Giải bài toán đào tạo nghề và đại học

NGUYỄN HỮU THÁI 30/10/2007 21:10 GMT+7

TTCT - Với một trường dạy nghề bắt đầu hoạt động và một đại học đang hình thành, Bà Rịa - Vũng Tàu có thể đem lại lời giải cho việc tìm kiếm mô hình các trường dạy nghề và trường đại học có thực chất và hiệu quả.

Phóng to
Trường Hồng Lam
TTCT - Với một trường dạy nghề bắt đầu hoạt động và một đại học đang hình thành, Bà Rịa - Vũng Tàu có thể đem lại lời giải cho việc tìm kiếm mô hình các trường dạy nghề và trường đại học có thực chất và hiệu quả.

Đầu ra thiết thực cho trường trung cấp nghề

Trường Hồng Lam, bắt đầu hoạt động tại Tân Thành, Bà Rịa - Vũng Tàu, nằm giữa một khu công nghiệp tập trung nhiều xí nghiệp của cả trong lẫn ngoài nước, cần lao động có tay nghề cao. Đây là mô hình đào tạo nghề “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, rất phù hợp với chính sách xã hội hóa giáo dục - đào tạo hiện nay: cơ sở trường do Sở LĐ-TB&XH xây rồi cho thuê lại, doanh nhân đứng ra chủ động quản lý và hoạt động.

Mục tiêu đào tạo khá rõ ràng: đa số tốt nghiệp sẽ làm việc trong các khu công nghiệp tại chỗ hoặc trong vùng, một số sẽ tham gia chương trình xuất khẩu lao động. Bước đầu chỉ học bốn ngành: điện, điện lạnh, hàn và cơ khí ôtô. Tương lai sẽ thêm ngành xây dựng và y tế, là hai nghề đang có yêu cầu cao ở các nước.

Đầu ra hầu như đã được giải quyết, do trường có kế hoạch hợp tác chặt chẽ với các xí nghiệp trong khu vực, cho phép học viên thực tập khi còn học và ưu tiên tuyển dụng họ khi ra trường. Điều hấp dẫn là trường có các đối tác Úc vừa hỗ trợ việc đào tạo giáo viên vừa huấn luyện học viên mới, bảo đảm tìm nguồn việc làm bên ngoài.

Còn vấn đề đầu vào? Đây là bài toán mà cả gia đình học viên lẫn nhà trường, chính quyền địa phương cùng nhau giải quyết. Học phí hiện nay có vẻ cao so với một vùng nghèo, nhưng bù lại, khi tốt nghiệp học viên sẽ nhanh chóng thu lại vốn bỏ ra chỉ sau một thời gian ngắn làm việc. Điều này đặc biệt thuận lợi đối với người được tuyển dụng vào các xí nghiệp trong vùng hoặc tham gia chương trình xuất khẩu lao động. Ngoài ra học viên nghèo còn được vay vốn học tập theo chính sách mới của Nhà nước, một số nhận được học bổng...

Muốn hình thành được một cơ sở đào tạo nghề như vậy đòi hỏi có sự hợp tác của nhiều bên cũng như phụ thuộc một số yếu tố. Một mặt, chính quyền địa phương quan tâm và có kế hoạch đào tạo tay nghề cho thanh niên, chủ động hỗ trợ cơ sở vật chất. Doanh nhân mở trường phải có ý thức cao về giáo dục, có thiện ý và nhất là có khả năng tài chính, quan hệ rộng cả trong lẫn ngoài nước. Đầu tư vào giai đoạn đầu là khá lớn và quyết định sự thành bại của trường.

Chủ đầu tư Trường Hồng Lam là một nhà doanh nghiệp Việt kiều Úc, có tâm huyết và khả năng tài chính. Quản lý trường cũng là một nhà giáo dục có tay nghề cao từ nước ngoài về. Tất cả vấn đề còn lại là quyết tâm của người học nghề.

Mô hình đào tạo đại học nhiều triển vọng

Phóng to
Khu nội trú của Trường Hồng Lam
80% chi phí điều hành của hầu hết các đại học tư thục hiện nay ở nước ta dựa trên nguồn học phí và tính chất kinh doanh là khá rõ. Không có đại học nghiêm chỉnh nào trên thế giới làm như vậy. Ở các nước, người ta đảo ngược điều đó, học phí chỉ chiếm 30%, còn 60-70% nguồn thu là từ quĩ hỗ trợ (nhà nước hoặc tư nhân) cùng dịch vụ đem lại.

Tiêu chí của Đại học Trí Việt, dự kiến mở tại Bà Rịa - Vũng Tàu, rất rõ ràng:

- Không nhắm thu lợi nhuận,

- Chi phí hoạt động chỉ dựa một phần nhỏ vào học phí, chủ yếu dựa vào các nguồn tài trợ và dịch vụ khác,

- Đại học gắn kết chặt chẽ với doanh nghiệp.

Hiện Trí Việt đang có hậu thuẫn của nhiều ngân hàng, doanh nghiệp lớn ở TP.HCM, nhìn thấy rõ qua danh sách các doanh nhân tên tuổi nằm trong hội đồng quản trị, hội đồng cố vấn. Những người sáng lập đã rút tỉa kinh nghiệm xây dựng và điều hành của các đại học Âu Mỹ lẫn các nước châu Á.

Quyết tâm của Trí Việt là đào tạo được một lớp sinh viên chất lượng cao, chủ yếu đến từ các trường trung học giỏi (qua chương trình hợp tác từ đầu) và việc tuyển sinh chọn lọc. Trường sẽ cấp được bằng liên thông quốc tế nếu sinh viên muốn học tiếp ở nước ngoài. Dự kiến có ít nhất 50% giảng viên cơ hữu, cán bộ khung làm việc toàn thời gian, ngoài ra còn vận động sự cộng tác của các nhà giáo dục nước ngoài và Việt kiều, làm việc bán hoặc toàn thời gian.

Ngoài các bộ môn thông thường vào giai đoạn đầu như ngoại ngữ, truyền thông, du lịch; tương lai sẽ có các môn khá mới lạ như năng lượng, khoa học về sự sống, thiết kế... Sinh viên sẽ được thực tập tại các cơ sở sản xuất trong toàn miền Đông Nam bộ, vì nhà trường đã có kế hoạch quan hệ và đáp ứng yêu cầu nhân lực cụ thể của các xí nghiệp đó.

Trường sẽ được tổ chức dưới dạng khuôn viên đại học kiểu “campus” Mỹ hoặc “college” Anh. Chính quyền địa phương sẵn sàng cấp cho trường một khu đất rất thuận lợi, nằm đoạn giữa đường cao tốc nối liền Vũng Tàu và tỉnh lỵ Bà Rịa tương lai. Do chi phí đầu tư ban đầu khá lớn, trường dự kiến vay vốn quốc tế bên cạnh sự hỗ trợ của các nguồn trong nước.

Dĩ nhiên vấn đề học phí cũng được đặt ra. Muốn có chất lượng đào tạo cao, cần thầy giỏi và cơ sở vật chất hiện đại thích hợp. Hiện nay học phí bình quân Đại học Úc RMIT tại TP.HCM là 4.000 USD/năm, khoa quốc tế Đại học Quốc gia cũng 2.000 USD. Học phí của Trí Việt dự kiến phải rẻ hơn các trường nói trên.

Đại học này do hai phụ nữ khởi xướng: nguyên đại biểu Quốc hội Tôn Nữ Thị Ninh và nhà báo kiêm hoạt động công nghiệp Kim Hạnh. Hiện Trí Việt đang tích cực tiến hành các bước chuẩn bị, dự kiến vào năm 2010 sẽ bắt đầu hoạt động.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận