Hậu vận nào cho sinh viên đang thực tập sư phạm?

NGUYỄN PHI HÙNG 06/05/2014 07:05 GMT+7

TTCT - Sinh viên (SV) sư phạm khóa 33 của Đại học Quy Nhơn có đợt thực tập sư phạm tám tuần, kết thúc vào tháng 4-2014.

Phóng to
Một buổi thuyết trình của sinh viên năm 2 khoa tâm lý giáo dục Trường đại học Sư phạm TP.HCM - Ảnh: Như Hùng

Để thuận tiện, SV tỉnh nào được gửi về tỉnh đó. Mỗi SV được đánh giá bốn tiết chuyên môn, trong đó tối thiểu một tiết phải dạy bằng giáo án điện tử và hai tiết giáo dục sư phạm.

Tại Phú Yên có ba đoàn thực tập sư phạm với 83 SV, được phân về cho ba trường: THPT Trần Phú (31 SV, trưởng đoàn Đỗ Thị Kiều Qua), THPT Nguyễn Huệ (25 SV, trưởng đoàn Nguyễn Thị Thanh Thảo), THPT Trần Quốc Tuấn (27 SV, trưởng đoàn Trần Ngọc Châu). Tiếp xúc với các nhóm thực tập sư phạm, tôi đặt một số câu hỏi có tính thời sự và nhận được những tâm tình sau:

* Các bạn thấy học sinh hiện nay khác gì về hạnh kiểm, tác phong so với thời phổ thông của các bạn cách đây bốn năm?

“Học sinh bây giờ dạn dĩ hơn nhưng cũng ít tôn trọng thầy cô hơn như không chào giáo viên, hay “trả treo”, cộc lốc khi giáo viên chưa dứt lời” - nhiều SV nhận định.

Bình phẩm về clip thầy trò đánh nhau ở Bình Định, các nam SV nêu nguyên tắc: “Chúng tôi không bao giờ nghĩ đến chuyện sẽ đánh học trò, hay có lời lẽ xúc phạm nhân phẩm học trò nếu sau này được đi dạy”.

* Các bạn có lo lắng nhiệm sở sau khi tốt nghiệp? Đã có kế hoạch gì đậu tốt nghiệp loại giỏi để dễ xin việc?

“Tốt nghiệp loại giỏi cũng không xong. Khóa 32 có bạn tốt nghiệp loại giỏi vẫn không xin được việc. Nhiều bạn bảo bằng đại học sư phạm bây giờ chỉ là bằng tốt nghiệp phổ thông cấp 4. SV sư phạm thất nghiệp, lang thang đủ nghề cũng làm tụi tôi mất giá trong mắt học trò” - nhiều SV nói.

Có bạn buông xuôi: “Tới đâu hay tới đó. Chỉ biết hiện đang thực tập sư phạm thấy cũng vui, yêu nghề. Dù sao cũng là nghề mình đã chọn”. SV khoa tự nhiên vẫn tính chuyện sau này dạy thêm nếu được đi dạy nhưng thòng câu: “Tất nhiên là không phải vì đồng tiền lắm” (cười).

* Từ năm 2015, Bộ GD-ĐT bắt đầu thực hiện đề án “Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục”, nổi bật là: tích hợp các môn học để giảm số môn, phân luồng mạnh sau THCS để giáo dục nghề nghiệp, chú trọng dạy cách tự học, dạy làm người. Các bạn làm gì để đáp ứng nếu được phân công giảng dạy?

Đa số các bạn cho là chưa nghe gì về điều này, thật đáng tiếc. Các bạn chỉ biết với phương pháp giảng dạy mới phải lấy học sinh làm trung tâm, thiết kế bài giảng để học sinh hoạt động nhiều hơn, giáo viên đóng vai trò hướng dẫn... nghe chừng rất “lý thuyết”.

* Các bạn thử tính phỏng chi phí cho bốn năm sư phạm? Nếu sau này không được phân công đi dạy, các bạn làm gì trong thời gian chờ đợi và chắc chắn là không tránh khỏi buồn chán?

SV sư phạm không phải đóng học phí. SV từ Phú Yên ra Quy Nhơn với quãng đường trên 100km, ở ký túc xá, chi phí trung bình được phỏng tính là 80 triệu đồng cho bốn năm. Rất tự nhiên, không e dè gì cả, các bạn bảo: “Nếu có số tiền xấp xỉ như vậy nữa thì có thể chạy chỗ dạy được. Bằng không các khu công nghiệp đang mở cửa chờ chúng ta”.

Nói xong các bạn đồng cười to, vui vẻ: “Buồn chán là chắc chắn rồi nếu không được đi dạy. Bởi thế, mười SV thì hết tám muốn học lên thạc sĩ nếu gia đình có điều kiện”.

***

Hậu vận nào cho những SV đang thực tập sư phạm này là câu hỏi để ngỏ. Nếu cộng luôn số SV sư phạm năm cuối của Đại học Phú Yên (hệ ĐH 120 SV, hệ CĐ 260 SV) cũng đang thực tập sư phạm thì năm tới ngành giáo dục tỉnh Phú Yên sẽ bổ sung gần 500 hồ sơ xin việc vào hàng ngàn hồ sơ đang nằm chờ, mà chủ nhân của những hồ sơ xin việc này được xã hội gán cho nhãn hiệu “Dở thầy dở thợ”.

Lỗi vì đâu?

Phải chăng mọi sự cải tổ về giáo dục phải bắt đầu ngay từ khoa sư phạm ở các trường đại học? Lẽ ra với nghị quyết trung ương 8 về đổi mới căn bản và toàn diện GD-ĐT, nhà trường sư phạm cần có kế hoạch đón đầu, triển khai ngay.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận