TTCT - Cách chúng ta thể hiện tình yêu với động vật giống như gieo những hạt mầm. Hạt mầm tốt thì sẽ có khu vườn xanh, TS Hải nói với Tuổi Trẻ Cuối Tuần. Sinh năm 1991, TS Ngô Ngọc Hải bảo vệ xuất sắc luận án tiến sĩ ở Đại học Cologne (Đức) năm 2022, hiện là nghiên cứu viên của Viện nghiên cứu hệ gene (Viện hàn lâm KHCN Việt Nam, VAST). Con đường nghiên cứu bảo tồn động vật hoang dã mà anh đang đi gồm những đêm trắng bám rừng, khảo sát đa dạng sinh học, thu thập mẫu, công bố khoa học quốc tế và tư vấn chính sách cho nhiều hoạt động bảo tồn thiên nhiên.TS Ngô Ngọc HảiBài học đầu từ một chuyến đi rừng“Thời phổ thông, tôi ước mơ du học Pháp và theo nghiệp kỹ sư giao thông cầu đường của bố. Nhưng bố tôi khuyên, con nên học khối B với ngành môi trường khá mới mẻ và phù hợp với thể trạng”, Hải nói. Anh tốt nghiệp ngành quản lý môi trường Đại học KHTN (Đại học Quốc gia Hà Nội).Năm 2013, anh thực tập tại Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam (VAST), bước đầu vào nghiên cứu. “Từ ngành quản lý môi trường sang chuyên ngành sinh học, sinh thái và bảo tồn, tôi biết mình có xuất phát điểm chậm hơn các đồng nghiệp nên luôn phải tự đào sâu thêm kiến thức sinh học cơ bản. Tôi lao vào đọc các tài liệu khoa học và làm quen với các kỹ thuật sinh học phân tử ở phòng thí nghiệm” - anh kể.Một ngày, được GS.TS Nguyễn Quảng Trường (Viện Sinh thái và tài nguyên sinh vật - VAST) thông báo về kế hoạch khảo sát thực địa, Hải háo hức lên đường, nghĩ chuyến đi sẽ như một chuyến phượt. Họ tới khảo sát tại Khu bảo tồn thiên nhiên Hang Kia - Pà Cò (tỉnh Hòa Bình). Đèn pin trên đầu, ba lô đầy ắp túi đựng mẫu, panh gắp, xi lanh và chiếc máy ảnh, họ đi xuyên đêm dưới tán rừng. Hải tận mắt chứng kiến hoạt động sinh thái về đêm của các loài thằn lằn, rắn và ếch nhái. Cả đoàn mải mê săn mẫu, về đến nhà khá muộn, ai cũng mệt, quần áo bê bết bùn đất. “Tôi xin phép trưởng đoàn đi tắm trước. Trưởng đoàn bảo: Em nhớ là khi đi rừng về, việc trước tiên là phải kiểm tra mẫu. Vì các con vật thu được đang đựng trong các túi, lọ đóng kín, phải kiểm tra lại để mẫu không bị ngạt khí” - Hải không bao giờ quên bài học này.Thạch sùng mí Cát BàChuyến đi đầu tiên này đã “dán nhãn” trong tâm trí Ngô Ngọc Hải hình ảnh thiên nhiên hoang dã tuyệt đẹp với nhiều loài động vật màu sắc độc lạ, bí ẩn. Anh vừa tò mò, háo hức tiếp tục được khám phá, mà vẫn chưa hết cảm giác sợ hãi khi gặp rắn có nọc độc, ếch có lớp da dính nhớt. Anh còn bị cận thị, rất khó di chuyển trong rừng đêm có độ ẩm cao.“Tôi từng băn khoăn không biết mình có đủ gan dạ và kiên trì để theo các thầy xuyên rừng tiếp không. Nhưng tôi hiểu bản thân, chọn hướng nghiên cứu khoa học có trải nghiệm và gắn kết với thiên nhiên, hoạt động cộng đồng và văn hóa đa dạng hợp với mình”, Hải chia sẻ.Anh có thêm chuyến đi thực địa đáng nhớ ở rừng trong nửa tháng tại huyện Kon Plông (tỉnh Kon Tum) với các chuyên gia trong nước và quốc tế, vào năm 2014. “Ngoài dụng cụ chuyên dụng, hộp thuốc cá nhân, phải mang theo lều bạt. Đoàn được người dân bản địa dẫn đường, cõng giúp dụng cụ và thực phẩm - Hải kể - Chúng tôi còn mang theo cả vài con gà sống cho hành trình dài ngày”.Đêm ở rừng, sương xuống lạnh buốt. Nhiều đêm mưa rừng thấm qua mái bạt ướt cả võng và chăn, cả đoàn thức trắng. Nhưng ban mai thức giấc, ra suối ngắm nhìn thiên nhiên bừng tỉnh, lắng nghe tiếng hót rộn rã của chim rừng, tiếng gọi bầy của các loài voọc... anh vững tin với lựa chọn của mình.Hành trình đưa các loài quý hiếm vào Công ước CITESSau đó, Hải có cơ hội làm việc nhiều hơn với các thầy, các nghiên cứu viên và chuyên gia nước ngoài về bảo tồn đa dạng sinh học trong dự án bảo tồn các loài bò sát quý hiếm tại Việt Nam. Dấu mốc nghiên cứu nổi bật của anh là về các loài Thạch sùng mí - kết quả của không biết bao nhiêu lần xuyên rừng tìm kiếm và khám phá các loài động vật hoạt động vào ban đêm, trong đó có các loài thạch sùng mí.Chuyến khảo sát trên các đảo nhỏ tại vịnh Hạ Long đã giúp anh ghi nhận và giám sát tỉ mỉ loài thạch sùng mí, có những đêm bắt đầu từ 7h tối, kết thúc vào 8h sáng hôm sau, tay cầm mẫu vật và thước điện tử đo mẫu vật. Họ thay phiên nhau, người đo mẫu vật, người nằm tạm trên lớp vải mỏng trải trên nền đất hay ngồi ngủ trên đá tảng khoảng 30 phút rồi lại tiếp tục hành trình khảo sát. Một nghiên cứu gần đây của Ngô Ngọc Hải và cộng sự về loài rồng đất cho thấy có khoảng 1,4 triệu cá thể được nhập khẩu Mỹ, phần lớn có nguồn gốc từ Việt Nam. Dữ liệu từ các chuyến khảo sát thực địa giúp Hải xác định rõ đề tài nghiên cứu cho giai đoạn học cao học trong nước và tiến sĩ ở Đại học Cologne với học bổng toàn phần của Chính phủ Đức (DAAD). Năm 2018, anh sang học ở Đại học Cologne. Giáo sư người Đức Thomas Ziegler đã dành lời khuyên đầu tiên cho học trò: “Hải, một nhà khoa học giỏi mỗi năm có thể công bố được 3 - 4 bài báo quốc tế, nhưng nếu xây dựng nhóm nghiên cứu tốt, kết hợp với các nhà khoa học khác thì mỗi năm, số lượng công bố quốc tế và dự án hoàn thành cùng nhau sẽ tăng lên rất nhiều!”.Giáo sư Thomas Ziegler là một chuyên gia hàng đầu quốc tế về đa dạng sinh học và bảo tồn động vật hoang dã, có những nghiên cứu đầu tiên về đa dạng sinh học tại Việt Nam trong luận án tiến sĩ từ năm 1997. Ông hiện là điều phối viên cho nhiều dự án bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học tại Việt Nam. Đến nay, Thomas Ziegler đã xuất bản hơn 400 bài báo và sách, phần lớn liên quan đến đa dạng sinh học và bảo tồn các loài động vật của Việt Nam.Chính ông đã dẫn dắt Ngô Ngọc Hải tiếp cận nghiên cứu vấn đề buôn bán động vật hoang dã, trong đó có các thạch sùng mí. Đề tài cụ thể này lúc đó chưa ai nghiên cứu. Và các loài có mặt trên thị trường buôn bán sinh vật cảnh cũng chưa từng được đánh giá, đưa vào danh mục bảo vệ của các nghị định hay công ước quốc tế. Ngô Ngọc Hải và nhóm nghiên cứu đã công bố bài báo khoa học “A case study on trade in threatened Tiger Geckos (Goniurosaurus) in Vietnam including updated information on the abundance of the Endangered G. catbaensis”. Nature conservation. 33(1): 1-19, năm 2019. (Nghiên cứu buôn bán các loài nguy cấp thạch sùng mí tại Việt Nam và thông tin hiện trạng quần thể của loài bị đe dọa thạch sùng mí Cát Bà).Theo dữ liệu của LEMIS of the U.S Fish & Wildlife Service, có gần 20.000 cá thể thạch sùng mí được nhập khẩu vào Mỹ từ 1999 - 2018. Giá bán của chúng trên thị trường quốc tế trong những năm đầu lên tới 2.000 USD cho một cặp cá thể, hiện tại từ 100 - 300 USD. Nghiên cứu trên của Ngô Ngọc Hải ghi nhận 5 loài thạch sùng mí phân bố tại Việt Nam đều bị săn bắt bởi thợ săn bản địa, các thương buôn lớn thu mua, vận chuyển từ TP.HCM và Đồng Nai. Từ đây, chúng có thể được xuất lậu sang Thái Lan, Indonesia, rồi chuyển sang các nước châu Âu và Mỹ.Hải đóng vai người thích chơi sinh vật cảnh, vào các petshop ở Hà Nội, TP.HCM để hỏi chuyện về các loài được bày bán, rồi khảo sát loài và giá bán trên các shop trực tuyến ở Mỹ và châu Âu. Anh đến tận hội chợ buôn bán sinh vật cảnh lớn nhất châu Âu ở thành phố Hamm (Đức) để biết thêm về nguồn gốc, giá cả của các loài động vật được bán.“Con số thống kê lượng tiêu thụ các loài trên thị trường thế giới phản ánh nguồn cung rất lớn, chủ yếu từ việc săn bắt trong tự nhiên. Đường dây vận chuyển dài, các loài này có thể chết hoặc yếu đi. Cá thể còn sống và được thống kê ghi nhận chỉ là một phần rất nhỏ của số lượng thật bị săn bắt và buôn bán”, anh nhận định.Thạch sùng mí lichtenfelderiThạch sùng mí hữu liênKhi đã có những luận chứng khoa học về sinh cảnh, diện tích phân bố, hiện trạng quần thể, đặc điểm sinh thái của loài, hiện trạng nguy cấp và buôn bán, nhóm đã lập hồ sơ đệ trình các cơ quan chức năng.Nhóm đã đưa được rất nhiều loài ếch nhái và bò sát quý hiếm vào danh mục bảo vệ của Công ước CITES, nghị định 06/2019/NĐ-CP và nghị định sửa đổi 84/2021/NĐ-CP như các loài thằn lằn cá sấu, các loài thạch sùng mí, các loài cá cóc, tắc kè đuôi vàng, rồng đất.Nhà nghiên cứu trẻ cần tư duy mởMới đây, nhóm nghiên cứu của anh đã cùng Vườn thú Cologne và Bảo tàng Alexander Koenig (Đức) ứng dụng thuật toán để dự đoán và đánh giá tác động của biến đổi khí hậu lên các loài thạch sùng mí tại Việt Nam.“Đối với loài thạch sùng mí Cát Bà, mô hình dự đoán loài có thể ghi nhận phân bố tại vùng đất liền ven biển, thay vì chỉ ghi nhận phân bố tại các đảo nhỏ thuộc Vườn quốc gia Cát Bà và vịnh Hạ Long. Đối với loài thạch sùng mí lichtenfelder, ghi nhận vùng khí hậu phù hợp tại các huyện giáp biên giới thuộc địa phận tỉnh Quảng Ninh. Kết quả của mô hình dự đoán được kiểm chứng là chính xác khi nhóm tôi tiến hành khảo sát tại khu vực này và đều ghi nhận loài thạch sùng mí lichtenfelder”, TS Hải cho biết.Họ cũng dự đoán 30 - 50 năm nữa, dưới tác động của khí hậu cực đoan và mức phát thải nhà kính cao, vùng phân bố tiềm năng của loài thạch sùng mí sẽ suy giảm, có thể dẫn tới tuyệt chủng, do đó cần một kế hoạch bảo tồn đồng bộ cho tất cả các loài thạch sùng mí.Tin mừng đến với anh khi trò chuyện với người dân địa phương, được biết nhu cầu thị trường với nhóm loài động vật được bảo vệ bởi luật pháp nay đã giảm hẳn ở một số nơi. “Kiểm soát được 100% việc săn bắt các loài đã đưa vào bảo vệ là rất khó. Vì rất nhiều người dân, thợ săn địa phương hay các chủ nuôi cảnh hoàn toàn không biết về luật và khung xử phạt liên quan hành động săn bắt và nuôi nhốt trái phép động vật hoang dã. Nâng cao ý thức, giáo dục cộng đồng cần được lan tỏa sâu rộng để bảo tồn động vật hoang dã”, TS Hải mong mỏi.■ Tags: Thiên nhiên Việt NamThạch sùng míCôn trùng Việt NamBảo tồn động vật hoang dãĐa dạng sinh học
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Chi tiết sáp nhập phường của TP.HCM áp dụng từ ngày 1-1-2025 THÀNH CHUNG 21/11/2024 Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã ký ban hành nghị quyết về việc sáp nhập đơn vị cấp xã của TP.HCM giai đoạn 2023 - 2025.
Bộ Chính trị kỷ luật cảnh cáo ông Vương Đình Huệ THEO WEBSITE ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM 21/11/2024 Ngày 20-11, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã xem xét, thi hành kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên có vi phạm, khuyết điểm.
Chi tiết sáp nhập xã, phường của Hà Nội: Giảm 53 xã, phường THÀNH CHUNG 21/11/2024 Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã ký nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sáp nhập phường, xã của Hà Nội giai đoạn 2023 - 2025.
Quân đội Mỹ tuyên bố sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân TRẦN PHƯƠNG 21/11/2024 Bộ tư lệnh chiến lược Mỹ (STRATCOM) nói Washington sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân nếu cần nhưng chỉ trong tình hình 'có thể chấp nhận được'.