TTCT - Trong y khoa, phòng bệnh luôn là vấn đề được quan tâm hàng đầu. Với bệnh tim mạch cũng vậy, ngăn ngừa bệnh hoặc phát hiện bệnh sớm là điều hết sức cần thiết để chống lại nhóm bệnh nguy hiểm này. Mỗi ngày dành 30 phút tập thể thao là cách phòng ngừa tốt cho tim. Ảnh: L.N.M. Trên Internet có một câu chuyện được nhiều người chia sẻ: Chuyện kể rằng Biển Thước, một trong tứ đại danh y cổ đại Trung Hoa, có hai người anh cũng làm nghề y. Mặc dù Biển Thước nổi tiếng nhất nhưng ông lại cho rằng anh cả giỏi nhất, anh hai thứ nhì, còn mình thuộc hạng thấp hơn. Khi được hỏi tại sao, ông giải thích: “Đại ca chữa bệnh ngay khi bệnh chưa hình thành. Nhị ca phát hiện và chữa bệnh khi bệnh mới phát. Do đó, người ta cho rằng hai anh ấy chỉ chữa được các bệnh nhẹ. Còn ta chữa khỏi bệnh khi bệnh nặng, người bệnh đang đau khổ, tính mạng bị đe dọa, nên vì vậy ta nổi tiếng hơn. Ngẫm lại, cách trị bệnh của đại ca không làm tổn thương nguyên khí của người bệnh, cách của nhị ca chỉ để người bệnh tổn thương một chút nguyên khí. Còn ta, cứu được mạng người nhưng nguyên khí bị hao hụt mất rồi”. Không rõ về tính xác thực nhưng nội dung câu chuyện lại rất tương đồng với quan điểm của y học hiện đại về phòng ngừa bệnh. Phòng ngừa là những biện pháp giúp duy trì sức khỏe và ngăn ngừa bệnh tật bằng cách loại bỏ hoặc giảm thiểu các yếu tố nguy cơ, chẩn đoán bệnh sớm và hạn chế các biến chứng của bệnh. Phòng ngừa bao gồm ba loại: - Phòng ngừa nguyên phát (primary prevention): Đây là các hành động để ngăn ngừa bệnh tật xảy ra, không để bệnh hình thành (anh cả của Biển Thước đã áp dụng phòng ngừa nguyên phát). - Phòng ngừa thứ phát (secondary prevention): Đây là các hành động nhằm phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm, từ đó ngăn chặn hoặc trì hoãn diễn tiến của bệnh (anh hai của Biển Thước đã áp dụng phòng ngừa thứ phát). - Phòng ngừa cấp ba (tertiary prevention): Được áp dụng khi bệnh đã hình thành, bao gồm các biện pháp để giảm thiểu ảnh hưởng của bệnh, chẳng hạn như bệnh nhân sau đột quỵ cần tập vật lý trị liệu để hồi phục các chức năng... Phòng ngừa nguyên phát bệnh tim mạch Chiến lược phòng ngừa nguyên phát bệnh lý tim mạch chủ yếu là xác định các yếu tố nguy cơ tim mạch và áp dụng lối sống lành mạnh. Các yếu tố nguy cơ tim mạch chính yếu và có thể thay đổi được bao gồm: tăng huyết áp, rối loạn chuyển hóa mỡ máu, đái tháo đường, hút thuốc, thói quen ít vận động, thừa cân. Để xác định các yếu tố nguy cơ này, người bệnh sẽ được đo huyết áp, cân nặng, xét nghiệm nồng độ mỡ máu, đường huyết... (xem box). Nếu mắc yếu tố nguy cơ tim mạch nào, cần điều trị và thay đổi lối sống để loại bỏ các yếu tố nguy cơ đó nhằm ngăn ngừa bệnh tim mạch xảy ra. Việc áp dụng lối sống lành mạnh là chiến lược hiệu quả và hữu ích mà mỗi người đều có thể chủ động thực hiện để phòng ngừa bệnh tim mạch. Hội Tim mạch Mỹ đề ra bảy quy tắc sống tốt cho tim mạch, bao gồm: (1) kiểm soát huyết áp, (2) kiểm soát đường huyết, (3) kiểm soát nồng độ mỡ máu, (4) không hút thuốc, (5) áp dụng chế độ ăn lành mạnh, (6) thường xuyên vận động, (7) tránh để thừa cân. - Trong chế độ ăn hằng ngày, lượng muối ăn vào của người lớn nên ít hơn 2,3gr (khoảng một muỗng cà phê) và của người tăng huyết áp nên ít hơn 1,5gr. Cần giảm lượng cholesterol trong khẩu phần ăn xuống dưới 300 mg/ngày với người lớn sức khỏe bình thường và dưới 200 mg/ngày với người có nhiều yếu tố nguy cơ tim mạch hoặc mắc bệnh tim mạch. Nên ăn nhiều thức ăn từ các nguồn thực vật như trái cây, rau củ, đậu, hạt... Đồ ngọt có nhiều đường và chất béo bão hòa nên chỉ dùng một vài lần trong một tuần. Hội Tim mạch Mỹ khuyến cáo người bình thường nên vận động ở cường độ trung bình ít nhất 150 phút/tuần, hoặc 75 phút/tuần nếu vận động với cường độ nặng. Đơn giản hơn, cứ nhớ rằng nên tập thể dục 30 phút/ngày trong ít nhất 5 ngày trong tuần. Cũng có thể chia ra, tập 2-3 lần/ngày, mỗi lần 10-15 phút. Việc tập luyện thường xuyên, đều đặn là yếu tố quan trọng để đạt được hiệu quả tốt. Phòng ngừa thứ phát bệnh tim mạch Phòng ngừa thứ phát chính là việc chủ động tầm soát bệnh nhằm phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm để có thể điều trị hiệu quả. Khi xác định các yếu tố nguy cơ tim mạch của người bệnh, bác sĩ biết được nguy cơ mắc bệnh tim mạch của họ là thấp, trung bình hay cao..., từ đó, nếu cần thiết sẽ làm xét nghiệm tầm soát các bệnh tim mạch và bệnh mạch vành (nếu động mạch vành bị hẹp, tắc sẽ đưa đến thiếu máu cơ tim, nhồi máu cơ tim). Có thể thực hiện các xét nghiệm đo điện tâm đồ, siêu âm tim, điện tâm đồ gắng sức, siêu âm tim gắng sức, chụp CT scan mạch vành hoặc thậm chí là chụp mạch vành... Việc xác định các yếu tố nguy cơ tim mạch (xem box) cũng giúp phát hiện các bệnh lý như tăng huyết áp, đái tháo đường. Bệnh động mạch chủ có thể đưa đến các biến chứng như phình, bóc tách, vỡ... Những đối tượng nên tầm soát bệnh động mạch chủ là nam giới trên 60 tuổi có tiền sử hút thuốc hoặc những người có người cùng huyết thống gần gũi nhất (anh em ruột, cha mẹ) bị bệnh lý động mạch chủ. Những người mắc bệnh mô liên kết, hội chứng Marfan cũng cần tầm soát bệnh động mạch chủ. Các xét nghiệm như chụp X-quang ngực thẳng, siêu âm tim, siêu âm bụng, chụp CT scan có cản quang... giúp tầm soát, chẩn đoán và đánh giá tổn thương. Động mạch cảnh là động mạch nuôi não và vùng đầu mặt. Khi động mạch cảnh bị hẹp, tắc sẽ đưa đến thiếu máu não hay đột quỵ. Việc tầm soát bệnh động mạch cảnh được khuyến cáo cho người có bệnh lý mạch máu (bệnh động mạch ngoại biên, bệnh mạch vành, xơ vữa động mạch chủ...) hoặc có ít nhất hai yếu tố nguy cơ của đột quỵ (tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn chuyển hóa mỡ máu, hút thuốc...) hoặc trên 55 tuổi và có một yếu tố nguy cơ của đột quỵ... Phương tiện dùng để tầm soát là siêu âm Doppler động mạch cảnh, một xét nghiệm thực hiện đơn giản, nhanh chóng và không gây hại cho người bệnh. Một số trường hợp như gia đình có người đột tử ở tuổi trẻ, vận động viên thi đấu chuyên nghiệp, có các triệu chứng gợi ý đến bệnh tim mạch (đau thắt ngực, khó thở liên quan gắng sức, ngất, hồi hộp đánh trống ngực...) cũng cần được tầm soát bệnh lý tim mạch.■ Về xét nghiệm tầm soát, từ 20 tuổi bắt đầu nên làm bộ xét nghiệm mỡ máu (cholesterol toàn phần, LDL cholesterol, HDL cholesterol, triglyceride. Mỗi 5 năm cho người không có nguy cơ. Kiểm tra thường xuyên hơn nếu cholesterol toàn phần > 200 mg/dL, nam trên 45 tuổi, nữ trên 50 tuổi; HDL cholesterol < 40 mg/dL (nam) và HDL cholesterol < 50 mg/dL (nữ)). Huyết áp, kiểm tra khi khám bệnh hoặc ít nhất mỗi 2 năm (nếu huyết áp < 120/80 mgHg). Với người trên 45 tuổi, kiểm tra đường huyết mỗi 3 năm. Trên 20 tuổi, nên theo dõi chỉ số khối cơ thể (BMI), chu vi vòng eo khi cần đánh giá nguy cơ tim mạch và thảo luận với bác sĩ về việc hút thuốc, hoạt động thể lực, chế độ ăn... Tags: Tim mạchPhòng ngừa bệnh timĐừng đợi
PGS.TS.BS Nguyễn Thị Bay: Cần làm sáng tỏ y học cổ truyền bằng nghiên cứu khoa học bài bản NGUYỄN THỊ NGỌC HẢI (THỰC HIỆN) 11/12/2024 2207 từ
Chàng lái xe công nghệ ngoài hành tinh, xịt khói giữa chợ và bay về trời... NGUYỄN NGỌC THUẦN 10/12/2024 3389 từ
Việt Nam tái ứng cử Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc nhiệm kỳ 2026 - 2028 THANH HIỀN 13/12/2024 Lễ công bố Việt Nam tái ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc nhiệm kỳ 2026 - 2028 được tổ chức vào dịp kỷ niệm Ngày Nhân quyền quốc tế, thu hút sự quan tâm của các phái đoàn thường trực và quan sát viên tại LHQ.
Người đàn ông kể lại giây phút 'thót tim' cứu em nhỏ khỏi điểm mù xe tải HỒNG QUANG 13/12/2024 Dù nhiều người gọi là "người hùng", anh Tiến Anh chỉ cho rằng ai trong hoàn cảnh đó cũng sẽ hành động như vậy, bởi "đơn giản là dành sự quan tâm đặc biệt với trẻ em".
Xúc phạm chồng, một phụ nữ tại Quảng Bình bị phạt 7,5 triệu đồng QUỐC NAM 13/12/2024 Vì xúc phạm danh dự, nhân phẩm của chồng, bà T.T.M.H. tại TP Đồng Hới, Quảng Bình bị xử phạt hành chính mức 7,5 triệu đồng.
Khởi tố, bắt tạm giam bị can đánh cô gái tới tấp sau va quẹt giao thông ở quận 4 MINH HÒA 13/12/2024 Ngày 13-12, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an quận 4 (TP.HCM) đã ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam Bùi Thanh Khoa về tội cố ý gây thương tích vì đánh cô gái sau va quẹt giao thông ở quận 4.