Giải pháp nào khi nước biển dâng cao?

TTCT - “Chiến lược quốc gia phòng chống và giảm nhẹ thiên tai đến năm 2020” do Chính phủ phê duyệt thể hiện khá toàn diện về tổng quan tình hình biến đổi khí hậu. Chiến lược đã có, tôi xin đề xuất một số giải pháp cụ thể như sau:

Phóng to

Triều cường làm bể bờ bao gây ngập nặng nhiều nhà dân tại ấp Doi (P.15, Q.Gò Vấp, TP.HCM) vào cuối năm 2008 - Ảnh: Chí Quốc

Mực nước biển dâng cao với bờ biển dài 3.260km cùng hệ thống sông ngòi dày đặc có độ rộng - hẹp khác nhau, được phân bổ từ Bắc chí Nam (có 2.360 con sông có chiều dài từ 10km trở lên, 13 hệ thống có diện tích lưu vực từ 3.000km2 trở lên, chín con sông có diện tích lưu vực trên 10.000km2...).

Để đảm bảo an toàn cuộc sống của người dân đang sinh sống nơi bờ biển dài và dày đặc sông ngòi, giải pháp làm “đê cứng” (bêtông cốt thép dày) vô cùng tốn kém, khả năng tài chính của ta chưa thể đáp ứng và phải mất rất nhiều năm. Khả thi hơn cả trong hàng chục năm sắp đến là làm “đê mềm” bằng cách trồng rừng ngập mặn ở tất cả những nơi có thể trồng được các loại cây: mắm, đước, bần, sú, vẹt... với chiều rộng 300-1.000m, phía bên trong là đê kết hợp với đường giao thông. Hai bên đường có thể trồng các loại tre, cây dầu mè (Jatropha), cỏ vetiver... là những loại cây, cỏ có tác dụng chống gió, bão, sóng thần, sạt lở... rất tốt.

Ở những vùng nước ngọt, phèn... thì trồng tre, bần, dừa nước, cỏ vetiver... dọc các bờ sông, bờ bao. Đầu tư cho hệ thống “đê mềm” này không quá tốn kém, có thể huy động được sức dân cũng như nhiều doanh nghiệp tham gia. Vấn đề là làm sao để người dân hiểu rõ lợi ích của rừng ngập mặn, có chế độ khoán cho họ quản lý, làm sao để họ sống được nhờ rừng...

Vào cuối thế kỷ 21 (năm 2100) nhiệt độ Trái đất có thể tăng lên 30C, nước biển sẽ dâng lên khoảng 1m, VN là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng: 4,4% diện tích lãnh thổ bị nhấn chìm, 10% dân số bị ảnh hưởng trực tiếp, phần lớn đồng bằng sông Cửu Long và sông Hồng bị ngập sâu, ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh lương thực, cũng như hàng ngàn kilômet vuông đồng bằng ven biển sẽ bị ngập hằng năm, tổn thất GDP không dưới 10%/năm...

Ngoài trồng rừng ngập mặn cần tuyển chọn và nhanh chóng nhân giống các loại tre có đường kính lớn, dài (lồ ô Thanh Hóa, tre ở Cao Bằng, Lạng Sơn...) để trồng dọc các bờ sông, bờ đê. Tre là loại cây dễ trồng, không kén đất, không tốn nhiều công chăm sóc... có tác dụng chống sạt lở, xói mòn, hạn chế gió, bão...

Nếu được xử lý thì tre còn là nguyên liệu làm hàng trang trí nội thất, hàng thủ công mỹ nghệ. Quan trọng hơn cả là khi tre đã đủ tuổi, qua xử lý dùng làm bè nuôi cá trên sông, bờ biển... kết hợp với ở như nhiều nơi con người vẫn sống nhiều thế hệ trên sông (như ở sông Tiền, sông Hậu, một số sông miền Trung và ngay ở vịnh Hạ Long...).

Với những bè lớn có thể kết hợp nuôi thủy sản với các loại thủy cầm (vịt, ngan, ngỗng...) rất kinh tế vì tận dụng hết thức ăn và các chất thải của thủy cầm.

Khi mực nước dâng cao, đất nông nghiệp sẽ bị thu hẹp song mặt nước sẽ mở rộng, làm sao sớm thích nghi, khai thác tiềm năng của mặt nước, của biển mà người xưa có dặn “muốn giàu nuôi cá...”.

Hiện nay có biết bao nhiêu loài cá có giá trị kinh tế cao mà các nhà khoa học của ta đã nghiên cứu cho sinh sản nhân tạo nên phải phát triển mạnh nuôi thủy sản trong đất liền dọc bờ biển và hàng ngàn hải đảo của Tổ quốc.

Ngày nào đó có “ăn gạo ít đi, nhưng ăn nhiều thủy sản” thì có gì phải băn khoăn! Rồi còn biết bao nhiêu rong, tảo biển đã trở thành nguồn nguyên liệu sinh học cho Trái đất chưa được quan tâm nuôi, trồng trên hàng trăm ngàn kilômet vuông dọc bờ biển đất nước. Rong, tảo biển đã trở thành nguồn thực phẩm cho người, gia súc, có loại còn là nguồn dược liệu, là nguồn nguyên liệu để sản xuất nhiên liệu thay cho dầu mỏ...

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận