Hãy nghĩ đến các Ngân hàng Máu cuống rốn công

LAN ANH GHI 20/03/2010 10:03 GMT+7

TTCT - “Các bác sĩ điều trị trên thế giới đều ủng hộ lập ngân hàng máu cuống rốn công. Theo tôi, đó mới thật sự là vì y học và sự sống của bệnh nhân” - PGS NGUYỄN VĂN THUẬN (*), chủ tịch điều hành Hiệp hội Công nghệ sinh học sinh sản các nước châu Á (Asian Reproductive Biotechnology Society - ARBS), trả lời Tuổi Trẻ Cuối Tuần.

PGS Nguyễn Văn Thuận -  Ảnh do nhân vật cung cấp
Lấy máu cuống rốn - Ảnh: Science photolibrary

PGS Nguyễn Văn Thuận: Lập các ngân hàng lưu trữ tế bào máu cuống rốn phục vụ cho việc điều trị và nghiên cứu tế bào gốc (TBG) tại Việt Nam là một dấu hiệu tốt, cho thấy các nhà khoa học Việt Nam đã quan tâm vấn đề này. Vấn đề là việc thành lập và quản lý ngân hàng này như thế nào.

Tôi cho rằng những người quan tâm nên tìm đến một ngân hàng công, trước hết là tạo được cơ hội chữa bệnh cho những người bị bệnh, hai là thúc đẩy nghiên cứu về ứng dụng TBG cuống rốn tại Việt Nam, như vậy cũng nâng cao khả năng chữa bệnh khi không may mắc bệnh. 

Quan trọng hơn, việc thành lập các ngân hàng máu cuống rốn phải do các bệnh viện của Việt Nam thực hiện, không nên để các công ty nước ngoài thành lập ngân hàng máu cuống rốn tại Việt Nam. Tất cả các nước trên thế giới đều làm như vậy.

Trên thế giới hiện có hai loại ngân hàng máu cuống rốn: công và tư. Nếu khách hàng chọn ngân hàng công thì không mất tiền gửi, nguồn tế bào máu cuống rốn đó có thể sử dụng để điều trị cho những bệnh nhân khác nếu tương đồng những chỉ tiêu về di truyền và sinh hóa, đồng thời có thể được sử dụng trong nghiên cứu. 

Nếu gửi vào ngân hàng tư thì chỉ sử dụng theo quyền quyết định của khách hàng và họ phải trả tiền cho việc thu nhận và lưu giữ lần đầu từ 600-1.200 USD, phí duy trì hằng năm khoảng 100 USD (mức giá nhiều nước đang áp dụng). Tuy nhiên, máu cuống rốn thường sử dụng cho người bị bệnh về ung thư máu hoặc bạch cầu, tỉ lệ mắc bệnh rất thấp (khoảng 1/100.000 đối với trẻ em và 1/10.000 đối với người trên 70 tuổi, theo thống kê tại Mỹ). Theo tôi, gửi vào ngân hàng công thì tốt hơn.

* Thưa ông, đã có bằng chứng nào về việc sử dụng TBG trong điều trị các bệnh như tim mạch, tiểu đường, ung thư, viêm khớp, Parkinson, mất trí nhớ...?

- Chúng ta không thể phủ nhận những lợi ích mang lại trong sử dụng TBG điều trị những bệnh liên quan đến ung thư máu, hệ thống miễn dịch và gần đây là bệnh tiểu đường type 1. 

Nếu so sánh về khả năng điều trị cho bệnh nhân giữa TBG phôi, TBG thu nhận từ mô hoặc tổ chức trưởng thành, TBG thu nhận từ máu hoặc màng cuống rốn và TBG biệt hóa trực tiếp từ tế bào trưởng thành thì đến thời điểm này (năm 2010) cũng rất khó đưa ra kết luận loại nào tốt cho bệnh nhân. Bởi tất cả còn đang trong giai đoạn nghiên cứu và các điều trị đến nay cũng vẫn là thí nghiệm. 

* Vậy thưa ông, hiện nghiên cứu TBG trên thế giới đang đi theo hướng nào? Đã có những tiến bộ nào trong lĩnh vực này chưa, đặc biệt trong điều trị lâm sàng?

- Nghiên cứu TBG những năm đầu thế kỷ 21 là biệt hóa trực tiếp tế bào soma thành TBG với các kỹ thuật gen và sử dụng môi trường biệt hóa từ tế bào trứng động vật. Nhóm chúng tôi trong năm 2009 cũng lần đầu tiên phát hiện chất chiết từ trứng non động vật cũng có thể biệt hóa tế bào soma thành tế bào tương tự TBG (kết quả đăng trên tạp chí Development). 

Tuy nhiên, tùy vào thế mạnh của từng phòng thí nghiệm TBG, nhiều nhóm vẫn tiếp tục nghiên cứu về ứng dụng của TBG phôi hoặc TBG phôi trưởng thành, cũng như TBG từ cuống rốn. Ứng dụng TBG trong lâm sàng cũng đang trong giai đoạn vừa ứng dụng vừa nghiên cứu.

* Ông có nhận xét gì về các công trình nghiên cứu TBG của Việt Nam trên các tạp chí khoa học thế giới?

- Các công trình nghiên cứu về TBG của Việt Nam trên các tạp chí khoa học quốc tế còn rất hạn chế. Tôi hi vọng trong những năm tới với sự đầu tư của Nhà nước, lĩnh vực này sẽ khởi sắc hơn. Và cũng mong rằng trong những năm tới các nghiên cứu trong lĩnh vực này sẽ được đăng trên những tạp chí khoa học quốc tế dù ở mức độ thấp. Như vậy sẽ dễ cho Nhà nước đánh giá các công trình nghiên cứu đã đầu tư, chứ không chỉ thông qua những báo cáo tại hội nghị. 

Đừng quên là ngay cả báo cáo tại hội nghị quốc tế cũng không có giá trị khoa học chính thức. Hội nghị khu vực của ARBS năm nay do Malaysia đăng cai tổ chức tại ĐH Malaya (Kuala Lumpur) mong rằng sẽ có nhiều nhà khoa học Việt Nam tham gia báo cáo, nếu nghiên cứu của họ đã được đăng trên những tạp chí khoa học của thế giới. 

* Đối với những quan tâm sâu sắc của nhiều người dân Việt Nam về dịch vụ lưu giữ TBG máu cuống rốn và hi vọng của họ về khả năng trị liệu từ TBG, ông có lời khuyên nào cho họ?

- Việc thành lập các ngân hàng lưu giữ máu cuống rốn và tế bào cuống rốn là điều cần làm. Tuy nhiên, tỉ lệ để chữa bệnh cho mình và những người trong gia đình là rất thấp. Trong khi đó, những người bệnh đang cần thì rất nhiều. Vì vậy đứng trên phương diện y học chữa trị là quan trọng, tôi nghĩ ngân hàng máu cuống rốn công là một quyết định tốt nhất cho đại chúng. Hiện trên thế giới có rất nhiều công ty lập ra ngân hàng máu cuống rốn vì lợi nhuận rất cao, song họ chỉ vì lợi nhuận chứ chưa thật sự quan tâm đến sử dụng điều trị. 

* Xin cảm ơn ông.

Phải nói cho đúng!

“Ngân hàng máu cuống rốn của Bệnh viện Truyền máu - huyết học TP.HCM - thành viên của Hiệp hội Máu cuống rốn châu Á Asia CORD - chỉ thu thập máu trong bánh nhau để xử lý lấy TBG tạo máu (tức tế bào CD 34 +). Đây là tế bào chỉ chuyên biệt tạo ra tế bào máu (hồng cầu, bạch cầu, tiểu cầu) chứ không tạo ra các thành phần khác. 

Ngân hàng hiện lưu trữ trên 2.100 mẫu, tất cả chưa thu phí, dù ngay khâu lưu trữ mỗi tuần phải chi hàng chục triệu đồng để nạp nitơ (do nitơ bốc hơi tự nhiên). Lưu trữ máu cuống rốn có cái lợi là sau này nếu bản thân em bé mắc bệnh về máu thì có thể sử dụng để ghép lại cho chính em bé đó hoặc anh chị em ruột (với điều kiện phù hợp HLA). Và cũng từ ưu thế này của máu cuống rốn nên một số ngân hàng thương mại lợi dụng để kinh doanh. 

TBG trong máu cuống rốn còn hiện diện tế bào tủy xương, tế bào tuyến ức, lách, gan, túi noãn hoàng (tức tế bào trung mô, sẽ sinh ra tế bào da, xương, thận...) nên người ta hi vọng dùng để điều trị các bệnh lý của da, thận. Tuy nhiên, hiện cũng còn đang nghiên cứu. Việc sử dụng để ghép giác mạc, điều trị bệnh tim, đột quỵ... cũng đang trong vòng nghiên cứu, có một số kết quả, nhưng có một số chưa thành công. Phải nói cho đúng!

Với ngân hàng dây rốn thì người ta lấy màng trong của dây rốn (tức lấy tế bào trung mô), rồi dùng các yếu tố tăng trưởng kích thích nó biệt hóa để tạo ra các tế bào mong muốn như tế bào cơ, sụn, tế bào tim, dây chằng... Thực tế đến nay đã làm được tế bào da, tế bào giác mạc, tế bào cơ... nhưng chưa nhiều, ứng dụng trên lâm sàng có trường hợp tốt, có trường hợp không thành công. Nói thẳng, đây cũng là những vấn đề còn đang nghiên cứu”. 

______________

 Nếu bảo hiểm y tế vào cuộc, có thể phục vụ cộng đồng

Đã có 6-7 nhóm nghiên cứu công nghệ TBG được duyệt triển khai đề tài cấp nhà nước, nhưng đội ngũ chuyên gia còn mỏng manh. Cần tập trung xác định cụm vấn đề, đào tạo một số chuyên gia có trình độ tầm cỡ quốc tế và nghiên cứu theo hướng tập trung, có mũi nhọn.

Để phục vụ được cộng đồng ngay thì khó, nhưng các nước khác đã làm được nhờ có chính sách bảo hiểm y tế. Ở châu Âu, ngân hàng TBG do nhà nước quản lý, thực hiện chính sách xã hội là chủ yếu. Ở Việt Nam, nếu không triển khai theo hướng mở rộng ra cộng đồng, những người bệnh cần hưởng thụ công nghệ lại không được hưởng. Chưa kể các chi phí để gửi mẫu, chuẩn hóa, chống thải ghép đều rất lớn, những người không dư dả chắc chắn không với tới được.

TS BÙI XUÂN NGUYÊN (trưởng phòng công nghệ phôi - Viện Công nghệ sinh học)

(*) PGS Nguyễn Văn Thuận hiện giảng dạy tại khoa công nghệ sinh học động vật ĐH Konkuk (Kiến Quốc) ở Seoul, Hàn Quốc và Phòng thí nghiệm tế bào gốc và công nghệ dược phẩm tái sinh (Stem cell and regenerative biomedicine).

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận