Hi vọng gì từ chỉ đạo ngăn chặn đầu cơ xăng dầu?

LÊ THANH 29/10/2012 21:10 GMT+7

TTCT - Trung tuần tháng 10, Văn phòng Chính phủ đã có công văn số 8103/VPCP-KTTH truyền đạt ý kiến của Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu Bộ Tài chính rà soát cơ chế điều hành giá bán lẻ xăng dầu để điều chỉnh theo hướng rút ngắn thời gian điều chỉnh giá xăng dầu.

Phóng to
Cơ quan quản lý kém nhạy bén trước thực tế thị trường khiến người tiêu dùng bị thiệt thòi (ảnh chụp ở cây xăng trên đường Hai Bà Trưng, Q.1, TP.HCM) - Ảnh: Thuận Thắng

Chỉ đạo này nhằm ngăn chặn việc lợi dụng để đầu cơ, găm hàng, nhưng xem ra “thuốc” vẫn chưa đủ liều.

Chống đầu cơ được không?

Nhận xét về chỉ đạo này, các chuyên gia xăng dầu cho rằng có hai thông điệp được đưa ra: Chính phủ thừa nhận có khoảng cách giữa điều hành của Nhà nước và thực tế thị trường; kế đến coi chuyện đầu cơ, găm hàng là “có thật”, thay vì “không tìm thấy...” như trước đây.

Đưa quỹ bình ổn giá về kho bạc

Bộ Tài chính đề nghị cần có sửa đổi về mức trích quỹ và quản lý quỹ. Về mức trích quỹ, nên trích lập quỹ ngay ở khâu đầu khi nhập khẩu thay vì hạch toán như hiện nay. Về quản lý quỹ, cần phải tập trung tại Kho bạc Nhà nước. Nếu trong điều kiện cần thiết, cơ quan quản lý sẽ nắm được số dư của quỹ và có giải pháp kịp thời khi thị trường biến động. Còn như hiện nay muốn biết quỹ còn bao nhiêu tiền lại chờ doanh nghiệp báo cáo.

Thông điệp chống đầu cơ, găm hàng tỏ ra quyết liệt hơn, bởi hiện tượng các cây xăng treo biển không bán hàng vì rất nhiều lý do trước khi giá xăng dầu tăng là căn bệnh lờn thuốc. Đây cũng chính là nghịch lý nhiều năm qua khi mà thông tin về ngày, giờ tăng giá được cơ quan quản lý nhà nước “tuyệt đối giữ bí mật” thì ngoài thị trường các đại lý tỏ ra hiểu rõ tình hình. Trước giờ G thì “hết xăng”, nhưng sau khi giá đã tăng thì gần như lập tức cây xăng nào cũng có hàng bán.

Việc xăng dầu trong nước phụ thuộc thị trường thế giới là điều dễ hiểu và không thể chối cãi. Nhưng việc điều chỉnh giá trong nước “luôn có độ trễ” so với thế giới là chuyện khó giải thích cho người dân hiểu và cũng là một nguyên nhân nữa làm thị trường thêm rối. Ví dụ mới nhất: giá xăng dầu thế giới đã giảm trong một tháng qua, tính đến ngày 22-10, doanh nghiệp đã có thể lãi 200 đồng/lít, nhưng Bộ Tài chính giải thích giá bình quân chỉ giảm nhẹ và chưa điều chỉnh giá trong nước.

Theo quy định, doanh nghiệp có quyền điều chỉnh giá sau ba ngày gửi đăng ký lên Bộ Tài chính. Song do việc điều hành xăng dầu “theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước” nên không phải lúc nào doanh nghiệp cũng có thể thực hiện tăng giá theo đúng quy định mà phải chờ sự đồng ý của quản lý nhà nước. Theo quy định về đăng ký giá tại thông tư 122, cơ quan quản lý có ý kiến sau hai ngày nhận được hồ sơ đăng ký giá của doanh nghiệp nếu mức tăng giá không hợp lý. Nhưng thực tế lại rất khác.

Quyết định tăng giá xăng dầu ngày 28-8 được Bộ Tài chính đưa ra sau khi nhận được phương án đề nghị tăng giá của doanh nghiệp năm ngày. Theo tiến sĩ Lê Đăng Doanh - nguyên viện trưởng Viện Quản lý kinh tế trung ương, sự xem xét muộn màng của Bộ Tài chính cho thấy sự thiếu nhanh nhạy của người làm chính sách. Đây là một trong những nguyên nhân chính gây ra việc hàng loạt cây xăng lợi dụng để găm hàng, trục lợi.

Quản lý nhà nước phải chịu trách nhiệm trước thực tế người dân phải dắt bộ hàng chục cây số tìm mua xăng. Ngoài ra, sự giám sát, kiểm tra của lực lượng chức năng cũng lỏng lẻo nên mới có hiện tượng cây xăng thì hết hàng, trong khi cách đó 50-100m hàng chục “cột xăng mini” mọc lên bán với giá cao buộc người tiêu dùng phải chấp nhận.

Quy định hoa hồng cho các đại lý

Trong chỉ đạo lần này, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải còn yêu cầu Bộ Tài chính khẩn trương điều chỉnh quy định về hoa hồng cho đại lý phù hợp thực tiễn hoạt động sản xuất kinh doanh. Theo quyết định số 2645 năm 2005 của Bộ Thương mại (nay là Bộ Công thương), mức thù lao, hoa hồng cho đại lý bán xăng dầu là do các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối tự thỏa thuận.

Xét ở góc độ cạnh tranh thị trường, việc mỗi doanh nghiệp quy định một mức hoa hồng là điều bình thường. Có cạnh tranh, doanh nghiệp mới đưa ra những chính sách, điều kiện và dịch vụ tốt nhất nhằm lôi kéo đại lý, cửa hàng bán nhiều xăng dầu giúp tăng thị phần cho mình. Nhưng do quản lý không tốt, cạnh tranh không lành mạnh đã xảy ra, mức hoa hồng có lúc lên trên 1.000 đồng/lít xăng dầu, chủ yếu để giành giật đại lý chứ không phải phục vụ người dùng.

Sự giành giật này còn cho thấy cả doanh nghiệp đầu mối và đại lý đều phớt lờ quy định về “một đầu mối - một đại lý”. Tâm lý e ngại đại lý sẽ bỏ đi khiến các doanh nghiệp đầu mối o bế quá mức, mới xảy ra tình trạng một đại lý có thể đi mua xăng dầu từ nhiều nguồn khác nhau. Sự lộn xộn này dẫn đến mất kiểm soát chất lượng xăng dầu là điều dễ hiểu.

Tuy nhiên, việc để doanh nghiệp đầu mối tự thỏa thuận mức chiết khấu với đại lý phải nhắm đến một thị trường bán lẻ cạnh tranh thực thụ. Nếu không, sự thỏa thuận mang hàm ý kinh tế thị trường kia sẽ mất hết ý nghĩa, dẫn đến sự lộn xộn trên thị trường như thời gian vừa qua.

Để xử lý vấn đề này, Bộ Tài chính dự kiến nâng chi phí kinh doanh xăng dầu lên mức 860 đồng thay vì 600 đồng, được cho là quá lạc hậu. Mức chiết khấu cho đại lý không quá 50% chi phí kinh doanh, tức là không cao quá 430 đồng/lít. Rất nhiều lần lãnh đạo Chính phủ cũng như Bộ Tài chính, Bộ Công thương đăng đàn khẳng định sẽ điều hành hoạt động kinh doanh xăng dầu theo thị trường. Nhưng điều hành đến mức Nhà nước quy định mức chiết khấu và quyết định giá bán lẻ thì thật khó giải thích ý nghĩa của từ “thị trường”.

Nhiều chuyên gia cho rằng trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn, kiềm chế lạm phát và để bảo vệ người tiêu dùng, Nhà nước cần có một thông điệp rõ ràng trong việc điều hành doanh nghiệp đầu mối xăng dầu để tránh bị lợi dụng.

Cần sửa đổi căn bản Nghị định 84

Thực hiện chỉ đạo của Phó thủ tướng, Bộ Tài chính cho biết đang nghiên cứu để xem xét rút ngắn thời gian phản hồi về đề nghị điều chỉnh giá xăng dầu của doanh nghiệp cũng như quy định về mức chiết khấu hoa hồng cho các đại lý. Để giải quyết rốt ráo những tồn tại của thị trường xăng dầu, trong đó có việc găm hàng để đầu cơ trục lợi, Bộ Tài chính cho rằng cần thiết phải sửa đổi căn bản quy định tại nghị định 84 về kinh doanh xăng dầu.

Bộ Công thương đã được giao chủ trì nghiên cứu sửa đổi nghị định 84. Một trong những nội dung quan trọng là sửa quy định “thương nhân xuất nhập khẩu xăng dầu phải đảm bảo ổn định mức dự trữ lưu thông xăng dầu tối thiểu là 30 ngày cung ứng”, rút ngắn còn 10 ngày. Rõ ràng quy định 30 ngày không phù hợp với sự biến động của giá cả trên thị trường thế giới. Vì điều hành xăng dầu theo cơ chế thị trường thì không thể để giá xăng dầu trong nước tăng khi giá thế giới giảm và ngược lại. Các chuyên gia cho rằng chỉ có sự rút ngắn thời gian tính giá bình quân mới đảm bảo được giá xăng dầu trong nước không lạc nhịp với giá xăng dầu trên thế giới.

Bên cạnh đó, câu chuyện lỗ, lãi của ngành xăng dầu lâu nay được xem là tù mù nhất trong những chuyện tù mù. Chỉ đơn cử một trường hợp mà thấy thật khó lý giải. Đó là “anh cả” trong ngành xăng dầu - Tập đoàn Xăng dầu VN khi kinh doanh luôn kêu lỗ, còn khi lên sàn lại báo cáo lãi to. Hay kết quả thanh tra giá nhập khẩu của bốn doanh nghiệp nhập khẩu đầu mối lớn do Bộ Tài chính thực hiện hồi tháng 9 năm ngoái, một điều đáng nghi ngờ là công ty mẹ thì lỗ, còn công ty con thì lãi.

Dư luận có lý do để nghi ngờ việc chuyển lãi từ mẹ sang con. Để minh bạch chuyện lỗ lãi của doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, Bộ Tài chính cho rằng phải tính đến việc tách lợi nhuận định mức ra khỏi cách tính giá cơ sở. Ngoài ra, bộ này cũng đề nghị cần có quy định khống chế mức lợi nhuận đối với tổng đại lý và đại lý.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận