Hãy trả tên lại cho người

HOÀNG ĐỨC HUY 09/04/2008 22:04 GMT+7

TTCT - Từ lâu lắm rồi và cho tới nay, trong sách giáo khoa học sinh vẫn còn phải học cách viết tên riêng người (hoặc địa danh) nước ngoài theo cách phiên âm. Sách Tiếng Việt 4 theo chương trình đổi mới (NXB Giáo Dục, năm 2004, tập 1, trang 78-79) có bài “Cách viết tên người, tên địa lý nước ngoài” (tuần 8) như sau:

“1. Khi viết tên người, tên địa lý nước ngoài, ta viết hoa chữ cái đầu của mỗi bộ phận tạo thành tên đó. Nếu bộ phận tạo thành tên gồm nhiều tiếng thì giữa các tiếng cần có gạch nối.

- Tên người: Lép Tôn-xtôi, Mô-rít xơ Mát-téc-lích, Tô-mát Ê-đi-xơn.

- Tên địa lý: Hi-ma-lay-a, Đa-nuýp, Lốt Ăng-giơ-lét, Niu Di-lân, Công-gô”.

Tôi thật sự thấm thía cách viết sai lạc này khi dạy phương pháp “Môn văn lên mạng” hướng dẫn học trò lên mạng tìm tài liệu (mạng www.google.com). Nếu ta viết tên riêng “Ôm” (nhà bác học Ohm) thì chắc chắn không thể tìm được tài liệu về nhà bác học này.

Đó là chưa bàn đến cách phiên âm của nhà biên soạn sách giáo khoa có đủ sức thuyết phục hay chưa? Ví dụ như tên Am-xtơ-rông (Armstrong) trong sách Tiếng Việt 4, (NXB Giáo dục, năm 2004, tập 1, trang 119), âm “strong” được phiên âm thành “xtơ-rông”. Vậy thử hỏi các nhà biên soạn sách giáo khoa căn cứ vào chuẩn mực nào để phiên âm như vậy? Có phải chăng là tự biên tự diễn theo cách phiên âm chủ quan của mình(?).

Cách viết tên riêng người (hoặc địa danh) nước ngoài theo sách giáo khoa đã gây ra những tai hại như sau:

1- Học sinh không biết được tên thật nên ra đời kiến thức sẽ sai lạc và lúng túng khi làm việc.

2- Thầy cô, học sinh sẽ quá tải vì phải nhớ cách viết này (mà đúng ra không cần phải nhớ). Riêng bản thân tôi sẽ viết rất dễ dàng tên nhà văn “Cervantes”. Nhưng mỗi khi dạy đến đây, tôi vừa phải nhìn sách giáo khoa vừa chầm chậm viết lên bảng vì không nhớ nổi là: Xéc-văng-tét hoặc Xéc-văn-tét, Xéc-van-tét, Xéc-văng-téc, Xéc-văn-téc, Xéc-van-téc, Xét-văng-tét, Xét-văn-tét, Xét-van-tét, Xét-văng-téc, Xét-văn-téc, Xét-van-téc... Học theo kiểu này thì chỉ khổ cho thầy cô và học sinh!

3- Học sinh sẽ bị trừ điểm chính tả oan khi viết không đúng một tên riêng người (hoặc địa danh) nước ngoài, mặc dù cách viết này không đúng với tên thật. Chưa nói đến chính các nhà biên soạn sách giáo khoa cũng không thống nhất.

4- Nếu thầy cô và học sinh gặp tên riêng người (hoặc địa danh) nước ngoài không được học trong sách giáo khoa sẽ viết sao đây? Chẳng lẽ bịa ra một tên theo cách phiên âm chủ quan của mỗi người (mà tên thật thì không thể bịa được).

Cách viết tên riêng người (hoặc địa danh) nước ngoài đúng nhất là viết tên thật. Đối với học sinh tiểu học hoặc những tên riêng nước ngoài khó đọc có thể viết cách đọc phiên âm trong ngoặc đơn (không dùng dấu gạch nối). Không trừ điểm chính tả khi học sinh viết sai tên phiên âm.

Ví dụ: nhà bác học Ohm (ôm), Thomas Edison (Tômát Êđixơn)...

Ngày nay đã là thế giới mạng, toàn cầu hóa, Việt Nam gia nhập WTO, thậm chí học sinh lớp 1 cũng có lớp tăng cường tiếng Anh nên việc viết tên thật tên riêng người (hoặc địa danh) nước ngoài rất dễ dàng, không gặp khó khăn nào cả. Vì thế đề nghị ngành giáo dục chấm dứt ngay cách viết tên riêng người (hoặc địa danh) nước ngoài theo cách viết trong sách giáo khoa, mà phải viết tên thật để đáp ứng với công cuộc cải cách giáo dục.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận