Hay, vì đau

THÁI LINH trích dịch 21/01/2013 19:01 GMT+7

TTCT - Cuộc trò chuyện về nghệ thuật Ba Lan giữa Grzegorz Sroczynski - phóng viên báo Gazeta Wyborcza và giáo sư Maria Poprzecka - chủ tịch Hội Sử gia nghệ thuật (Ba Lan), hiện đang giảng dạy tại Đại học Tổng hợp Warszawa, đăng trong chuyên san Wysokie Obcasy.

Bà Maria Poprzecka

Nghệ thuật chưa từng là quân bình

Grzegorz Sroczynski: Càng kỳ quặc càng tốt.

- Maria Poprzecka: Nghệ thuật đương đại à? Có lẽ anh quá lời.

* Có một cái xô, có một thứ dung dịch màu đỏ nhỏ vào đó, xung quanh treo mấy sợi dây, từ loa phát ra tiếng nghiến kèn kẹt khủng khiếp. "Tác phẩm vô đề". Hãy thử tỏ ra minh triết xem nào.

-Trong Salon de Paris trưng bày nghệ thuật chính thống nổi tiếng thế kỷ 19, người ta treo hàng trăm bức tranh phong cảnh và các ả khỏa thân. Chán phèo.

* Nhưng ít ra với ả khỏa thân còn hiểu được người ta muốn nói gì.

-Thật lạ là con người không muốn đứng trước điều khó hiểu là tác phẩm của bàn tay người khác. Trước tác phẩm bất khả tư nghì của các thế lực cao siêu - Thượng đế, Chúa hay thiên nhiên - thì họ lại thích. Một số người thậm chí còn khao khát những thứ kỳ cục ấy. Nhưng khi một nghệ sĩ sáng tạo ra cái gì đó khó hiểu thì lại nảy sinh nghi ngờ rằng anh ta lừa dối tôi và muốn biến tôi thành thằng ngốc.

* Thế anh ta có lừa dối không?

- Đáng tiếc là cũng thường như vậy.

* Tôi có mấy người bạn cạch đi xem kịch từ khi họ đi xem cái gì đó tiền vệ, ở đó họ bị đổ một thứ mỡ nâu lên người, bị ấn lên sân khấu và bắt đóng giả làm chó sói.

- Có cách rất tốt cho tình huống này: bỏ về. Tôi đã không đi xem kịch suốt 20 năm.

* Cái gì cơ?

-Thì thế đấy. Tôi còn có cả lý thuyết về chuyện vì sao tôi không đi xem kịch. Bởi vì tôi không thích việc đóng giả. Đây nhé, người ta bắt tôi ngồi vào ghế rồi xem Holoubek và Łomnicki đang đóng giả rằng họ không phải là Holoubek và Łomicki mà là người khác, rồi tôi lại còn phải trả tiền nữa chứ!

* Một giáo sư về nghệ thuật đương đại có thể không đi xem kịch được sao?

-Như anh thấy đấy, có thể. Tôi đọc các bài phê bình trên báo chí để biết tình hình thôi.

...

* Một người có văn hóa có thể không thèm quan tâm đến nghệ thuật đương đại không?

-Có thể. Anh ta sẽ mất chút gì đó, nhưng cũng không đến nỗi nhiều. Có hàng đống rác. Rất nhiều.

* Ðặc điểm chính của cái thứ rác đương đại này là gì?

-Thứ cấp. Bịp bợm. Tự mãn. Sự vội vã để thành công. Và sự gây rối tri thức - cảm xúc. Chính là cái điều anh vừa nói: bạn không thích có nghĩa là bạn chưa đủ trình. Nếu bạn không hiểu thì biến đi mà xem tranh Matejko (1). Trong sinh hoạt nghệ thuật của chúng ta, đáng tiếc, vẫn tồn tại sự phân chia ra "chúng tôi" và "họ".

* Chúng tôi là ai?

-Thế giới nghệ thuật và các định chế của nó, các nghệ sĩ, các nhà trưng bày, các phê bình gia và công chúng lui tới các buổi khai mạc.

* Còn họ?

-Là số còn lại.

* Những người hâm mộ Lichen (2) và tranh tôn giáo hàng chợ?

-Cũng có họ. Mặc dù đó là sự phân chia quá đơn giản và nhầm lẫn. Giữa nghệ thuật đương đại được trưng bày và các tác phẩm tôn giáo hàng chợ trải ra một khuynh hướng rộng lớn và nhiều dòng các sản phẩm nghệ thuật. Nhưng cũng chẳng có gì phải ảo tưởng - nghệ thuật không là và chưa từng là quân bình. Sẽ mãi luôn có "chúng tôi" và "họ" nào đó, "người mình" và "người khác" nào đó. Cốt sao cho sự phân chia này không làm nảy sinh thù nghịch và sự khinh thường. Chỉ chừng ấy thôi và những chừng ấy.

* "Họ" muốn nghệ thuật ít nhất cũng phải hiểu được. Và có cái gì đó đèm đẹp treo trên lò sưởi.

-Ở thành cổ Warszawa có thể mua được những thứ đẹp và dễ hiểu. Tôi hoàn toàn không nói giễu ở đây. Tôi cho rằng nếu ai đó thích thứ nghệ thuật này thì không nên xấu hổ vì điều đó. Anh ta có quyền thích như thế. Tôi hay ngó nghiêng các sản phẩm này, tôi rất quan tâm đến tranh pháo ngoài dòng văn hóa chính thức. Tôi loại ra đồ lưu niệm cho khách du lịch. Sau khi sàng lọc thì hóa ra tranh phong cảnh chiếm ưu thế. Những bức "tranh phong cảnh chung chung".

* "Tranh phong cảnh chung chung" là thế nào?

-Có cây cối xanh xanh, có sông hồ và có núi, hơi phủ tuyết một chút. Có thêm con vật gì đó vào thì càng tốt.

* Con hươu?

-Ví dụ thế. Và đây không phải là đặc sản Ba Lan chúng ta. Mười mấy năm trước Komar và Melamid - hai nghệ sĩ Nga rời Liên Xô sang phương Tây và trở nên khá thành đạt - đã làm một cuộc thăm dò trên phạm vi toàn cầu, từ Pernambuco đến Kyoto về "bức tranh được mong muốn nhất" và "bức tranh ít người thích nhất". Họ làm thăm dò này một cách chuyên nghiệp, sử dụng các cơ quan thăm dò dư luận ở từng nước. Và trong tất cả nền văn hóa, bức tranh được mong muốn nhất đều giống nhau: mặt trời, bầu trời xanh, nước, núi và động vật. Nghĩa là thiên đường.

* Thế "bức tranh ít người thích nhất" ra sao?

-Trừu tượng - những khối hình học gì đó được vẽ bằng màu chết. Nhu cầu cần có thiên đường là thứ bẩm sinh của chúng ta, cũng có thể thấy rõ điều này trong tranh ở thành cổ Warszawa. Có thể đó là một cô gái tóc vàng ngực lớn, có thể đó là con ngựa - có nguyên soái cưỡi hoặc không - nghĩa là thiên đường đã mất thời tiền chiến. Người ta có nhu cầu để cuộc sống dễ thương hơn đôi chút.

* Nghệ thuật đương đại thật xa xôi với nhu cầu đó.

- Vì nó không phục vụ nhu cầu này. Chừng nào nghệ thuật còn được hình thành theo đơn đặt hàng cụ thể - giáo sĩ cần tượng thánh cho nhà thờ, hoàng tử cần nàng vệ nữ khỏa thân cho phòng ngủ, nhà quý tộc cần chân dung tiền nhân - tất cả đều rõ ràng. Nhưng sau đó định chế bảo tàng xuất hiện. Một không gian công chúng chuyên biệt chỉ dành cho nghệ thuật và chỉ để xem nghệ thuật. Một thay đổi căn bản. Bảo tàng và phòng trưng bày, mặc dù xuất hiện vào thế kỷ 18, vẫn tiếp tục chiếm ưu thế trong đời sống nghệ thuật ngày nay.

Bức ảnh trong tác phẩm Dương bản của Zbigniew Libera

Sự thật về thân phận con người

* Các nghệ sĩ đương đại Ba Lan muốn cho chúng ta xem gì?

- Cơ thể và sự mục ruỗng của nó. Các cơ thể già nua, tàn tật, ốm yếu, bệnh hoạn, thương tích trước đây chưa được nghệ thuật mở cửa. Nhà tắm nữ của Kozyra, Cuộc đi dạo của Zmijewski, Những nghi lễ thầm kín của Libera.

* Trong phim này Libera chăm sóc người bà của mình, thay tã, rửa ráy, lau dọn. Các nghệ sĩ Ba Lan cho chúng ta xem những thứ ấy để làm gì?

- Bởi đó là sự thật về thân phận con người.

* Cái đẹp của nghệ thuật là thế à?

- Nghệ thuật không ngừng hướng tới ba lý tưởng của Platon: chân, thiện, mỹ. Điều cốt yếu của tam giác này là các giá trị liên kết chặt chẽ với nhau. Nếu điều gì đó chân thực thì nó cũng đẹp và thiện.

* Bà tin điều đó chứ?

- Tôi tin. Cơ thể già nua là chân thực và do đó đẹp. Chỉ có điều chúng ta sống trong áp lực khủng khiếp của những cơ thể không tồn tại và không hiện thực. Không ai trông như trong photoshop cả. Điều này quá rõ ràng, nhưng nhắc lại mãi vẫn không đủ - chúng ta trưng ra bệnh tật, sự già nua, cái chết, những thứ không nằm trong tinh thần của các panô, quảng cáo và văn hóa đám đông. Nghệ thuật nhắc chúng ta nhớ đến những điều tàn bạo này.

* Vậy cuối cùng chúng ta cũng biết được tại sao mọi người không đi xem những thứ đó. Họ xem những thứ đau xót ấy làm gì?

- Nếu chỉ trông đợi ở nghệ thuật sự vui thích và an ủi, họ có quyền làm vậy. Một trong những chức năng quan trọng của nghệ thuật là consolatio - an ủi.

* Thế thứ nghệ thuật kia có an ủi bà không?

- Có. Bởi vì chính những cô xinh đẹp trên panô mới hành hạ tôi. Đó không phải là cuộc sống thật. Đó là ảo giác, thứ ảo giác gây hại, lừa dối và hạ thấp người khác.

* Chúng ta sống trong một thế giới kỳ cục. Ta nhìn ngắm sự thật đáng tiếc trong các phòng trưng bày, sau đó bước ra ngoài và cần mẫn cười bằng những đôi môi tô son. Ngược lại với trước đây... Những gì của nền nghệ thuật chúng ta sẽ còn lưu lại?

- Không nhiều. Như mọi khi.

* Không nhiều là những gì?

- Tôi đã nói đến vài thứ rồi đấy: Nghi lễ mùa xuân của Kozyra. Mắt trả mắt của Zmijewski...

...

* Còn gì nữa không?

- Dương bản của Libera. Nghệ sĩ chọn một số bức ảnh gốc - các hình tượng của truyền thông thế kỷ 20 đã đi vào tâm thức đại chúng. Em bé Việt Nam bị bỏng bom napal đang chạy trốn, Che Guevara bị bắn nằm trên cáng, các tù nhân trại tập trung sau hàng rào dây thép gai. Libera chụp các người mẫu y hệt như thế và làm các "dương bản" mới cho những bức ảnh đó. Thật rúng động.

* Bức ảnh nào gây rúng động nhất?

- Ảnh trại tập trung.

* Tôi cũng nghĩ vậy. Tôi đã đứng chết lặng.

- Tôi cũng thế.

* Nhưng tôi không biết tại sao.

- Tôi cũng không biết. Nghệ thuật là thế, người ta không biết.

* Bà nói chút gì đó về bức ảnh này đi.

- Chúng ta nhìn thấy bức ảnh quen thuộc trong sách giáo khoa chụp các tù nhân trại tập trung, chỉ là đột nhiên có gì đó không ổn ở đây. Những người này trông như khách trọ vui vẻ của các viện an dưỡng, áo tù được thay bằng sọc áo pijama, thay vì thép gai thì chúng ta nhìn thấy những sợi dây được gắn lên đó thứ trang trí rẻ tiền nhất - dây thường xuân nhựa.

* Theo bà, nó nói về cái gì?

- Về thế giới vui vẻ dối lừa, hồng hào như một lò sát sinh vào buổi sáng. Những người đứng sau các sợi dây cười cần mẫn vào ống kính. Đây không còn là những bộ xương bọc da sống mà chúng ta biết đến trong bức ảnh gốc. Nhưng vẫn có một thứ còn lại, đó là họ luôn đứng ở sau một cái hàng rào.

* Hàng rào với những dây thường xuân bằng nhựa.

- Phải. Chính là chúng ta đang đứng đó.

__________

(1): Họa sĩ Ba Lan thế kỷ 19 nổi tiếng với các bức tranh lịch sử.

(2): Tên một ngôi làng ở miền trung Ba Lan, có thánh đường Ðức Mẹ - một trong những nhà thờ tráng lệ nhất thế giới.


Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận