Gió có đổi chiều?

TƯỜNG ANH 09/08/2024 17:00 GMT+7

TTCT - Nếu quả thật có sự "va chạm giữa các nền văn minh" thì những ngày qua là những cú "va đập chan chát" giữa các thế giới, mà mới nhất là tại khai mạc Olympic 2024 ở thủ đô ánh sáng Paris!

Gió có đổi chiều?- Ảnh 1.

Bất đồng giữa Elon Musk (trái) và thống đốc California Gavin Newsom liên quan tới các vấn đề LGBT+ đã khiến tỉ phú công nghệ dọn đại bản doanh SpaceX và X khỏi California.

Đầu tiên phải kể đến cú "va đập" giữa những giá trị tự do và bảo thủ ngay tại siêu cường Hoa Kỳ. The Wall Street Journal đưa tin: thống đốc bang California Gavin Newsom ký một đạo luật mới liên quan đến vấn đề bản dạng giới vào 15-7. 

Đạo luật An toàn (Safety Act), có hiệu lực từ 1-1-2025, chấm dứt chính sách "buộc phải tiết lộ" (vốn yêu cầu nhà trường phải thông báo cho phụ huynh nếu con em họ sử dụng tên hoặc đại từ xưng hô ở trường khác với tên hoặc đại từ được ghi trên giấy khai sinh của chúng, bất kể học sinh có đồng ý cho phụ huynh biết hay không). Đạo luật mới ngăn cản nhà trường thông báo điều đó cho phụ huynh.

Từ việc "dọn nhà"của Elon Musk

Đạo luật này gây phản ứng mạnh mẽ ở cả hai chiều. Những người ủng hộ cho rằng luật này rất quan trọng để bảo vệ những học sinh dễ bị tổn thương khỏi những "nguy cơ tiềm tàng", những người phản đối coi đó là sự xâm phạm quyền của cha mẹ. 

Trong số những người phản ứng gay gắt có tỉ phú công nghệ Elon Musk, người tuyên bố chuyển các công ty SpaceX và X corporation của mình khỏi California. Elon Musk viết trên X: "Khoảng một năm trước, tôi đã nói rõ với Thống đốc Newsom rằng luật kiểu này sẽ buộc các gia đình và doanh nghiệp phải rời California để bảo vệ con cái họ".

Theo FoxNews, liên quan tới vấn đề này, tỉ phú công nghệ Elon Musk cũng có bi kịch của riêng mình. Xavier, một trong hai con trai sinh đôi của ông, vốn lớn lên "như một đứa trẻ bình thường" nhưng rồi vào năm 2022, tuyên bố từ nay cậu là nữ, có tên Vivian Jenna. Vivian Jenna nói cha mình là một nhà tư bản kiếm tiền từ người nghèo và không muốn liên quan gì tới ông. 

Trước đó, cậu con trai và các bác sĩ đã buộc Elon Musk ký giấy cho phép Xavier dùng thuốc ngăn chặn dậy thì nam. Do con trai dọa tự tử, Musk kể ông đã ký giấy cho phép con được sử dụng thuốc mà lúc đó ông bị lừa rằng dược phẩm này sẽ giúp ích cho Xavier. Sau một thời gian, cậu con trai tuyên bố mình là con gái. "Tôi đã mất con trai mình. Con trai tôi Xavier đã chết", Musk đau buồn nói.

Truyền thông cánh hữu Mỹ viết con trai của Musk là nạn nhân của hoạt động tuyên truyền LGBT trong các trường học ở Mỹ. Ở bang California, nơi Xavier sống và học tập, trẻ em được dạy từ nhỏ rằng chúng có thể được sinh ra trong cơ thể con trai hoặc con gái, chúng được tự do lựa chọn mình muốn trở thành ai. 

Vì vậy Elon Musk, từng nhiều lần cáo buộc hệ thống giáo dục lôi kéo trẻ em vào cuộc tìm kiếm giới tính ở độ tuổi dậy thì nguy hiểm, quyết định chuyển trụ sở chính của các công ty mình đến Texas bảo thủ để "cứu con cái của các nhân viên của mình".

Chưa biết liệu nước Mỹ sẽ chọn cưỡi con sóng nào sau tháng 11-2024, nhưng nỗi thất vọng của người khổng lồ công nghệ Elon Musk hẳn không phải chuyện nhỏ: Từ một người chỉ trích Donald Trump trong nhiệm kỳ tổng thống đầu của Trump, nay Elon Musk cam kết quyên góp 45 triệu USD/tháng cho chiến dịch tranh cử 2024 của ông Trump.

Đến cuộc tranh cãi ở Olympic 2024

Gay cấn hơn cuộc tranh cãi ở Mỹ, lễ khai mạc Thế vận hội Olympic 2024 như thể đã lại mở "chiếc hộp Pandora" liên quan đến các giá trị tự do và truyền thống. Ban tổ chức Pháp quả thật đã thành công khi cố gắng biến sự kiện này thành một kỷ niệm khó quên. 

Quyết định rời khỏi những khuôn khổ quen thuộc của các kỳ thế vận hội trước, sông Seine đã thay cho sân vận động, các đoàn vận động viên được chở trên tàu lướt đi trên sông. Lễ rước đuốc Olympic cũng khác lạ, với sự tham gia của cầu thủ Zinedine Zidane, vận động viên quần vợt Rafael Nadal và Serena Williams, nhà vô địch đua xe đạp Olympic 100 tuổi Charles Coste. 

Lần đầu tiên trong lịch sử, vạc Olympic bay lơ lửng trên không trung… Chốt lại những khoảnh khắc hào hứng, vui vẻ là sự xuất hiện lần đầu tiên sau khi bệnh nặng của Celine Dion với bài hát sâu lắng Hymne a l'amour của Edith Piaf.

Gió có đổi chiều?- Ảnh 2.

Màn trình diễn được cho là nhại lại tác phẩm “Bữa tiệc cuối cùng” của Leonard da Vinci, hay/hoặc “Lễ của các vị thần” của Jan van Bijlert.

Nhưng rồi tranh cãi bùng nổ khi phân cảnh đại diện những người chuyển giới và LGBT được cho là đã nhại lại bức tranh Bữa tối cuối cùng của Leonardo da Vinci, với người phụ nữ thừa cân và người đàn ông trang điểm, ăn mặc như phụ nữ… 

Một số nhà bình luận khác tin rằng cảnh này ám chỉ một tác phẩm nghệ thuật khác: bức tranh thế kỷ 17 của họa sĩ Jan van Bijlert, Lễ của các vị thần, mô tả một cảnh trong thần thoại Hy Lạp và được đặt trong một bảo tàng ở Paris. Thomas Joly, giám đốc nghệ thuật của lễ khai mạc, cuối cùng tuyên bố đó không phải là Bữa tối cuối cùng mà là một cảnh với các vị thần ngoại giáo trên Olympus.

Dẫu sao, việc ban tổ chức mời những người có râu mặc váy và chuyển giới đến biểu diễn khai mạc Thế vận hội Olympic, giương cao lá cờ Olympic lộn ngược khiến những người tôn vinh các giá trị bảo thủ không khỏi phẫn nộ. Cổng thông tin pronews.gr của Hy Lạp gọi sự kiện này là "sự sụp đổ của nền văn minh và văn hóa Kitô giáo".

Reuters đưa tin Giáo hội Công giáo Pháp đã lên án buổi lễ "bao gồm những cảnh nhạo báng và chế giễu Cơ đốc giáo". Đức Tổng giám mục người Malta Charles Scicluna - một trong những người đứng đầu văn phòng giáo lý của Vatican - cho biết ông đã liên lạc với đại sứ Pháp tại Malta để phàn nàn về "những xúc phạm vô căn cứ". 

Đáp lại, ban tổ chức buổi lễ tuyên bố rằng họ không muốn xúc phạm bất cứ ai, thậm chí đó chỉ là cách "bày tỏ tôn trọng đối với sự khoan dung của xã hội", người phát ngôn của ban tổ chức Olympic Anne Descamps nói.

Tháo dỡ "hạn ngạch DEI"

Dẫu sao, những ai đã quen với nước Pháp sẽ không quá ngạc nhiên với màn khai mạc Olympic 2024 độc đáo này. Vấn đề là cơn sóng của chủ nghĩa tự do hiện nay sẽ còn dâng cao tới đâu?

Ở một phương diện khác, tờ Business Insider ngày 18-7 cho hay: Microsoft đã sa thải nhóm Đa dạng, Công bằng và Hòa nhập (được gọi tắt là DEI - Diversity - Equity- Inclusion) của công ty mình. (DEI là ba tiêu chí tuyển dụng người nhằm thúc đẩy việc đối xử công bằng và bảo đảm hiện diện đầy đủ các thành phần trong xã hội, đặc biệt các nhóm trước đây bị phân biệt đối xử trên cơ sở bản dạng giới hoặc khuyết tật). 

Nhiều công ty công nghệ, bao gồm Microsoft, đã cam kết cải thiện các nỗ lực đa dạng hóa sau vụ một cảnh sát Minneapolis sát hại George Floyd năm 2020 và các cuộc biểu tình mang tính lịch sử sau đó. Năm 2020, Microsoft còn cam kết tăng gấp đôi số lượng lãnh đạo da đen trong công ty vào năm 2025.

Nhưng gần đây, nhiều công ty công nghệ từ chối nghĩa vụ tuân thủ "các giá trị DEI" này. Bloomberg đưa tin Zoom đã sa thải một nhóm DEI vào đầu năm nay. Theo CNBC, Google và Meta cũng đã cắt giảm các chương trình DEI của công ty mình vào năm ngoái. Business Insider đưa lời cựu trưởng bộ phận DEI của Microsoft ta thán rằng DEI không còn được coi là yếu tố quan trọng trong hoạt động kinh doanh của công ty như hồi năm 2020 nữa.

Vì sao có sự "nhìn lại" này? Business Insider ghi nhận: các nhà hoạt động theo chủ nghĩa tự do giải thích việc phớt lờ các "giá trị DEI" là do lòng tham của các tập đoàn, vốn đã tăng cường số nhân viên trong làn sóng siêu lợi nhuận thời kỳ COVID-19, giờ buộc phải cắt giảm chi phí theo cách đơn giản nhất - sa thải những nhân viên được tuyển theo tiêu chí DEI. 

Ngược lại, các nhà hoạt động cánh tả ở Hoa Kỳ cho rằng cuộc tấn công nhằm vào phong trào BLM (Black Lives Matter) và LGBT này có thể dự đoán được, bởi những người được tuyển dụng theo hạn ngạch DEI hóa ra lại là "những người vô dụng nhất".

Cùng lúc, các nhà phân tích dự báo xu hướng từ bỏ DEI sẽ trở thành chính sách mang tính hệ thống của chính quyền Mỹ tương lai nếu ông Trump trở lại Nhà Trắng. Nhà bình luận của Bloomberg, Adrian Wooldridge trong bài báo "Sự trở lại của Trump sẽ chấm dứt sự thống trị theo chủ nghĩa tự do của Mỹ" ngày 24-7, cho rằng nếu ông Trump đắc cử thì lần này ông sẽ được những nhà hoạt động MAGA (Make America Great Again - Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại) vốn thù địch chủ nghĩa tự do, bao quanh. 

Theo Adrian Wooldridge, các chính trị gia MAGA đổ lỗi cho chủ nghĩa tự do dưới nhiều hình thức khác nhau đã phá hủy "nước Mỹ thực sự", trong đó chủ nghĩa tự do kinh tế đã khiến xuất khẩu việc làm sang các nước có chi phí thấp, chủ nghĩa tự do xã hội "phá hủy đạo đức của giai cấp công nhân" và chủ nghĩa tự do về an ninh quốc gia khiến nước Mỹ phải gánh chịu một cách không công bằng gánh nặng bảo vệ phương Tây.

Vậy là, sau một thời gian dài chạy theo các giá trị được cho là của chủ nghĩa tự do, các tập đoàn, công ty Mỹ đang "xốc lại" đội ngũ để chuẩn bị cho cuộc cạnh tranh kinh tế, đón đầu chương trình nghị sự của ông Trump? Bước đi này của nước Mỹ rất có thể sẽ tác động tới Tây Âu, nơi âm hưởng của chương trình nghị sự Woke vẫn đang dội lại…

Ứng viên phó tổng thống của D. Trump, J. D. Vance, gần đây đã trở thành một trong những nhà tài trợ chính cho dự luật dỡ bỏ DEI. Dự luật muốn bãi bỏ chỉ thị năm 2021 của ông Biden thúc đẩy "sự đa dạng, công bằng và hòa nhập" ở cấp liên bang tại Hoa Kỳ, đánh vào toàn bộ chương trình nghị sự đã được tuyên truyền trong xã hội Mỹ trong những năm gần đây.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận