Hình ảnh khác của thượng định G20 Hamburg

DANH ĐỨC 16/07/2017 03:07 GMT+7

TTCT- Những cuộc gặp “tay đôi”, những cuộc xuống đường “loạn đả” dễ che khuất nhiều điều quan trọng khác của thượng đỉnh G20 Hamburg năm nay, nhất là khi nhìn từ vị trí những nền kinh tế “thu nhập trung bình” hoặc “đang phát triển”. Liệu những thượng đỉnh như thế này có phải là “để mà chơi”?

Biểu tình chống thượng đỉnh G20 tại Hamburg (Đức) -Reuters
Biểu tình chống thượng đỉnh G20 tại Hamburg (Đức) -Reuters

 

Chính trọng lượng kinh tế to quá khổ của G20 (cũng như G7) khiến G20 có vẻ “xa xôi” đối với người dân thường các nước.

Thượng đỉnh G20, như được giới thiệu trên website chính thức, là “một cuộc gặp ở cấp cao nhất. Các nước tham gia bao gồm các chủ thể kinh tế chủ chốt của thế giới, hai nước có dân số đông nhất thế giới, đảo quốc lớn nhất thế giới và các tổ chức quốc tế quan trọng nhất trên hành tinh này”.

Có cảm giác G20 giống như một thứ hội kín “của những nền kinh tế mạnh nhất” như G20 tự nhìn nhận: “Các nước G20 sản xuất khoảng 80% sản lượng kinh tế toàn cầu, tính theo GDP dựa trên sức mua tương đương”.

Trên bình diện khác, đây là tập hợp của “những nước xuất khẩu thành đạt nhất. Các nước G20 chiếm 3/4 thương mại toàn cầu. Trung Quốc, Hoa Kỳ, Đức và Nhật Bản là bốn nước xuất khẩu lớn nhất trên thế giới.

Trong số 20 quốc gia có lượng xuất khẩu lớn nhất trên thế giới, 15 là thành viên của G20”. Theo định nghĩa của G20, còn hai tiêu chí khác là: 1/Dân số: “Những nước có dân số đông nhất. Khoảng 2/3 dân số toàn cầu sống ở các nước thành viên G20”; 2/Diện tích: “Những nước có diện tích lớn nhất”.

Dù là theo tiêu chí nào, sức mạnh kinh tế, dân số hay diện tích lãnh thổ, đó vẫn thật sự là cuộc nhóm họp của những nhà lãnh đạo đủ sức quyết định tương lai thế giới.

Cơ hội đã hụt của thế giới 

Từng câu chữ của từng đề mục trong Tuyên bố chung của các lãnh đạo G20 đều tóm tắt ý chí tập thể đã được tất cả đồng thuận sau những tranh luận, thậm chí vào giờ chót vẫn còn hi vọng sẽ xoay chuyển tình hình.

Điều đó cũng đã diễn ra trước khi tuyên bố chung này được thông qua và công bố. “Phép lạ” đã không diễn ra, kết quả không nhiều nhặn gì và có thể nói: thế giới đã bỏ qua một cơ hội.

Cơ hội đánh mất đó thể hiện trong tuyên bố chung: “Chúng tôi ghi nhận quyết định của Hoa Kỳ rút khỏi Thỏa thuận chung Paris. Hoa Kỳ tuyên bố sẽ chấm dứt ngay việc đóng góp hiện tại của họ trên toàn quốc”.

Thỏa thuận Paris được thông qua ngày 12-12-2015 trong khuôn khổ Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC) nhằm làm giảm thải khí CO2 trên toàn cầu từ năm 2020.

Câu sau của tuyên bố chung cho thấy cơ hội bỏ lỡ ra sao: “Các nhà lãnh đạo G20 khác tuyên cáo rằng Hiệp định Paris là không thể đảo ngược”.

Điều này cho thấy một lần nữa thế giới lại rơi vào tình cảnh “tháp Babel”, càng phát triển, càng chia rẽ và không hiểu nhau. Sự tiếc nuối này có thể sờ thấy được qua câu: “Chúng ta có thể thành tựu hơn nữa khi cùng nhau hơn là một mình hành động”.

Nhưng may mắn vẫn có sự dứt khoát trong đó: “Chúng tôi nhắc lại tầm quan trọng của việc thực hiện cam kết của UNFCCC đối với các nước phát triển trong việc cung cấp các phương tiện thực hiện bao gồm các nguồn lực tài chính để hỗ trợ các nước đang phát triển trong việc giảm nhẹ và thích ứng phù hợp với kết quả của Paris và ghi nhận báo cáo của OECD về “Đầu tư vào khí hậu”.

Từ đó, có thể hiểu ý nghĩa phát biểu của Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc tại Phiên thảo luận về phát triển bền vững, biến đổi khí hậu và năng lượng:

Việt Nam là một trong những quốc gia chịu tác động nặng nề nhất của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, đồng thời cũng chịu tác động tiêu cực của việc khai thác và sử dụng không bền vững nguồn tài nguyên nước sông Mekong.

Việt Nam sẽ nỗ lực… ứng phó biến đổi khí hậu; đã và đang lồng ghép các hoạt động ứng phó biến đổi khí hậu vào các quy hoạch, kế hoạch phát triển, thực hiện nghiêm túc việc cắt giảm 8% lượng phát thải khí nhà kính vào 2030, và có thể giảm tới 25% nếu nhận được sự hỗ trợ hiệu quả của quốc tế...”.

Không phải "để mà chơi" 

Nếu nhìn đến những tổn thất toàn cầu do biến đổi khí hậu, sẽ càng hiểu sự tiếc nuối cơ hội đã hụt này.

Các hội nghị G20 không phải “để mà chơi” mà là để thực sự cùng đối diện những thách thức mang tính toàn cầu của năm đó, những thách thức cho cả những nước phát triển nhất lẫn những nước mới nổi hoặc còn lận đận.

Có thể nêu một vấn đề đương thời cấp thiết mà các nước G20 tuyên bố cần cùng nhau đối diện: chuyện thặng dư năng lực sản xuất cùng sản lượng như tình trạng dư thừa thép.

Tuyên bố chung năm nay nêu phương hướng: “Chúng tôi khẩn trương kêu gọi xóa bỏ các trợ cấp làm méo mó thị trường và các hình thức hỗ trợ khác của các chính phủ…

Chúng tôi kêu gọi các thành viên Diễn đàn toàn cầu về năng lực sản xuất thép thặng dư, đã được Hội nghị thượng đỉnh Hàng Châu (2016) ủy nhiệm, thực thi các cam kết của họ về việc tăng cường chia sẻ thông tin và hợp tác vào tháng 8-2017, nhanh chóng xây dựng các giải pháp chính sách cụ thể nhằm giảm công suất dư thừa sản xuất thép.

Chúng tôi mong đợi một báo cáo chính thức với các giải pháp chính sách cụ thể vào tháng 11-2017, làm cơ sở cho hành động chính sách cụ thể và nhanh chóng và báo cáo tiến độ theo dõi vào năm 2018”.

Còn nhiều vấn đề "thời thượng" tương tự được đặt ra cụ thể và đầy đủ như thế ở G2. Từ đó, có thể hiểu tại sao vào thuở ban đầu, G20, gồm cả các nước thành đạt lẫn mới nổi, được xem như như sự thay thế hợp lý hơn vai trò của G-7 vốn chỉ gồm các nước thành đạt. Nhưng giờ thì sự thay thế đó xem ra vẫn chưa vận hành đủ tốt.■

Trong góc nhìn về G20 như một câu lạc bộ của những “tai to mặt lớn” nhất hành tinh, việc được (hay không được) đặc biệt mời tham dự G20 hằng năm là một vấn đề thể diện quốc gia.

Ngay sau khi G20 kết thúc, Pia Ranada của tờ Rappler (Philippines) ngày 10-7 đặt câu hỏi: “Bị lờ tịt? Chủ tịch ASEAN Duterte đã không được mời đến thượng đỉnh G20”. Tác giả bài báo viết:

“Dù là chủ tịch ASEAN năm nay, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã không được mời đến Hội nghị thượng đỉnh G20 có uy tín tổ chức tại Hamburg, Đức vào tuần trước. Quyết định không mời Tổng thống Duterte là khác thường do theo truyền thống, Chủ tịch ASEAN được mời đến Hội nghị thượng đỉnh G20.

Năm 2016, Chủ tịch Lào Bounnhang Vorachith và năm 2015, Thủ tướng Malaysia Najib Razak đều được mời bởi cùng lý do... Chủ tịch ASEAN thường được mời tới hội nghị thượng đỉnh do tầm quan trọng ngày càng tăng của khu vực Đông Nam Á”.

Vấn đề không chỉ là câu chuyện ông Duterte được mời hay không, mà là “ASEAN vắng mặt trong khi khu vực này với khoảng 700 triệu người, có dân số lớn thứ ba chỉ sau Trung Quốc và Ấn Độ; GDP của cả 10 nước ASEAN năm 2013 dư đủ để được xem là nền kinh tế lớn thứ bảy thế giới.

Chưa hết, đến năm 2050 khu vực Đông Nam Á dự kiến phát triển hơn nữa để trở thành nền kinh tế lớn thứ tư thế giới”. Pia Ranada đặt câu hỏi: “Liệu đây có phải là một cơ hội bị lỡ hay không?”.

Philippines tháng 7-2017 vẫn đang khốn khổ vì các nhóm khủng bố Hồi giáo được cho là theo IS “làm mưa, làm gió” tại Marawi. Tác giả tiếc cho việc ông Duterte vắng mặt ở G20 - nơi rất tập trung vào "giải quyết vấn đề khủng bố, đấu tranh chống tham nhũng”. Khủng bố cũng đã không còn là một vấn đề riêng của Philippines trong khu vực.

Tuy nhiên, ASEAN có một đại diện chính thức khác được mời dự thượng đỉnh G20. Đó là Tổng thư ký ASEAN Lê Lương Minh, với tư cách là đại diện của tổ chức khu vực này.

Năm nay, Việt Nam - một nước ASEAN - còn được mời với tư cách nước chủ nhà của Thượng đỉnh APEC. Singapore được mời bởi tư cách là đại diện “Nhóm quản trị toàn cầu“(Global Governance Group, 3G, một nhóm không chính thức quy tụ 30 nước nhỏ, chung mục đích thúc đẩy minh bạch và rộng mở hơn nữa của G20).

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận