnh nhân/nhóm. “Không ít tình nguyện viên điều phối phải thức khuya đến 2h - 3h sáng mỗi ngày để phân chia hết số ca trong ngày. Và nhờ có lực lượng ở hậu trường này, việc thăm khám mới được trôi chảy” - TS.BS Duy nói.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận