Du lịch hồi phục trong thế "khó chồng khó"

NHƯ BÌNH 02/09/2022 06:13 GMT+7

TTCT - Ngành du lịch VN đang bị ví "như người bị trói" vì chi phí đầu tư của doanh nghiệp cao so với các nước trong khu vực. Họ đang chịu thuế phí cao và thiếu cả chính sách hỗ trợ vốn.


Du lịch hồi phục trong thế khó chồng khó - Ảnh 1.

Du khách trên đường phố TP.HCM. Ảnh: T.T.D.

Việc đầu tư những sản phẩm du lịch mới của các doanh nghiệp được kỳ vọng sẽ làm mới điểm đến trong nước, tạo ra một cú hích lớn để vực dậy sau dịch. Nhưng thực tế không như kỳ vọng của doanh nghiệp. 

Trước đây doanh nghiệp thường chào giá trọn gói cả tour nhưng nay chọn cách tách nhỏ từng thành phần để công bố cơ cấu giá tới du khách, tránh gánh nặng giá cho khách.

Tour ngoại rẻ bất ngờ, tour nội càng đông càng lỗ

Ông Nguyễn Quốc Kỳ, chủ tịch Hội đồng Vietravel Holdings, cho biết doanh nghiệp này đang bán chùm tour /combo đi Thái Lan 4 ngày 3 đêm bao gồm vé máy bay khứ hồi, tại khách sạn 5 sao với giá khoảng 8-10 triệu đồng tùy loại. 

Cũng với hành trình này nhưng ở khách sạn 3 sao thì giá chỉ còn gần 6 triệu. Mức giá này tương đương mức chi phí cho chuyến du lịch từ TP.HCM đến Vũng Tàu, Phú Quốc…cùng số ngày trên. "Nhiều người nói doanh nghiệp chắc bán lỗ với giá tour xuất ngoại như vậy. 

Tuy chúng tôi không lời nhiều nhưng chắc chắn không bán lỗ. Giá khách sạn 5 sao ở VN không thể so với Thái Lan, các chi phí khác cũng vậy.


Đó là điều làm cho tour đi Thái Lan, Malaysia… đang có giá cạnh tranh rất tốt. Nhiều tour nội địa bùng nổ nhưng ai đi du lịch lúc này vẫn phải là người có tiền", ông Kỳ nói.

Vừa gồng mình nối lại hoạt động du lịch sau hơn hai năm tê liệt, khi bắt tay làm sản phẩm, dịch vụ mới, các doanh nghiệp còn đối mặt hàng loạt khó khăn khác. 

Giám đốc phòng sản phẩm của một doanh nghiệp du lịch ở TP.HCM cho biết hè vừa qua, khi thiết kế một tour du lịch để bán cho khách, khi đi sâu vào chi tiết từng hạng mục cấu thành giá tour thì họ "toát mồ hôi" vì tất cả chi phí đều tăng, từ giá vé máy bay, vận tải đường bộ đến các chuỗi cung ứng dịch vụ…

"Điều này khiến các doanh nghiệp khóc dở mếu dở vì nếu tăng đúng với mức tăng của thị trường thì khách sẽ cân nhắc, nhưng không tăng giá thì doanh nghiệp ôm lỗ. Thực tế tour tăng giá nhưng doanh nghiệp không có lãi vì có nhiều chi phí phát sinh khác", vị giám đốc trên nói.

Anh Hoàng Văn, hướng dẫn viên du lịch thị trường nội địa, cho biết trước đây tour đi 3 đêm 4 ngày tại Phú Quốc chỉ khoảng 6-7 triệu đồng/người thì nay tăng lên 9-10 triệu đồng/người. Không ít du khách đi tour Phú Quốc ngỡ ngàng vì chi phí tăng quá cao.

"Mới đây tôi có nhóm khách gia đình 10 người. Do muốn chủ động và tiết kiệm chi phí nên gia đình chỉ mua combo vé máy bay và phòng nghỉ, còn lại chi phí khác như thuê hướng dẫn viên, tiền ăn, tiền đi lại, tiền vé vào cổng các khu vui chơi, trải nghiệm dịch vụ... sẽ linh hoạt trả theo nhu cầu. 

Nhưng khi kết thúc tour, chi phí phát sinh cho chuyến đi hơn 40 triệu đồng. Đi du lịch VN bây giờ không thể có giá rẻ được nữa", anh Văn chia sẻ.

Du lịch hồi phục trong thế khó chồng khó - Ảnh 2.

Du khách Ấn Độ tại Nha Trang. Ảnh: Minh Chiến

Điểm đến hấp dẫn nhưng khách chưa tới vì giá cao

Ông Nguyễn Châu Á, tổng giám đốc Oxalis, kể một câu chuyện điển hình cho thấy sức cạnh tranh sản phẩm mới của du lịch VN rất kém: một doanh nhân vừa trở về từ Indonesia thử trải nghiệm tour đi xe địa hình 4 bánh ATV khoảng hơn 2 giờ, nhà tổ chức tour còn bố trí bữa ăn nhẹ. Nhưng tổng cộng giá tour này trọn gói chỉ khoảng 700.000 đồng. 

Tại VN, tour này được bán ở Bàu Trắng (Bình Thuận) giá 700.000 đồng cho 30 phút xe chạy, ở đồi cát Quang Phú (Quảng Bình) thì giá khoảng 300.000 đồng cho 15 phút.

Tìm hiểu tại sao có sự chênh lệch giá dịch vụ giữa VN và các nước, ông Á vỡ lẽ: Hãng xe Kymco của Đài Loan nhập loại ATV 270cc về VN, giá sau thuế đến 180 triệu vì phải cộng thêm nhiều loại phí, thuế. 

Trong khi đó các nước như Indonesia, Philippines hay Campuchia nhập xe cùng loại nhưng giá chỉ bằng khoảng 50% giá ở VN. "Cùng một sản phẩm nhưng du lịch VN đang phải trả nhiều tiền hơn để đầu tư, vận hành, vậy làm sao hấp dẫn du khách được", ông Á nhận xét.

Hằng năm, để phục vụ các dòng tour mạo hiểm, công ty của ông Nguyễn Châu Á nhập khá nhiều thiết bị bảo hộ, an toàn cho du khách. 

Những thiết bị này nếu được giảm một số thuế, phí thì doanh nghiệp sẽ giảm được áp lực đầu tư ban đầu. Khi đó giá tour bán cho du khách cũng sẽ cạnh tranh hơn.

Bà Trần Thị Bảo Thu, giám đốc truyền thông và tiếp thị Lữ hành Fiditour - Vietlux, cho biết sau dịch, du khách đặt rất nhiều kỳ vọng vào chính sách khuyến mãi, giảm giá. Đặc biệt, sau 2 năm ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, nhu cầu du lịch của người dân rất lớn, chủ yếu là du lịch biển.

Nhưng tour giá rẻ lúc này không có, giá dịch vụ tour hè ở một số tuyến đông khách tăng từ 5-12%. "Giá cả đầu vào tăng, ảnh hưởng đến mục tiêu giữ giá ổn định, kích cầu du lịch, nhất là giai đoạn đầu phục hồi của ngành du lịch", bà Thu nói.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch (Tổng cục Du lịch), cho rằng một khi VN đã xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, cần có sự đột phá về chính sách ưu tiên cho ngành này. 

Ngoài ra, cần tạo động lực cho các doanh nghiệp phục hồi và phát triển thông qua hành lang pháp lý và các gói, chương trình hỗ trợ như vay vốn, giảm thuế, gia hạn thời gian nộp thuế trong giai đoạn đầu của quá trình hồi phục…

Trước mùa hè năm nay, đã có nhiều lo lắng về sức mua trong dân sẽ thấp khi giá cả hàng hóa và các chi phí khác tăng cao. Giá tour tăng nhiều chắc chắn ảnh hưởng đến quyết định đi du lịch của du khách. 

Vì vậy, một số doanh nghiệp thay vì chào giá trọn gói tour đã tách nhỏ từng thành phần để chào du khách, nếu có biến động về giá ở từng thành phần có thể điều chỉnh và thuyết phục khách… Như tour đi Phú Quốc, do vé vào các khu vui chơi giải trí cao nên hầu hết các nhà lữ hành đều tách riêng, du khách nào có nhu cầu mới hỗ trợ mua vé.

Ông Cao Trí Dũng, chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng, cho biết du lịch VN có nhiều sản phẩm tốt, hệ sinh thái du lịch lý tưởng... Một số điểm đến của VN thậm chí vượt hẳn các nước trong khu vực do những nước này đã phát triển lâu, không có những sản phẩm mới, bắt trend tốt như ở VN.

"Khi trao đổi với các chuyên gia, ai cũng nói rằng Bali (Indonesia), Phuket (Thái Lan) hiện đã cũ, thiếu sức sống, chỉ còn VN mới lạ, hấp dẫn. Thế nhưng, hai điểm đến trên đang rất đông khách vì giá tốt, ngay cả mùa thấp điểm", ông Dũng thông tin. 

Theo ông Dũng, để thúc đẩy nhanh việc phục hồi ngành du lịch, các doanh nghiệp cần được "bơm oxy" thông qua việc tiếp cận vốn vay ngân hàng với mức lãi suất ưu đãi, được hỗ trợ về các loại thuế, phí để phát triển các lợi thế về du lịch mà VN đang có và sớm tìm cách tăng lượng khách quốc tế trong những tháng cuối năm.

Các doanh nghiệp du lịch cho rằng bên cạnh việc hỗ trợ vốn, ngành du lịch VN cần phải đổi mới công tác xúc tiến. Trong đó xu hướng nổi bật nhất là số hóa, thay đổi cách tiếp cận vì 70% du khách đang phải tìm thông tin trên các website, kết nối vào các nền tảng xã hội lớn… ■

Doanh nghiệp du lịch của TP.HCM được hỗ trợ gì?

Theo bà Bùi Thị Ngọc Hiếu - phó giám đốc Sở Du lịch TP.HCM, các doanh nghiệp du lịch TP đã tiếp cận được nhiều chính sách hỗ trợ phục hồi: giảm giá điện; giảm phí, lệ phí thực hiện thủ tục hành chính nhóm ngành du lịch; chi hỗ trợ cho lực lượng hướng dẫn viên bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19; chính sách giảm thuế giá trị gia tăng; giảm tiền sử dụng đất cho các cơ sở lưu trú, hỗ trợ vay vốn…

Các doanh nghiệp du lịch cũng được tham gia chương trình đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch, các giải pháp kích cầu du lịch, truyền thông quảng bá sản phẩm dịch vụ - điểm đến du lịch.

Tuy nhiên, theo bà Hiếu, để doanh nghiệp du lịch phục hồi tích cực và bền vững, cần có sự chuyển đổi mạnh mẽ hơn trong việc tiếp cận các chính sách và các giải pháp hỗ trợ về vốn, do hiện nay nhiều doanh nghiệp không tránh khỏi tình trạng nợ xấu hoặc thiếu tiêu chuẩn tiếp cận nguồn vốn vay...

Trong những tháng cuối năm, việc cần nhất là phải mở được thị trường quốc tế, hồi phục các chính sách visa như trước dịch, tạo điều kiện đi lại thuận lợi cho du khách quốc tế đến VN.

2025: Du lịch VN thuộc nhóm 3 nước dẫn đầu Đông Nam Á

Chiến lược phát triển du lịch VN đến năm 2030 xác định mục tiêu: Đến năm 2025, VN trở thành điểm đến hấp dẫn, phấn đấu thuộc nhóm ba quốc gia dẫn đầu về phát triển du lịch khu vực Đông Nam Á và trong nhóm 50 quốc gia có năng lực cạnh tranh du lịch hàng đầu thế giới. Đến năm 2030, VN thuộc nhóm 30 quốc gia có năng lực cạnh tranh du lịch hàng đầu thế giới.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận