Hạt phấn cuối cùng

TTCT - Lúc nhận dì về, mẹ nói để mẹ trang điểm cho dì. Mấy món mỹ phẩm cũ kỹ trong giỏ của dì đã cạn, mẹ đích thân đi chợ mua mấy món hàng mới. Mẹ nói, hồi sống chung, mẹ bị dị ứng với mấy món phấn son hàng chợ trời và mùi nước hoa nồng mùi lạ lẫm của dì.

Minh họa: Ry Nguyễn
Minh họa: Ry Nguyễn

 

 Mẹ không thích mấy loại mỹ phẩm đó chút nào, nó gợi lên một sự nhàn nhạt và xa lạ. Nhưng lần này, mẹ khẳng định: “Mẹ biết, dì sẽ vui khi thấy mẹ mua cho những món mà dì thích nhất”...

Da mặt dì ngả màu hơi tím tái và có vẻ khô. Mấy nếp nhăn khổ ải hằn dấu tích một cuộc đời không mấy suôn sẻ. Đôi mắt dì không khép hẳn.

Mẹ nhẹ nhàng chấm từng miếng phấn, nhẹ nhàng tô lên môi dì thứ son rẻ tiền đậm một màu đỏ chót. Mẹ nói, chắc chắn dì sẽ vui, nhưng lại cằn nhằn cho coi: “Hồng còn gì nữa đâu mà Thắm phải bận lòng. Sao không để tiền lo cho tụi nhỏ”.

- Nhưng thôi, đừng giận Thắm, Thắm trang điểm cho Hồng lần này nữa thôi, Hồng...

Hồng là nghệ danh của dì từ hồi dì vừa mới bước qua cái tuổi hai mươi. Năm đó, lần đầu tiên dì theo đoàn lô tô Cát Tường về xóm Cổ Cò heo hút.

Xóm xa chợ, nằm chèo queo trong một cánh đồng, mấy chục nóc gia lưa thưa bên con đê bao chống lũ. Phải đi một đoạn dài mới đến chợ.

Cái chợ xã nằm ngay trên đất của sân banh, không có nhà lồng, chỉ là những mái lá tạm bợ để sáng sớm bày ra bán, đến sắp trưa thì chợ tàn.

Đoàn lô tô Cát Tường chọn sân banh làm nơi lưu diễn. Đoàn chừng chục người với một sân khấu di động và con chuột bọ. Cắm một cái trại ở góc sân banh, đoàn lô tô dựng sân khấu trên nền cỏ.

Trại cắm vừa xong, chiếc xe lôi chở cái loa bông bí chạy khắp các ngõ ngách của làng, quảng cáo đêm đại nhạc hội hoành tráng nhất xứ Cổ Cò, lần đầu tiên xuất hiện với dàn ca sĩ trai xinh gái đẹp.

Không khí mòn mỏi, buồn ngủ mỗi buổi xế chiều của xóm Cổ Cò được đánh thức bởi cái loa bông bí vừa chạy vừa rao; mấy ngọn đèn xanh đỏ, mấy con chuột bọ hí hửng hiện trong đôi mắt mỗi người.

Chiều đó, đồng nhà cắt lúa vừa xong, mẹ xin ông ngoại cho đi xem hát cùng đám bạn. Cả đám đi tắt đường đồng cho lẹ, níu lấy ánh đèn phía sân banh và tiếng máy dầu chạy phát điện mà đi là tới chỗ đoàn lô tô đang đóng.

Đêm coi hát đầu tiên, mẹ khen, “anh ta đẹp trai quá trời”. Trong khi đám bạn thì mê tít giọng hát của ca sĩ Phi Thanh Thanh thì mẹ lại ấn tượng với anh chàng đánh đàn ghita đệm cho ca sĩ tỏa sáng.

Đêm đó mấy đứa hâm mộ có dịp gặp các ca sĩ thần tượng của mình sau rèm sân khấu. Sau một hồi bắt chuyện, cả nhóm mời được mấy ca sĩ về chòi rẫy ở đồng nhâm nhi đặc sản xứ Cổ Cò. Thiện ý của “fan” vậy, mấy ca sĩ làm sao chối từ cho được.

Vậy là cả đoàn dọn dẹp đồ đạc vào trại, cử hai đứa trẻ nhất ở lại giữ, còn bao nhiêu thì kéo vào chòi rẫy giao lưu.

Mẹ không mê ca sĩ, mẹ nhìn anh đánh đàn không chưng diện, mà thấy chất phác thật thà, thêm tài nghệ, nên mẹ mê anh ấy. Mẹ nói với bạn đi cùng, “người ta nghệ sĩ và không có sặc sỡ lòe loẹt, thư sinh như thầy giáo, đẹp trai gì đâu”.

Bạn mẹ bĩu môi: “đẹp có đẹp, mà môi thâm dày cui thì nghi không tử tế”. Nhưng mẹ không tin cách nhìn mặt bắt hình dong như vậy. Người ta rành rành hiền hậu vậy, làm sao mà không tử tế cho được chứ.

Hôm đó nhậu đến khuya thì hai bên mới dám uống dày đến xáp lá cà cho say nồng tình nghĩa. Lúc cả hai bên say bí xí, cũng là lúc tiệc bắt đầu tàn; chia tay nhau, ai về nhà nấy.

Mẹ đi theo linh cảm về con đường tắt băng ngang đồng để về nhà. Lúc ra đến cây rơm thì thấy anh đánh đàn ghita đứng móc họng để ói.

Mẹ cười, người gì đâu nhậu không dám từ chối, về thì ráng ói ra cho bớt say. Thiệt hiền hết sức nói. Anh đánh đàn thấy mẹ nên có vẻ ngượng ngùng, rồi cả hai nói chuyện dài dài đường về.

Sau đó là mấy lần hẹn nữa, mẹ không nhớ. Chỉ nhớ có một đêm hẹn trời tối thui. Mưa to quá xá. Đêm đó anh ghita rủ nhậu, vì sắp chia tay Cổ Cò đi xứ khác. Mẹ vừa ngậm ngùi vừa nghe đau đáu trong lòng, cầm ly rượu nốc một cái cạn sạch. Cuộc nhậu nhắm nháp mồi là mấy câu mùi mẫn.

Lúc tiệc tàn thì cả hai say như hai cây đũa đi dựa vào nhau, nghĩ là nếu gió có thổi mạnh sẽ ngã về một trong hai phía. Trên đường về mẹ cứ tưởng nói chuyện sẽ bớt say, ai dè càng nói thì men càng ngấm.

Lúc đó cơn mưa ập đến, sét rạch mấy đường ghê gớm trên bầu trời. Mẹ sợ nên nép vào ngực anh ghita. Thấy không xong, cả hai chạy vào chòi rẫy bỏ hoang trú mưa.

Có sét, thường thì mưa sẽ mau tạnh. Nhưng xui sao hôm đó mưa dai dẳng đến gần sáng. Vì mệt lại thêm có phần say nên mẹ nằm lên mớ rơm trong chòi, lúc đó cứ ngỡ như nằm nệm.

Tiếng mưa to vậy mà cơn say thì cứ ngây ngây nên hai đứa ngủ từ lúc nào không biết. Đến lúc tỉnh dậy mới nhìn nhau e thẹn không nói được nên lời.

Đoàn lô tô dời đi sau khi đến Cổ Cò ăn nằm dầm mưa hai tháng. Đêm hát cuối cùng, dì Hồng thấy mẹ cứ đứng ngoài cánh gà nhìn vào bên trong sân khấu như quyến luyến.

Dì tưởng mẹ hâm mộ dì, nên dì cảm động quá trời. Dì dúi vào tay mẹ tờ giấy ghi địa chỉ nhà, nói: “Hồng đi ta bà, nhưng lâu lâu cũng về ngang thăm nhà, có gì vui buồn cứ viết thư cho Hồng nha”.

Mẹ bâng quơ ngó lơ tờ giấy, giá mà tờ giấy đó là địa chỉ của anh đánh đàn thì hay biết bao nhiêu. Nhưng anh kia chắc còn mắc cỡ, cứ loay hoay rồi lại tìm cách ngó chỗ khác, làm mẹ bị lạc trong đôi mắt của người ta.

Rồi bụng mẹ đội áo nhô lên, tôi bắt đầu ngọ ngậy bên dưới lớp áo mẹ. Ông ngoại biết chuyện, rút roi đánh mẹ, hỏi: “Của ai?”.

Lúc đó mẹ không biết phải nói sao, tay cầm chặt túi áo, cắn răng mà khóc. Ngoại cố moi trong túi áo mẹ ra cho được, thì bắt gặp tờ giấy đề địa chỉ của dì. Bữa sau ngoại đón tàu đò đi tìm người biên cái địa chỉ ấy hỏi rõ tội tình, cớ sao làm con gái ông “no bụng” rồi bỏ trốn.

Phải đi trật vuột mấy đoạn đường thì mới đến địa chỉ ghi trong tờ giấy. Ngôi nhà khang trang nằm nép sau hàng dừa cao vun vút làm ngoại phần nào nhẹ lòng.

Như dự đoán của ngoại, ba má dì khi nghe tin về con mình gây nên nông nỗi cho con gái ngoại, thì cả hai đều bật ngửa.

Nhưng khác với dự đoán phần kết của ngoại, ba má dì mừng đến rưng rưng, quyết nhất định phải cưới mẹ, cưới gấp ngay lập tức chứ không hề phiền lòng chối bỏ đẩy đưa.

Biết sẽ khó gọi thằng “con gái” về bằng tờ thư mấy dòng nhẹ nhàng chữ nghĩa. Ba má dì nhắn gửi tàu đò lên ngọn Cây Da, nơi đoàn mới vừa đặt chân đến hát hai hôm.

Lời nhắn có phần đau đớn ngậm ngùi, “má Hồng hấp hối, ba Hồng nhắn kêu Hồng về gấp chờ tang”. Dì vừa khóc vừa chạy về trong đêm.

Nhưng má dì thì không hấp hối. Má ngồi trên bộ ván ngựa đen mun, vừa ôm lấy dì vừa khóc. Bà không khóc vì đau mà khóc vì mừng, năn nỉ con: “Con thương ba má thì hãy cưới người ta, cho ba má có đứa cháu bồng hun hít. Nếu không ba má bỏ xứ đi luôn”.

Dì ngậm câm nhưng không khóc. Lúc đó dì biết, nếu dì không xuôi theo mọi chuyện, nỗi khổ ngặt nghèo này sẽ đè nặng lên nhiều đôi vai, trong đó có ba mái đầu bạc, một mái đầu xanh và còn đâu đó mái đầu chưa qua mùa tóc máu.

Đêm đó dì trằn trọc không ngủ được. Sáng sớm hôm sau, dì ra chợ cắt tóc, mua áo sơ mi, quần tây, dây nịt, nón kết... ra dáng đàn ông đàn ang. Duy chỉ giọng nói thì không sao sửa lại được.

Đám cưới tức tốc tiến hành. Bữa qua dạm hỏi, mẹ nhìn dì chưng hửng. Nhưng khi dì lén ra sau nhà, dì nắm tay mẹ nói: “Anh đánh đàn đào hoa, Hồng biết. Ảnh biết Thắm có con, ảnh đi biệt xứ rồi. Giờ Hồng cũng bị vào thế kẹt, Hồng không biết làm sao hơn?”.

Mẹ khóc ròng ôm lấy dì. Sau này mấy lần như thế nữa, người ta cứ nghĩ tụi nhỏ thương nhau quá, nên ôm nhau mừng khóc như mưa.

Tôi ra đời sau ngày đám cưới mẹ năm tháng. Rồi dì lặng lẽ bỏ đi khi tôi vừa mới biết ăn, biết nói. Mẹ kể, dì đi trong một bữa mưa to, gió ngoài đường hung hăng rất dữ.

Dì nói với mẹ rằng, dì không thể làm chồng, thì dù ở với mẹ, mẹ cũng khổ tâm. Nên thôi dì đi. Lúc đó ba má dì đã mất, tôi đã mãn tang ông bà nội của mình.

Sau này, không biết từ đâu mà dì lôi ba ruột của tôi về cho mẹ. Lúc đó ba đã sa cơ thất thế, về te tua với thân thể còm nhom và hai bàn tay trắng.

Mẹ vì nghĩa, vì thương tôi cần có một người cha nên mẹ nai lưng ra nuôi thêm ba, ngày ba bữa cơm và hai bữa nhậu. Từ dạo đó, dì lâu lâu ghé qua nhà thăm mẹ và tôi, vẫn hay dúi vào tay mẹ một số tiền, đủ để mua gạo trong mùa giáp hạt.

Mãi sau này, đến lúc tôi đã lớn khôn, tôi vẫn xem dì là một người dì, người mẹ, máu mủ ruột thịt chứ không phải người dưng.

Ba bắt đầu sáng xỉn chiều say, hết nhậu rồi đến hát hò. Dần thêm tật đánh vợ. Mấy lần dì ghé nhà, thấy ba đánh mẹ, dì can ngăn.

Ba sỉ vào mặt dì mà chửi: “Mầy là thứ đàn bà, biết gì chuyện nhà tao mà can”. Có lần trong lúc can ngăn, dì bị ba đánh te tua, mặt dì sưng to, phải về quê tịnh dưỡng, bỏ đoàn hát mấy tháng trời.

Dì nói: “Cái thằng vậy mà còn có chỗ được, chửi Hồng là con đàn bà, nghe sướng”.

Mùng ba Tết, dì ghé nhà lì xì mẹ con tôi. Lúc đó ba nhậu say từ đâu về xăm xăm vào nhà đá cái bình trà bể nát.

Không thấy ai lên tiếng, ba lên cơn, rượt má, chửi: “Đồ đàn bà tụi bây là thứ ăn hại”. Dì biết ba chỉ rượt vậy thôi, chứ không đuổi theo kịp mẹ đâu. Nhà này ngày nào mà không đánh nhau, đánh như hát bội.

Nhưng hôm đó thì khác, sau khi rượt mẹ chạy hai vòng chưa hả hê, ba ra sau bếp rút cây dao phay. Dì ngồi trên võng, nhanh như tên bay, phóng ngay lại chỗ ba, giật lấy cây dao đang giơ cao sắp chém mẹ. Nhưng cuộc giành cây dao phay không đơn giản như dì tưởng.

Dì ốm yếu, vật làm sao lại ba - một người say nhưng lực lưỡng. Dì vờn với ba trên mặt đất mịt mùng cát bụi. Đến lúc nghe tiếng hét thất thanh thì tôi phát hiện ba giãy giụa mấy cái như con trùn quặn mình rồi nằm sải lai. Dì đứng rung rung, trên tay rơi xuống cây dao phay đầy máu.

Dì ôm tôi khóc như mưa. Lần đầu tiên tôi thấy dì rơi nước mắt. Nước mắt dì nóng hổi như có thể vừa rơi vừa bốc khói lên trời.

Dì lê bước ra đồn công an đầu thú. Hai tháng sau, tòa tuyên án. Mẹ tôi khóc ngất, an ủi dì, sẽ nhanh thôi Hồng, nhanh thôi, Hồng ráng cải tạo tốt trở về với Thắm, Hồng nghen...

Mẹ vẫn hay lủ khủ đồ đạc kem phấn cho dì mỗi lần vào trại thăm. Lần cuối cùng vào ngày mười sáu tháng tư.

Mẹ chết trân, đánh rơi mớ kem phấn tứ tung xuống đất, những vỉ phấn rơi, vỡ nát thành từng hạt trên nền trại giam. Khi rơi xuống đất rồi, chúng vẫn giữ y màu của mình, cho nền đất có một điểm màu trắng da người.

Người ta kể lại rằng, dì bị một nhóm tù nhân nam hành hạ mỗi đêm nhưng dì không biết nói sao với quản giáo. “Hồ sơ ghi nam thì ở phòng nam, chứ sao”. Dì không chống cãi, cũng không phân minh đúng sai. Dì chọn cách ra đi. Dì đi bằng một cái khăn rằn mẹ mua cho dì vào dịp vào thăm hồi tết...

Lúc hạ huyệt, các thầy tụng kinh cầu siêu. Mẹ nói, thầy hãy tụng cho cô Nguyễn Thị Minh Hồng tiêu diêu miền cực lạc... Mẹ nói chắc dì sẽ vui, vì về bên ấy, Đức Phật sẽ xác nhận dì là nữ. Nếu còn bị nhốt thì sẽ không bị nhốt chung với nam.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận