TTCT - “Tôi là một người đi dạy học đã hơn ba mươi năm sống gần gũi trong thế giới của em, gắn bó với em, ngày ngày gặp em trên giảng đường đại học. Vì thế nên giờ đây, cho dù nhắm mắt lại, không cần trí tưởng tượng, tôi cũng nhìn thấy em, người sinh viên - rõ như là mình đang mở mắt và có em trước mặt. Em đang ngồi trong lớp, nghe giảng, ghi chép, em đang dán mắt vào bảng thông báo kết quả điểm, nghĩ tới kỳ đóng tiền nhà trọ, hay đang ngồi trong lớp nhưng không ghi chép gì... Hoặc có khi em học mà không nghĩ ngợi gì cả. Giữa em và bài học có một khoảng cách ngán ngẩm và em chấp nhận nó một cách thờ ơ, coi như một phần việc phải làm, no comment”. Phóng to Minh họa: Vũ Đình Giang Đây là một đoạn tôi cố tình mô phỏng cách viết của nhà văn Pháp André Maurois khi ông mở đầu tác phẩm Thư gửi người đàn bà không quen biết (Lettre à l’innconnue). Tôi chỉ mô phỏng chứ không giễu nhại, chỉ mượn một cách bắt đầu để nói chuyện với em, cho em thấy rằng việc học tập kinh nghiệm của người đi trước có khi vô cùng hữu ích, ít nhất là để bắt đầu một điều gì. Nhất là một việc quá khó đối với tôi, là nói chuyện với em - người sinh viên hiện đại - như một người bạn. Trên các trang Facebook, trên các forum, em đã phát biểu rất mạnh về nơi em học, về người dạy học, về chương trình học, về xã hội... Tôi cố thử tìm hiểu em đang trong trạng thái nào trong những trạng thái dưới đây qua những bày tỏ ấy? “Cuộc đời của chúng ta không bao giờ là một bàn tiệc được người khác dọn sẵn mà chúng ta chỉ có việc... ăn. Điều dở giống như những chất liệu ngoài ý muốn, bắt ta chế biến cho bữa tiệc đời của ta”. Em đang bất mãn vì cái dở: Bài học dở, thiếu thực tế, thiếu tính ứng dụng, “cái cần thì không có mà cái có thì không cần”. Thầy dở, thuyết giảng lê thê, thế kỷ 21 rồi mà còn đọc chép, thi chủ yếu là trả bài. Cách dạy không sinh động, không hấp dẫn. Em đang bực bội vì bị mất tự do, bị ràng buộc trong khuôn phép, bị “dạy dỗ” trong khi em biết rất nhiều điều về cái dở, cái xấu và quá xấu của người lớn, của những người đang tự nhận có trách nhiệm giáo dục em. Trong mắt em, họ là những người đang cao giọng rao truyền tri thức, đạo đức, là những điều mà có khi bản thân họ cũng chưa có. Nhan nhản trên báo chí đâu phải là không có những chuyện này? Em đang bị những áp lực trái chiều nhau giữa các định kiến mà em rất ghét với những mục tiêu mà em nhất định phải đạt được vì không có cách nào khác. Bằng cấp là một chuyện mà thực tài là một chuyện, phấn đấu là một chuyện mà kết quả lại là một chuyện khác. Nhân cách là một chuyện nhưng “luật chơi” của những cuộc cạnh tranh, ngay cả những cạnh tranh trong học đường, lại là một chuyện khác... Em đang muốn khẳng định mình bằng cách nhanh nhất, rằng em có suy nghĩ riêng, có đánh giá riêng, có bản lĩnh riêng, đã có khả năng giám định nhiều thứ. Em muốn có tự do quyết định, có những lựa chọn, những nhận thức của riêng mình. Em rất nhiệt thành tin tưởng bản thân mình có thể làm được nhiều thứ tốt hơn nếu em được tự do hơn, được cung cấp những điều kiện tốt hơn... Em đang khao khát những giấc mơ như là bài học nào cũng hay theo cách nghĩ của em, gần gũi với điều em yêu thích, cũng là những giải pháp gọn gàng hữu hiệu cho vô số những vấn đề của em, trong đó có vấn đề lấy bằng tốt nghiệp. Bài học phải phù hợp với tâm tình, nguyện vọng, ước muốn, quan niệm, nhu cầu hiện tại và tương lai... của em. Cái gì thích hợp với xu hướng của mình thì mới thích. Em muốn được chấp nhận như một người trưởng thành, người tự do và trước hết là ở học đường. Câu trả lời từ chính mình Những kẻ lạc đường: LTS: Các bạn, “những kẻ lạc đường” có bao giờ nghĩ rằng những thầy cô mà mình chê trách cũng từng là sinh viên bao năm trước? Và không ít trong số họ cũng đã có những phút bối rối, nản lòng? Tham gia diễn đàn là tâm sự của một giảng viên môn văn học nước ngoài, từng có 30 năm trên bục giảng. Cô đã “đọc vị“ sinh viên mình và gửi đến họ những tâm sự chân thành... Giá như tôi là em, trong vị trí của em, từ điểm nhìn của em, từ tuổi đôi mươi mà đặc trưng là chỉ nhìn về phía trước và chỉ chú ý cái mình muốn, thì chắc tôi cũng nói như vậy thôi. Và nói cho công bằng thì chắc rồi em cũng sẽ như tôi, sau khi những cảm xúc đã qua đi sẽ nghĩ lại về điều mình đã nói và sẽ tự hỏi như tôi từng tự hỏi rồi từng phải tự kiếm cho ra câu trả lời cho chính mình. Bất mãn? Đó là trạng thái không hài lòng với thực tế xảy ra so với điều mình mong muốn. Có những bất mãn cần thiết và những bất mãn không cần thiết. Chẳng hạn như bất mãn vì một bài học theo em là quá dở và lại được truyền đạt bởi một người thầy cũng... dạy dở. Tôi nói là không cần thiết phải bất mãn như thế vì một người khôn ngoan luôn học được ở mọi điều, kể cả ở cái dở. Em có biết mình học được những gì từ cái dở không? Đó là lòng trắc ẩn trước khiếm khuyết của người khác mà người ta chưa khắc phục được, là khả năng từ đó tìm ra được cái hay ngay trong cái dở, là lời cảnh báo cho những gì mình rất có thể cũng rơi vào và biết trước để tránh. Người thầy giảng bằng cách đọc chép chưa chắc là người thầy dở nhưng chắc chắn là người đó thiếu lòng tin ở bản thân và thiếu lòng tin ở đối tượng. Bài học dở nhưng do chương trình bắt buộc? Thì mình cũng có cái để học đó thôi. Người ta hay cho rằng học tức là phải học cái hay. Nhưng lỡ không có hay chưa có cái hay để học thì mình học từ cái dở vậy. Tôi nói “học từ cái dở” chứ không nói là học cái dở. Cái dở có khi cũng có ích nếu mình biết cách tiếp cận với nó và nhất là đừng có dở theo nó, mà phải biết “hấp tinh đại pháp”. Khi còn đi học tôi cũng học vài người thầy mà tôi “không phục”, nhưng tôi biết “hợp tác” với hoàn cảnh. Tôi không phê phán thầy mình vì tôi đọc được nỗi khổ của con người trong hoàn cảnh “bị dở”, có khi phải cố tình che giấu bằng cách này hay cách khác, và vì tôi biết luật loại trừ xã hội, sớm muộn mà thôi. Khi ra trường, éo le thay, tôi lại được phân công dạy cái môn của người thầy đó. Tôi không bao giờ quên được những ngày tháng đầu tiên đi dạy tôi đã rõ thế nào là sự “dở” ngay trong chính bản thân mình. Khi ấy, nhờ những bài giảng đọc chép (tôi mượn lại của người bạn học nghiêm chỉnh hơn tôi) mà tôi không ưa thích chút nào đó để bước đi những bước đầu tiên, vừa nhìn theo nó lần mò tìm lối đi vừa chống lại nó, để tìm ra cái mà tôi cho là phù hợp. Chính những bài đọc chép mà tôi không ưa thích chút nào đó đã giúp tôi hiểu một điều rất quan trọng: thế nào là một giáo trình dạy đại học về phương diện hình thức, về cách tổ chức bài giảng, về một nội dung dễ truyền đạt và người nghe dễ tiếp nhận. Người dạy văn học nước ngoài cực hơn hai lần dạy văn học Việt Nam, vì phải vừa thấu cảm được hai phương diện văn hóa và văn học mới không lệch đường khi tiếp cận tác phẩm. Tôi đã nhờ chính các sinh viên cùng làm điều đó với tôi bằng cách sân khấu hóa (một cách thận trọng) các tác phẩm văn học thế giới nổi tiếng, tạo sự lý thú cho người học qua việc nhập vai, sống với tinh thần văn hóa thời đại của nhân vật và tác phẩm. Sinh viên của tôi còn thành công hơn cả tôi. Vài người trong họ giống như những đạo diễn, diễn viên và đó là kỷ niệm đẹp của họ. Bữa tiệc đời ta Cuộc đời của chúng ta không bao giờ là một bàn tiệc được người khác dọn sẵn mà chúng ta chỉ có việc... ăn. Điều dở giống như những chất liệu ngoài ý muốn, bắt ta chế biến cho bữa tiệc đời của ta. Ta muốn nấu món ngọt thì chất đó lại đắng, ta muốn nấu món mặn thì chất đó lại chua. Nhưng món canh chua, canh khổ qua tuyệt vời lại bao gồm hết cả những cái đó phải không? Và trong trường lớp, có khi với những “bàn tiệc” người giảng dạy đã dọn sẵn mà khách mời còn chưa biết “cách ăn”. Vậy thì cái dở nếu xảy ra là thuộc về cả hai phía đó em ạ. Tự do? Tôi cũng thích tự do. Khi còn là sinh viên tôi cũng có lần nghỉ những buổi học mà tôi mệt mỏi nhiều hơn thích thú. Nếu vì nghỉ học mà ít điểm, thậm chí thi rớt môn dó tôi cũng không oán trách ông thầy, vì tự do cũng là tự trách nhiệm. Tự do thật sự ích lợi đối với những người có bản lĩnh nhưng tự do cũng là mối nguy hiểm đối với người thiếu bản lĩnh. Tôi nhớ được một định nghĩa lý thú về tự do mà tôi học từ môn triết: “Tự do là nắm được quy luật”. Không có tự do vô điều kiện. Những tài năng lớn thường là những người biết sử dụng tự do một cách đúng chỗ. Ông Bill Gates đã nghỉ học ngay từ năm thứ hai đại học vì trường lớp không có đủ khả năng dạy cho ông những thứ ông cần. Nhưng sau khi thành công và đạt được ước mơ, Bill Gates đã trở lại trường đại học, học nốt hai năm cuối cho có bằng cấp đàng hoàng như nguyện vọng của cha ông. Ràng buộc? Tôi cũng ghét ràng buộc. Nhưng điều làm ta không thoải mái chính là tâm lý bị ràng buộc hơn là những ràng buộc bên ngoài, có tính nhất thời, tính giai đoạn như ràng buộc ở nhà trường qua quy chế, lề luật, chương trình... Đó là những chiếc lồng tạm của những cánh chim tự do đang chờ đủ lông đủ cánh. Em có quyền làm người sinh viên tự do, có khả năng khẳng định mình bằng cách đối mặt với những điều em “không phục” trong kiến thức trường lớp. Và điều đó thật sự phải đẹp hơn là cam tâm làm nô lệ cho thói quen “dựa dẫm cho qua”. Em có quyền làm người sinh viên tự do nếu em biết tự trách nhiệm. Nếu tự do mà chưa thành tựu thì cũng không bao giờ đổ lỗi cho ngoại cảnh, cho người khác. Không có gì hạ thấp con người bằng sự đổ lỗi cho kẻ khác. Em, người sinh viên trẻ đang bối rối là hình ảnh từng hiện diện trong một phần đời quan trọng của tôi suốt mấy chục năm qua. Cho dù em đang bất mãn, bực tức, áp lực... trong chiếc nôi vào đời của mình, tôi vẫn có lòng tin rằng đó cũng là những bước đi của em trên con đường trưởng thành sớm muộn. Tags: Bạn trẻSinh viênCâu chuyện cuộc sốngKẻ lạc đườngTS LÊ NGỌC THÚY
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Quân đội Mỹ tuyên bố sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân TRẦN PHƯƠNG 21/11/2024 Bộ tư lệnh chiến lược Mỹ (STRATCOM) nói Washington sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân nếu cần nhưng chỉ trong tình hình 'có thể chấp nhận được'.
Chi tiết sáp nhập phường của TP.HCM áp dụng từ ngày 1-1-2025 THÀNH CHUNG 21/11/2024 Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã ký ban hành nghị quyết về việc sáp nhập đơn vị cấp xã của TP.HCM giai đoạn 2023 - 2025.
Chi tiết sáp nhập xã, phường của Hà Nội: Giảm 53 xã, phường THÀNH CHUNG 21/11/2024 Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã ký nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sáp nhập phường, xã của Hà Nội giai đoạn 2023 - 2025.
Bộ Chính trị kỷ luật cảnh cáo ông Vương Đình Huệ THEO WEBSITE ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM 21/11/2024 Ngày 20-11, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã xem xét, thi hành kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên có vi phạm, khuyết điểm.