TTCT - Thể thao đỉnh cao là một cuộc “chạy đua vũ trang” bất tận với rủi ro cao, và ngay cả khi thành công thì không có gì đảm bảo rằng một quốc gia nhiều huy chương là một đất nước thể thao thực sự. Năm 2013, Bộ trưởng Thể thao Úc Don Farrell, khi ấy mới được bổ nhiệm, đã gửi một thông điệp cứng rắn và trực tiếp đến giới thể thao nước này: “Các anh phải “xanh chín” đi. Lợi thế chiến thắng là có thật. Nếu các anh yêu cầu tiền của người dân đóng thuế thì các anh phải có nghĩa vụ thực thi”. Câu nói đó có thể là một sự tổng kết cho câu hỏi lớn với mọi nền thể thao: Nên ưu tiên tiền bạc cho đỉnh cao hay phong trào?Đội Đại học Cần Thơ vô địch giải bóng đá sinh viên SV League 2020. Các giải thể thao phong trào như thế này chưa được quan tâm xứng đáng. -Ảnh: Hoàng TùngĐốt tiền như thể thao đỉnh caoMột trong những phát hiện chính từ nghiên cứu chính sách của 16 quốc gia dành cho các môn thể thao đỉnh cao (SPLISS - Các yếu tố chính sách thể thao dẫn đến thành công thể thao cấp độ quốc tế) là số tiền đầu tư tuyệt đối chứ không phải tương đối (tức tương quan với tiềm lực kinh tế từng nước) của nhà nước sẽ quyết định thành công thể thao của các quốc gia. Điều đó đồng nghĩa những nước nghèo nếu muốn thành công trên sân chơi quốc tế thì sẽ phải chơi rất trội.Tuy nhiên, nếu xét một trường hợp cụ thể thì ngay cả tiền cũng chưa chắc mang lại thành công. Có thể đơn cử ví dụ nước Úc. Bất chấp số tiền đầu tư rất lớn, thường ở mức vài trăm triệu USD mỗi năm, thành tích của Úc tại các kỳ Thế vận hội mùa hè đã dần đi xuống kể từ khi giành được số huy chương kỷ lục tại Olympic Sydney 2000 trên sân nhà. Làm sao giải thích được điều đó?Vài thập kỷ qua, các môn thể thao đỉnh cao (có thi Olympic) phần lớn đã được thể chế hóa mạnh mẽ ở Úc. Thành tích yếu kém của quốc gia này tại Thế vận hội Montreal 1976 là động lực để Viện Thể thao Úc (AIS) ra đời vào năm 1981.Đây là cơ sở đào tạo tập trung đa môn, huấn luyện chuyên gia và hỗ trợ khoa học thể thao lẫn y tế cho các vận động viên. Sự thành công của mô hình tập trung này dẫn đến việc tám chính quyền tiểu bang và vùng lãnh thổ sao chép với các viện thành tích cao và học viện thể thao địa phương giai đoạn 1989-1996.Ở Olympic Sydney 2000, Úc gặt hái thành quả từ mô hình “gà nòi” đó. Nhưng sau khi đã có thành tích khởi đầu, họ đáng ra có thể chuyển đổi cách tiếp cận quá tập trung vào Viện Thể thao tại Canberra sang một phương pháp có tính xã hội và gần với bản chất của thể thao hơn. Kể từ năm 2001, câu thần chú “thể thao vận hành thể thao” đã trở thành không thể thiếu trong chính sách và tài trợ của Chính phủ Úc. Nhưng vấn đề là dù chính phủ đã cung cấp nguồn ngân quỹ thích hợp cho thể thao đỉnh cao, Úc đã không vận hành được một hệ thống thể thao đỉnh cao thực sự phù hợp. Cho đến khi công bố Báo cáo Crawford năm 2009, những sai sót lớn của hệ thống mới được đưa ra ánh sáng, cho thấy rằng Úc cần củng cố mạng lưới thể thao của mình.Những gì đã làm nên thành công của Úc trong quá khứ (các viện thể thao nhà nước) đã phản tác dụng sau này vì nó tạo ra sự trùng lặp và kém hiệu quả về kinh tế. Trong khi Úc đã có nhiều chiến dịch thể thao quốc gia bao gồm “toàn bộ nền thể thao” - cả phong trào lẫn đỉnh cao, phải đến tháng 12-2012, chính sách quốc gia đầu tiên về thể thao đỉnh cao mới được công bố.Bất bình đẳng và thể thao phong tràoSự tập trung quá nhiều của nhà nước vào thể thao đỉnh cao đã dẫn tới một hệ lụy không tránh khỏi: thể thao phong trào, điều thực sự tạo ra một quốc gia khỏe mạnh, không được chú ý đúng mức, thậm chí bị bỏ bê. Nhà nước cần nỗ lực đảm bảo tính đại chúng và phổ quát của thể thao. Ảnh: rugbyasia247Một nghiên cứu mới đây ở Anh cho thấy số người tham gia thể thao nói chung ở nước này đã giảm và không tới 1/5 dân số tuổi trưởng thành tham gia các hoạt động thể thao tối thiểu ba lần một tuần. Chuyện này gây nhức nhối đến mức bộ trưởng thể thao Anh đã tiến hành một cuộc lấy ý kiến cộng đồng để phục vụ cho một chiến lược mới của chính phủ, hòng lôi kéo nhiều người tham gia thể thao phong trào hơn.UK Sport và Sport England, hai cơ quan quốc gia không thuộc Bộ Thể thao, chịu trách nhiệm về thể thao phong trào và thể thao đỉnh cao, đều đã triển khai đủ các phương pháp tiếp cận khác nhau để phân phối tiền bạc đầu tư vào thể thao, nhưng những cách làm của họ bị cho rằng chỉ hiệu quả trong thúc đẩy thể thao giành huy chương, chứ không phải thể thao phong trào.Cũng có những lý do khách quan, như việc thiết lập các mục tiêu huy chương ở những giải quốc tế là đơn giản và trực quan hơn nhiều, so với các mục tiêu về số lượng dân chúng tham gia tập luyện, vốn vừa khó lượng hóa vừa khó đo đạc kết quả thật sự. Ngay cả ở Anh, việc thống kê và khảo sát thể thao phong trào - được đo lường bằng cuộc thăm dò tên gọi Active People Survey - cũng bị chỉ trích là phiến diện và sơ sài, chỉ hòng kiếm tiền tài trợ. Nhưng tìm ra một công cụ hiệu quả là không hề đơn giản, vì chúng luôn có khả năng đơn giản hóa một vấn đề hết sức phức tạp. Điều này đặc biệt đúng khi tính đến các khía cạnh như tần suất thu hút tham gia, sự khác biệt trong việc chơi thể thao chính thức và phi chính thức, hay những biến động tự nhiên theo các mùa và thời gian…Cũng không thực tế khi kỳ vọng rằng sự tham gia thể thao rộng rãi có thể được phát triển thông qua các hệ thống từ trên xuống như các cơ quan quản lý quốc gia. Thay vào đó, hàng loạt tổ chức xã hội bao gồm trường học và các cơ sở giáo dục nói chung, các câu lạc bộ thể thao, tổ chức từ thiện và hội nhóm cộng đồng, chính quyền địa phương và cơ quan y tế… đều có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy và tạo cơ hội tham gia thể thao. Các nguồn tài trợ có thể được đa dạng hóa và mang lại lợi ích cho các tổ chức này, một cách làm theo kiểu xây nền từ dưới lên. Những ai đang muốn bỏ tiền cho thể thao ở Việt Nam, hoặc muốn thúc đẩy sự nghiệp thể thao nước nhà rất cần để ý đến cách làm kiểu này.Cuối cùng, rào cản lớn nhất khiến thể thao phong trào khó phát triển so với thể thao đỉnh cao là một vấn đề nghiêm trọng và có tính cấu trúc sâu sắc hơn nhiều: cũng như xã hội nói chung, bất bình đẳng tiếp tục ăn sâu vào mọi cấp độ thể thao. Thể thao đỉnh cao không chỉ nhận được nhiều tiền hơn, mà còn giành lấy sự chú ý gần như toàn bộ từ truyền thông, bất chấp thực tế là thực sự tham gia vào đó chỉ là một nhúm các VĐV “tinh hoa” của xã hội. Ví dụ: đội tuyển bóng đá quốc gia VN giành được sự quan tâm gần như tuyệt đối của truyền thông và cả những nguồn ngân quỹ khổng lồ, nếu tính cho từng cầu thủ, so với hàng triệu triệu người vẫn xỏ giày ra các sân bóng nghiệp dư mỗi ngày - những hồng cầu thực sự của cả hệ tuần hoàn máu bóng đá và thể thao nước nhà.Thật không may, các nhà hoạch định chính sách thể thao có thể không quan tâm tới lập luận đó, đặc biệt là khi tài năng mới là yếu tố then chốt dẫn đến huy chương - điều giải thích tại sao thành công của các môn thể thao hàng đầu chưa chắc đã phụ thuộc vào việc mở rộng cơ sở phong trào.Nhưng bất bình đẳng là có thật và từ lâu đã ảnh hưởng đến thể thao phong trào. Trong một thời đại khốn khổ, bất bình đẳng kiểu đó không chỉ giới hạn giữa thể thao đỉnh cao và phong trào, mà còn chính ở thể thao phong trào. Một thực tế là ở VN, cần phải ít nhất là thuộc tầng lớp trung lưu thì mới có thể chơi thể thao thường xuyên. Những người ăn bữa nay lo bữa mai hẳn không dám tơ tưởng đến việc xỏ giày chạy bộ, chứ đừng nói là vác vợt ra sân chơi tennis. Người càng giàu thì càng quan tâm và có điều kiện quan tâm tới sức khỏe. Kết quả là khoảng cách giữa tỉ lệ người tham gia thể thao thuộc các tầng lớp xã hội theo thu nhập ngày càng gia tăng.Bản phác thảo về sự bất bình đẳng từ bức tranh lớn toàn xã hội đó có thể đem đến kết luận đáng buồn cho những ai hi vọng rằng một chiến lược cải cách riêng lẻ có thể thúc đẩy thể thao phong trào. Câu trả lời vượt quá sức một chính sách, thậm chí cơ quan, hay bất kỳ một quan chức thể thao nào.■Cuộc đua thể thao đỉnh cao cũng được dự báo sẽ ngày một khốc liệt. Nhà nghiên cứu chính sách thể thao hàng đầu người Bỉ Veerle De Bosscher và các đồng nghiệp của bà ở Đại học Vrije (Brussels) thấy rằng cuộc “chạy đua vũ trang thể thao toàn cầu” đang leo thang không ngừng. Nhiều nước đã nhảy vào cuộc, còn những nước dẫn đầu thì liên tục tăng chi tiêu cho thể thao đỉnh cao.“Các quốc gia sẽ được yêu cầu đầu tư nhiều hơn chỉ để duy trì thành công, và đứng yên trên thực tế nghĩa là thụt lùi vì thành công quốc tế giờ ngày càng phụ thuộc vào hành động của các quốc gia đối thủ” - bà De Bosscher kết luận. Điều này đặc biệt thể hiện rõ qua nhóm các nền kinh tế lớn mới nổi gồm những nước như Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc…, vốn có nguồn lực dồi dào cả về tài chính lẫn con người và tham vọng rất lớn ở các sự kiện thể thao quốc tế để cổ xúy tinh thần quốc gia - dân tộc. Trở lại Bạn đang đọc trong chuyên đề "Ngân sách và bình đẳng thể thao Tags: Bất bình đẳngĐầu tư cho thể thaoThể thao đỉnh caoThể thao phong tràoTài chính thể thao
Vì sao hàng ngàn người tập trung trước Nhà hát lớn Hà Nội khiến đường tắc từ sáng tới chiều? PHẠM TUẤN 24/11/2024 Từ sáng tới chiều 24-11, tại trước khu vực Nhà hát lớn Hà Nội hàng ngàn bạn trẻ tập trung gây ùn tắc giao thông nghiêm trọng, vì sao?
Cách đi xe buýt đến ga metro ở TP.HCM CHÂU TUẤN 24/11/2024 Bạn đọc Tuổi Trẻ tiếp tục đặt câu hỏi về các tuyến xe buýt đến metro, có loại xe nào khác để kết nối và đi metro có thể đi đâu tiếp.
Sang nhượng suất đạp xích lô, chèo ghe ở Hội An giá 500-700 triệu đồng THÁI BÁ DŨNG 24/11/2024 Chủ tịch Nghiệp đoàn xích lô Hội An Phan Phước Tùng cho biết mỗi suất đạp xích lô ở Hội An có giá từ 500-700 triệu đồng nhưng đa phần bà con anh em họ hàng nhượng lại cho nhau để kiếm sống.
NÓNG: Hơn ngàn căn nhà cháy rụi ở thủ đô Manila KHÁNH QUỲNH 24/11/2024 Một vụ hỏa hoạn nghiêm trọng đã xảy ra tại khu ổ chuột ở thủ đô Manila của Philippines ngày 24-11 khiến ít nhất 1.000 ngôi nhà bị thiêu rụi.