TTCT - Bảo vệ quyền riêng tư dữ liệu, viên ngọc sáng nhất trên chiếc vương miện quy tắc và luật lệ của EU, đang bị đe dọa bởi một tác nhân vấy bẩn vô hình - virus corona. Ảnh: The EconomistNếu Liên minh châu Âu (EU) có một tôn giáo chung chính thức thì đó chính là quyền riêng tư (privacy). Các quan chức và chính trị gia EU, như một linh mục sùng đạo, sẽ giảng rằng chỉ có đạo luật bảo vệ quyền riêng tư mới có thể dẫn đến sự cứu rỗi.EU cũng tin rằng cả thế giới nên noi theo những điều đúng đắn từ thánh kinh của tôn giáo này, chẳng hạn GDPR, Luật bảo vệ quyền riêng tư dữ liệu nổi tiếng, được EU thông qua tháng 5-2018. Trên thực tế các công ty công nghệ muốn làm ăn ở EU đều phải tuân thủ những điều răn trong GDPR, bởi vi phạm sẽ bị trừng phạt bằng tiền (4% doanh thu toàn cầu).Tờ The Economist ngày 25-4 đã dùng lối ví von như trên chỉ để nói rằng đức tin vào sự thiêng liêng quyền riêng tư dữ liệu của EU đang bị thách thức trong thời COVID-19, khi các hình thức theo dõi công dân khác nhau được nhiều quốc gia áp dụng như một trong những biện pháp kiểm soát dịch bệnh.Tôn thờ quyền riêng tưNgay cả những người tôn thờ quyền riêng tư dữ liệu giờ đây cũng thấy đức tin lung lay. Chẳng hạn, Thủ tướng Áo Sebastian Kurz có quá nhiều băn khoăn: “Liệu đó có là sự đánh đổi? Điều gì quan trọng hơn: bảo vệ riêng tư dữ liệu hay người dân có thể trở lại bình thường? Bảo vệ dữ liệu hay cứu mạng người?”.Ngay cả các chính trị gia Đức, vốn là người “sùng đạo” nhất theo lối ví von của The Economist, cũng đã gia nhập nhóm chất vấn lại đức tin. Bộ trưởng Y tế Đức Jens Spahn đã đề xuất nên theo dõi điện thoại của dân để kiểm soát virus corona, song sau đó phải rút lại tuyên bố vì bị “ném đá”. Đề xuất ban đầu của bà bộ trưởng được ví như “Giáo hoàng bắt đầu bài giảng bằng cách thừa nhận có lẽ Martin Luther (nhà cải cách tôn giáo từng công khai thách thức quyền lực của Giáo hoàng hồi thế kỷ 16) cũng có lý”.Trong khi đó, ở những nơi “ngoại đạo”, nhiều biện pháp theo dõi công dân đã được áp dụng trong thời dịch bệnh, chẳng hạn Hong Kong yêu cầu người nhập cảnh phải đeo vòng tay theo dõi, Israel cho cơ quan tình báo giám sát người nghi nhiễm virus, Hàn Quốc tra cứu mọi thông tin có thể, từ hóa đơn taxi đến giao dịch thẻ tín dụng, để tìm người nhiễm.EU đang tìm cách vạch ranh giới giữa an toàn và giám sát và liệu liên minh này có bước chệch khỏi con đường vốn được tin là đúng đắn hay không là một câu hỏi chính trị, chứ không phải pháp lý, theo The Economist.Trên thực tế, xét về pháp lý, luật về riêng tư dữ liệu ở EU cũng quy định rõ các trường hợp ngoại lệ, chẳng hạn khi xảy ra khủng hoảng sức khỏe cộng đồng. Nhưng điều đó không có nghĩa là thoải mái sử dụng dữ liệu công dân: luật cũng ghi rõ chỉ được sử dụng dữ liệu đủ mức cần thiết và dừng ngay khi khủng hoảng kết thúc.Hạ hồi phân giảiEduardo Ustaran, luật sư Hãng luật Hogan Lovells, cho rằng luật riêng tư dữ liệu của châu Âu trong đại dịch “giống như dây an toàn hơn là thắng tay”. Các chính phủ vẫn có thể đến nơi cần đến, tức đạt được mục đích, mà có ít nguy cơ gặp tai nạn thảm khốc trên đường đi, chẳng hạn hồ sơ sức khỏe công dân bị tung lên mạng.Nhưng rốt cuộc chính các công dân châu Âu, chứ không phải giới luật sư, sẽ quyết định can thiệp riêng tư dữ liệu đến mức nào thì phù hợp. Đa số chính phủ châu Âu đang thử dùng các ứng dụng truy vết trên smartphone, giúp cảnh báo người dùng nếu họ từng tiếp xúc với người mắc COVID-19. Nhưng những app như vậy chỉ phát huy tác dụng nếu có số lượng người dùng đủ lớn. Giải pháp công nghệ dù hay ho đến mức nào cũng vô giá trị nếu không có được sự đồng thuận từ đại chúng.Một số chính phủ khác không dừng lại ở việc khuyến khích dân cài ứng dụng theo dõi. Chẳng hạn, Ba Lan dùng app để kiểm soát việc bắt buộc cách ly - người dân phải chụp ảnh selfie gửi về hệ thống mỗi ngày để chứng minh họ đang ở yên trong nhà. Từ câu chuyện Ba Lan có thể thấy đại dịch COVID-19 khiến cho lần đầu tiên những người dân EU sùng kính quyền riêng tư dữ liệu phải tự gánh lấy tổn hại, chứ không phải các doanh nghiệp.Trong thời gian dịch bệnh, người ta đã bằng lòng, hoặc đôi khi miễn cưỡng, ở yên trong nhà hàng tuần liền, tự từ bỏ sự tự do. Điều này gần giống như quản thúc tại gia và có thể khiến nhiều người cảm thấy từ bỏ quyền riêng tư để đổi lấy tự do là lựa chọn hấp dẫn.Trước COVID-19, cử tri EU chưa từng phải đối mặt với những lựa chọn như vậy. EU vẫn luôn kiên trì thúc đẩy việc bảo vệ quyền riêng tư dữ liệu, đối đầu với sự phản đối của các tập đoàn khổng lồ. Các chính trị gia ủng hộ riêng tư dữ liệu tin rằng sẽ được lòng công chúng vì đã đứng ra bảo vệ riêng tư cho họ.Với người dân châu Âu, đặt các hệ quả của virus corona vào vấn đề bảo vệ quyền riêng tư sẽ làm cuộc tranh luận dễ hình dung hơn. Theo cựu ngoại trưởng phụ trách vấn đề châu Âu của Bồ Đào Nha Bruno Maçães, công chúng sẽ soi kỹ bất kỳ sự đánh đổi nào giữa sức khỏe và quyền riêng tư, cũng giống như thế cân bằng giữa tự do và chống khủng bố đã phải thay đổi.Với các nhà hoạch định chính sách châu Âu, giờ là thời khắc hồi hộp chờ xem gió có xoay chiều hay không. Họ sẽ phải quan sát tình hình ở những nơi khác, với các thể chế chính phủ khác nhau, xem hiệu quả của việc kiểm soát COVID-19 đến đâu. Nếu những nơi không coi trọng quyền riêng tư bằng EU mà lại có kết quả chống dịch bệnh tốt hơn, những người tôn sùng quyền riêng tư sẽ phải tự nghi ngờ chính mình và tham vọng cao cả của họ về quyền riêng tư cũng có thể phải xếp xó.Đại dịch vẫn chưa chấm dứt, và cả thế giới cũng có thể cùng quan sát canh bạc của EU và các nước có biện pháp theo dõi công dân gắt gao. Nếu kết quả cuối cùng quá chênh lệch, ngay cả những sứ đồ mộ đạo nhất ở EU cũng khó mà giữ được lòng tin. Cũng là hạ hồi phân giải vậy.■ Tags: EUĐại dịchCOVID-19Quyền riêng tưBảo mậtQuyền riêng tư dữ liệuGDPR
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Người dân TP.HCM cần chú ý 31 điểm sạt lở nguy hiểm THẢO LÊ 22/11/2024 UBND TP.HCM vừa công bố danh mục 31 vị trí sạt lở bờ sông, kênh, rạch nguy hiểm và đặc biệt nguy hiểm năm 2024.
VTV lên tiếng vụ xe biển xanh vượt 2 ô tô làm xe tải đi chiều ngược lại lao xuống cống HỒNG QUANG 22/11/2024 'Đài truyền hình Việt Nam lấy làm tiếc về sự việc nghiêm trọng này và sẽ chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng cùng gia đình tài xế xe tải để giải quyết vụ việc theo đúng tinh thần thượng tôn pháp luật', VTV thông tin.
Đình chỉ nhiều kiểm toán viên, có cả ‘phó tổng’ từng ký báo cáo tài chính SCB BÌNH KHÁNH 22/11/2024 Một số kiểm toán viên thuộc các công ty nổi tiếng như Ernst & Young Việt Nam, KPMG vừa bị đình chỉ đến hết năm 2024. Ngoài ra, Kiểm toán DFK Việt Nam và Moore AISC cũng có kiểm toán viên bị đình chỉ.
Bà Tôn Ngọc Hạnh trở thành bí thư Tỉnh ủy trẻ nhất cả nước A LỘC 22/11/2024 Bà Tôn Ngọc Hạnh, 44 tuổi, được điều động, chỉ định làm tân bí thư Tỉnh ủy Bình Phước và là bí thư Tỉnh ủy trẻ nhất cả nước hiện nay.