Festival: Đừng “no dồn đói góp”…

CÁT KHUÊ 10/05/2016 18:05 GMT+7

TTCT - Náo nức Festival Huế, hồ hởi với Festival hoa Đà Lạt, hân hoan chờ Festival pháo hoa Đà Nẵng…, Việt Nam có vẻ đang là cường quốc festival? TTCT trò chuyện với đạo diễn Nguyễn Việt Tú - người từng làm tổng đạo diễn của nhiều lễ hội, sự kiện lớn - về cách thức, mô hình, không khí festival Việt Nam hiện tại…

Các nghệ sĩ của Đoàn nghệ thuật L'homme Debout (Pháp) đã khuấy động đường phố Huế bằng chú rối khổng lồ Liédo cao 7,5m-Minh Tự
Các nghệ sĩ của Đoàn nghệ thuật L'homme Debout (Pháp) đã khuấy động đường phố Huế bằng chú rối khổng lồ Liédo cao 7,5m-Minh Tự

Anh có quan tâm đến một trong những festival lớn nhất của Việt Nam hiện tại: Festival Huế? Festival năm nay của Huế dường như đúng thời điểm có quá nhiều sự kiện chính trị xã hội đáng quan tâm nên có vẻ sự chú ý bị mờ nhạt cho đến khi có trình diễn cá (nghệ sĩ ngậm cá sơn trắng đi qua cầu và trên phố) thì lập tức được chú ý bởi cá đang là một từ được quan tâm đặc biệt?

- Festival Huế là một hoạt động văn hóa đáng chú ý của Việt Nam. Sức nóng của Festival Huế kỳ này không được như kỳ trước có yếu tố khách quan là ảnh hưởng bởi các tin tức thời sự đáng quan tâm hơn, chủ quan thì tôi cho rằng đến từ phần nội dung chưa có những nét đột phá.

Tôi có đọc tin tức về màn trình diễn cá, tôi cho rằng màn trình diễn này mang tính “a dua theo sự kiện” hơn là một tác phẩm trình diễn có ý nghĩa thật sự và được đầu tư công phu, không phải vì màn trình diễn này mà Festival Huế năm nay được chú ý nhiều hơn hay ít đi.

Điều đáng tiếc nhất của Festival Huế 2016 với cá nhân tôi là không hiểu vì lý do nào đó mà không có màn trình diễn của ba tên tuổi hàng đầu của thế giới âm nhạc đương đại: Kitaro, Yanni, DJ Tiesto... như đã thông báo trước đó.

Hình như không ít lần anh từng kể ở những nơi khác nhau tại Việt Nam hoặc trên thế giới, nghệ thuật đương đại đã được xử lý tốt ra sao để nhuần nhuyễn với không khí festival vốn không thể thiếu du khách mà cũng không làm cho người địa phương chưng hửng, ngỡ ngàng?

- Lâu nay ta vẫn có thói quen mà tôi cho rằng không nên lắm, là soi chiếu ra bên ngoài để đánh giá ngược lại các hoạt động văn hóa của chúng ta.

Theo tôi, không có công thức nhất định nào để thành công với một festival, nhất là trong hoàn cảnh của Việt Nam.

Festival phải là một lễ hội của mọi người, của cộng đồng người dân ở đó. Dù là nghệ thuật gì, trình diễn, âm nhạc, cắm hoa hay ẩm thực, nó phải mang lại niềm vui cho mọi người, sự hứng khởi cho cộng đồng, làm họ thăng hoa sống trong những cảm xúc thân thiện đẹp đẽ.

Festival thành công là festival trở thành một biểu tượng văn hóa, tự hào của người dân, của cộng đồng vì từ đó họ mới có thể huy động được sức mạnh của cả cộng đồng để làm nên ngay cả những điều điên rồ đẹp đẽ nhất. Như Roskilde của Đan Mạch, trong 120.000 khán giả tới dự thì có gần 1/3 là tình nguyện viên, chỉ có nghệ sĩ được trả lương (cao), còn lại toàn bộ êkip và mọi người làm việc ở đó đều là tình nguyện viên.

Sẽ rất khó giải thích cho những ai chưa từng đến và thưởng thức một festival đúng nghĩa là như thế nào bởi niềm hạnh phúc được chia sẻ những điều đẹp đẽ, niềm vui khi thấy cuộc sống tươi đẹp bên những con người nhân ái... sẽ làm họ nhớ tới nhiều hơn, mọi thứ ở đó trở nên đẹp hơn.

Khán giả sẽ luôn mong được trở lại nơi đó bởi những kỷ niệm in dấu sâu trong tâm trí. Đừng địa phương hóa và lấy những mùi vị lạ của địa phương để mong hài lòng du khách bởi cái sự “lạ” rồi sẽ qua đi rất nhanh, mỗi festival phải có ngôn ngữ chung của nhân loại, có tiếng nói và hơi thở của thời đại, giữ được du khách ở lại với một không gian trình diễn ngoài trời luôn là một thách thức và là cả một nghệ thuật.

Nhạc sĩ Quốc Trung (nhà sản xuất của Monsoon Festival)

Tôi cho rằng Festival Huế đã trở thành một thương hiệu với cách làm riêng không thể trộn lẫn, có được giá trị riêng. Festival Huế, Liên hoan pháo hoa tại Đà Nẵng là hai sự kiện văn hóa đạt chuẩn, nghĩa là một hoạt động văn hóa xã hội được tổ chức thường niên, duy trì được sự đầu tư và chất lượng, quan trọng nhất là có nội dung gắn liền với vùng đất, mỗi kỳ đều thu hút nhiều du khách trong nước - quốc tế, qua đó quảng bá thêm được về đất nước, con người Việt Nam với quốc tế.

Việc kết hợp giữa nghệ thuật đương đại với văn hóa bản địa không phải là một công thức, cũng không phải là việc bắt buộc, mục đích cuối cùng là làm văn hóa và du lịch. Trong các sự kiện này, người dân địa phương đóng một vai trò chủ đạo, sự hòa nhập của họ vào sự kiện, trách nhiệm của họ với sự kiện đó một cách tự thân sẽ góp phần làm cho hình ảnh địa phương nơi tổ chức sự kiện, đất nước và con người Việt Nam vì thế trở nên đẹp và đáng nhớ hơn.

Philippe Bouler - đạo diễn sản xuất đầu tiên của Festival Huế - có nói một ý rằng tranh cãi đã là thành công và “Việt Nam đang phải trả lời câu hỏi này khi đứng giữa một bên là truyền thống và một bên là hiện đại”. Theo anh, cách tổ chức festival ở Việt Nam đã cân bằng được truyền thống với hiện đại chưa?

- Không có công thức bắt buộc nào trong cách thức tổ chức một festival, chúng ta cũng không phải chọn giữa đương đại hay truyền thống vì nhiều kỳ Festival Huế đã chứng minh hai yếu tố này có thể cùng phát triển hài hòa.

Đạo diễn Trương Nghệ Mưu có nói về những hoạt động văn hóa của ông khi vướng phải những tranh luận tương tự: những sự kiện văn hóa Trương Nghệ Mưu từng thực hiện là dân tộc hay đương đại, ông trả lời:

dân tộc là thế giới, ngôn ngữ văn hóa dân tộc mang tính nhân loại và thời đại không phải bàn cãi, đó là lý do tại sao trải qua rất nhiều biến động về địa chính trị, không gian, thời gian, văn hóa dân tộc vẫn luôn trường tồn và là cảm hứng để bất kỳ nghệ sĩ nào muốn có được sự nhận diện riêng trên bản đồ nghệ thuật thế giới vẫn luôn phải có trong hành trang của mình.

Cũng phải thừa nhận chính festival đã “đánh thức” Huế, vì nếu không có festival thì lăng tẩm ngàn đời của cố đô này có vẻ chỉ là điểm đến của du khách hoài cổ. Đây có thể coi là mẫu số chung của lý do các festival địa phương ra đời?

- Không dễ gì có được một Festival Huế, nhìn trên mọi góc độ rõ ràng đây là một trong những festival văn hóa hàng đầu mà chúng ta đã có được, nó góp phần không nhỏ không chỉ “đánh thức” Huế mà còn tạo ra rất nhiều sự chú ý của quốc tế với đất nước và con người Việt Nam.

Các festival khác của Việt Nam đâu đó có thể cùng mục đích với Festival Huế nhưng cách tổ chức chủ yếu giống như carnival (lễ hội diễu hành) hơn là một festival văn hóa đúng nghĩa, cách tổ chức lặp lại về nội dung và hình thức từ năm này qua năm khác dẫn đến sự nhàm chán, thiếu chiều sâu, không thu hút được sự chú ý của dư luận như Festival Huế đã đạt được.

Càng ngày chúng ta càng thấy rằng văn hóa quan trọng như thế nào với đời sống chính trị, xã hội, làm văn hóa không hề dễ dàng nếu thật sự muốn chạm vào trái tim của mọi người, chưa kể ảnh hưởng mà văn hóa có thể mang lại cho mỗi đất nước, gồm cả khía cạnh kinh tế.

Hãy nhìn những mô hình văn hóa rất thành công của đất nước châu Á không xa lạ với chúng ta để thấy được sự soi chiếu về hiệu quả của văn hóa và cách làm văn hóa một cách bài bản: Làn sóng văn hóa Hàn Quốc.

 

 

Lấy ví dụ Festival hoa Đà Lạt, có lẽ không phải nhờ festival người ta mới biết Đà Lạt có nhiều hoa. Nhưng Festival hoa Đà Lạt không ít lần làm du khách khiếp đảm vì “tả tơi xem hội” mà hiệu quả lại chưa như ban tổ chức kỳ vọng. Chê thì dễ, nhưng cách nào, theo anh, để festival cân bằng giữa hiệu quả quảng bá du lịch và văn hóa bản địa?

- Nói đến hoa, ta có thể nhắm mắt đọc vanh vách hai festival hoa nổi tiếng thế giới: Festival hoa tulip của Hà Lan, mùa hoa anh đào nở của Nhật Bản, chưa kể mùa hoa lavender ngút ngàn Provence của Pháp hằng năm mang lại không biết bao nhiêu tiền của cho địa phương và đất nước sở hữu những tài sản vô giá đó.

Theo tôi, việc một festival hay bất kỳ sự kiện nào nếu không thành công là lỗi của ban tổ chức. Nhìn các kỳ festival, ta có thể thấy tồn tại tình trạng mạnh ai nấy làm, không hề có một chiến lược bài bản, có hoạch định, đó là lý do tại sao các festival bị rơi vào tình trạng “no dồn đói góp”.

Nếu làm festival với mục đích chính là quảng bá văn hóa bản địa để thu hút khách du lịch, ban tổ chức cần ngồi lại với các đại lý du lịch cùng nhau hoạch định kế hoạch, chiến lược từ quảng bá đến tour tuyến, chính sách giá, năm nào, trọng tâm vào cái gì, từ đó đưa ra cách thức tổ chức phù hợp.

Hiện tại hình như tổ chức festival đang là phong trào, người người nhà nhà đều làm festival, nếu không có festival dường như có cảm giác sẽ không hợp thời, trong khi việc tổ chức festival theo cách tràn lan nhưng ít có điểm nhấn như hiện nay chỉ thay mỗi câu chuyện địa phương vào cách dàn dựng là ra festival, dẫn đến việc du khách bị dàn trải, nhàm chán với các điểm đến.

Đồng tiền nào thì cũng là tiền, tiêu một đồng phải đắn đo suy nghĩ. Tôi nghĩ dù thế nào cũng cần đặt quyền lợi của vùng đất nơi tổ chức sự kiện lên hàng đầu, sự kiện đó có thành công, đúng ý nghĩa thì sự thành công mới lan tỏa đến tất cả, gồm cả doanh nghiệp tài trợ cho sự kiện.■

Với festival, khán giả và du khách là quan trọng nhất, vì vậy mức độ hài lòng của họ chính là thước đo thành công. Dù nguồn tiền từ đâu thì cũng phải đạt được mục tiêu đó mới coi là thành công.

Hài lòng ở đây không chỉ là những hình thức và các sự kiện hấp dẫn của festival dù điều này là quan trọng nhất để kéo du khách đến, mà còn là những dịch vụ xung quanh đó hoàn hảo và đồng bộ để làm cho họ lưu luyến trước khi đi và muốn quay lại, ví dụ chuyện dịch vụ ăn ở, đi lại, giá cả, thái độ phục vụ, khả năng ứng phó với tình huống, sự hướng dẫn chu đáo, mạch lạc, an ninh an toàn...

Nếu cả địa phương và các đối tác tài trợ đều hiểu khán giả là quan trọng nhất thì họ phải biết tự “cân đối” trong ý thức và đòi hỏi của mình. Không thể bỏ ít mà đòi nhiều hoặc quảng bá thương hiệu của nhà tài trợ rầm rộ hơn cả chủ đề festival. Đó chính là ý thức, văn hóa của nhà tài trợ và khả năng thuyết phục, dàn xếp của nhà tổ chức.

Festival của địa phương dù quy mô thế nào và mục đích, loại hình gì thì đầu tiên nó phải có cá tính, tức là tính độc đáo không thể trộn lẫn của festival hay địa phương đó.

Việc tìm ra và xây dựng cá tính riêng của festival sẽ tạo nên thương hiệu của festival đó và sự hấp dẫn cũng như cách tổ chức chu đáo sẽ tạo uy tín cho thương hiệu đã gầy dựng được. Cùng là festival biển nhưng Nha Trang phải khác Hạ Long hay Đà Nẵng...

Nếu các nhà tổ chức địa phương vẫn chỉ coi trọng và dồn phần lớn tiền bạc vào buổi lễ khai mạc dài hai tiếng để khoe trên truyền hình trực tiếp để rồi sau đó không có hoạt động gì đáng kể hơn cho du khách tại chỗ trong những ngày còn lại thì hình thức đó vẫn mang nặng tính “bao cấp” và không thực chất.

Như vậy càng tạo điều kiện cho các nhà tài trợ chỉ nhăm nhăm khoe logo lên sân khấu và màn hình tivi hơn là tính văn hóa và thẩm mỹ, và trên hết là cá tính và sự độc đáo của một festival.

Đạo diễn Phạm Hoàng Nam

 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận