Haiti: Giá máu

DANH ĐỨC 17/07/2021 17:00 GMT+7

TTCT - Haiti được cả thế giới chú ý sau vụ ám sát tổng thống ngay tại tư thất tuần trước. Điều gì đã dẫn tới cái giá máu đắt đỏ như vậy cho một đất nước ngay sát nách Hoa Kỳ?

“Tổng thống Cộng hòa Haiti Jovenel Moise đã bị ám sát vào lúc nửa đêm trong phòng ngủ của ông bởi một toán biệt kích được trang bị đầy đủ vũ khí hạng nặng. 

Không có dấu hiệu kháng cự từ các nhân viên bảo vệ tại chỗ... Lối vô có vẻ thông thoáng một cách đáng ngạc nhiên. Đất nước kinh hoàng”, nhật báo Le Nouvelliste của Haiti ngày 10-7 thuật lại vụ ám sát rúng động thế giới mấy ngày qua.

Tranh tường vẽ tổng thống quá cố Jovenel Moise gần dinh thự của ông ở Port-au-Prince, Haiti. Ảnh: EPA

 

Tờ báo lâu đời nhất của đảo quốc Haiti, ra đời từ năm 1898, tóm tắt vụ ám sát đêm thứ ba rạng sáng thứ tư tuần trước qua hai chi tiết: “Không có dấu hiệu kháng cự” và “Lối vô thông thoáng đáng ngạc nhiên”. Le Nouvelliste cũng đã phản ánh tình hình Haiti bằng mấy chữ “đất nước kinh hoàng”.

Một quốc gia thất bại

Tác giả bài báo - Michaelle Jean, nguyên tổng thư ký khối Pháp ngữ - dẫn người đọc tới một thủ đô Port-au-Prince của bạo lực hoành hành: “Suốt nhiều tháng trời, Port-au-Prince phải hứng chịu lửa đạn và khủng bố. Mất an ninh đã trở thành quy luật. Các băng nhóm vũ trang hoạt động ngang nhiên". 

"Bắt cóc, ám sát, tấn công có chủ đích tăng lên gấp bội. Các khu phố bị phóng hỏa, phụ nữ, thanh niên, trẻ nhỏ, nhà báo, nhà hoạt động, nhân vật tư pháp cấp cao, chủ cửa hàng bị thảm sát. Kinh hoàng ở khắp mọi nơi”.

Một báo khác, tờ Haiti Libre, hôm 4-7 đăng tin: “Một báo cáo của Lực lượng Đặc nhiệm chiến lược quốc gia về giải trừ các nhóm vũ trang cho biết có 162 nhóm vũ trang đã được xác định trên khắp đất nước, trong đó 50% là ở khu vực thủ đô”. 

So với 34 băng nhóm năm 2004, rồi gần 100 nhóm năm 2019, thì con số 162 nêu trên thật đáng sợ. Tình hình vốn đã tồi tệ trở nên nguy kịch chủ yếu là từ sau khi (cố) tổng thống Moise nhậm chức vào năm 2017.

Theo báo cáo đã dẫn, đây không phải là những băng nhóm cướp bóc đơn thuần mà mang màu sắc phe phái chính trị với quy mô hoạt động khác nhau. 

Một bài trên tờ Le Nouvelliste đề ngày 13-11-2019 cho biết vào năm 2015 toàn cõi Haiti có khoảng 250.000 khẩu súng bất hợp pháp, song đến năm 2019 con số này đã tăng gấp đôi, cho một dân số hơn 11 triệu người.

Trước thảm trạng, bà Michaelle Jean không phải người duy nhất than khóc cho đất nước. 

Nhà văn người Haiti Jean D’Amérique đã viết bài “Chỉ với máu tôi mới có thể viết tròn một trang”, đăng trên nhật báo Pháp Libération ngày 7-7, mô tả thân phận con người ở Haiti: “Là dân Haiti tức là sinh ra trong máu, lớn lên trong máu - hoặc có khi không có thời gian để lớn lên - và kết thúc trong một vũng máu. Là dân Haiti tức là chờ phát đạn dành cho mình...”.

Truyền thống “luật rừng”!

Đằng sau bức màn máu lửa đó là cuộc xung đột quyền lực và lợi ích gay gắt giữa cảnh sát và quân đội kể từ khi tổng thống dân cử đầu tiên của Haiti Jean-Bertrand Aristide, đắc cử năm 1990, giải tán quân đội vào năm 1995. Năm 2001, người kế nhiệm ông Aristide, Michel Martelly, lại khôi phục quân đội. 

Đến trào tổng thống Moise, người vừa bị sát hại, thì quân đội càng nhiều quyền lực. Cái chết của chính ông có thể được giải thích từ bối cảnh đó: ông Moise đã không “nuôi lính” công bằng!

Vấn đề ở Haiti không chỉ là sự xung đột phe phái mà là “sự bất lực hoàn toàn” của công lý, theo phân tích của tác giả Michaelle Jean, mà trong đó “không còn biện lý để nghe khiếu tố, không còn thủ tục điều tra và tất nhiên không còn công lý cho các nạn nhân”. 

Để tiện hình dung, có thể mượn tạm bảng xếp hạng PCI (Chỉ số cảm nhận tham nhũng) năm 2020: Haiti được chấm 18/100 điểm, hạng 170/180 (Campuchia 21/100 điểm, hạng 160/180).

Tất cả những tai ương trên không mới mẻ, mà đã có gốc rễ lâu đời. Trước ông Aristide là 29 năm dưới chế độ độc tài Duvalier “con” (Jean-Claude Duvalier) - tổng thống tự phong mãn đời kế vị Duvalier “cha” (Francois Duvalier). 

Nếu tính từ khi Haiti độc lập khỏi thực dân Pháp vào năm 1804 thì tới nay đất nước đã trải qua 52 trào lãnh đạo quốc gia, trong đó 54% bị lật đổ và lưu vong, 8% bị ám sát và 9% chết giữa nhiệm kỳ! 

Chính tổng thống dân cử đầu tiên Aristide đắc cử ngày 16-12-1990 thì tới 30-9-1991, tức chín tháng rưỡi sau, đã bị một ông trung tướng tên là Raoul Cedras lật đổ.

Bối cảnh hở tí là lật đổ và tắm máu đó dẫn tới những tình huống dị kỳ, bao gồm nghi vấn có “tay trong” trong lực lượng bảo vệ cố tổng thống Moise. 

Năm 1996, tổng thống Préval từng được Chính phủ Mỹ thuyết phục nên thanh lọc lực lượng bảo vệ. Ông này đã nghe lời, song những phần tử bị sa thải đe dọa trả thù khiến Mỹ phải gửi ba chục nhân viên an ninh sang bảo vệ ông này!

Một chính quyền đầy dấu hỏi

Cảnh tượng vụ sát hại tổng thống Moise cũng là bức tranh chung của chính trường và xã hội Haiti, theo báo Le Nouvelliste: “Người ta đã thấy một tổng thống sống chung với các băng đảng, tìm kiếm sự ủng hộ của họ, bảo vệ họ, để mặc cho họ hoạt động". 

"Người ta cũng đã thấy ông ấy tự đặt mình ra ngoài các quy tắc của nhà nước pháp quyền, từ chối tuân theo Hiến pháp vốn quy định rằng ông ấy phải rời bỏ quyền lực vào ngày 7-2 năm nay”.

Dân chúng đã biểu tình đòi ông thôi chức, đồng thời tố cáo ông dính líu tới các vụ tham nhũng PetroCaribe và Agritrans từ tháng 2-2019 tới giờ. 

Hôm 31-5, báo cáo kiểm toán dày 600 về dự án dầu hỏa PetroCaribe đã được trình lên Thượng viện khiến dân chúng lại điên tiết xuống đường ở thủ đô Port-au-Prince và khắp cả nước.

Theo báo cáo này, dưới bóng PetroCaribe - liên minh dầu mỏ chiến lược được ký kết với Venezuela vào năm 2006, Haiti - quốc gia nghèo nhất châu Mỹ - tiết kiệm được rất nhiều ngoại tệ quý giá bằng cách mua chịu nhiên liệu từ nước láng giềng giàu dầu mỏ và được hoãn thanh toán tới 25 năm.

Số tiền trả sau này, lên tới 40% trị giá hợp đồng, theo kế hoạch sẽ được chính phủ sử dụng để phát triển kinh tế và tài trợ cho các chương trình xã hội. 

Tuy nhiên, ít nhất 2 tỉ USD, tương đương gần 1/4 tổng giá trị nền kinh tế của Haiti năm 2017, trong khoản tiền trên đã biến mất, còn người dân Haiti không nhìn thấy những phúc lợi đã hứa hẹn đâu. Hậu quả là đói khổ vẫn đói khổ, còn khoản nợ Venezuela thì ngày một phình ra, theo Time.

Ông Moise không chỉ liên đới vụ PetroCaribe, ông còn có một quá khứ đầy trục trặc. 

Thời ông đứng đầu Công ty Agritrans chuyên trồng và xuất khẩu chuối (Haiti thật sự là một nước cộng hòa chuối, còn ông Moise có biệt danh “Ngài Chuối”), một số khoản chi tiêu cho hạ tầng cơ sở như đường sá phục vụ hoạt động của Agritrans đã được thanh toán bằng quỹ của PetroCaribe. 

Đáng lưu ý là ông Moise đã được tổng thống mãn nhiệm Michel Martelly (2011 - 2016), cũng là nhân vật chính của chương trình PetroCaribe, hậu thuẫn trong cuộc bầu cử tháng 11-2016. Không đáng nghi ngờ mới lạ!■

Bàn tay ngoại bang?

Một tuần sau vụ ám sát tổng thống Moise, giữa lúc vẫn đang điều tra, đã nổi lên nhiều tin tức khác nhau. 

CNN loan tin một số kẻ tình nghi liên quan tới vụ ám sát là đặc vụ của DEA (Lực lượng chống ma túy của Hoa Kỳ) và FBI (Cơ quan điều tra liên bang Mỹ). DEA xác nhận có nhân viên của mình trong đó, FBI thì “miễn bình luận”.

Đây có thể là hai thành viên người Mỹ gốc Haiti trong toán biệt kích tấn công tư thất tổng thống Moise. 15 tay súng người Colombia cũng bị bắt, và 3 người chết trong cuộc tấn công. 

Tuy nhiên trong chiều ngược lại, chiều 9-7 người phát ngôn Nhà Trắng Jen Psaki thông báo rằng các đặc vụ FBI và Bộ An ninh nội địa Hoa Kỳ sẽ được cử đến Haiti trong những ngày tới để hỗ trợ cuộc điều tra.

Dư luận không khỏi liên tưởng với quá khứ và nhận ra rằng dường như Hoa Kỳ không ưa ông Moise. Cuối năm 2020, Washington cáo buộc ông này không tôn trọng các nguyên tắc dân chủ khi lãnh đạo chủ yếu bằng sắc lệnh.

Năm 2004, Hoa Kỳ cũng không ưa định hướng dân tộc chủ nghĩa của tổng thống Aristide và những trở ngại ông gây ra với các dự án kinh tế và tài chính của Mỹ tại Haiti. 

Sau nhiều tháng biểu tình rầm rộ và sức ép của cộng đồng quốc tế, đặc biệt là của Pháp và Hoa Kỳ, Aristide buộc phải rời khỏi đất nước vào ngày 29-2-2004 trên một chiếc máy bay Mỹ do các nhân viên an ninh của quân đội Hoa Kỳ hộ tống.

Sau đó, các lực lượng quân sự của Mỹ, Pháp và quốc tế đã nắm quyền kiểm soát đất nước trong khuôn khổ sứ mệnh ổn định của Liên Hiệp Quốc. 

Sau vụ này, một ủy ban độc lập điều tra về Haiti, do cựu Bộ trưởng Tư pháp Hoa Kỳ Ramsey Clark đứng đầu, chỉ ra rằng: “Chính phủ Hoa Kỳ và Cộng hòa Dominica đã tham gia cung cấp vũ khí và huấn luyện các phiến quân Haiti”. 

Tập hợp lực lượng Mỹ - Dominica đó không khác gì mấy thành phần toán vũ trang người Mỹ gốc Haiti - Colombia vừa sát hại ông Moise. Nhìn trên bản đồ, khoảng cách từ Miami đến Haiti chỉ là hơn 1.100km, tức chỉ hơn 1 giờ bay. Xem ra, bài tập dân chủ ở Haiti coi bộ khó quá và mắc mỏ quá!

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận