TTCT - Từ 19-3, biểu tình đã nổ ra ở thủ đô và nhiều thành phố lớn Thổ Nhĩ Kỳ (TNK) sau biến cố lãnh đạo chính của phe đối lập bị chính quyền bắt giữ. Ảnh: Reuters Người biểu tình khua chảo, nồi, nhảy nhót và hô to khẩu hiệu: "Zıplamayan Tayyipçi!" ("Ai không nhảy, kẻ đó là Tayyip" - tức người ủng hộ Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan). Ngày 23-3, tòa án đã ra trát bắt thị trưởng Istanbul đối lập Ekrem Imamoglu sau khi quản thúc ông từ 19-3.Các cuộc xuống đường không chỉ diễn ra ở Istanbul mà còn ở hàng chục thành phố khác trong làn sóng biểu tình được cho là lớn nhất từ năm 2013. Người biểu tình yêu cầu chính phủ từ chức và hô vang khẩu hiệu "Tổng thống Imamoglu". Trong cuộc bầu cử sơ bộ của Đảng Nhân dân cộng hòa TNK (CHP, đối lập) diễn ra ngày 23-3, gần 15 triệu cử tri đã đề cử ông Imamoglu làm ứng cử viên tổng thống. Chủ tịch CHP lưu ý kết quả bầu cử sơ bộ đặt ra nghi vấn về tính hợp pháp của Tổng thống Erdogan và khiến cuộc bầu cử sớm trở nên "không thể tránh khỏi".Đối phó bầu cử sớm?Dù cuộc bầu cử tổng thống tiếp theo ở TNK được lên lịch vào tháng 5-2028, ông Erdogan đã quyết định đi trước một bước và giáng đòn quyết định vào đối thủ cạnh tranh chính Imamoglu. Chính trị gia có ảnh hưởng này đã đánh bại các ứng viên của Đảng Công lý và phát triển (AKP) cầm quyền bốn lần trong cuộc chiến giành chức thị trưởng Istanbul. Theo thăm dò, Imamoglu sẽ dẫn trước Erdogan 5-7 điểm phần trăm nếu cuộc bầu cử được tổ chức vào ngày 23-3.Dù chính thức thì ông Erdogan không đủ điều kiện tranh cử tổng thống lần thứ ba, nhưng theo Phó chủ tịch Hội đồng chính sách pháp lý của tổng thống Mehmet Ucum, ông vẫn có thể tái tranh cử nếu Quốc hội TNK quyết định tổ chức bầu cử sớm vào nửa cuối năm 2027. Mặt khác, phe đối lập, trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế, lạm phát cao và đồng lira mất giá, cũng đề xuất tổ chức bầu cử sớm.Khả năng bầu cử tổng thống sớm tăng cao có thể là lý do cho vụ bắt giữ ông Imamoglu. Ngày 19-3, bốn ngày trước đại hội CHP, chính trị gia này cùng khoảng 100 nhân viên khác của chính quyền Istanbul bị bắt giữ. Họ bị buộc tội tham nhũng, hối lộ và hợp tác với khủng bố người Kurd.Liên quan đến các đảng của người Kurd ở TNK, thì Đảng Công nhân người Kurd (PKK), đã bị cấm và bị coi là khủng bố. Thủ lĩnh PKK Abdullah Ocalan thụ án chung thân trong tù từ năm 1999 và thực tế PKK đã ngừng hoạt động ở TNK từ năm 2015.Còn Đảng Dân chủ nhân dân (HDP), cũng của người Kurd nhưng hoạt động hợp pháp, đã vượt qua ngưỡng cần thiết trong cuộc bầu cử quốc hội để có phe riêng. Chính quyền Istanbul thời ông Imamoglu hợp tác với HDP trong nhiều vấn đề về cải thiện môi trường kinh doanh và đời sống của thành phố lớn nhất nước, với 15 triệu dân, tức gần 1/5 dân số TNK. Hiện có hơn 20 triệu người Kurd sinh sống ở TNK, tức 1/4 dân số. Do đó, các nhà phân tích nói trên tờ Argumenti rằng "mối đe dọa người Kurd phần lớn bị Erdogan thổi phồng… nhằm đánh lạc hướng sự chú ý của xã hội, đồng thời giành được sự ủng hộ của những người theo chủ nghĩa dân tộc và Hồi giáo".Về văn hóa, tôn giáo, có thể nói một nửa ủng hộ TNK thế tục, nửa kia ủng hộ đạo Hồi. Những người ủng hộ chủ nghĩa thế tục có khuynh hướng thân châu Âu. Họ sống ở các thành phố lớn dân số hơn 1 triệu người và vùng duyên hải. Đó là lý do tại sao phe đối lập giành chiến thắng ở Istanbul, Ankara, Izmir và Antalya. Họ có thu nhập cao hơn, chỉ số giáo dục cao hơn và năng động hơn. Còn những người ủng hộ Hồi giáo đa số sống ở tỉnh lẻ, không giàu có, nhưng chiếm số đông cử tri.Điều đáng chú ý là TNK là quốc gia phi Hồi giáo cuối cùng trong khu vực. Ngày xưa, Afghanistan, Iraq, Syria, Ai Cập từng là những quốc gia thế tục, giờ chỉ còn lại TNK. Mặt khác, họ là thành viên NATO. Về lập trường đối ngoại của Imamoglu, ông chưa đưa ra bất kỳ tuyên bố gay gắt nào, nhưng nhìn chung đảng của ông gắn bó chặt chẽ với Liên minh châu Âu và NATO, coi phương Tây là hình mẫu.Kamran Gasanov, tiến sĩ khoa học chính trị tại Đại học Salzburg, Áo, cho biết: "Những người ủng hộ Imamoglu và Đảng Cộng hòa của ông, về cơ bản là những người thừa kế của (nhà sáng lập cộng hòa thế tục TNK) Ataturk, hướng tới phương Tây, các điểm tham chiếu của họ là EU, Hoa Kỳ, nền dân chủ phương Tây, nên sẽ không có chuyện Hồi giáo hóa TNK trong trường hợp họ giành chiến thắng... Nếu Imamoglu lên nắm quyền, TNK sẽ gần gũi hơn với EU và hội nhập sẽ được tăng cường".Ảnh: ft.comNgược lại, ông Erdogan xây dựng mối quan hệ dựa trên nguyên tắc cân bằng, giữ TNK giữa các cực ảnh hưởng, nhận được lợi ích kinh tế và chính trị từ cả phương Tây lẫn Nga hay Trung Quốc. Với TNK, sự cân bằng này đã trở thành cơ sở cho sự ổn định đối ngoại, dù chính sách đa hướng này có thể bị khai thác gây ảnh hưởng tiêu cực cho hình ảnh Ankara.Chẳng hạn, trong khi cáo buộc phe người Kurd là "khủng bố", có vẻ như ông Erdogan đã phớt lờ hiểm họa khủng bố thật sư: Vài tháng trước, Bộ trưởng Nội vụ Thổ Nhĩ Kỳ thông báo rằng sau cuộc khủng bố tại Tòa thị chính Crocus ở Nga làm 145 người chết và hơn 500 người bị thương, khoảng 1.500 thành viên IS đã bị giam giữ tại TNK, một số trong đó thừa nhận đã đào tạo các tay súng tấn công khủng bố ở Nga. Người ta chưa quên thời kỳ 2014-2018, TNK đã trở thành hành lang trung chuyển cho hàng chục nghìn lính thánh chiến từ khắp nơi trên thế giới và là căn cứ hậu phương của IS. Hiện chính quyền TNK đang gặt hái "thành quả" của chính sách đó, khi Ankara cố gắng sử dụng các chiến binh Hồi giáo cực đoan để lật đổ thành công chế độ Bashar al-Assad ở Syria và mở rộng sự bành trướng trong khu vực.Gặp khó với cả anh em xa, láng giềng gầnVới láng giềng gần, khẩu hiệu của ông Erdogan "không có vấn đề gì với hàng xóm" bị phe đối lập chế thành "không quan hệ gì với hàng xóm". Trong khi mọi người đã quen với sự thù địch trong mối quan hệ giữa TNK và Armenia (vì vụ đế chế Ottoman diệt chủng người Armenia năm 1915) hay Hy Lạp (tranh chấp biển đảo), thì rạn nứt trong quan hệ với Israel trong thời gian Erdogan nắm quyền là mới và đã tác động tiêu cực đến quan hệ kinh tế của TNK.Sự ủng hộ Ankara dành cho tổ chức Anh em Hồi giáo ở Ai Cập và Tunisia từ lâu đã gây tổn hại cho mối quan hệ của họ với các quốc gia này, và triển vọng khôi phục ổn định ở Syria, nơi những người ủng hộ hệ tư tưởng Anh em Hồi giáo đã nắm quyền với sự giúp đỡ của TNK, vẫn chưa rõ ràng. Không thể loại trừ khả năng cuộc nội chiến Syria sẽ tiếp diễn, giống như trường hợp Libya. Các cuộc không kích bằng tên lửa và bom của không quân TNK vào miền bắc Iraq không giúp củng cố mối quan hệ giữa Ankara với Baghdad. Tehran cũng không hài lòng với sự can thiệp của TNK vào xung đột ở Syria và Nagorno-Karabakh.Chính sách của ông Erdogan trong quan hệ với Washington, Brussels, Bắc Kinh và Matxcơva cũng không nhất quán và mang tính cơ hội. Với sự trở lại của chính quyền Trump, Erdogan đang cố gắng sửa đổi mối quan hệ vốn xấu đi trong thời Biden. Trong cuộc điện đàm gần đây với Trump, Erdogan đã lưu ý tầm quan trọng của các sáng kiến của Hoa Kỳ nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine, bày tỏ hy vọng dỡ bỏ các lệnh trừng phạt hạn chế với Syria và TNK, phối hợp nỗ lực chống khủng bố, hoàn tất quá trình mua và hiện đại hóa máy bay chiến đấu F-16 và khôi phục sự tham gia của TNK vào chương trình sản xuất F-35.TNK là thành viên tích cực của NATO và tiền đồn của liên minh ở sườn phía nam, nhưng họ lại có quan hệ đặc biệt với Nga. Bất chấp bất đồng về một số vấn đề quốc tế, Ankara và Matxcơva tiếp tục hợp tác tích cực trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại, hậu cần, năng lượng và du lịch. Cùng lúc, chính quyền Erdogan cũng đưa ra những tuyên bố và hành động chống Nga. Gần đây, Bộ Ngoại giao TNK một lần nữa nhấn mạnh Ankara không công nhận cuộc trưng cầu ý dân của Nga ở Crimea và coi đây là hành vi vi phạm luật pháp quốc tế. TNK cũng tiếp tục cung cấp máy bay không người lái, xe bọc thép, đạn dược và các thiết bị quân sự khác cho Ukraine.Khó thể nói cuộc chiến của Erdogan với phe đối lập lần này sẽ kết thúc thế nào, nhưng có vẻ xã hội TNK đã bắt đầu mệt mỏi khi chính quyền vẫn chưa giải quyết tốt các vấn đề cấp bách của người dân. Đất nước trượt sâu hơn vào cuộc khủng hoảng tài chính và kinh tế, lạm phát tăng vọt, đồng lira mất giá, giá cổ phiếu đang liên tục giảm. Stanislav Ivanov, nhà nghiên cứu tại Viện Hàn lâm khoa học Nga, nhận định: "Không phải ai ở TNK cũng thích sự thay đổi so với truyền thống thế tục thời Ataturk, sự Hồi giáo hóa xã hội, tham vọng hậu đế quốc của Erdogan, quá trình hội nhập kéo dài với EU, đàn áp phe đối lập và các vấn đề khác trong chính sách đối nội và đối ngoại của nhà nước. Có thể nói rằng người dân Thổ Nhĩ Kỳ đang chờ đợi những thay đổi tích cực".■ Những bình luận đầu tiên từ giới chức Hoa Kỳ về tình hình TNK hiện có phần thận trọng. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Tammy Bruce lưu ý rằng "chúng tôi sẽ không bình luận về quá trình ra quyết định nội bộ của quốc gia khác", dù vẫn nói "quyền của tất cả công dân" TNK phải được tôn trọng. Tổng thống Mỹ Donald Trump, trong họp báo ở Florida hồi tháng 1-2025, đã gọi ông Erdogan là "bạn tôi, một người tôi tôn trọng". (TNK có tầm quan trọng đặc biệt với việc đảm bảo để Mỹ rút phần lớn quân khỏi Syria trong nhiệm kỳ tổng thống trước). Nga cũng phản ứng thận trọng trước những diễn biến mới ở TNK. Thư ký báo chí của tổng thống Nga Dmitry Peskov cho biết các cuộc biểu tình trên đường phố là vấn đề chủ quyền của TNK và không thể là lý do cho cuộc điện đàm giữa Vladimir Putin và Erdogan. Bạn đang đọc trong chuyên đề "Thổ Nhĩ Kỳ tấn công người Kurd Tiếp theo Tags: Thổ Nhĩ KỳTổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip ErdoganBầu cửNgaĐối lập
Một lịch sử sơ lược địa lý hành chánh Việt Nam: Có bao nhiêu cách gọi tỉnh? PHẠM HOÀNG QUÂN 31/03/2025 2641 từ
Giá vàng bất ngờ sập mạnh ÁNH HỒNG 01/04/2025 Cuối ngày 1-4, giá vàng trong nước bốc hơi nửa triệu đồng/lượng sau khi xuất hiện dấu hiệu điều chỉnh giá vàng thế giới.
Lần đầu tiên Đại sứ Mỹ Marc Knapper đến viếng mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp QUỐC NAM 01/04/2025 Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Marc Knapper đã đến viếng mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Vũng Chùa, xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình.
Novaland tăng thù lao cho ông Bùi Thành Nhơn, CEO Vinhomes nhận thu nhập gần 18 tỉ BÌNH KHÁNH 01/04/2025 Nhiều công ty trong ngành bất động sản, xây dựng công bố báo cáo tài chính kiểm toán năm 2024, qua đó tiết lộ thu nhập lãnh đạo quản lý. Việc trả thù lao ở Novaland cũng hé lộ, trong đó thù lao cho ông Bùi Thành Nhơn đã được tăng lên.
Thượng nghị sĩ Mỹ phát biểu chỉ trích ông Trump suốt đêm THANH BÌNH 01/04/2025 Ông Cory Booker, thượng nghị sĩ Đảng Dân chủ, có bài phát biểu nhiều giờ chỉ trích những hành động 'vi hiến' của Tổng thống Trump vào cuối ngày 31-3, và đến sáng 1-4 (giờ địa phương) vẫn chưa ngừng nói.